An Bằng tên gọi làng tôi
Khắc ghi từ thuở nằm nôi chào đời
Buồn vui sướng khổ một thời
Ra đi mang cả bầu trời nhớ thương.
Bầu trời nhớ thương đó không phải tạo dựng bởi cảnh đẹp nên thơ để thi sĩ văn nhân khơi nguồn cảm hứng gửi vào giấy mực, vì An Bằng chỉ là một vùng quê cát trắng nối liền với độn biển cát vàng, với những con đường làng nhỏ bé. Chẳng phải vì cảnh phồn hoa phố thị, bởi nơi đây một thời chỉ toàn là những ngôi nhà tranh, nhà tôn, nhà ngói nho nhỏ, đêm về lấp lóe ánh đèn dầu lu lít. Rải rác có ít hàng cau, thửa lúa, ao (khoai) môn, nương sắn, khoai lang; lưa thưa có vài cây dừa che bóng bên hàng dương liễu. Và bên trong còn bao cảnh nghèo khó, thương cảm, bởi nhiều gia đình lâm vào tình trạng đói cơm thiếu áo, sắn khoai không đủ ngày hai bữa. Đã vậy, người dân còn hứng chịu cảnh chiến tranh bom đạn khiến cuộc sống vốn đã khó khăn lại thêm tang thương khốn khổ.
Với cảnh vật khô khan buồn tẻ và cuộc sống nghèo khổ như thế thì mấy ai có thể yêu chuộng được nhỉ. Nhưng lạ thay, người dân Làng không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn đó – vẫn không thể lìa bỏ vùng biển mặn cát nóng để đi đến mưu sinh nơi miền đất khác màu mỡ hơn, sung túc hơn. Có chăng, những người ra đi cũng vì tình thế bắt buộc. Thì ra nơi đây, tại vùng đất khô cằn này lại chứa chan tình người, đậm đà tình làng nghĩa xóm khiến ai ai cũng muốn quyến luyến bên nhau, vui vẻ an phận với cảnh nghèo khó để đổi lấy cái tình cảm thân thương dạt dào hiếm hoi ấy. Người ta thường cho rằng nghèo khó sinh đạo tặc, nhưng không, người dân Làng luôn cố gắng để tạo nên cuộc sống yên bình. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Sống cho phải, đừng để bà con lối xóm cười chê”như là những phương châm sống của mọi người. Tính chất phác, hiền hòa của người dân đã tạo nên nếp sống êm đềm, bình dân, giản dị trong làng.
“Vốn là người dân quê mộc mạc, suốt ngày lam lũ với sóng biển cá tôm nên không có cơ hội đến trường lớp như những người dân ở thành thị. Trải qua nhiều thế hệ và với văn minh xã hội ngày mỗi tân tiến mà đa số người dân làng cũng không biết chữ. Đến cả thế hệ sinh vào thập niên 1960 hoặc 1970 vẫn còn một số người mù chữ. Mặc dù không có cơ hội để mở mang kiến thức, trau dồi sự hiểu biết, nhưng người dân sống với nhau rất thật lòng, biết làm lợi mình và lợi người, có ích cho cộng đồng. Đặc biệt là ai cũng biết quy tắc sống chung, biết tôn trọng quyền sở hữu của người khác. Những quy tắc nầy có lẽ không do ai đặt ra nhưng nhờ tính tự trọng và bản chất thật thà của dân làng nên nó đã trở thành những quy luật tự nhiên trong lòng của mọi người. Chẳng hạn như ai đó có ví một mãnh đất để làm của riêng bằng cách trồng chung quanh vài hàng dứa gai hoặc cây xương rồng, hoặc thậm chí chỉ lát vài viên gạch viên sỏi hay chỉ đóng vài cây cọc thô sơ, người khác đã coi như mãnh đất đó đã có chủ. Nếu xét trên mặt pháp lý thì mãnh đất đã được ví đó chẳng có giá trị gì về quyền sở hữu của ai hết, nhưng xét trên mặt tình cảm và bản chất hiền hòa của người dân làng thì nó đã trở thành những quy luật mà mỗi cá nhân tự nguyện tuân thủ. Đó là một trong những đặc điểm mà người dân An Bằng lấy làm phương châm sống để xây dựng môi trường lành mạnh, an vui và đầm ấm trong tập thể. Điểm nầy cũng nói lên tính không phân bì, không tranh chấp hơn thua của người dân làng An Bằng. Điều nầy ít thấy ở những cộng đồng được cho là tân tiến văn minh.”(Vài Nét Về Dân Làng An Bằng Ở Hải Ngoại. Quảng Tịnh, 2011).
Đó là bầu trời nhớ thương mà lúc ra đi tôi đã mang theo trong lòng.
Cuộc sống giản dị của người dân làng như là một tập tục được truyền từ đời này sang thế hệ khác, nên sinh hoạt thường ngày diễn ra cũng rất bình thường. Đàn ông thì lo việc lưới cá, kéo câu khi trời yên biển lặng; đàn bà thì lo việc nội trợ, đồng áng, có người thì quảnh gióng trên vai đi buôn tảo bán tần để nuôi sống gia đình; trẻ em thì người được đi học, đứa phải ở nhà trông em, giúp việc nhà, tưới cây, quét lá, vơ (cào) rác, mót củi. Khi rãnh rỗi thì bọn trẻ tụ lại chơi khụi, đánh căng cù, táng lon, bửa mạng, ô niếng, giựt cờ, nhảy dây, nhảy cò (chơi chuôn)… toàn là những trò chơi tự biến chế bằng những vật liệu cây cành, đá sỏi, hột dương liễu, hột thụ đông (sầu đông) v.v. Lúc thích đá banh thì dùng rơm rạ hoặc kiếm giấy báo vo tròn làm trái banh để đá. Có lẽ người ở thành thị không hình dung được những trò chơi mộc mạc này, nhưng trẻ em chúng tôi thời bấy giờ các thứ ấy đều là những trò chơi rất thú vị. Vui hơn nữa là mỗi buổi trưa hè được ra biển nơn sóng bằng cách nằm trên tấm thạp (ván) bơi ra ngoài xa rồi trườn theo lượn sóng vỗ đưa vào bờ. Bạo động hơn thì vắt đất cát tròn như quả cam chia phe để chọi nhau. Mỗi lần ra biển là thế, hết tắm rồi lại chơi, chơi trò này xong thì bày sang trò khác, chơi cho đến chiều khi ghe thuyền vô thì xúm nhau xin cá đổi ổi, đổi khế. Ngon tuyệt làm sao khi cắn trái ổi xá lị dòn thơm, ổi sẻ đỏ ruột, vị khế chua ngọt. Nhiều khi gặp những trái ổi còn non cứng nhưng vẫn cảm giác ngon khi cơn đói đang gào thét.
Trên đường ra biển thì đi ngang qua lầm mồ mã (nghĩa địa), bọn trẻ chúng tôi đầu trần chân đất rủ nhau vào rảo hái trái móc, mút nước bông phù tang, ăn trái cây lể bái, lắm lúc bị gai chích vào lưỡi, đâm vào chân. Sau đó phải băng qua con dốc cao (gọi là độn bến) mới thấy biển. Vào lúc trưa hè đứng bóng, đường cát vàng nóng như thiêu đốt, chúng tôi phải chạy thật nhanh hoặc lót lá dương để bước qua, hoặc đạp lên dấu chân của người đi trước cho đỡ nóng. Lạ thay cát vàng lại hấp thụ sức nóng hơn cát trắng.
Chiều tối, khi cơm nước xong, đàn ông con trai kéo nhau ra bến (bờ biển) ngủ. Mọi người nằm san sát nhau thành hàng dài trên bãi cát, đánh giấc ngủ say. Có lẽ do khí hậu tốt cọng thêm chất từ trường (magnetic field) dưới lòng đất đã giúp cho ai nấy có được giấc ngủ ngon lành. Lúc nhỏ mê nhất là được ngủ bến. Đặc biệt vào những đêm không trăng nhìn lên bầu trời thấy có rất nhiều ngôi sao tỏ mờ. Ở những nơi có ánh đèn điện sáng tỏa thì khó có thể thưởng thức được cảnh đẹp của bầu trời về đêm đầy ánh sao như thế. Rồi nhìn ra xa ngoài biển khơi có dãy đèn dài của các ghe thuyền đánh cá ban đêm, lấp lánh từ phía dưới mù xa lên tận trên tít mờ, trông rất ấn tượng. Có đêm trước khi ngủ, bọn trẻ chúng tôi thắp đuốc chạy dọc bợt sóng để bắt còn (còng) thật thú vị. Vào những đêm trăng thì được nghe tiếng hò, tiếng cười nói của các mệ đang kéo rồng (lưới bọc), tạo cảnh sinh hoạt ban đêm trên bãi biển vui nhộn và thích thú vô cùng. Vào mùa đánh giã ruốc thì ghe xuồng tấp nập lên về gần bờ với tiếng máy nổ rền vang tạo nên khung cảnh ban mai trên bãi biển An Bằng thật ngoạn mục.
Mùa hè đi qua, mùa thu lại đến, mùa của tựu trường, gắn liền đèn sách. Bốn mùa cứ tiếp tục thay phiên đến rồi đi, năm này sang năm khác. Dù vạn vật có đổi thay thế nào, bọn trẻ chúng tôi không ai nghĩ tới, chỉ mong Hè đến Tết về. Hè đến thì được vui chơi khỏi phải học, Tết về lại càng thích thú hơn nữa. Người lớn lẫn trẻ em ai cũng nao nức chờ đợi mùa Tết đến để được nghỉ học, nghỉ làm, cùng gia đình sum họp vui hưởng ngày hội lớn; được chơi những trò chơi vui xuân như bầu cua, xí ngầu, hội bài choài, được ăn mứt gừng, mứt bí, bánh tét, bánh in, chè kê, xôi đậu, dưa món, thịt heo, chuối, mía… Dù nghèo khó đến mấy hễ Tết đến thì nhà nào ít nhiều chi cũng có những thứ đó để cúng Ông Bà vào đêm ba mươi, để mừng đón Xuân về. Điều mà trẻ con chúng tôi hớn hở hơn nữa là được mặc áo mới, được người lớn lì xì. Dù chỉ là chiếc áo đơn sơ, nhưng đã mang cho tôi niềm vui mừng khôn tả.
Tuổi thơ ở vùng quê là thế đó, trải nghiệm nhiều kỷ niệm mộc mạc nhưng khó quên. Chuyện tắm ao, tát cá và uống nước khe, trẻ em thời nay ở hải ngoại nghe thấy sẽ rùng mình, chắc chúng không dám nhúng chân lội vào. Hoặc chuyện moi cũ khoai trong vồng ra, không cần rửa, chỉ phủi cát sơ sơ là đưa lên miệng cắn nhai ngon lành. Những điều như thế chắc chúng không thể tưởng tượng được, nhưng đó là những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ chúng tôi.
Còn nữa, nhiều và rất nhiều chuyện ở làng, kể ra thì dài đăng đẳng. Chuyện đi học trường làng, trả bài không thuộc, nghịch phá, đánh lộn bị thầy giáo phạt, bị cha mẹ răn la… Chuyện đi lễ Chùa, buồn vui trong Gia Đình Phật Tử; chuyện giã gạo, quết ruốc; chuyện vầng ghe, đẩy xuồng, chèo thúng; chuyện gánh phân, cuốc đất… Rồi cảnh đám cưới, rước dâu ở làng; hình ảnh các mệ hơ ấm lửa, nhai trầu, các ôn áo dài khăn đóng cầm dù đi ăn kỵ (giỗ)… Tất cả tràn về trong ký ức, cảm thấy chạnh lòng.
Cuộc sống của dân làng thì đạm bạc, cảnh vật ở làng thì khô khan, việc làm thường ngày của người lớn là rứa thôi, trẻ thơ lớn lên ở vùng quê chỉ đơn thuần thế đó, nhưng tất cả đã cho tôi cả bầu trời nhớ thương in đậm mãi trong lòng.
Ngồi đây tìm lại dư âm cũ
Thấy dáng em về, chợt mắt cay
An Bằng ơi xa xăm vời vợi
Thương nhớ dâng đầy em có hay.
Quảng Tịnh
9/2018
Ảnh của Văn Minh Toàn: Bãi Biển An Bằng