Diễn đạt về một tình huống của cuộc di tản dưới ngòi bút của Văn Đình Lang Quân trong bố cục bắt nguồn từ hòn đảo cực nam Key West.
———
Sau nhiề​u năm lang thang trên xứ Mỹ, gia đình tôi quyết định dọn về Key West lập nghiệp.  Nơi đây là một hòn đảo nhỏ với chu vi chừng 8 dặm vuông, nằm ở phía cực nam của nước Mỹ, thuộc tiểu bang Florida.  Nếu đi bộ quanh hòn đảo này thì chỉ mất chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.  Dân số ở đây chẳng bao nhiêu, và người Á Châu lại chưa đầy 1 phần trăm. Nhưng dân du lịch đông đảo lắm.  Ở đây là nhà của các du thuyền ghé đậu, mang rất nhiều dân du lịch đến viếng thăm.  Có thể nói, nghề chính ở đây là phục vụ dân du lịch.  Vì vậy, với nghề nails như tôi lại thích hợp hơn.  Một mặc không có ai cạnh tranh, vì tính tôi chúa ghét cạnh tranh trong công việc.  Mặc khác, làm ăn cũng khá giả, cảnh vật yên bình, nên tôi đã gọi đây là quê hương của tôi ngay từ lúc mới dọn về.
Key West chỉ cách Cuba chừng 90 dặm, là căn cứ quan trọng của quân đội hải quân Hoa Kỳ.  Từ bên này bờ biển, nếu trời trong biển lặng thì có thể nhìn qua được bên kia Cuba như chơi.  Được nhiều chú lính canh gác nên chi người dân cảm thấy an toàn lắm.  Tuy ở tận mút chân nam Hoa Kỳ, tôi cũng có thể lái xe qua một chiếc cầu treo dài 112 dặm lên thành phố Miami, nơi có rất đông người An Bằng sinh sống, mỗi khi làng có việc lớn gì.  Lái xe chừng 3, 4 tiếng đã là thoái quen của tôi.  Thỉnh thoảng, tôi còn dẫn cả gia đình hay thọ thẹ trốn vợ lái xe lên đây để gặp bạn bè.  Lái đi lái về dường như là cái thú năng nổ sẵn có trong tôi.  Gặp anh em, làm vài chung là chuyện thường tình của gã lãng tử hồi đầu.  Vợ có lên tiếng thì rủ vợ đi chung, có sao đâu.  Tôi đã dần dà yêu thích Key West, và cảm thấy lựa chọn của chúng tôi là đúng.
….
Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chính mà gia đình tôi về đây sinh sống.  Tôi thích viết văn.  Nơi đây là nhà của đại văn hào Ernest Hemingway.  Về đây, có lẽ tôi sẽ tìm nguồn cảm hứng nào đó để thoả mãn cái thú tiêu khiển của mình lúc nhàn hạ.  Bộ không phải các nhà văn lớn của Hoa Kỳ như Tennesse William, hay nhà thơ mà tôi thích nhất Robert Frost đã về đây tìm cảm hứng sáng tác đó sao.  Robert Frost viết:

“Nature’s first green is gold,
Her hardest hue to hold.
Her early leaf’s a flower;
But only so an hour.
Then leaf subsides to leaf,
So Eden sank to grief,
So dawn goes down to day
Nothing gold can stay.”

Thiên nhiên xanh là vàng
Màu đầu tiên giữ chặt
Thềm lá là nụ hoa
Nhưng chỉ trong chốc lát
Khi lá xanh đổi màu
Vườn Eden chìm sẫm
Như bình minh th
ấ​p xuống
Nét vàng không giữ lâu

Những chú gà tự do thoả mái, tung tăng chạy quanh hòn đảo, tìm kiếm thức ăn mà không hề sợ sệt một uy quyền nào.  Những con đường in dấu chân gà đang được người du lịch dẫm lên bằng bàn chân trần của họ.  Bức tượng của anh lính hải quân ôm hôn cô ý tá mà trước đó hai người chẳng hề quen biết nhau vào lúc chấm dứt đệ nhất thế chiến, đang sừng sững đứng cao trước một viện bảo tàng, hiên ngang chờ dân du lịch vãng lai, chụp hình.  Những cành lá xanh tươi, trổ hoa quanh năm là niềm tự hào của người dân tại đây.  Chiều về, tiếng nhạc vui tươi từ các nhà hàng, quán bar vang lên giữa đường phố, làm cho nguyên hòn đảo náo nhiệt hơn.  Tối đến, từng ánh đèn lấp lánh, xuyên qua chùm lá xanh.  Có tiếng gió biển vuốt nhẹ lên chùm lá, tạo nên tiếng nhạc vi vu hoà điệu với thiên nhiên, tưởng như vĩnh hằng.

Thế rồi, ngày qua ngày, gia đình tôi thả mình trong cái đẹp của phong cảnh để rồi quên hẳn đi cái nguyên nhân chính mà chúng tôi dọn về đây.  Có một nhà thơ nào đó từng nói, sống mỗi phút trong thiên nhiên mới chính là sự sáng tác về một bài thơ tuyệt tác.  Tôi thầm tự hào như thế.  Vì vậy, bấy lâu nay tôi chẳng thèm sáng tác được gì, ngoài việc tận hưởng chung với thiên nhiên, với phong cảnh hữu tình của Key West.

Hôm kia, bất chợt trên kênh truyền hình 27 tuyên bố rằng tất cả người dân phải di tản.  Lệnh di tản ra khỏi hòn đảo này là lần đầu tiên tôi nhận được.  Trong lịch sử của Key West, có 13 lần thiên tai bão lụt được sự quan tâm từ chính phủ liên bang, nhưng chưa bao giờ hung dữ như lần này.  Cơn bão Irma, theo dự đoán, có thể cuốn trôi hòn đảo nhỏ bé này.  Với sức gió 185 dặm một giờ ở cấp 5, không có một ngôi nhà nào có thể tồn tại khi cơn bão quét qua.  Chúng tôi lo sợ lắm.  Những người du lịch đã được các du thuyền chở đi về nơi an toàn.  Những binh lính hải quân đã được lệnh di chuyển ở một nơi khác trong lúc chờ lệnh của trung ương trong công việc cứu người.  Riêng người dân thì có hai lựa chọn, một là bay, hai là lái xe.  Sân bay Key West chỉ có một phi đạo nên chi khó có thể vận chuyển hết 25 ngàn dân ở đây cùng một lúc.  Hơn nữa, người ta chẳng thấy thoải mái khi bay, vì không thể mang theo thêm nhiều thứ.

Trong lúc lưỡng lự có nên tuân theo lệnh di tản của chính quyền hay không thì tôi đã liên tục nhận rất nhiều cuộc gọi từ các bạn bè.  Họ khuyên tôi cần quyết định cho nhanh, cần ra khỏi Key West cấp tốc, dù cơn bão vẫn còn 4 ngày nữa mới ghé vào.  Sau một đêm bàn tính với vợ con, chúng tôi quyết định ra đi, bằng xe.  Giờ phút này, chúng tôi xem tính mạng qúy hơn những vật chất, nhà cửa, tiệm tùng mà chúng tôi đã tạo dựng ra bằng hai bàn tay trắng.

Trước lúc ra đi, chúng tôi hồi hộp lắm.  Liệu Key West còn giống như xưa khi chúng tôi trở về hay không?  Liệu chúng tôi có đủ xăng để chạy nạn hay không?  Nghe tin báo rằng, hết 40% các cây xăng ở Florida đã cạn sạch.  Thống đốc lên truyền hình hứa là sẽ mang xăng về cho kịp sáng mai.  Ừ, thì sáng mai chúng tôi sẽ khởi hành.

Thế rồi, mọi thứ đã chuẩn bị sơ sài trong một chiếc xe van, vừa đủ cho gia đình chúng tôi.  Không đợi các anh lính tìm đến từng nhà một để thúc giục, chúng tôi phóc lên xe, cho xe chạy thẳng đến một cây xăng và một ngôi chợ mua thức ăn, chưa kịp viếng thăm lại căn nhà thân thương của tôi lần cuối.  Và rồi, chiếc xe van đã theo trùng trùng đoàn xe vào xa lộ, lên chiếc cầu về phía Miami.  Lúc này, chúng tôi bắt đầu nhớ nhà, nhớ Key West, nhớ tiếng gió, nhớ các chị gà, và nhớ luôn cả từng chiếc lá xanh thân quen.  Cảm giác đi đi về về của tôi có bình thường đến đâu cũng không giấu được sự nghẹn ngào dâng trào trong chuyến di tản này.  Đường xá bắt đầu chộn rộn, đông đúc hơn với các đoàn xe di tản.  Kẹt lại, chỉ nhúc nhích từng bước nhỏ. Nghe nói Miami cũng ảnh hưởng không nhỏ, nên chi người bỏ nhà ra đi như chúng tôi không ít.  Thường ngày, những con đường này rất vắng, nhưng hôm nay đông nghẹt như kiến.

Lúc xe kẹt, chậm lại thì tiếng nhạc bỗng vang lớn lên, réo rắc, chừng như muốn thúc giục con người suy tư về ý nghĩa của cuộc đời.  Với tôi, cuộc đời là chuyến đi liên tục.

Hồi còn rất bé, tôi đã ra đi, rời bỏ quê hương An Bằng của tôi trên một chiếc thuyền đánh cá.  Giữa cảnh thiếu hụt lương thực ấy, tôi đã cảm thấy mình rất nhỏ bé so với muôn trùng đại dương, và sẵn sàng giao phó định số của mình cho ông trời.  Dù chẳng biết gì, tôi đã thật sự nhớ thương ngôi làng của tôi, những bạn bè của tôi, và ngay cả các cuộc chơi bắn bi của lứa tuổi con nít.  Lên ghe là đi biền biệt, về nơi vô định, mà la bàn duy nhất là lời cầu nguyện nơi ơn trên.  Hãi hùng đến thế mà còn qua được, huống hồ chi một cơn bão chưa thật sự đến.  Nhưng, lần này có vợ, có con nên cảm giác khác hơn.  Cái trách nhiệm bảo vệ và giữ an toàn cho người thân sao mà khó tả.

Tiếng nhạc bỗng nhỏ lại mỗi khi chiếc xe tăng tốc độ, nhưng không làm sao ngăn ngừa vô vàn suy tư chảy về qua việc định nghĩa ý nghĩa của cuộc đời.  Nên chi, tôi cho rằng, cuộc đời là chuyến đi liên tục.  Vì nghĩ như thế thì xe mới có thể nhúc nhích thêm tí nữa.  Đi.  Đi là đi, là tìm về chính bản thân mình.  Đi.  Đi là về, là gìn giữ cái gì qúy giá nhất.  Và điều qúy giá nhất của tôi, không phải là tính mạng, mà là sự an toàn của người thân.  Thằng con của tôi, như hiểu ra nguyên nhân vì sao chúng tôi phải đi, không còn phân bua về vì sao nó phải xa lìa bạn bè của nó, như tôi đã từng có lúc vượt biển.  Đứa con gái của tôi hiểu chuyện hơn nên thường hát theo tiếng nhạc, làm không khí trong xe thoải mái vô cùng.  Vợ tôi, ngoài việc thường xuyên cằn nhằn, nhắc tôi lái xe cẩn thận, thì liên tục móc các thức ăn khô hay đưa nước cho tôi uống.  Bộ không phải đi là trở về đó sao?  Đi là tìm lại không khí gia đình ấm áp đó sao?  Chẳng có điều gì có thể thay thế được sự ấm áp này cả.

Xe lăn dài, xuyên qua từng đợt kẹt xe, từng dãy núi, từng cánh rừng, từng con phố.  Thỉnh thoảng, chúng tôi có ghé vào sắp hàng đổ xăng và nghỉ giải lao.  Cuối cùng, sau gần 60 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã ra khỏi tiểu bang Florida.  Tôi bắt đầu biết mệt.  Lúc này, nếu xảy ra chuyện gì thì tôi đã không còn khả năng bảo vệ người thân của tôi nữa.  Trốn bão sao mà cực qúa.  Hiểu được, vợ tôi liên tục gọi tất cả các khách sạn gần biên giới Alabama, nhưng không nơi nào còn trống nữa.  Đành phải tấp xe, gục đầu trên vò lái mà ngủ một giấc.

Trong lúc mơ màng, điện thoại của tôi run liên tục.  Bạn bè khắp nơi đang text về hỏi thăm tình hình.  Tôi đọc mà chưa muốn trả lời.  Tôi không muốn họ lo lắng vì chính tôi đang ngủ dọc đường.  Sẵn cầm lại chiếc điện thoại, tôi đọc tin tức về quê nhà Key West của tôi.  Còn 4 tiếng nữa thì bão Irma sẽ vào.  Hiện nay nó đang ghé vào Cuba, làm người dân ở đây đối diện với cơn kinh hoàng mất điện, bay nhà, người thân tai nạn.  Tôi biết Key West sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự, nên ra đi là đúng.

Bão Irma, được dự đoán là cơn siêu bão nặng nhất trong lịch sử.  Nó có khả năng thổi bay nhà cửa, đừng nói chi chiếc xe van của tôi.  Sau cơn bão này, lại có cơn bão khác.  Ôi, thiên tai ở đâu ra, ai tạo ra mà nhiều đến thế?

Sau khi đọc sơ tin tức, tôi đành trả lời text cho từng người bạn của tôi.  Vì không muốn họ lo lắng nên tôi nói là tôi đang ở khách sạn, có đầy đủ tiện nghi.  Tôi cảm giác được là chúng vui lắm, nhưng dường như có điều gì đó làm họ chưa tin tôi.  Thường ngày, tôi thích live trên Facebook.  Hễ ai vào xem, like hay share là tôi vui lắm.  Lần này, làng Facebook đã thiếu đi những hình ảnh sống thực của tôi, nên chi bạn bè tôi chưa tin là phải.  Bộ chẳng lẽ phải live cảnh mình đang ngủ gục trong xe cùng với vợ con à?  Người ta càng lo cho mình thêm thôi.  Đành im lặng luôn.

Vợ tôi thật tài giỏi.  Sau một lúc gọi tứ tung thì đã tìm được một khách sạn cách đây 30 dặm.  Nếu thường ngày, lái xe 30 dặm khoảng chừng 25 phút, nhưng vì đông xe qúa nên 30 dặm đã trở thành 2 tiếng đồng hồ.  Tôi gắng gượng lái và lái.  Ly cà phê đã nguội ngách và cạn sạch mà xe chúng tôi chưa hề đến đích.  Cuối cùng, trong nhiều cơn buồn ngủ, tôi đã chiến thắng về đến khách sạn một cách bình an.  Hú cả hồn.

Hai đứa con vui mừng lắm.  Khách sạn có WiFi mà.  Có WiFi mới chơi game, xem YouTube được chứ.

Vừa check in xong, tôi đang lê từng bước về phòng, trong tay cầm một chiếc va li áo quần thì mắt tôi bỗng dừng lại trên màn ảnh truyền hình.  Bão Irma đã về.  Con quái vật kia đã ghé vào Key West.  Đang chăm chú xem người phóng viên truyền hình tường trình trong cơn gió mạnh ở tốc độ 142 dặm một giờ, thì vợ tôi thúc giục tôi về phòng.

Đây là khách sạn hạng bình dân, nên chi không đầy đủ về các tiện nghi.  Tuy nhiên, nó là nơi thiên đàng cho gia đình tôi trong giờ phút này.  Tôi định cầm cái remote control mở TV lên để theo dõi tiếp về cơn bão, nhưng vợ tôi nhất định không cho.  Vậy là tôi lăn lên giường ngủ luôn.  Giấc ngủ bây giờ là thức ăn bổ dưỡng nhất đối với tôi.

Ngoài kia có tiếng gió.  Tiếng mưa bắt đầu lách tách bên hiên.  Gió càng lúc càng mạnh.  Tôi có cảm giác như căn phòng có sự di chuyển.  Không thể nào ngủ thêm được nữa.  Tôi thức dậy, trằn trọc nhìn lên tầng nhà.  Tầng nhà xoay vòng, lúc nhỏ như chú kiến, lúc lớn nhu chị voi, lúc trắng như áo cô dâu ngày cưới, lúc đen như đoàn người của đám tang.  Hình như tôi đã bệnh, nhưng vẫn còn tỉnh táo lắm.  Tiếng ngáy của thằng con trai lớn hơn hơi thở nặng nề của tôi nên vợ tôi không tài nào biết tôi đang nhiễm bệnh.  Đúng rồi, liên tục ráng hết sức để lái xe thì con người sẽ cảm giác như đang ở trong chiếc xe trên xa lộ vậy thôi.  Tôi ngủ thiếp mất.  Không còn biết gì nữa.

TV nói: Tâm bảo Irma đã đi qua Key West, làm thiệt hại trên 50% nhà cửa ở đây.  Vì người dân đã nhận lệnh di tản nên đã không có nguy hại tính mạng nào.  Cơn bão sẽ tiếp tục đi lên Miami, Daytona Beach, và Tampa trước khi nó bẻ chiều tây về các tiểu bang Georgia và Alabama.

Tôi thức dậy thì đã thấy vợ tôi đang chăm chú xem tin tức.  Thì ra bão cũng sẽ ghé về Alabama, nhưng có phần nhẹ hơn.  Tôi tưởng vợ tôi đang lo lắng về điều này.  Nhưng, điều vợ tôi đang chăm chú xem là tình hình ở Key West.  Nhà chúng tôi có thể nằm trong 50% thiệt hại ấy.

Tôi trấn an vợ tôi:

“Em ơi, anh Lê Trúc nói đúng.  Lên Utah ở để khỏ​i lo lắng về bão nữa.  Mình còn bàn tay thì đi đâu cũng có thể làm lại từ đầu.”

Nói vậy chứ thật ra tôi cũng không kém phần nghẹn ngào.  Nơi mà tôi đã gọi là quê hương trong suốt thời gian 15 năm nay có thể đã chìm trong dòng nước lụt.  Có lẽ Robert Frost nói đúng, không có gì trường cửu cả.  Màu xanh đó thì vàng đó.  Vàng chưa chắc đã là vàng mãi mãi.  Đầu ngày cũng đồng nghĩa như cuối ngày.  Bình binh và hoàng hôn là hai trạng thái gần giống nhau, chỉ khác biệt bởi thời gian.  Lá có thể xanh và lá có thể vàng trong chốc lát.  Hay, hiểu theo một tư tưởng nào đó thì, tất cả vạn vật đều vô thường.

Nhưng tôi biết được có một thứ không thay đổi, đó là tình yêu thương gia đình.  Cơn bão có hung dữ đến đâu cũng không thể nào có khả năng giảm đi tình nghĩa thiêng liêng này.  Ngược lại, nó càng tô đậm thêm, là khác.  Đi, không còn là đi nữa.  Đi … là trở về với sự gần gũi bên người thân.

 

Văn Đình Lang Quân

Trong lúc theo dõi bão Irma.
Hì​nh: Internet