(Nhà Thờ 12 Họ An Bằng – Hình từ sách Làng Xưa Tích Cũ – Văn Đình Xuân)
Kết quả của một cuộc thăm dò trên mạng xã hội Facebook về nguồn gốc tên gọi của làng An Bằng đã không làm chúng tôi ngạc nhiên lắm. Câu hỏi được đặt ra:
Tên của làng từ lúc mới thành lập gọi là gì?
- a. An Nhất
- b. An Đôi
- c. An Ba
- d. An Bường
Trong vòng năm ngày, kết quả được ghi nhận như sau:
- Không có ai chọn An Nhất
- 3 người chọn An Ba
- 17 người chọn An Đôi
- 23 người chọn An Bường
Theo kết quả trên, chúng ta thấy rằng hơn một nửa đã chọn An Bường. Có lẽ cái tên An Bường (biệt danh của làng) chỉ mới xuất hiện gần đây nên đã được chọn nhiều nhất. Một số người làng cho rằng tên An Bường là một sự mỉa mai của các làng khác trao tặng cho An Bằng. Anh Tấn Nguyễn nhắc về một câu vè mà làng Hà Úc thường nói:
“An Bường ăn cá đù đù, vô khe uống nước chỏng khu lên trời.” An Tấn cũng cho biết, tên gọi An Bường phát xuất từ sách “Công Giáo An Bằng” của Linh Mục Tiên. Điều này chứng tỏ An Bường không phải là cái tên gọi đầu tiên của làng, vì Công Giáo An Bằng chỉ ra đời tại làng khoảng chừng 50 năm nay mà thôi. Nghe kể rằng, vào thời điểm nạn đói bùng nổ tại Việt Nam sau chiến tranh thì một số người An Bằng vào Lăng Cô lập nghiệp. Họ khởi đầu bằng việc tạm đi xin ăn trong lúc tìm việc làm, hay tiếp tục nghề biển. Trong lúc đi xin ăn này, người Lăng Cô cũng có tình kêu người An Bằng là An Bường, ngụ ý lá bường mót. Vốn là nhóm người chân quê mộc mạc, nên người An Bằng đã không hiểu được thâm ý này. Lâu ngày, chúng ta được gắn với cái tên An Bường. Thật ra, đây là một sự nhầm lẫn.
Trong số ba người chọn An Ba, chắc chắn họ đã đọc được tài liệu lịch sử nào đó, hay đơn giản chỉ đoán, hoặc có thể họ chọn cho đủ số “3”. Trong lịch sử An Bằng, tổ tiên của họ bắt nguồn từ thôn An Ba, xã Cừ Hà, huyện Khang Lộc, phủ Tân Bình (nay là Quảng Bình). Vậy An Ba chỉ là một quê xưa của tổ tiên An Bằng mà thôi, chứ không phải là tên gọi của địa danh An Bằng thời bấy giờ.
Vì có sự liên quan đến An Ba, nên tổ tiên An Bằng đã đặt tên nơi miền đất mới là An Đôi. Chữ “đôi” có liên hệ với “ba” từ đó. Đôi Ba ngày, đôi ba chuyện, đôi ba người, đôi ba chữ, vân vân. Trong bài “Vài Nét Về Dân Làng An Bằng ở Hải Ngoại”, tác giả Quảng Tịnh viết:
“Vùng đất nầy được khai thác bởi một số lái thuyền thuộc Thôn An Ba, Xã Cừ Hà, Huyện Khang Lộc, Phủ Tân Bình (nay là Tỉnh Quảng Bình), trong chuyến đưa Chúa Nguyễn Hoàng đi quan sát địa hình sông núi ở xứ Thuận Quảng (năm 1571). Lúc đoàn thuyền ghé nghỉ chân tại nơi nầy, các lái thuyền thấy cảnh trí và địa thế thích hợp cho việc giao thông buôn bán, chài lưới, họ bèn xin Chúa Nguyễn Hoàng cho lập nghiệp ở đây. Sau khi đoàn thuyền đến tham quan xứ Quảng trở về, các lái thuyền thôn An Ba đưa thân thuộc và bạn bè vào đây để lập nghiệp, dựng lên phường xóm. Những lái thuyền nầy là những vị Khai Canh của Làng, được xem như Tổ Tiên của người dân An Bằng. Trong số những vị đầu tiên đó có Nguyễn Quý Công (hiệu Lĩnh), Trần Quý Công, Hoàng Quý Công, và Trương Đại Lang.
Lúc mới vào lập nghiệp, quý Ngài đặt tên cho vùng đất nầy là Phường An Đôi. Cái tên đã nói lên sự liên hệ mật thiết với Thôn An Ba tại Quảng Bình. Quý Ngài thật khéo chọn.”
Trong “Sơ Lược Lịch Sử An Bằng”, trích từ sách “Làng Xưa Tích Cũ” của Văn Đình Xuân, viết:
“Rồi năm 1570, sau lần ra bái kiến vua Lê ở Thanh Hóa, chúa Tiên Nguyễn Hoàng được trấn giữ luôn đất Quảng Nam. Chính trong lần trở về từ Thanh Hóa của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào năm 1570, tổ tiên của người An Bằng, bắt đầu có sự quan hệ với chúa Tiên-Nguyễn Hoàng trong việc đánh dẹp cũng như khai dựng, mở mang xứ Thuận-Quảng. ….Sau khi đoàn thuyền đến xứ Quảng Nam rồi trở về lại sông Ái Tử, các ngài mới trở về thôn An Ba đưa bạn bè thân thuộc vào đây để lập nghiệp, và lập nên phường xóm. Bấy giờ các ngài đặt tên phường là Phường An Đôi, có lẽ để nhớ chốn xưa là thôn An Ba.”
Trong sách “Làng Xưa Tích Cũ”, ông Văn Đình Xuân viết: “Nhớ công lao của các ngài phò tá đánh dẹp Mĩ Lương và quan sát địa hình hai xứ Thuận-Quảng, chúa Nguyễn Hoàng cũng cho phường An Đôi tại đây được miễn trừ mọi thứ thuế má chợ đò, sai dịch.”
Nguồn: Văn Đình Xuân, 1994, trang 20.
Được biết, Làng Xưa Tích Cũ sẽ được đưa lên anbangnews trong nay mai.
Trong truyện ngắn giả sử “Hương Tràm Sao Biển”, dựa vào một số dữ liệu lịch sử, Văn Đình Lang Quân viết:
“Những người đánh cá đang say mê công việc kiếm sống của họ. Hơn 12 năm nay, làng An Đôi vẫn làm một công việc như mọi ngày: rủ nhau ra biển để hoài vọng về cố hương vào mỗi buổi chiều.”
Đọc thêm: http://anbangnews.com/page/detail/vi-VN/4127/12277/huong-tram-sao-bien/anbangnews.news.html
Qua các tài liệu kể trên, câu trả lời đúng là An Đôi. An Đôi là tên của địa danh An Bằng đầu tiên. Theo tài liệu từ Làng Xưa Tích Cũ, trang 27, làng An Đôi đã đổi qua An Bằng vì húy tên của mẹ của một vị chúa Nguyễn. LXTC:
“Dưới thời Ngãi Vương Nguyễn Phúc Trăn (tức Nguyễn Phúc Thái 1687- 1691) vì kỵ tên húy của mẹ là bà Tống Thị Đôi, nên phường An Đôi được đổi thành An Bằng. Cái tên phường An Bằng thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang ra đời từ đó.”
Thời đó, An Bằng chỉ là một phường. Mãi đến năm Gia Long thứ 10 (1811), An Bằng mới chính thức là một làng. Tưởng cũng nên bình luận thêm. “Đôi” là hai, tiếng Anh là “pair”. Ta thường nói đôi đũa, đôi dép, đôi tay, đôi chân, v.v… Vì vậy, khi tổ tiên An Bằng đổi tên, họ chọn rất khéo léo. Tất cả những đôi đều bằng. Đôi xì thì có hai con ách bằng nhau. Đôi mắt thì có hai con mắt bằng nhau. Vì thời bấy giờ người ta yêu chuộng văn thơ, và nếu văn thơ thì phải đối đáp. Nên chi tổ tiên An Bằng đã chọn chữ “Bằng” để thay cho chữ “Đôi”. Thiết nghĩ, tổ tiên An Bằng thâm sâu về chữ nghĩa.
Những tài liệu này cho ta thấy rằng tên gọi An Đôi đã gắn liền với làng An Bằng trên 100 năm. Và cái tên An Bằng nối theo sau An Đôi cho đến nay gần 400 năm. Chưa bao giờ trong lịch sử khai canh, tên làng này có tên An Bường bao giờ.
Trở lại, câu trả lời đúng là An Đôi. Xin chúc mừng các bạn đã trả lời đúng.
ABN/VĐLQ
139854 73623among the best system I know, thank you very a lot . 990918