Hoàng Minh: Cảm Nghĩ Về Ngày An Bằng Hội Ngộ
Cả năm qua, chúng ta đã chú trọng đến Hội Ngộ An Bằng Hải Ngoại (HNABHN) cho thành công. Ai cũng nôn nao trông cho đến ngày hội ngộ. Hội ngộ An Bằng là không phải để vinh danh một ai đó. Mục đích của chúng ta là gặp nhau, nối kết những đồng hương lại với nhau để giúp đỡ lẫn nhau về lâu về dài. “Ta đưa nhau về gìn giữ tình quê…”. Bản thân tôi đồng lòng với ban tổ chức. Công việc thống kê cũng rất cần thiết vì ai cũng muốn biết: Có bao nhiêu người cùng làng An Bằng đang sống ở Hải Ngoại rứa hè?
Chúng ta không bao giờ quên là mục đích của chúng ta là muốn xây dựng một tập thể An Bằng đoàn kết, thương yêu, và tương trợ nhau về lâu về dài ở Hải Ngoại. Bây chừ mới đặt những viên đá đầu tiên để làm nền móng cho tương lai của một cộng đồng An Bằng Hải Ngoại vững bền. Nếu chúng ta không dấn thân, ai sẽ dấn thân cho ta? Hãy nhìn về tương lai của cộng đồng người An Bằng Hải Ngoại thì đòi hỏi mỗi chúng ta phải cố gắng. Chúng ta đã cần một vé của anh, một vé của chị, một vé của chú, một vé của O, một vé của em và đã từng mong ước có vé của từng người con dân An Bằng Hải Ngoại để xây dựng buổi Hội Ngộ. Ai có thì giúp năm mười vé, hay vài chục vé thì tốt quá. Chắc có người đã nhịn bớt đi một vài chai bia, nhịn ăn một miếng thịt để giúp chúng ta có đủ tiền để chi phí cho ngày Hội Ngộ. Quý thay những tấm lòng yêu quê hương như rứa làm người viết không cầm được nước mắt. Chúng ta đâu trông mong có người bỏ ra vài ngàn đô hoặc năm bảy ngàn đô để ủng hộ. Rứa mà họ cũng đã ủng hộ. Có người ủng hộ mà chẳng cần nêu tên tuổi như những anh hùng vô danh. Họ là những Mạnh Thường Quân ra công góp của mà chẳng hề kể lễ. Đặc biệt, các anh chị em trong BTC đã không ngại khó nhọc, hy sinh cũng vì hai tiếng An Bằng. Ôi! những tấm lòng vì quê hương, vì cộng đồng, vì tương lai của thế hệ sau mà không nề hà chuyện chi hết. Chúng ta đã:
Hẹn nhau về trong ngày hội ngộ
Lâu rồi chưa gặp cố nhân ơi
Tay nối tay miệng nối cười
Nối tình thắm thiết với người đồng hương
Nối tình thắm thiết mới quan trọng và đáng quý hơn cả. Nối kết ngày hôm ni đã quý, nối kết cho ngày mai lại quý hơn. Vì mục đích của chúng ta là:
Lỡ một mai chúng ta không về nữa
Bao tâm nguyện mong gửi lại mai sau
Ơn trời hễ còn sống ta còn gặp
Vun cây An Bằng hoa trái nhiệm mầu
Và chúng ta đã trải nghiệm được rằng:
Giàu sang không tồn tại
Nhan sắc cũng nhạt phai
Xác thân thì hữu hạn
Tình yêu đến vô cùng.
Như vậy, tình yêu sẽ sống mãi muôn đời. Ta dành cho nhau tình yêu thương. Tình yêu nhân loại đã quí, tình yêu cùng chủng quý hơn. Tình yêu cùng người Việt đã quý, tình yêu cùng xứ Huế càng quý hơn. Nhưng tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn càng quý và thấm thía hơn bội lần. Đó cũng là tình An Bằng. Ở Hải Ngoại cùng nhau về hội Huế để nói chuyện với nhau và nghe giọng Huế thỏ thẻ, ngọt ngào thân thương, và đã thấy gần gũi nhau quá rồi. Huống chi, về tham dự ngày hội ngộ An Bằng Hải Ngoại thì vừa mừng vừa tủi, đôi mắt đỏ hoe. Người làng choa, nghèo nàn, quê mùa dốt nát. Làng choa đã có nhiều người nghèo rớt mồng tơi, ăn bữa no bữa đói, ăn bữa sắn bữa khoai lót bụng. Làng choa nghèo đến nổi cha mẹ không có chữ lót để đặt cho con và không dám đặt tên con đẹp đẽ. Đó là thằng Trai, con Gái, thằng Chó, con Mèo hay thằng Cu, con Bẹp. Thật là tội nghiệp đáo để. Nghĩ mà thương dễ sợ. Người quê choa, ở xóm trên biết người xóm dưới, người xóm ngoài biết người xóm trong và người xóm bàu biết người xóm độn. Người ở trong làng biết nhau rõ lắm. Ai cũng cố gắng ăn ở phúc đức cho con cái mai sau được hưởng được nhờ. Ở đời, sống hôm ni đã quan trọng nhưng sống cho ngày mai thì quan trọng hơn. Vì:
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con
Về tham dự Hội Ngộ An Bằng, là đã vì nghe tiếng quê hương réo gọi, văng vẳng thiết tha trong tim của mỗi người. Như chúng ta biết cứ mỗi năm, đến thu, là lúc những con cá hồi trưởng thành bơi ngược dòng đại dương để trở về chốn cũ, trở về với cội nguồn. Người An Bằng cũng đang làm đại khái như rứa đó. “Bà con ơi, răng mà đẹp rứa hè, lâu rồi không gặp có khỏe không, chừ ở mô?” Răng mà thắm thiết quá chừng. Tôi chỉ muốn quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt sắp lăn dài trên má. Đặc biệt, đến đoạn dâng hương cho tổ tiên, tôi thấy người chung quanh đang lau nước mắt và chính tôi cũng đang nếm vị mằn mặn trên môi. Ai cũng xúc động quá chừng! Chao ôi! Những giọt nước mắt sung sướng, những giọt nước mắt cảm động. Chúng ta như những con cá hồi đang về lại chốn cũ. Hỏi ai không rơm rớm nước mắt?
Hội Ngộ là chúng ta đã nhận ra nhau, là người cùng quê, cùng tổ, cùng nơi chôn nhau cắt rốn. Hội Ngộ là ta ngồi hàn huyên với nhau sau bao ngày xa cách không gặp. Hội Ngộ là kết nối người An Bằng trong yêu thương và giúp đỡ nhau. Hội ngộ là một sợi dây liên kết như đi chạp họ để tạo điều kiện cho thế hệ này nối với thế hệ sau. Đây không phải là một việc làm thiết thực hay sao? Hội Ngộ là đứng đây, nơi xứ lạ quê người mà cứ ngỡ như đang đứng trên quê hương mình. An Bằng Hội ngộ là dịp quy tụ con dân ở hải ngoại về gặp nhau thể hiện tình yêu xóm làng, nhớ công đức tổ tiên và các anh hùng đã bỏ mình bảo vệ xứ sở. Đây cũng là dịp để tạo điều kiện bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hoá của quê hương. Viết tới đây tôi như thấy cả một làng chài quê mùa hiện lên trong trí. Quê An Bằng tôi đó, làng tôi nghèo đất cày lên toàn đất cát, nơi đã từng mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Nơi đó, chúng ta không bao giờ quên được. An Bằng ơi! Hôm ni là ngày người An Bằng năm châu về đây hội ngộ, tay bắt tay, mặt đối mặt, và mắt rưng rưng.
Hoàng Minh