10/22/2016
Làng An Bằng có nguồn gốc từ Thôn An Ba từ Quảng Bình.  Vào một lần thăm viếng tại xứ sở xưa, thôn An Ba nay chính là Hà Thôn.
Ghi chú: đây là bản trích của anh Lê Bát, nên nếu có sự sai biệt, xin các vị trưởng thượng tha thứ và bổ sung cho.

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT CÁI TÊN THÔN AN BA XÃ CỪ HÀ CỦA TỔ TIÊN TA Ở QUẢNG BÌNH NGÀY NAY CÓ TÊN GỌI LÀ GÌ?

Theo di chỉ của làng An Bằng ghi lại thì các ngài Thủy Tổ khai canh Nguyễn, Trần, Huỳnh, và sau này thêm vào họ Trương đã di cư từ Thôn An Ba, Xã Cừ Hà, Tổng Tân Bình khoảng vào năm 1568.  Đến năm 1571 các ngài mới đưa gia đình, bạn bè vào đây để xây dựng và định cư, đặt tên làng (ấp) là An Đôi.  Đến đời Chúa Ngãi (Nguyễn Phúc Thái 1687-1691) vì kiêng húy bà mẹ của Chúa Ngãi là Tống Thị Đôi, nên được Ngài đổi tên từ làng (ấp) An Đôi thành làng (ấp) An Bường thuộc nội phủ Diêm Trường, huyện Phú Vang (Từ năm 1490, vào thời Hậu Lê, tên gọi xứ Thuận Hóa chính thức ra đời, gồm có 2 phủ, 8 huyện và 4 châu. Địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn này thuộc phủ Triệu Phong, gồm các huyện: Đan Điền (sau là Quảng Điền và một phần Phong Điền); huyện Kim Trà (sau là Hương Trà, một phần huyện Phong Điền và Hương Thủy); huyện Tư Vinh (sau là Phú Vang và Phú Lộc).  Lúc bấy giờ, Thuận Hóa là một đơn vị hành chính cấp tỉnh.  Năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam.  Dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn, vùng đất Thừa Thiên Huế nhanh chóng được khai thác.   Đất đai trồng trọt mở rộng thêm, làng xóm được hình thành ở khắp đồng bằng ven biển, vùng đầm phá, gò đồi.  So với thời Lê – Mạc, diện tích ruộng đất và làng xã đã tăng lên rất nhiều. Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ là ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền thuộc phủ Triệu Phong, có 23 tổng, 234 xã, 23 thôn, 77 phường, 1 giáp, 1 châu và 3 sách ).  Đời Gia Long năm thứ 10 được đổi lại là An Bằng mãi cho đến ngày nay.  Sau năm 1975, An Bằng là Xã An Bằng, Huyện Hương Phú, tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1982 xác nhập hai xã Hà Úc với An Bằng thành Xã Vinh An, huyện Hương Phú, Tỉnh Bình Trị Thiên.  Đến năm 1986 có tên gọi theo hành chính là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.  Kể từ đó cái tên Làng An Bằng đã đi vào lịch sử và cái tên Thôn An Ba, Xã Cừ Hà không còn ai biết đến nữa.  Hình như nó đã đi vào huyền thoại.

Thôn An Ba dưới thời Nguyễn còn có tên gọi là Làng Hà Thôn

Làng Hà Thôn thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, là một làng cổ nằm ven biển Nhật Lệ, được hình thành vào đầu thế kỷ XV với tên gọi là Cừ Hà, thuộc huyện Khang Lộc. Dưới thời chúa Nguyễn, Cừ Hà được gọi là Hà Thôn, thuộc tổng Trung Quán, huyện Khang Lộc. Địa giới của Cừ Hà lúc ấy rất rộng, từ bãi Ngang (Quang Phú ngày nay) xuống đến Hải Ninh, Quảng Ninh và dọc hai bờ sông Nhật Lệ từ Võ Xá ra tới cửa biển Nhật Lệ.  Năm 1819, thuộc tổng Võ Xá, huyện Khang Lộc.  Đầu thế kỷ XX thuộc tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh. Sau 1954 thuộc xã Bảo Ninh.

Hà Thôn có nghề truyền thống là nghề làm muối. Nghề này đã có từ lâu. Sách “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An (thế kỷ XVI) chép: “Hai xã Hà Cừ, Động Hải vẫn nấu muối xưa nay,” chứng tỏ ở đây nghề muối được hình thành muộn nhất cũng từ thời nhà Mạc.

Thời Pháp thuộc, nghề muối ở đây không được phát triển do sự quản lý, cấm đoán của thực dân Pháp.  Sau Cách mạng tháng Tám, nghề muối được phục hồi và phát triển.

Đến Hà Thôn hôm nay, du khách sẽ được tắm biển, thưởng thức những đặc sản từ biển hay tìm hiểu thêm những nét văn hoá của một làng biển.

– Địa điểm: Thôn Hà Thôn, Xã Bảo Ninh – Thành phố Đồng Hới – Tỉnh Quảng Bình.

– Lê Bát và Văn Công Hóa đã đến Biển Bảo Ninh vào hè 2016

Trước khi thân hữu An Bằng ra đây, các anh Văn Khuyến, Nguyễn Anh Đức, và Hồ Thanh ra tận Hà Thôn để khảo sát
(Hình: Nguyễn Anh Đức, 22/10/2016 tại Hà Thôn, được xem là nơi tổ tiên của người An Bằng)

 

Lê Bát (theo địa chỉ http://skhcn.quang binh.gov.vn/3cms/upload/khcn/File…./phan4.doc.)