Các Họ Khai Canh, Khai Khẩn Của Làng
Trích: Làng Xưa Tích Cũ (tác giả: Văn Đình Xuân)

Cá​c Họ Khai Canh, Khai Khẩn Của Làng

(Lịch Sử Làng An Bằng)

 

Theo tờ khai các hiệu thần và các ngài khai canh của làng xã vào năm Duy Tân thứ 7 (1913), thì làng An Bằng không có hiệu thần, nhưng dân làng đã lập miếu thờ 3 vị thủy tổ khai canh làm thần làng, và được các ngài bấy giờ khai như sau:

  • §  -Vị thứ nhất: Nguyễn Quý công, húy là Lĩnh. (Có mộ phần và con, cháu tại làng).
  • §  -Vị thứ hai: Trần Quý công. (Không rõ tên húy và không có mộ phần, con cháu tại làng).
  • §  -Vị Thứ ba: Hoàng Quý công. (Không rõ tên húy và không có mộ phần, con cháu tại làng).
  • 3 vị cùng thờ chung một miếu (Am Thành Hoàng).

Theo Mục lục Hương Phổ ấp An Bằng, sau khi lập tờ khai năm Duy Tân thứ 7 (1913), các ngài được phong tặng như sau:

  • §  Khai canh Nguyễn Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
  • §  Khai canh Trần Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.  (Nguyên mộ phần và con, cháu đều không lưu truyền).
  • §  Khai canh Hoàng Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.  (Nguyên mộ phần và con, cháu đều không lưu truyền).

Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), làng được phong tặng thêm một vị khai canh, vì một trong những người xin chúa Tiên cho lập nghiệp ở vùng đất này có Trương Quý công, nhưng đã không khai trong lần khai năm Duy Tân thứ 7 (1913).   Vị khai canh thứ tư và 3 vị khai khẩn là:

  • §     Khai canh Trương Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
  • §     Khai khẩn Lê Văn Tần Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
  • §     Khai khẩn Văn Mô Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
  • §     Khai khẩn Đào Văn Chất Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.

(Được biết, trong hồ sơ còn thấy một số đơn xin cấp sắc bằng đề năm Duy Tân thứ 3 (1909), vì sắc bằng cũ bị mưa bão làm hư-nát.)

Kể từ những năm cuối của tiền bán thế kỷ 20 trở đi, làng An Bằng cũng gánh chịu nhiều mất mát do chiến tranh. Năm 1947, Pháp trở lại tái lập thuộc địa Đông Dương, đã đem quân lính tới đóng đồn và giết hại, hà hiếp dân làng, tàn phá những rừng cây còn sót lại trong làng, biến những ngôi làng xanh tươi trở lại thuở hoang sơ đồng không cát trắng. Vào tháng 6 năm 1968, một trận bom đã san bằng gần hết những gì còn lại trên đất làng xưa An Bằng.

Cuối tháng 4-1975, do tình hình chính trị chung, một số dân làng An Bằng theo dòng người di tản ra hải ngoại.  Đến năm 1978 trở đi, vì cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, một số lớn dân làng tìm đường vượt biển ra làm ăn ở nước ngoài. Từ sau năm 1990, nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập, dân An Bằng ở hải ngoại có dịp tài trợ cho bà con ở quê nhà. Từ đó đời sống của dân làng thay đổi một cách rõ rệt, vật chất đầy đủ, đời sống tâm linh được chú trọng.  Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một điển hình về việc dân làng đã tự đóng góp để hạ thế điện lực, cũng như xây dựng trường học và đường xá trong làng.

Để lo việc tâm linh, làng An Bằng hiện nay có Ban Cúng Tế và Ban Hương Tộc. Hai ban cộng tác với nhau giữ gìn nghi thức lễ lược theo truyền thống, cũng như bảo quản các di sản của làng.

Như vậy, từ cuộc gặp gỡ Đoan Quận công Nguyễn Hoàng ở Thanh Hóa năm 1569, đã đưa đẩy tiền nhân của làng An Bằng tham gia vào việc đánh dẹp Mĩ Quận công, rồi lại tham gia trong chuyến quan sát địa hình sông núi của Tổng Trấn Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào năm 1571, các ngài đã xin được vùng đất này để lập nghiệp. Tính đến nay (2007) đã trải qua 436 năm, với biết bao đổi thay, dâu bể.  Có được một vùng đất với cảnh quan non sông thơ mộng như thế để lập làng, hẳn các ngài đã mơ đến một ngày sẽ trở thành phồn hoa đô hội.

Nhưng rồi, thời cuộc đẩy đưa, cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn kéo dài gần 50 năm, và tiếp theo là những cuộc chiến tranh cùng với sự đô hộ của ngoại bang, đã làm cho cảnh quan của làng tan nát, tiêu điều.  Thế nhưng, với chiều dài lịch sử và những tập quán sinh hoạt của dân làng đã tạo nên một mối tương quan mật thiết trong tinh thần làng nước.  Do đó, hiện nay dù người dân làng An Bằng sống ở nơi đâu cũng luôn hướng về quê hương, làng xóm và luôn giữ lấy cội nguồn, làng nước làm gốc.

Văn Đình Xuân
(Trích “Làng Xưa Tích Cũ”)