Bài Dự Thi: NL

Cái nắng gắt đầu đông của Sài Gòn đánh thức tôi qua khung cửa sổ.  Nghiêng mình, tôi chợt nhận ra có một sự thay đổi khủng khiếp trong tôi!

Có lẽ bạn đã quen thuộc với hai từ “chợ quê”.  Đối với bạn, hẳn nó rất bình thường và không có gì đặc biệt.  Nhưng với tôi, một con bé “dân xóm chợ” chính gốc, thì nó lại hoàn toàn khác.  Chợ quê là cả nửa cuộc đời tôi.

Nhà tôi ở sát bên chợ An Bằng, ngự tại vùng Trung Hải, làng An Bằng.  Hằng ngày, tôi bắt buộc phải lê lết ra khỏi giường bằng những thứ tạp âm phát ra từ chợ.  Tôi cáu ghét, mệt mỏi.  Tôi coi nó như một thảm hoạ của âm thanh, quá nhiều tiếng ồn chen chúc nhau vào màng nhĩ.  Khó chịu.

Giữa khuya, đã bắt đầu có những tiếng xe máy “lạch bạch” đi vào chợ của những o chú dọn hàng cho sớm để kịp bán.  Ở quầy thịt heo, tiếng dao chặt “bập bập” như đá lở vỡ gỗ.  Quầy rau hành, hàng trái cây “xì xào” những bó rau tươi, quả tốt được bày ra. Rộn ràng hơn cả, tiếng “nhao nháo” nói cười của những xe chở hải sản từ biển vào. “Lào xào” tiếng cháo lòng, bún bò, bún hến, bánh nậm, bánh bèo,… những món đậm đặc chất Huế. Thập cẩm của tiếng ồn!

Vừa ban sáng, mấy o nội trợ nườm nượp kéo nhau vào chợ, mong tìm được những thứ tươi ngon nhất dành cho gia đình mình.  Nào thêm tiếng gọi mời “rôm rả”, rồi thêm tiếng giá cả “bèo bọt lọt ít chua chát”, điểm thêm tiếng nói cười của những “cô tám, bà tám rưỡi”, đặc biệt hơn, đâu đó thoang thoảng tiếng cãi nhau loạn xạ pha chút bậy bạ của những chủ hàng trong chợ.  Âm thanh lại tăng gấp bội.  Thập cẩm của thập cẩm tiếng ồn!

Giữa trưa, vơi người, vơi hàng, vơi tiếng ồn. Chợ tan.  Chỉ còn lại những hàng trầu cau nhỏ, trái cây và tạp hoá là vẫn mở cửa.  Nhưng đã im nghỉm tiếng ồn, mặc dù chưa dứt hẳn, họ nghỉ trưa tại sạp. Vài giờ sau, hàng cá lại “um sùm” tiếng khiêng gánh, cá biển vừa cập bến tươi rói đã có mặt tại chợ.  Chợ chiều ít hẳn người mua hơn chợ sáng, tiếng ồn nhẹ nhàng hơn, có chút dễ nghe hơn.  Chiều hẳn, chợ lại tan.  Âm thanh đổ dồn về đám trẻ trong xóm, tụi con gái chơi buôn bán đồ hàng, chúng nó lượm vỏ lon, vỏ hộp, dựng lên thành gian bếp, lại ngắt lá cây đủ loại làm thức ăn, pha đất cát với nước làm cơm, như những bà nội trợ đích thực; lũ con trai lại bắn bi, tán dép, lâu lâu lại lê la sang chỗ con gái quậy chơi.  Tiếng cười, tiếng ồn đậm tuổi thơ!

Mặt trời gần tắt, lũ trẻ tan rã.  Đứa nào về nhà đứa đấy, hẹn tối lại “xum họp” với những “phi vụ” hấp dẫn hơn.  Con nhóc-tôi chạy về nhà và không quên ngoái nhìn sang quán cháo ngay cổng chợ.  Mùi gà vịt thơm phức, bụng đói meo.  Nhưng tôi ghét tiếng “bạch bạch” mà cái dao chặt thịt của o bán cháo cứ nhằm cái thớt lao đầu vào.  Nhức đầu.

Sang tối, lũ con nít trong xóm tụ họp. Tiếng la lối một góc chợ, chúng thường chơi năm mười.  Đầu tiên, đám trẻ khoanh vùng “cấm địa”, xong chúng tranh nhau núp trong vùng đó, làm sao không cho đứa xui xẻo thua oắn tù tì tìm ra mình.  Im ắng.  Phải lắng nghe tiếng bước chân của đứa thua cuộc mà lẫn trốn. Vo ve tiếng muỗi lượn, đứa nào cũng bị muỗi cắn cho vài phát mới chịu, nhưng vẫn ráng núp.  Bỗng giật mình tiếng la của đứa không may đã bị phát hiện, sau đó là một tràng cười.  Đó, âm thanh tuổi thơ tôi, đậm đà.

Một ngày tấp nập âm thanh của chợ tôi kết thúc bằng tiếng đóng cửa, tiếng say giấc nồng!

Thế đấy, ngày qua ngày, tôi gắn liền với nơi ấy đã nửa đời người.

Đời người của tôi, không phải là những con số nói về tuổi tác, hay những trải nghiệm gắn mác sành đời.  Mà đời tôi, là khoảng rộng những yêu thương, những mong ngóng, trăn trở, và cả những đợi chờ.  Tôi dành trọn nửa yêu thương này cho nơi tôi sinh ra, tôi lớn lên, tôi chơi đùa; nơi những người con quê biết đoàn kết, yêu thương, san sẻ cho nhau. Và nửa đời còn lại, tôi đi kiếm tình yêu của tôi.

Bất giác, tôi cười. Giờ đây, giữa lòng Sài Gòn tấp nập nhiều phức tạp, tiếng ồn không thiếu, tôi khao khát thèm thuồng trở về căn nhà thân thương, bên mái chợ thân thuộc. Thèm nghe những âm thanh đó – những thứ tạp âm mà bây giờ, tôi lại cứ tưởng là một bản hoà tấu hỗn độn nốt nhịp.  Thèm những món ăn dân dã, nhẹ nhàng, đậm màu biển, màu quê hương.  Thèm quay về lại, là cô nhóc quậy phá đủ trò với đám trẻ trong xóm, bây giờ đã lớn bổng.  Thèm níu giữ tiếng cười, níu giữ tuổi thơ.  Níu giữ cả nửa đời người – kí ức chợ tôi!

N.L.1114