Tác giả: Văn Đình Xuân, trích: Làng Xưa Tích Cũ

Độn Bồ ngày nay nhìn về hướng Bắc

Di Tích Làng An Bằng

Độn Bồ, có khi còn gọi là Lùm Bùi, là một đồi cát trắng nằm ở đầu làng về hướng tây bắc. Dưới chân của Độn Bồ, phía đông nam tiếp giáp với ngôi làng có một con khe gọi là Khe Ton (còn gọi là Khe Chùa), và dọc theo Khe Ton có một số ruộng được gọi là ruộng quan thổ.  Khi ruộng quan thổ nầy được cấp cho chùa Làng thì gọi là ruộng Tam Bảo, ruộng Tam Bảo nay vẫn còn dấu tích bên cạnh Khe Ton.

Khởi thủy, Độn Bồ là một lùm cây, mà phía tây bắc là một vùng cát trắng rộng thênh thang. Lùm là những cây ve ve, trứng cá, gai xanh, bông tang, cây chỏi, mân, dẻ, móc, mù u, thơm bù, cùng những dây leo đan nhau chằng chịt, tạo thành một bức tường chắn gió và giữ cát lại từ phía tây bắc lùa về. Càng ngày cát càng lùa về bồi cao lên, có lẽ do cách cấu tạo của đồi cát như vậy nên gọi là Độn Bồ.  Hiện nay những cây ve ve, trứng cá, chỏi, móc, gai xanh v. v., vẫn còn từng cụm trên khắp Độn Bồ.  Người xưa kể rằng đó là những ngọn cây mà thôi, còn gốc của nó đã bị vùi sâu ở dưới chừng 3, 4 sải, và cũng do vậy mà gọi là Lùm Bùi (vùi).

(Nơ​i bắ​t nguồ​n củ​a Khe Ton và​ Giế​ng Tau)
Khe Ton là một mạch nước được tiết ra từ vùng cát trắng cao và Độn Bồ, rồi chảy thẳng ra bờ biển ở phía đông bắc.  Khe có dòng nước trong vắt, mát rượi, có lẽ vì thế mà khe có tên là “Khe Ton” (Ton là trong, theo  cách phát âm của người dân địa phương thường hay bỏ quên hai phụ âm “r” và “g”).  Dòng nước của Khe Ton trong mát bốn mùa, chảy dịu dàng như mái tóc dài của nàng thôn nữ buông lơi trong gió, hết sức quyến rũ, khiến ai đã một lần đến đây thì không thể nào quên.  Do sức quyến rũ lạ thường ấy, nên dân làng mỗi khi nói đến Khe Ton là trong lòng dâng lên những kỷ niệm êm đềm khó phai.

Cùng với Độn Bồ, nơi phát nguồn Khe Ton còn có một lùm cây thốt nốt, dứa khay mọc trên một thửa đất bằng và thấp. Những cây thốt nốt có thân cây chắc nịch, vươn cao xòe lá trên nền trời xanh biếc, những cây dứa khay đan dày kín bít khó mà len lỏi được vào trong.  Chim muông rủ nhau về làm tổ kêu hót líu-lo, tạo cho làng quê một cảnh thiên nhiên êm đềm tươi mát.  Thật là một nơi hiếm thấy trên vùng bờ biển bạch sa nầy.  Nay lùm cây thốt nốt và dứa khay không còn, rể cây mục thành bùn và loài cỏ chỉ vươn ra đan dày trên mặt đất, những gốc cây mục được cỏ đan lên tạo thành từng mô nhỏ bằng chiếc nón lô nhô trên thảm cỏ xanh.  Mùa hè trẻ em rủ nhau lên tắm nước Khe Chùa, thường thi đua đứng từ mô cỏ nầy nhảy sang mô cỏ khác, hình cảnh trông rất ngoạn mục.  Đó là dấu tích của những gốc cây thốt nốt ngày xưa, nhưng nay lại cũng đã bị lấp đi.

Có người cho rằng, đây chính là nơi dừng bước đầu tiên của tiền nhân đến lập nghiệp. Nếu xét qua địa thế và hoàn cảnh thì quả thật không sai.  Bởi rừng cây, đồi cát chắn gió đỡ mưa, có khe với dòng nước trong sạch chảy ra sông và cửa biển, lại gần bờ biển là những nhu cầu thiết yếu để mưu sinh cho những người tha phương lập nghiệp. Dưới chân của Độn Bồ còn có những di tích có thể chứng minh được điều nầy như: Giếng Tau (có lẽ cũng từ chữ giếng Trâu mà ra, bởi ở trên những cánh đồng hay ven rừng thường có những vũng nước mà trâu thường tìm đến để uống nên gọi là giếng Trâu).  Ở đây chúng ta cũng được nghe quí ngài kể lại: “Dứa khay ở đây rậm lắm, có một người giữ trâu mỗi khi trâu lội vào trong thì đành đứng ngoài mà chịu.”

(Giếng Tau – nguồn nước nuôi cho toàn bộ dân làng)

Giếng Tau có hình vuông nằm bên cạnh Khe Ton và dưới chân Độn Bồ. Được kể rằng, khởi đầu là những tấm gỗ ghép lại thành hình vuông để chắn cát, về sau giếng được xây bằng vôi màu vàng hung hung, bốn góc có bốn trụ hình cầu.

Không biết giếng được kiến tạo từ năm nào, nhưng có lẽ đây là cái giếng nước đầu tiên khi tiền nhân đến lập nghiệp ở đây.

(Giế​ng Chù​a)
Nhìn ra bờ biển hướng đông bắc là một ngôi chùa cổ.  Chùa nằm chênh vênh trên triền Độn Bồ, hướng mặt về phía đông-nam, dưới những cây mù u, thơm bù to tướng. Trước mặt chùa, chếch về hướng đông cũng có một cái giếng gọi là giếng Chùa.  Đối diện với giếng Chùa bên kia con khe chảy qua trước mặt chùa là một cái miếu được gọi là am Bà Chúa. Ở gần cuối con khe, trước khi đổ ra con sông song song với bờ biển còn có hai miếu nhỏ nữa, thường gọi là Am Đôi. Am Đôi được kể là rất xưa nên chúng ta không được rõ về sự tích của nó. Có lẽ ngày xưa khi tổ tiên của chúng ta tới đây, chưa có điều kiện để kiến tạo đình làng, am miếu, mà tư tưởng của người xưa luôn có ý tưởng về thần linh nên đã dựng lên để thờ vọng thần linh trước khi có điều kiện kiến tạo miếu Thành Hoàng và đình làng chăng (?).

(Chù​a An Đ​ứ​c – Ngô​i chù​a đ​ầ​u tiê​n củ​a là​ng – đ​ã​ đ​ư​ợ​c trù​ng tu lạ​i)
Nhìn chung, những di tích ở đây đều được xây dựng dọc theo con khe, là nơi có nhiều dấu hiệu chứng tỏ tiền nhân ngày trưóc đã từng sinh hoạt tại đây đầu tiên.

(Am Đ​ô​i)
Quang cảnh của Độn Bồ, Khe Ton và những di tích đang bị vùi lấp dần, bởi cát từ Độn Bồ lấn xuống và mạch nước từ Bàu Đình không được thiết lập đường hào dẫn nước, nên mỗi mùa mưa lụt cát theo nước kéo về lấp dần con khe và những di tích của làng ở đây. Hiện tại con khe bị cát lấp từng đoạn tạo thành những vũng nước tù, nên phát sinh rong rêu dơ bẩn.

Ước mong làng sẽ có đề án để bảo vệ và tái tạo cảnh trí, gìn giữ dấu tích của cha ông. Thiết nghĩ đó là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa trong tinh thần tưởng nhớ công lao của tiền nhân vậy.

 

Tá​c giả: Văn Đình Xuân
Trích: Làng Xưa Tích Cũ

_________________________________________________
Xin gởi tin tức, ý kiến xây dựng về: anbangeditor@gmail.com