Tác giả Ha Nguyen viết: “Hội Đua Thuyền đã qua ba ngày rồi mà trong lòng tôi cứ đau nhói, tiếc cho công lao của các bậc tiền bối, ông bà, cha mẹ để lại cho quê hương, và tiếc cho công sức của các vùng đem hết lòng phụng sự cho nét đẹp cổ truyền.”
Cảm Xúc Đua Thuyền Tác giả: Ha Nguyen Kính thưa tất cả người con quê hương An Bằng! Lại thêm một mùa Lễ Hội nữa không thành công! Thật là đau lòng cho những người con trong làng cũng như những người con xa quê hương. Nói đến Lễ Hội Đua Thuyền Truyền Thống thì ai ai cũng cố gắng để góp sức xây dựng cho quê hương của chúng ta để có một lễ hội được trọn vẹn, hầu mong làm đúng ý nghĩa của nó. Ý nghĩa của nó là gì? Lễ Hội này được lưu truyền với mục đích cầu nguyện cho quốc thái dân an, và cầu cho con dân trong làng cũng như ở trên mọi miền đất nước có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Thế mà trong cuộc đua đã xảy ra nhiều chuyện ngoài mong muốn. Nếu đua thuyền là môn thể thao thì sẽ có sự thắng thua. Đội nào, vùng nào cũng muốn thắng để dành danh dự cho mình, chứ không ai muốn thua cả. Nhưng thắng thì nên thắng trong niềm tự hào, không kiêu căng. Thua thì nên thua trong ý nghĩa trợ giúp ngày hội. Quan trọng hơn hết, giữ cho ngày hội được trôi chảy thì toàn dân An Bằng đều thắng. Phá hủy đi nó sẽ đổi lại sự thua thảm bại cho nguyên làng, bao gồm cả danh dự. Quê hương của chúng ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm. Cuộc sống của chúng ta có được ngày hôm nay cũng nhờ công đức của các bậc tiền bối, tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại. Họ đã trải qua những gian truân, hy sinh cả bản thân mình, đấu tranh từng manh áo, miếng cơm để chúng ta trở thành con người An Bằng hôm nay. Quê hương của chúng ta ngày xưa rất lạc hậu mà nhờ công đức ấy nên người con quê hương mình có cuộc sống tạm gọi là ấm no. Vì vậy, Lễ Hội Đua Thuyền còn mang ý nghĩa nghĩ nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công đóng góp bàn tay của họ trong công cuộc giữ gìn truyền thống. Đến đời của chúng ta, ta không thể nào làm cho truyền thống này bị tiêu tan được. Ngược lại, ta nên phát huy nét đẹp này càng tốt đẹp hơn, để một phần nào không phụ tấm tình của những người đi trước. Truyền thống đua thuyền là một sự kiện tâm linh của làng như vậy đó, nên đã thu hút được những người con xa xứ trở về, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau gặp gỡ, tạo nên tình cảm khắng khít của làng xóm. Đây là một đánh dấu của nền văn hoá được tồn tại cả mấy trăm năm nay. Chúng ta không thể nào phá hủy đi nó được. Nếu sự kiện này còn tồn tại để phân biệt sự thắng và thua thì sẽ còn nhiều phần tử của quê hương hành động qúa khích, quên đi cái bản sắc của làng, hủy hoại hết ý nghĩa ban đầu của Tổ Tiên giao lại cho chúng ta. Những phần tử đó từ đâu đến? Họ có thật sự là con dân của An Bằng hay không? Đáng ra họ đại diện cho vùng của họ để giúp ngày hội được lưu truyền thì phải hãnh diện lắm chứ. Đằng này, phá làng phá xóm, gây tổn hại tài sản của làng thì chắc chắn không phải là niềm hãnh hiện của họ. Không hay ho gì cả. Có lẽ vì một bức xúc nào đó, nhưng ta không thể nào chấp nhận cái bức xúc thể hiện ra bằng bạo động. Ta không thể tiếp tục truyền thống này nữa, nếu như ngày hội này vẫn tạo cơ hội cho phần tử ấy lộng hành. Ta cần phải có sự thay đổi. Ta cần đặt danh dự An Bằng lên hàng đầu, chứ không phải là danh dự của một cá nhân nào hay một vùng nào. Những vô ý thức gây ra từ thành phần phá hoại ấy đã xoá hết mục tiêu của ngày hội. Bạn và tôi đều mong muốn mình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc qua lòng yêu thương quê hương. Chúng ta muốn có một quê hương để trở về, nơi hình ảnh hàng dương, biển cát, và các lễ hội truyền thống được lâu bền để mà hãnh diện, để mà tự hào. Qua lần đua thuyền vừa rồi, ta tìm lại điều gì trong nhau? Hội Đua Thuyền đã qua ba ngày rồi mà trong lòng tôi cứ đau nhói, tiếc cho công lao của các bậc tiền bối, ông bà, cha mẹ để lại cho quê hương, và tiếc cho công sức của các vùng đem hết lòng phụng sự cho nét đẹp cổ truyền. Vậy mà một chút bức xúc đã làm tiêu tan đi tất cả nét đẹp ấy. Chúng ta, tự cho mình là người An Bằng, có thể làm gì cho quê hương trong lúc này? Tôi xin kêu gọi quý vị hãy suy ngẫm kỹ. Ta nên làm điều gì có thể truyền lại cho con, làm gương cho cháu. Rồi đây con cháu của chúng ta sẽ nghĩ gì và hành động gì trong các cuộc đua ở tương lai? Mỗi một chúng ta đều có trách nhiệm làm tốt hơn. Với một người sống xa quê hương luôn nghĩ về làng xóm của mình, tôi cũng thiết tha kêu gọi làng coi lại cách thức điều hành, bởi chính nó cũng đang có nhiều khuyết điểm. Xin làng hoàn thiện lại các thể lệ đua, cách chấm điểm, chọn người trọng tài nghiêm minh, và thay đổi ban tổ chức để nâng cao tinh thần quê hương, thay vì đưa vào ý thức thắng thua nơi các vận động viên. Có vậy, hình ảnh quê hương tươi đẹp mới giữ được nơi toàn thể con dân An Bằng trong và ngoài nước. Có vậy, con dân An Bằng mới ngửa mặt nhìn người trong niềm tự hào. Có vậy, xã hội mới công nhận lòng cải thiện của chúng ta, biết sai, biết sửa sai, biết thay đổi để gìn giữ lại cái gì quan trọng hơn. Kính mến và thân chào, Ha Nguyen Michigan 06-11-2014
Cảm Xúc Đua Thuyền
