“An Bằng vĩnh viễn còn hằn dấu chân tôi. Mảnh đất này không bao giờ thiếu bóng dáng tôi đi qua đó.”
Giọng thằng Thanh (con Gái Dũng) bên cạnh nhà nghe ghét! Mỗi sáng sớm sau khi nghe cô Hoa ở chùa gióng chuông, hắn thức dậy đọc sách. Tôi cảm thấy như hắn muốn đọc cho cả xóm chợ nghe chứ không phải để thuộc bài. Có lẽ lúc đó tôi chẳng bao giờ muốn học. Nhưng hắn có một đôi san-đan rất oai phong. Mỗi lúc đi học ở Vinh Thanh thì hắn mang vô, trông “chạy gái” lắm. Tuổi thơ của tôi là tấm gỗ nơn theo từng nhịp sóng mỗi trưa hè. Mỗi thằng một cành dương cầm sẵn trên tay. Nhà quê làm gì có dép mang! Những con đường ra biển đều là cát trắng. Nóng như than hồng. Đua nhau chạy một lúc, miệng hí ha hí hối kêu vang rồi đặt cành dương xuống cát, dẫm chân lên vài giây cho đỡ nóng.
Cứ vậy, sau chừng vài đoạn, cành dương ấy đã thành rác nâu. Tụi tôi lại bẻ cành khác và tiếp tục hành trình ra bãi biển. Con đường ra biển thật chông gai, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc. Có đôi khi vì nóng quá, có thằng chêm chân dưới bụi dứa ở một nấm mồ cát bên cạnh bàu đình rồi chửi thề cho bỏ ghét. Người nằm dưới kia có nghe được không thì tôi không biết, nhưng chúng tôi cảm thấy điều này rất quen tai. Biết đâu sau này linh thiêng, người nằm dưới kia bắt chúng tôi xây lăng để đền nợ! Nói vậy chứ, không nghỉ chân chỗ này thì chỗ kia, ngán con cóc nào. Chúng tôi chạy một mạch ra tận nhà thờ 12 họ. Lòng khoan khoái. Chạy vô núp nắng. Chơi bắn bi. Thằng nào thua phải cõng thằng kia đi một đoạn. Ác gớm! Lần nào tôi cũng thua, vì bắn bi đâu phải sở trường của tôi! Mà nghĩ lại, tôi chẳng có một sở trường nào cả.
Từ miền nam mới ra chưa đầy một năm thì ba tôi đi vượt biển. Là con lớn, tôi có nhiệm vụ ra biển để xin cá về giúp Mạ. Sẵn nhiệm vụ này, tôi thừa dịp vui chơi cho đã đời con cóc. Giọng của tôi lúc đó còn lai giọng Nam nên đám bạn thường đặc biệt để ý chọc ghẹo. Trong mấy năm qua, tôi đã học bơi, học mơn sóng và cảm thấy thích thú lắm. Khi cả đám hộc tốc chạy đến khe Ton thì vui mừng vô cùng. Có đứa đưa chân tát sạch vài giọt nước còn sót lại, có đứa xoay xoay đôi bàn chân sâu tận bùn đen để làm lành vết phỏng. Nhưng chưa. Leo lên độn cát sau khe Ton mới là vất vả. Cỡ tôi lúc ấy, mất 15 phút như chơi. Cứ leo lên được nửa độn thì bị trợt xuống. Có ai ma giáo bằng học trò đâu! Chúng tôi lựa chỗ nào có cây dương rồi vịn tay cho chặt. Sau đó lần mò lên tìm một cây dương khác. Cuối cùng, trận chiến chông gai nhất cũng đã vượt qua và phần thưởng cho cuộc hành trình thành công là bãi biển thênh thang mát dịu. Những đợt gió từ Thái Bình Dương quạt vào mặt làm tươi rạng lứa tuổi ham chơi. Chúng tôi hùa nhau chạy ra rồi quăng người xuống, nước tung lên xí xóe, xé ngang từng đợt sóng vỗ bờ. Khi nhận ra không có “đồ nghề” thì chúng tôi chạy lại một chiếc ghe của ai đó, “mượn” vài tấm ván và đua nhau bơi ra “cồn”. Cồn sóng vui reo, bọn tôi lếu láo thả người trên ngọn sóng để bơi nhảy vào bờ. Ấy! Điều này đòi hỏi “tay nghề” dữ lắm à. Không phải biết bơi là làm được, mà cũng không phải có kinh nghiệm cũng làm được đâu. Có khi cũng bị sóng vật, lộn cổ như mèo. Nhưng chúng tôi hầu như không bao giờ sợ. Khi chơi chưa “đã” thì những chiếc ghe đánh cá lần lượt chạy vô. Chúng tôi không quên nhiệm vụ của mình: đi xin cá.
Đừng tưởng đi xin cá là một chuyện quê mùa. Đây là phong tục của đám trẻ tụi tôi, mà cũng là phong tục của người đánh cá. Hễ “được” ngày, người trên ghe thường quăng xuống những chú cá tươi xanh và chúng tôi cứ việc đưa tay chụp. Cuối ngày, chúng tôi thường phân thắng bại bằng những con cá trên tay của mình. Có khi, vì đói bụng quá, chúng tôi sẽ không ngần ngại về tay không bằng cách mang những con cá ấy đem đi đổi ổi và khế để ăn. Thì về tay không chứ sao! Mạ có hỏi thì trả lời xin không được, chết chóc ai đâu!
Sau khi ăn chiều xong, tôi thường “lẻn” Mạ đi ra biển đợt kế. Lần này không phải để xin cá mà để thật sự nằm trên bãi cát để được nghe tiếng sóng. Lựa những lúc công an không để ý, chúng tôi nhè nhẹ “trườn” từ trên lùm dương, độn cát xuống sườn ghe. Ngủ tại đây. Công an có phát hiện thì cùng lắm đuổi vô. Không có ai nghi ngờ bọn nhóc như chúng tôi đi vượt biển cả. Nhưng cũng phải khéo léo lắm mới được. Bị bắt gặp một hai lần thì không sao, chứ qua lần thứ ba thì không chừng vô nhà khỉ ngồi một đêm đó! Nói ngủ, chứ chúng tôi hiếm khi ngủ ở biển lắm. Vì mỗi lúc ra được đây thì chúng tôi thừa dịp trò chuyện cho tới khuya. Trò chuyện theo kiểu con nít. Dựng lên những ước mơ xa vời! Rồi có đứa lên tiếng … “nếu mền đi vượt biển, mai ni qua nớ có giày mang khôn cần lót dương chạy nắng nữa …” Câu nói này làm cả đám sợ và im luôn. Sợ công an núp sau ghe nghe được. Đứa nào đứa nấy làm bộ ngủ và rồi ngủ thật luôn! Ừ nhỉ! Nếu mình có một đôi dép hay đôi san-đan cũng được … thì đời mình sung sướng biết mấy.
Cuối cùng giấc mơ ấy đã thành sự thật. Ba tôi gởi tiền về từ trại Hồng Kông. Tôi chộn rộn nài nỉ Mạ lên Huế đóng cho tôi một đôi san-đan như thằng Thanh. Tôi yêu quý món vật như thân thể thứ hai của tôi.
Đêm Mạ dẫn tôi đi … vượt biển, tôi cố tình mang theo. Một lúc sau, đi ngang qua nhà thằng bạn, nhớ lại ước mơ của hắn, tôi liền chạy vô nhà, quăng lại trước sân. Tôi đi bằng chân không, dẫm hai bàn chân lên con đường cát mòn. An Bằng vĩnh viễn còn hằn dấu chân tôi. Mảnh đất này không bao giờ thiếu bóng dáng tôi đi qua đó. Và tuổi thơ của tôi sẽ không bao giờ chia cách với vùng đất yêu dấu này.
Văn Đình Lang Quân
25 năm xa xứ