Bài viết của tác giả Thái Bình về ký ức tuổi thơ, về quê hương An Bằng. Dù có sinh sống ở đâu chăng nữa, An Bằng vẫn là nơi chốn để trở về.
AN BẰNG ÐẸP TRONG TÔI TỪNG KÝ ỨC
Tôi nhớ lúc tôi còn một đứa bé khoảng chừng 4-5 tuổi, tự hỏi mình từ đâu sinh ra, và khi chết sẽ đi về đâu. Khi đó tôi có những cảm giác lâng lâng, như tiếc nuối một điều gì không rõ. Tôi lại tự hỏi nếu mình không được mẹ sinh ra thì giờ đây mình sẽ ở đâu? Vậy mình có biết được mình lúc sinh ra không? Trong chốc lát tư duy ấy đã thoáng qua nơi tuổi thơ của tôi. Nghĩ đến tuổi thơ, chúng ta ai cũng có một thời hồn nhiên và mộng đẹp.
Nhắc đến thời thơ ấu, là nhắc đến quê hương. Mang trong tôi, thời thơ mộng ấy, là một ký ức yêu thương tuyệt đẹp, dù chan hoà những đớn đau hoặc giữa cảnh đời bất hạnh của bom đạn. Tôi được sinh ra trong một quê hương thanh bình, trong bàn tay yêu thương của cha mẹ, và anh chi, và được sống trong căn nhà ấm áp của tuổi thơ. Nhà xây bằng vách và mái ngói đã có tự bao giờ trước đó. Khoảng giữa thập niên 60 tôi cũng đã thấy làng An Bằng phần nhiều là nhà vách mái ngói. Ðời sống người dân An Bằng hồi đó rất thanh bình, nhà nhà ấm áp, tính tình vui vẻ hòa nhã, biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Về nghề nghiệp, đàn ông thì chuyên nghề biển, còn phụ nữ thì chuyên việc bán buôn. Họ sống rất tích cực trong đời sống mưu sinh. Ngoài nghề biển và bán buôn, họ còn có những thửa đất ruộng ở “ngoài nam triều” (các vùng An Thượng, Trung, Ðịnh, Mỹ, và An Hải bây giờ). Họ được di chuyển vào đây sau trận Mậu Thân năm 68. Mùa trồng trọt từ tháng giêng hai đến tháng mười. Tháng giêng hai bắt đầu vào mùa trồng khoai trồng sắn, đến tháng bảy bắt đầu trồng lúa. Người dân làng An Bằng phần nhiều chuyên về nghề biển, nhưng họ có rất nhiều phương tiện đánh bắt, có thể ra khơi hoặc ven bờ, tùy theo cá nước mỗi mùa. Mỗi chiếc ghe thuyền dài khoảng 21 đến 23 thước ta, chở được từ 6 người trở lên. Họ dùng nhiều phương tiện đánh bắt và mướn người ở những nơi khác đến làm thuê, như thơ nề, thợ mộc và công việc không chuyên môn khác. Bản chất của người dân An Bằng từ xưa đến nay không có tính kỳ thị hay ích kỷ, đời sống rất mộc mạc và chân thật. Người An Bằng bao giờ cũng hiếu khách và hoan hỷ. Bản chất hiền hậu đó đã được trao truyền đến con cháu chúng ta ngày hôm nay.
Về đời sống của người dân An Bằng lúc bấy giờ rất hưng thịnh. Do nghề biển rất phong phú, buôn bán thịnh vượng, đời sống sinh hoạt người dân ở đây rất thân thiết. Họ thường qua lại trao đổi chuyện trò khi chiều về. Mấy cụ già hay kể chuyện đời xa xưa, còn những chị em phụ nữ thường kể chuyện buôn bán hàng ngày. Trong không khí êm đềm, dưới những ánh đèn dầu lờ mờ trong mỗi căn nhà không đủ tỏa ánh sáng khi hoàng hôn phủ xuống, thì những câu chuyện trong ngày được làm đề tài cho từng nhóm người thân thiết. Tình người ở đây luôn thân thiện vui vẻ và nồng ấm. Có những đêm thanh bình lại vang lên những tiếng hò rộn rịp. Ðó là tiếng hò giã gạo hay giã ruốc đêm trăng, tiếng hò khoan của những chị em phụ nữ hòa trong khung khí yên lành nơi quê hương ngày ấy.
Trong khung cảnh thanh bình của quê hương, chung quanh làng còn có những rừng hoang phong phú, làm bóng mát cho buổi trưa hè nóng bỏng. Những con đường làng bé nhỏ, tỏa mát những hàng cây xinh xắn và những còn đường nhỏ loanh quanh làng, thật dễ mến. Ong bướm tung tăng trên những cánh hoa rừng vừa chớm nở. Những chú chim con mới biết cất cánh bay chợp chờn, theo tiếng mẹ dìu dắt và những bầy chim khác cũng rộn rã trong nắng sớm thanh bình kỳ diệu ấy. Sau những buổi tan học, tôi cùng các bạn trẻ thường hái lá rừng làm mũ đội, hái trái móc, trái dẻ và các loại trái khác. Thật là êm đềm nơi hoang dã rừng xanh, vừa đẹp khi trời cuối xuân. Vào đầu mùa hạ, có những lúc mải mê nô đùa theo cảnh vật mà quên đi buổi trưa hè nóng bức. Thời gian cứ lặng lẽ trôi để bắt đầu có những ngọn lá trên cây chuyển màu để báo hiệu thu về. Các bạn trẻ lại nao nức đón mùa tết Trung Thu sắp đến.
Cứ mỗi mùa tết Trung Thu đến, tôi cùng các bạn trẻ vui đùa tung tăng giữa con đường chính. Mỗi bạn đều có một lồng đèn cùng nến. Ánh đèn lấp lánh muôn màu rộn rã, chúng tôi mải mê trong chiều tết, vui đùa bên cạnh nhà thờ An Bằng. Làng An Bằng còn có trường tiểu học Mai Khôi An Bằng. Tôi được học ở đây khoảng 3-4 năm. Sau đó tôi bị biến chứng đau bụng hơn 3 năm liên tiếp. Và tuổi thơ của tôi từ đó đã gián đoạn vì cơn đau hành hạ. Nhà tôi ở ngay trung tâm của làng An Bằng, cách chùa và nhà thờ khoảng chừng trăm mét. Làng An Bằng đa phần là Phật Giáo có nguồn gốc truyền thống từ lâu, và một phần ít thì theo Công Giáo sau này. Tuy có hai tôn giáo nhưng người dân cũng cùng họ hàng Tôn Tộc cả. Đặc biệt làng An Bằng cứ 3 năm đáo lệ đua thuyền một lần. Đây là một trong những nét đẹp truyền thống và văn hóa của làng An Bằng đã được duy trì từ xưa đến nay.
ÐẾN CUỘC HOANG TÀN ÐỔ NÁT
Tôi còn nhớ rõ một buổi sáng đầu mùa hạ năm 1968 (Mậu Thân), lúc mẹ tôi đang sửa soạn bữa ăn sáng. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng nổ và nhìn thấy trên bầu trời khói đen mù mịt. Tôi biết đây là bom nổ và tôi kêu “mẹ ơi chạy mau, máy bay đến thả bom rồi.” Mẹ tôi liền vội vã xách một gói nhỏ, một tay cõng đứa cháu và tay kia dắt tôi. Vừa chạy vừa nhìn lui, khoảng chừng hơn trăm mét, thì thấy hai chiếc phi cơ ào ạt đến thả bom xối xả. Khi đó tôi nhìn lui vì thấy quá gần nên tôi bảo “mẹ ơi máy bay chạy theo mình đó.” Mẹ nói, “con cố gắng lên đi không thì nguy hiểm.” Nghe lời mẹ, tôi cũng ráng sức một đoạn nữa. Lúc đó tôi đã đuối sức vì cơn bệnh vẫn hoành hành. Nhìn lại mẹ, tôi thấy mẹ cũng quá bơ phờ mệt mỏi. Cố gắng chạy xa hơn chừng 400 mét, vì quá hoãng sợ và đuối sức, tôi ngồi ì xuống thở hỗn hễn chừng vài phút rồi tiếp tục chạy. Mọi người đều hốt hoảng, người người vội vã. Có người thì dắt con dắt cháu, có người thì chạy tay không, có người không chạy kịp, đã bị bom đạn vùi sâu trong đống hoang tàn khủng khiếp. Bom vẫn tiếp tục xả xuống từ sáng sớm đến một giờ trưa mới ngừng. Ba tôi thì ra biển khơi đến chiều mới vào bờ. Khi trở lai thì làng xóm nhà cửa đã hoang tàn đổ nát.
Sau cuộc tàn sát kinh hoàng do bom đạn, từ đó người dân An Bằng lặng lẽ tìm nơi cư trú mới. Nhưng họ đã phải chịu cuộc sống không nhà không cửa một thời gian mới ổn định. Làng An Bằng hiện đang sinh sống bây giờ, là đất Nam Triều. Trước năm 1968 cũng có một ít nhà ở đây rồi. Làng bị bom đạn, nay chính là vùng An Bắc. Vùng này ở gần bãi biển khoảng chừng trăm mét. Sau biến cố đó, họ tìm nơi trú ẩn, ở nhờ với người bà con hoặc bạn bè quen biết như Phường Tây, Hà Úc, Nam Triều, Thuận An. Cũng có một số dân di cư vào Lăng Cô và họ lập làng An Bằng ở đó. Họ vẫn có tài sản như vàng bạc của cải mang theo. Tuy rằng họ tìm nơi định cư nhưng công việc của họ vẫn không gián đoạn. Sau thời gian khoảng chừng 6 tháng hoặc 1 năm họ đã hoàn toàn ổn định lại cuộc sống an cư mới.
Kể từ sau năm 1968 qua những cuộc kinh hoàng đó, người dân An Bằng càng tích cực thêm trong sự sống mưu sinh của họ. Họ học cách tìm lại cuộc sống thanh bình từ nơi bản chất của họ. Người An Bằng vẫn hiền hòa như bao thuở trước, họ luôn yêu quê hương xứ sở của họ.
Người An Bằng có cái đặc điểm là tự tin ở chính họ về mặt tín ngưỡng dân gian, hay tôn giáo của họ. Họ có những lễ nghi, truyền thống như Đua Thuyền, Lễ Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, cúng lễ Cô Hồn, v.v…. Về mặt tín ngưỡng tôn giáo thì họ có đức tin và duy trì rất tốt. Họ thích làm từ thiện bố thí hoặc cúng dường. Bản chất đạo đức của người An Bằng luôn luôn thể hiện bằng sự chân tình nhẫn nhịn và hiếu khách. Làng An Bằng kể từ sau năm 68 đã được mở rộng thêm nhiều. Nhà cửa nay đã được xây khắp mọi nơi. Làng An Bằng có tất cả sáu vùng: An Bắc, An Thượng, An Trung, An Ðịnh, An Mỹ và An Hải.
Qua những thời vận biến chuyển, người dân An Bằng cũng chịu chung số phận đổi thay theo thế sự, nhân duyên tốt hoặc xấu. Người An Bằng cũng chịu cảnh tản cư thêm một lần nữa đó là năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, hai Miền nam Bắc. Nhưng lần này, qua những đắng cay giữa biển cả và hoà nhập vào xã hội, ngôn ngữ khác, một thời gian ngắn họ đã được trở lại sinh sống bình thường. Đời sống người dân vẫn còn ổn định. Trước năm 1975 đời sống người dân rất phồn thịnh, nên phần nhiều các nơi khác thường đến làm thuê mướn ở làng An Bằng. Trong thời gian tôi được sinh ra và lớn lên tại đây, tôi đã chứng kiến và hiểu rõ đời sống sinh hoạt trong quê hương tôi như vậy. Kể từ những năm ấy đến năm 1975, tôi chưa thấy người dân An Bằng đi xin ăn như bài viết tựa đề “Làng Ăn Mày” đã đăng trên Báo Thanh Niên, hay như bài “Trả Thù Quá Khứ” đăng trên báo Người Việt.
Cuộc biến đổi sau năm 75 đã làm cho nền kinh tế Việt Nam chưa được ổn định, nên phần nhiều người dân còn khó khăn về mặt sinh nhai. Nghề biển mất mùa liên tiếp, mọi người dân rất khó khăn. Người An Bằng cũng không ngoại cuộc, nhất là vào năm 1977 trở đi, khó khăn càng thấy rõ. Nhưng không phải trong làng ai cũng đói khát như ai, cũng có số ít phải đi xin ăn, như bao làng khác ở miền Trung. Phần nhiều họ buôn bán đổi chát bằng lúa gạo, cũng có một số đi kinh tế mới các nơi (thường đi về phía Nam), cũng có những người có cuộc sống đầy đủ. Ðặc biệt, làng An Bằng cũng có một đoàn tàu đánh cá lớn nhất cả tỉnh Bình Trị Thiên. Ðoàn tàu nổi tiếng đậu tại biển Thuận An lúc bấy giờ.
Cổ nhân có câu “Ðô thành cũng có kẻ cơ hàn, bần quê cũng có kẻ an cư thanh nhàn”. Xưa nay hình như chưa bao giờ ai nghe cả một làng hay một xã, một huyện, một tỉnh, hay cả một đất nước, đi xin ăn bao giờ, như tựa đề “Làng Ăn Mày” mà báo Thanh Niên đã viết trước đây, và sau này cũng có một vài tờ báo khác lặp lại, thật là chuyện phí công tổn sức. Thật ra thì chuyện nghèo giàu nơi nào cũng có, nơi nào cũng xảy ra. Đó là chuyện nhất thời, là chuyện bình thường của đời sống nhân loại ngày nay. Các bạn không cần phải lặp đi lặp lại những lời lẽ thiếu tính chân thực, qua những bài viết thiếu thiện cảm ấy. Dù sao thì An Bằng vẫn đẹp mãi, vì ở đó luôn có tính đạo đức và chân thật của người An Bằng.
NHỮNG NGÀY THẬT SỰ RA ÐI
Lần đầu tiên những chàng thanh niên trẻ của làng An Bằng đã chấp nhận một cuộc vượt biển sống chết. Họ ra đi để tìm tự do. Họ ra đi với lòng nuối tiếc và nỗi nhớ quê hương, thân nhân và bạn bè còn ở lại. Họ ra đi trong cơn sợ hãi, trong cơn sóng gió bão bùng. Nhưng trong lòng của những người ra đi luôn mang một nỗi niềm thương tiếc, nhất là gia đình, bạn bè thân yêu còn ở lại. Cũng có những số phận bất hạnh trong biển sóng mênh mông. Những ai còn may mắn thì họ đến được chốn bình an. Họ đã đổi lấy sự sống chết trong những cơn nguy hiểm mới có được ngày hôm nay. Giờ đây người An Bằng cũng đã có mặt khắp nơi trên đất Mỹ, Canada, và Úc, v.v…. Họ đã được đoàn tụ thân nhân, dù sau một thời gian dài trông đợi và vẫn tiếp tục. Kể từ khi được phép bảo lãnh thân nhân đến nay, phần nhiều được theo thân nhân định cư ở Hoa Kỳ khoảng 80%.
Hiện nay họ đã có một cuộc sống ổn định hơn bao giờ hết. Việc học hành con cái của họ rất khả quan, và họ di chuyển rất nhiều tiểu bang khác nhau trong nước Mỹ. Những tiểu bang nào sinh sống dễ dàng, thì họ quy tụ về để làm ăn sinh sống. Họ chẳng ngại gì chuyện di chuyển khó khăn cho việc làm ăn sinh sống. Họ còn thành lập những Ðạo Tràng Tu Tập, mở lớp dạy tiếng Việt cho con em của họ. Tinh thần văn hóa và đạo đức sống của người An Bằng luôn thể hiện bằng tinh thần xây dựng. Họ luôn tạo cho mình một thế đứng trong gia đình và xã hội, và thể hiện sự đoàn kết bằng những khóa tu học Phật: Thiền Hành, Thiền Tọa. Đặc biệt, họ luôn tổ chức Ðại hội Phật Tử An Bằng Hải Ngoại hàng năm để tu học ở từng tiểu bang khác nhau. Ngoài ra, người An Bằng cũng thể hiện những việc làm từ thiện giúp đỡ các nơi, quí thầy, quí cô hay quí linh mục. Tại Việt Nam họ đã đóng góp xây dựng những ngôi chùa, nhà thờ và những tượng đài thật to lớn. Ðặc biệt, họ đã xây một trường trung học trụ sở tại làng An Bằng. Sự đoàn kết và lòng khả ái của người An Bằng ở hải ngoại phần nhiều được mọi người biết đến.
Người An Bằng luôn trọng nghĩa tình là trên hết. Từ thời xa xưa cho đến con cháu ngày hôm nay, ở trong nước hay ở ngoại quốc, tính chất người An Bằng luôn có tính tình khiêm nhường và chất phát. Họ sống rất chân tình và dễ mến. Họ luôn nghĩ đến cha mẹ ông bà tổ tiên để báo hiếu. Sở dĩ người An Bằng xây dựng những cái lăng hoành tráng, hoặc hủy cũ xây mới, hoặc phá nhỏ xây to, cũng vì chữ hiếu. Tuy nhìn khách quan, thì không đúng lắm. Nhưng không phải việc không đúng đối với họ, đây là việc cá nhân của họ, mà họ muốn làm, vì sự chi tiêu đó, họ đã kiếm được bằng công lao và nước mắt, đó là khả năng của họ có, cũng do tinh thần xây dựng mà ra. Nhưng lại có những bài báo lên án một cách thiếu thiện cảm, không đúng sự thật.
Khái niệm của người dân An Bằng cũng là khái niệm của thế giới nhân sinh ngày nay. Họ đâu phải là Thánh Hiền, hay quan chức để lo cho dân, mà họ sẽ làm những gì hợp lý đối với họ. Vì sao? Vì người dân An Bằng luôn quan niệm rằng họ có được ngày hôm nay là nhờ phước đức từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên để lại. Họ nhờ ân đức đó mà vượt qua muôn ngàn khó khăn, nên họ cố gắng và hy sinh. Ðây là cách báo hiếu và biết ơn mà họ nghĩ. Nói chung, đây là cách nghĩ của người thế gian. Hơn nữa, họ muốn thể hiện một điều gì đó, bằng công sức, hoặc bằng tấm lòng đối với ân nhân quá cố. Họ lại còn biết thể hiện về đời sống tâm linh và đạo đức qua các việc làm từ thiện. Vậy, họ đã thực hiện cả hai điều cũng quí lắm chứ. Nhờ vậy mà làng An Bằng đã tạo ra rất nhiều công việc làm ăn khác nhau, để mọi người chung quanh các làng có được công việc sinh sống không tốt sao? Mà họ còn làm tốt hơn nữa như trên đã nói. Và người An Bằng đang tiếp tục làm rất nhiều việc có ích lợi cho chính con em và xã hội.
Người An Bằng luôn có tinh thần phát triển về mặt kinh tế. Họ rất tích cực trong mọi công việc hàng ngày. Giờ đây, họ đã có nhiều cơ hội phát triển về mặt kinh tế hơn. Họ rất nỗ lực trong đời sống cá nhân của họ và hiện nay phần nhiều được thân nhân bảo lãnh và định cư các nước, còn lại số ít chưa có điều kiện. Họ cũng tìm cách đến những thành phố lớn làm ăn như Sài Gòn, Huế, Ðà Nẵng, hoặc những nơi thuận tiện khác, còn số ở lại thì đang chờ định cư, hoặc số khác họ vẫn sống bình thường. Người dân An Bằng luôn đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.
Người dân An Bằng có niềm tự hào của riêng mình là biết nhẫn nhịn, biết yêu thương, không ích kỷ, không hiềm tị. Họ sống rất lạc quan, tính tình chất phát và thật thà. Người An Bằng luôn luôn thể hiện đời sống tinh thần xây dựng và đoàn kết mà tổ tiên của vùng đất này đã trao truyền lại.
Thái Bình
18- 04-12