Ngày hiệp kị và tuyên dương phát thưởng cho các cháu học khá giỏi từ Tiểu học đến Đại học của giòng tộc Nguyễn Văn ở An Định, An Bằng là một nét văn hóa đặc sắc tìm về nguồn cội cần được các họ tộc trên quê hương An Bằng nhân rộng và phát huy.

Người An Bằng nói chung và họ tộc Nguyễn Văn nói riêng, tuy đã ra đi định cư ở nhiều nơi, lấy nơi ở mới làm quê hương thứ hai của mình, nhưng một số không ít bà con cỡ trung và lão niên hiện giờ vẫn nuôi ước ao một ngày nào đó về lại với ông bà, tổ tiên trên mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.  Nói là ước ao, bởi không phải ai cũng có điều kiện để “hồi hương” lúc về quê, nhất là những bà con ở tận bên kia bờ đại dương, mong để được gặp anh em bà con vào một dịp nào đó.  Không chỉ là người ở xa mà ngay cả những người trong làng chưa bao giờ có cơ hội để gặp nhau, nhận biết nhau là bà con.

Thông thường ,hiệp kị chỉ có mời con trai, gái, cháu trai, gái nội trong họ tộc, nhưng hôm nay đây, ngày 09 tháng 9 năm Bính Thân, cũng là ngày hằng năm họ tộc Nguyễn Văn lấy ngày làm hiệp kị.  Điều đặc biệt nhất, ngoài con cháu trai, gái ra, Họ tộc Nguyễn Văn còn mời đến cả con cháu trai, gái ngoại trong tất cả các phái, chi, nhánh.  Đây là cơ hội để mọi người nhận biết bà con nhau.  Ngoài những câu chào như: “chào anh, chị, o, chú, bác, ông có khỏe không, còn có thêm những câu nói bất ngờ “A!  Anh, chú, bạn cũng đi kị ở đây à?  Mình bà con nhau sao?  Vậy mà lâu nay không biết hè?”  Rồi những tiếng cười rôm rã, những lời nói mang đầy tâm sự đã tạo ra một không khí trong ngày hiệp kị không kém phần trang nghiêm và vui nhộn.
Phần mở đầu của chương trình là tiếp đón quan khách làng, phường, con cháu nội ngoại.

Phần thứ hai là tuyên dương khen thưởng cho các cháu học giỏi và khá của các cấp, phần thưởng là giấy khen và tiền: Đại học 500.000 đ/cháu; cấp ba 200.000 đ; cấp hai, giỏi 200.000 đ, khá 150.000 đ; tiểu học 100.000đ.  Hội khuyến học của họ tộc Nguyễn Văn được thành lập vào năm 2000, tính đến nay đã được 16 năm và tổ chức tuyên dương khen thưởng một năm một lần.

Phần thứ ba là lễ dâng hương lên các ngài Thủy Tổ đã có công khai sáng ra giòng Tộc Nguyễn Văn.  Theo gia phả của họ tộc Nguyễn Văn ghi lại: Ngài Thủy Tổ Nguyễn Văn Qúy Công gốc là người Quảng Nam, sau một lần trở về quê thăm gia đình, đi ngang vùng đất An Bằng, ngài thấy ở nơi đây đất đai màu mỡ, cuộc sống bình an.  Vì vậy sau khi trở vào lại ,ngài đã quyết định lập nghiệp tại quê hương An Bằng và kết hôn với bà Lê Thị Qúy Nương thuộc giòng tộc Lê Văn Khai Khẩn, kể từ đó sinh hạ ra rất nhiều con cháu, tính đến nay đã được 12 đời.

Phần thứ tư là bữa tiệc liên hoan thân mật, tất cả cô bác, anh em, con cháu quay quần bên bàn tiệc với những lời hỏi thăm sức khỏe, công việc và cũng có những câu hỏi thắc mắc như: “Anh hay chú hay o hay chị….đi kị ở đây là ở bên ông mô?”  Và những thắc mắc đó đã được giải đáp, đồng thời nó làm tăng thêm tinh thần đoàn kết và sự gắn bó của các anh em con cháu keo sơn hơn.

Phần thứ năm là giao lưu văn nghệ, trao cho nhau những câu hát yêu thương, ngọt ngào và đằm thắm.  Ở đây không phân biệt tuổi tác, già,trung niên, thanh niên, trẻ em đều được lên hát và không quên, sau một bài hát đều có những tràng vỗ tay thật là nồng nhiệt để chúc mừng bài ca.

Cuộc vui nào cũng tàn, chia tay trong bữa tiệc ra về ai nấy trong tâm mang đầy những hoài bảo, những luyến tiếc, mong rằng sẽ có cơ hội cho những lần tiếp theo.
Bác Nguyễn Văn Cẩn – Trưởng họ tâm sự: “Tôi rất lấy làm vui khi được tổ chức như thế này.  Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên có sai sót, nhưng qua nhiều lần rút kinh nghiệm, chúng tôi lại chuẩn bị chu đáo hơn.  Từ khi tổ chức cho đến nay cũng được mười lăm lần.  Có điều kiện thì hai năm một lần, không có điều kiện thì ba năm một lần và tôi cũng mong ước ao tất cả các họ tộc trên khắp quê hương An Bằng chúng ta tổ chức như họ tộc chúng tôi để tạo điều kiện, cơ hội cho con cháu biết nhau và tăng thêm phần đoàn kết.”

Thiết nghĩ: Chỉ mong sao, tập quán hiệp kị hằng năm của họ tộc Nguyễn Văn vẫn được duy trì một cách đều đặn và nghiêm túc trong các Chi, Tộc, Phái và các họ tộc khác trên quê hương An Bằng cần được học hỏi và nhân rộng.  Vì đó chính là thể hiện đạo lý làm người mang ý thức “cây có cội, nước có nguồn, người có tông, chim có tổ”; là một đạo Hiếu, một truyền thống văn hóa nhân bản đặc sắc và khá độc đáo của người Làng An Bằng, mà không phải nơi nào cũng có được.

Lê Bát