3/29/2015
Chỉ cách nhau đèo Hải Vân mà đài khí tượng dự báo ngoài ấy gió mùa, mưa lạnh. Cẩm Vân xuýt xoa: “Sao anh không gởi bớt ngoài ấy chút nắng vàng.”
Tôi cười: “Phải để du khách có dịp mộng mơ ‘mưa trên phố Huế’ chứ em”.
Nàng thầm thì với gió và tôi: “Ngày xưa mưa rơi thì sao. Bây chừ, nghe mưa lại buồn.” Bỗng chợt nàng hỏi: “Nghe nói ở Huế bây giờ có điểm tham quan ‘Thành phố tâm linh’ ở làng biển An Bằng, cách Huế vài chục cây số. Anh có biết không?”
Tôi nhanh miệng, “Quê anh Văn Nhân Đạo đấy.”
“Ôi! Ra thế hả anh?”
Nàng reo lên và hỏi tiếp “Chắc anh Văn Nhân Đạo đã đón anh về?”
“Ừ, ba lần đi với Nhân Đạo, một lần đi xe đò. Khi đến ngã ba tránh Huế, thấy anh từ trên xe bước xuống, đám xe ôm nhao nhao chạy tới: “của tao, của tao”, “ông anh về thành phố tâm linh dưới làng An bằng, hả? Anh cho 50.000đ, em đưa về tận ngõ. Dưới đó, mới hôm rồi có Việt kiều bỏ cả đống tiền xây lăng mộ cho cha mẹ như Hoàng thân quốc thích, nhưng không vừa ý lại bắt đập lại đi, xây lại cái mới gần cả tỷ bạc. Việt kiều Mỹ mà anh!”
Nghe tôi thuật lại câu chuyện bên đường, Cẩm Vân tròn xoe đôi mắt: “Anh đưa em về nơi ấy một lần, có được không?”
“Em thích thì làm sao anh không chìu. Đà Nẵng về An Bằng chưa đầy trăm cây số!”
“Ôi, gần thế thôi, hả anh. Thế thì mình đi xe máy, vi vu trên từng cây số cho thỏa thích, anh nhé”. Chẳng nói ra, chứ thực tình đi ô tô, nàng bị say xe. Khổ nổi đi xe máy đường xa lại sợ da cháy nắng. Mà Huế bữa nay đâu có nắng. Vậy mà trông nàng như sắp bay vào vũ trụ, người bịt kín mít, chỉ chừa hai con mắt nhưng lại đeo kính râm đen, gọng to trông như là “điệp viên 007”. Ôi trời, đố ai biết được tôi đèo ai sau xe!
Đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi. Cả Hải Vân Nam, Hải Vân Bắc đều ngập trắng trong mây và sương mờ. Xe máy không có đèn vàng xuyên trong sương. Tôi để số 1 cho xe bò từng mét đường, tựa vào vách núi. Không biết ngồi sau xe, Cẩm Vân bị lạnh hay sợ hãi mà run lập cập, ôm eo tôi cứng ngắt. Tim nàng đập thình thịch. Tôi nghĩ bụng: “Ôm như dính keo thế ấy, rủi có bay lên trời, rơi xuống hố, chẳng còn ai buồn cho ai”. Nàng hỏi, giọng run run: “Có thấy đường đi, không anh? Đường đèo hơn 20 cây số, mình đi gần tiếng đồng hồ rồi, vẫn chưa hết đèo”.
“Yên tâm đi em. Anh có đôi thiên nhãn, sợ gì. Sắp đến Lăng Cô rồi. Em sợ à?”
“Dạ, em chỉ sợ anh mệt thôi. Có anh ngồi trước, em sợ gì ….”
Lăng Cô còn đang ngủ trong sương mờ. Mới hơn 6 giờ sáng, quán xá bên đường cũng chẳng thèm mở cửa. “Ước gì lúc này có ly cà phê nóng, em nhỉ”. Nàng “Dạ” một tiếng nghe nồng nàn mùi cà phê bên tai tôi. Tôi tăng tốc. Qua khỏi đèo Phú Gia, Đầm phá Tam Giang hiện ra trước mắt bảng lảng sương mờ. “Đẹp quá anh ơi!”. “Ừ, nàng tiên đêm qua cũng ngủ trong sương mờ, vừa mới thức dậy”. Để rút ngắn con đường, để nàng được tận hưởng vẻ đẹp non nước, mây trời của cảng chân Mây và Phá Tam Giang, tôi rẽ phải, băng qua con đường tàu lửa Bắc Nam. Nàng cuốn quýt “Sao mình không đi thẳng đường 1”.
“Đường nào rồi cũng về đến An Bằng mà em.” Con đường đất đỏ vắt quanh chân núi, lượn quanh đầm như đưa Cẩm Vân về với cõi mơ xừa.
“Đường về xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”
“Đẹp thật! Nhưng sao anh biết lối này mà đi.”
“Một lần anh đi với nhà văn Vĩnh Quyền bằng ô tô nhưng không thích bằng đi xe máy với em lần này.”
“Sao vậy anh?”
“Anh thấy thích … thế thôi.”
“Anh thích, em cũng thích. Nhưng anh có mệt không, thấy anh chạy xe nhanh quá trời”.
“Có em ngồi ôm eo phía sau, chia đều hơi thở cho anh, sao mệt được. Còn xe máy này của Văn Nhân Đạo tặng, chạy bốc lắm”.
“Hay quá nhỉ! Đi xe của bạn, về thăm quê bạn. Đời này chỉ có anh”.
Tôi khoe với Cẩm Vân: “Hôm ấy, Nhân Đạo làm anh bất ngờ lắm. Đang ngồi nhậu với nhà văn Vĩnh Quyền, họa sĩ Vũ Dương, Hoàng Đặng, Trần Văn Liễn. Nhân Đạo đứng lên móc túi áo, trao cho anh chìa khóa và cà-vặt xe. Đây là xe máy Nhân Đạo tặng anh Chính. Mấy lần anh Chính đi xe đạp vào buổi tối, bị người ta húc vào, nguy hiểm quá. Đi xe máy cũng chưa yên đâu. Anh Chính phải lấy bằng lái ô tô. Năm sau Nhân Đạo về sẽ tậu một chiếc để “lên” đời. Ngồi trong xe 4 bánh mới an toàn hơn xe 2 bánh, chứ anh Chính. Cả bàn nhậu vỗ tay” Hay quá … hay quá… Cho bọn tui đi ké với anh Chính nhé!”
Không biết có phải vì thích thú hay mơ, mà Cẩm Vân thình lình đấm vào bả vai tôi huỳnh huỵch: “Còn em … còn em, thì sao…!”. Tôi ngoái cổ phía sau “Em làm sao vậy, Cẩm Vân?”. Nàng ấp úng “Dạ … dạ… tại em …”.
Tôi cười, “Tại em mơ chứ gì !”
Tôi dừng xe trước cổng chợ An Bằng: “Mình ăn sáng món gì đây, Cẩm Vân”. “Em đói lắm rồi, ăn thứ gì của Huế đi anh”. Tôi liếc nhìn đồng hồ, gần 8 giờ sáng! Kéo nhau vào quán bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, món nào Cẩm Vân cũng khen ngon, còn đòi lúc quanh về mua đem theo một mớ. Tôi bảo: “Ở đây còn có món mắm cá, muối dưa ngon lắm. Mỗi lần về quê, vợ Nhân Đạo chất đầy mắm dưa vào valy. Nước Mỹ, thứ gì lại không có, nhưng món ngon An Bằng thì tìm đầu ra. Nói chi xa, hũ mắm dưa Nhận Đạo cho, anh ăn dè xén, đến lúc hết rồi, cứ thòm thèm, biết ai về An Bằng mà nhờ mua mắm dưa!”
“Thế là lúc về, mình mua nghen anh. Bây giờ anh ngồi đây, chờ em vào chợ một chút”. Lát sau, Cẩm Vân quay ra, trên tay lỉnh khỉnh hương, hoa, quả. Thấy tôi chăm chăm, nàng bảo: “Chục bó hương này để em cắm nhiều nơi. Còn hoa và trái cây thắp hương cho bố mẹ anh Đạo. Tiếng là mình về thăm thành phố tâm linh mà không có nén hương, coi sao được!”.
Đi trên những con đường lao xao tiếng lá reo trong gió, thấp thoáng những ngôi nhà biệt thự, Cẩm Vân tấm tắt: “Nhà ở đây còn đẹp, lộng lẫy hơn nhà trên phố, anh ạ”. Tôi cười và đưa nàng ra “Phố Tâm Linh”.
Cẩm Vân sững sờ “Vương quốc của thế giới bên kìa mà nguy nga, độ sộ thế này, hả anh. Thật tình, em không hình dung, tưởng tượng “thành phố tâm linh” mà hoành tráng như thế này. Em nghĩ không phải những người con của An Bằng xa xứ muốn chơi trội, hoặc khoe khoang sự giàu có. Họ là những người tử tế, có tâm đức, biết trả nghĩa cho đời, biết báo hiếu cho mẹ cha, ông bà tổ tiên. Đạo làm người, khó nhất là đạo hiếu. Ai có đạo hiếu với mẹ cha ông bà thì mới nói đến đạo từ, đạo để, đạo nghĩa, đạo trung và đạo nhân. Ai thì em chưa hiểu, chứ anh Nhân Đạo thì tố chất của anh ấy đã kết tinh từ cái tên và nhìn “ngôi nhà”, nhìn chỗ cha mẹ và bà cô nằm đây thì đủ biết”. Nghe nàng nói, nhìn nàng chăm chút đặt lọ hoa và đĩa trái cây thắp hương cho cha mẹ Nhân Đạo, tôi cảm nhận ở nàng được nhiều điều đáng quý. Nàng lại đi thăm từng “nhà”, thắp từng nén hương.
Nàng trở lại chỗ tôi ngồi, tỏ ra không chút mệt mỏi: “Anh chờ em có lâu không. Tiếc quá, biết thế này, em mua thật nhiều hương”.
“Khi sáng, anh thấy em mua nhiều mà”.
“Em cũng nghĩ thế là nhiều. Té ra không thấm vào đâu, anh ạ. Thăm “nhà” người quá cố, chỉ nén hương mà “nhà” có “nhà” không, tệ quá!”.
“Em có nén hương lòng là được rồi, chẳng ai trách cứ đâu”.
“Tự trách mình mới là quan trọng, chứ anh. Thiệt tình, em thấy “nhà” nào cũng đẹp, mỗi “nhà” là một kiểu kiến trúc tinh xảo, lộng lẫy. Nhưng nhìn kỹ, bên trong, đằng sau mỗi “ngôi nhà” đều chung một nỗi buồn sâu lắng: ‘Khi còn sống, cha, mẹ, ông, bà chưa được một ngày sung sướng, chưa hề được miếng ăn ngon’. Nàng rưng rưng buồn. Tôi đặt tay lên vai nàng:
“Nỗi đau ấy kết thành sẹo trong lòng những người con An Bằng xa quê, đấy em. Thế nhưng, người đời cũng tệ lắm. Thấy con cháu báo hiếu, xây lên những “ngôi nhà” tiền triệu, tiền tỷ cho người đã khuất, họ còn om sòm “mồ mã gì mà xây to thế. Sao không bớt tiền để xây cho làng những con đường, những ngôi nhà tình thương, có hay hơn không.” Rồi người ta gào lên nghe ê cả răng: nào là thành phố ma, thành phố chết!
“Ôi trời! Họ là ai mà ăn nói hồ đồ, thiếu văn hóa vậy anh. Chắc là những kẻ phàm phu, là người vô minh chấp ngã, chốn vô thường nên cứ nghĩ chết là hết, cần gì mồ yên, mã đẹp. Sao họ không ra công viên nghĩa trang 118 ha ở thành phố Vĩnh Yên và Huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc để mở mắt ra nhìn những đại gia chưa chết đã xây sẵn cho mình và gia đình những khu “nhà” cõi âm như cung điện dát vàng, cẩn ngọc đá quý. Sao họ không tự hỏi ta là ai, từ đâu tới, tại sao ta có mặt giữa cuộc đời này để cuộc đời cuốn trôi ta. Trên con đường luân hồi sinh tử bất tận, ta có còn là ta hay chỉ là … chỉ là chiếc bóng ngang qua!”
Nàng giận. Tôi vỗ về “Mệt không Cẩm Vân?”.
“Dạ em chỉ mỏi chân một chút thôi.” Nàng không cười.
Rừng thông vi vu gió ngàn. Ngoài xa khơi, những con sóng bạc đầu cứ xua đuổi nhau chạy vào bờ, vỗ về bãi cát trắng lằn ngoằn dấu chân còng. Gió mùa thổi thông thốc, khẽ chạm bờ vai, khiến nàng nép mình vào tôi. Tôi không cản được gió biển An Bằng, nên tóc nàng tung bay. Nàng chạy theo làn gió. “Ôi Phật Quan Âm sừng sững trong gió, trông đẹp quá anh ơi”. Nàng đứng lại, chấp hai tay: “Nam mô A Di Đà Phật”. Rồi nàng chạy tới, nép mình dưới chân tượng đài, ngửa mặt nhìn ra biển khơi. “Anh à, có lẽ nơi này, hồi ấy những người con gái, con trai của làng An Bằng dắt díu nhau như kẻ chạy trốn trong đêm. Họ vượt trùng dương, ngàn cân treo sợi tóc nên chỉ biết ngửa cổ cầu trời khẩn Phật, phải không anh?”
Tôi cười “Em có tin vậy không?”
“Đời vay trả, sao lại không, hả anh?” Nàng lại chấp hai tay, ngước nhìn Phật. Phật mỉm cười, nhìn ra khoảng lặng mênh mông. Phật nói gì, chắc chỉ có biển và những con của An Bằng đang sinh sống bên kia đại dương mới lắng nghe và thấu hiểu.
Nắng lên rồi. Những hạt nắng thu đầu mùa vừa chui ra khỏi lớp mây mù ẩm ướt của đợt gió mùa ngập tràng xứ Huế cứ ngập ngừng chen lá, chen hoa. Những con đường nhỏ, ngõ nhỏ, cây lá lao xao, thầm thì. Nắng e ấp gói vào từng cánh hoa osaka vàng rực trước sân trường trung học An Bằng. “Đẹp quá, anh ơi. Từ Bắc vào Nam không đâu có ngồi trường vàng rực sắc màu Osaka thế này đâu. Có chăng chỉ là những cây phượng vĩ, để tuổi học trò ép hoa vào trang vở, thầm thì nhớ những mùa thu đi”.
“Ở đây, thầy trò trường trung học An Bằng, lại nghĩ cách khác, làm cách khác. Họ vào tận Nha Trang, Tuy Hòa để mua giống cây osaka đem về trồng khắp sân trường, không lẫn lộn loài hoa nào khác, không lẫn lộn trường nào khác. Không phải trường công lập, không phải trường tư thục dân lập. Đây là trường của những tấm lòng vàng xa xứ tặng quê hương.”
“Ý tưởng hay quá, anh ạ”.
“Nhiêu khê lắm Cẩm Vân ơi. Khi xây “nhà” báo hiếu cha mẹ ông bà xong, những người con An Bằng nghĩ đến xây trường học để trả nghĩa cho làng. Người ta lại sợ trường học của Việt kiều Mỹ đầu độc trẻ con! Rồi chuyện phép tắc xây dựng, đất đai … gian nan lắm.”
Cẩm Vân trầm ngâm, như cố nuốt những giọt đắng khi nghe tôi kể. Nàng vẫn chăm chăm sắc màu osaka trước sân trường. “Em muốn nói với anh điều này: Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đã cuốn đi một lượng lớn người Việt di cư sang Mỹ, trong đó có hơn 1,5 triệu người ở Mỹ là gốc việt. Nhưng có nơi nào như nơi đây. Những Việt kiều đang sinh sống ở hải ngoại, nhưng trước hết họ là con của làng An Bằng này, họ cố kết lại, tạo ra những giá trị cộng đồng. Họ không sống cho riêng mình, mà biết sống cho người đã khuất và sống cho người đang sống. Giá trị cộng đồng của những người Việt xa xứ An Bằng không đong đo đếm được đâu anh”.
Tôi cười “Bây giờ thì người ta đo được rồi. Trường trung học An Bằng đã trở thành trường điểm Quốc Gia. Những học sinh khác tuyến, không phải con em của xã Vinh An cũng muốn “chạy” về trường trung học An Bằng. Cái lò của bao thế hệ học sinh giỏi Quốc Gia”.
“Thật hả anh? Chắc anh Đạo và bà con bên ấy hạnh phúc lắm, anh nhỉ”
“Có hạnh phúc nào không đánh đổi bằng công sức và mồ hôi đâu em. Ai cũng muốn đóng góp nhiều hơn bằng chính đồng tiền mình làm ra. Văn Nhân Đạo thì tình nguyện bay về để lo các thủ tục và trực tiếp giám sát công trình. Tiền bạc của mọi người đóng góp xây trường thì đo đếm được. Mồ hôi, tâm huyết của Vân Nhân Đạo lót nền cho ngôi trường mọc lên từ mảnh đất lầy lội, cỏ rác thì ai đếm, ai đong?”.
Tưởng chừng như mới hôm qua, nhưng kỷ niệm 15 năm xây dừng trường lại đến nơi rồi. Lần này Bộ, Sở và Ban Giám Hiệu nhà trường muốn tổ chức lễ kỷ niệm thật hoành tráng để tỏ lòng biết ơn và đón Văn Nhân Đạo, cùng tất cả những người sáng lập trường về dự đông đủ. Thời gian chẳng chờ đợi ai. Lần kỷ niệm sau và sau nữa, biết còn có ai về ? Cũng lần kỷ niệm này, sẽ mời các thế hệ học sinh đã thành đạt, những em đang du học nước ngoài bằng nguồn học bổng Quốc gia sẽ trở về thăm thầy, thăm trường đặc biệt là thăm những người chủ – những tấm lòng vàng của trường.
“Ngày ấy, anh và nhà văn Vĩnh Quyền có về ? Ước gì em cũng được trở lại đây lần nữa”.
“Tất nhiên, nếu có Văn Nhân Đạo thì sẽ có anh và có em.”
“Chắc vui lắm anh nhỉ? An Bằng sẽ rợp bóng cờ và hoa.”
Nắng chiều nghiêng ngã về tây. Ngôi nhà cấp bốn lợp tôn, nép mình bên lối mòn ra rừng dương cũng nghiên mình một bóng. “Nhà của ai mà tiêu điều thế hả anh”. Tôi rưng rưng:
“Ngôi nhà tuổi thơ của Văn Nhân Đạo đấy.”
“Hằng chi, trông ngôi nhà xa vắng quá. Ngày xưa, nhà cha mẹ anh Đạo chỉ thế này sao?”
“Không chỉ riêng nhà bố mẹ Văn Nhân Đạo, mà quanh làng biển An Bằng, nhà nào cũng thế. Biển nghèo, làm gì có nhà to! Bọn anh học ở trường Văn Khoa Huế, chiều thứ 7 nào cũng đạp xe cộc cạch về đây. Mẹ cho bọn anh ăn cơm cá, cháo cá. Mờ sáng chạy ra bến, đón bố đi khơi về. Chuyến nào cũng đầy cá. Chị gái, em gái Nhân Đạo nướng cho bọn anh con cá chìa vôi, con cá bã trầu. Cái bếp nhà nghèo xứ biển đun bằng lá dương khô, chạy rào rào, nhưng nướng tôm cá thì tro bếp dính tùm lum. Không hiểu vì sao cái mùi cá nướng dính tro bếp lá dương, giờ anh vẫn còn nhớ.”
Làng An Bằng chiều nay vắng lặng. Nhà của phố mà không phố. Nhà biệt thự đủ kiểu dáng đông tây nhưng thiếu vắng bóng người “Bà con làm ăn sinh sống ở bên Mỹ hết hả anh?”
” … Ừ, thỉnh thoảng bên ấy cũng có người về.”
“Sau này thì sao?”
“Có làm sao đâu, con cháu ở lại, họ lại về. Đi thì phải về – về để úp mặt vào sông quê, về để tìm lại tuổi thơ, về để tìm lại lời ru của mẹ, về để tìm lại dấu chân trần của mẹ in trên cát, ngày mình bỏ mặc mẹ ra đi.”
Cuộc đời như thoáng mây trôi. Bôn ba khắp bốn phương trời cuối cùng cũng về neo đậu bến xưa. Những người con xa quê của xứ biển An Bằng như những người nông dân đã cày xong thửa ruộng. Lúa gặt rồi, còn để lại rơm thơm. Họ đã trả nghĩa cho đời, đền ơn báo hiếu mẹ cha, sống tử tế với người nằm xuống và sống hết mình cho người đang sống hôm nay. Trăm năm sau, ngàn năm nữa, nếu có ai đó chưa về thì đời vẫn thầm thì gọi tên, đời vẫn nhớ hoài, nhắc hoài, kể mãi về An Bằng xưa và nay – Một thời để nhớ.
Xuân Ất Mùi – 2015
Nguyễn Trung Chính