“Bảy lần té xuống, tám lần đứng lên”.
(Đua 2014 của làng An Bằng, Hình: anbangnews)
Bài Học Đua Thuyền

“Bảy lần té xuống, tám lần đứng lên”.
Đó là câu nói của những người mang tinh thần bất khuất, không sợ khó khăn, không sợ thất bại. Hiểu rằng, mỗi lần té xuống, ta lại nhận được một bài học đáng qúy để rồi tiếp tục đứng dậy. Nếu mọi việc giữa cuộc đời này suôn sẻ quá thì chưa chắc cuộc sống đã có ý vị. Nếu té xuống mà không đứng lên thì không bao giờ có sự thành công. Vậy ta đã té xuống và đã đứng dậy bao nhiêu lần? Cá nhân ai cũng có những lầm lỗi, chưa hoàn chỉnh. Tập thể nào cũng có sự thiếu sót của nó. Kẻ biết thay đổi là kẻ trượng phu. Người biết nhận sai để rồi tìm cách sửa sai mới là người đáng kính trọng. Một tập thể biết thay đổi cơ cấu để hoàn thành nhiệm vụ cao cả nào đó, chính là tập thể tồn tại lâu dài, được nhiều người ủng hộ.
Gần đây, cuộc đua thuyền truyền thống của làng An Bằng được đa số người dân xem như là một thất bại, vì nó chưa chuyên chở mục đích cuối cùng của cuộc đua, đó là gìn giữ truyền thống trong tinh thần ôn hoà của ngày hội. Người dân thắc mắc tại sao phải còn tiếp tục đua thuyền, nếu điều này tiếp tục gây ra sự bất hoà giữa các vùng. Họ có thể lý luận rằng, bỏ đi truyền thống này thì mới mong giữ được tình đoàn kết giữa người An Bằng. Mục đích đua thuyền rất được nhiều người ca ngợi, nhưng tiến trình đua thuyền đã không còn phù hợp với xã hội con người hiện nay. Có khi, tiến trình còn quan trọng hơn cả kết qủa.
Vậy ba năm sau, An Bằng có còn đón nhận sự kiện truyền thống đáo lệ đua thuyền này nữa không? Câu trả lời đang chờ một lần đứng dậy của Ban Hương Tộc, Ban Tổ Chức của làng. Và đứng dậy ra sao thì hãy xem video này nhé.

Đó là hội đua truyền thống của đảo Phú Quý. Như ta đã nhận thấy, họ cũng lộn vè ba lần, nhưng cách thức khác với An Bằng nhiều lắm. Trong năm chiếc ghe của họ, ghe nào cũng có hai vè riêng biệt, không ai đụng ai. Một vè trong và một vè ngoài. Ghe ai thì cứ chèo trong không gian vạch sẵn của họ. Điều này sẽ tránh được ghe thuyền đụng nhau, làm mất hoà khí. Họ chỉ việc chú tâm vào phát huy sức mạnh, kỹ năng chèo thuyền của họ, chứ không cần chú tâm đến ghe nào đi trước, ghe nào đi sau. Nếu có thua, thì họ thua cho chính họ, chứ không thua bởi một ai đó. Nếu thắng, thì chứng minh rằng họ đủ khả năng để đoạt giải cờ vinh quang cho thuyền của họ.
Trong phần này, không thấy đảo Phú Quý lạy làng, hay chạy cờ, mà chỉ đâm vào để đụng vè trong khi về đích. Làng An Bằng có thể thêm bớt chút đỉnh, nhưng điểm quan trong nhất là cách cắm vè của đảo Phú Quý cho ta thấy sự hào hứng của dân họ, vì khi đứng trong bờ mà cũng có thể nhìn rõ sự việc.
Còn một vấn đề quan trọng khác nữa, cũng mong làng suy nghĩ lại về số lượng ghe tham gia. Hiện nay, Bắc Thượng và An Mỹ 2 chiếc, và Trung Hải và Định Hải chỉ có 1 chiếc mỗi vùng. Rõ ràng, vùng nào có nhiều ghe hơn sẽ được lợi thế hơn. Theo Dân Lê tại Facebook, đây là một điểm cần được đổi thay. Dân Lê cho rằng, chúng ta chỉ nên chèo 4 thuyền cho 4 vùng mà thôi. Trước kia, làng An Bằng chỉ có ba vùng và mỗi vùng có 2 chiếc ghe đại diện là hợp lý. Nhưng nay làng đã có 4 vùng mà vùng này 2 chiếc, vùng kia một chiếc thì e rằng thiếu sự công bình. Vì vậy, làng nên cẩn trọng suy nghĩ lại thể lệ này.
Trong khi đó, một số người dân, đặc biệt là Giai Yến, cũng bày tỏ lo ngại về “thuyền đua” hiện nay. Nếu “thuyền đua” chỉ để dành cho đua không thì quả thật lãng phí. Bao nhiêu tiền bạc ở Mỹ gởi về đầu tư vào chiếc thuyền chỉ dùng được một lần. Điều này đi ngược lại với bản tánh cần kiệm của người dân An Bằng chúng ta. Chúng ta vô tình để lại bài học phung phí cho tuổi trẻ chăng? Tại sao không dùng thuyền đánh cá như thời xưa? Điều này có thể vừa sử dụng cho công việc đánh cá hàng ngày, vừa có thể chọn dùng phương tiện đua truyền thống … thì ý nghĩa biết chừng nào. Vả lại, việc này sẽ giảm đi phần suy nghĩ về thắng thua, và tay chèo chỉ chú tâm vào công việc giúp gìn giữ truyền thống ngày hội hơn.
Trong sự kiện thể thao nào cũng có bóng dáng của mấy anh cá độ. Dĩ nhiên, cá độ bằng niềm tự hào của vùng này vùng kia là chuyện thường tình. Đằng này, dùng tiền bạc để treo giải, hay dùng tiền bạc để kiềm chế kết qủa thắng thua là một điều khó đem lại thành công cho làng. Đây chỉ là giả thuyết, chứ chưa phải là sự thật. Nhưng tiếp tục như thế này, An Bằng sẽ là nạn nhân của sự cá độ.
Một quan điểm khác, làng nên chọn 4 ông “bầu” (coach) cho 4 vùng. Mỗi ông bầu này đều làm việc cho làng, nhưng lại có nhiệm vụ huấn luyện các tay chèo một cách nghiêm túc. Đặc tinh thần thể thao lên hàng đầu. Mỗi tay chèo sẽ được có tiền lương sau khi về đến đích. Nếu không về đích thì nguyên đội sẽ không có lương. Bốn ông huấn luyện viên này có quyền trục xuất tay chèo, nếu họ không hội đủ khả năng hay không thích hợp chèo thuyền. Ngược lại, huấn luyện viên vẫn được ăn lương và có nhiệm vụ tuyển tay chèo trong quy lệ của làng. Người dân ở Hải Ngoại không nên gởi tiền về cho từng vùng của họ. Tất cả tiền bạc gây qũy cho cuộc đua sẽ giao cho một ông, tự đặt nôm na là, “Giám Đốc Đua Thuyền” hay “Giám Sát Đua Thuyền”, người cai quản bốn vị huấn luyện viên kia. Như vậy, vùng nào cũng có số tài chánh trang trải cho cuộc đua đồng đều nhau cả.
Ba năm sau, liệu ta có được một cuộc đua với tinh thần thể thao tựa như đảo Phú Quý này không? Liệu An Bằng còn giữ được phong tục cổ truyền này của ông cha ta không? Xin làng và các bạn đọc bổ sung thêm ý kiến, giúp sức mạnh cho một lần đứng dậy, tự tin hơn, mới mẻ hơn, và đoàn kết hơn.

anbangnews