An Bằng Có Một Mùa Xuân Khác, Đó Là Lễ Hội Đua Thuyền.

Đua Thuyền Là Cuộc Trở Về 
(Thư Gởi Người An Bằng từ Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Hội Đua Thuyền An Bằng Hải Ngoại 2022)

Mùa xuân đã trở về với vũ trụ.  Ngoài trời, cây cỏ bắt đầu đơm cành trổ lá để đón bước xuân.  Trong tất cả các mùa thì mùa xuân được ví như là một sự hồi sinh, đầy sinh khí.  Đó cũng là lúc con người háo hức chúc nhau những lời đẹp đẽ nhất để hướng tới một năm đầy thành đạt, an vui.  Nhưng ở người An Bằng chúng ta, lại có một mùa xuân khác, theo định nghĩa háo hức, hồi sinh và sự trở về ấy.  Phải chăng đó là lễ hội đua thuyền mà ông cha ta đã trao truyền lại từ hằng trăm năm trước?

Mỗi lúc xuân về, người ta chộn rộn trang trí nhà cửa, hay nếu bận rộn quá thì cũng hút bụi, sửa soạn nhà cửa cho trang nghiêm.  Sự chờ đợi cái tết cổ truyền vẫn rộn rã, vẫn hồi hộp, vẫn hăng say, dù ở cuộc sống mới này người ta ít có thời gian để vui xuân một cách đúng nghĩa như lúc ở quê nhà. Tết là một dịp để khơi lại cái truyền thống trong mỗi người Việt chúng ta.  Nếu rảnh rỗi thêm tí, chúng ta lại nấu vài dĩa xôi, vài chén chè, rồi đặt lên bàn thờ mời ông bà về cùng ăn tết.  Dù trong hình thức lấy lệ ấy, cái gì đó rất truyền thống đang hiện hữu nơi chúng ta. Bằng sự nôn nao, háo hức, chúng ta chờ đợi ngày tết như thể chúng ta đang chờ đợi một phần quan trọng của riêng mình, hay rộng ra, của một nền văn hóa đang bị lai hóa.  Đúng thế, song song với cố gắng gìn giữ văn hóa, chúng ta vẫn lo sợ nó bị lãng quên ở thế hệ con em của chúng ta.  Tiếp xúc với đời sống hiện tại, tìm cơm kiếm áo, đối diện với vô số bất ngờ ở một xã hội mới thì quả thực là một gánh nặng nơi mỗi một con người Việt ly hương chúng ta.  Khi sực nhớ ra ngày tết về, chúng ta không thể nào vui sướng hơn để chứng kiến một thời khắc quan trọng nào đó trong cuộc đời mình. Đó là lúc mà chúng ta tìm lại bản chất của mình.

Người An Bằng chúng ta, vẫn như bao người Việt khác, đều tiềm ẩn một háo hức của mùa xuân.  Nhưng ngoài mùa xuân ra, một sự kiện khác nơi người An Bằng càng quan trọng hơn, đó là lễ hội đua thuyền diễn ra mỗi ba năm tại quê nhà.  Ở hải ngoại, trước khi mùa đại dịch xảy ra, ngoài về quê thăm gia đình thì chúng ta tấp nập về vào hai dịp, đó là vào dịp tết nguyên đán và vào dịp đua thuyền.  Về.  Rủ nhau về.  Gọi điện thoại thúc đẩy nhau cùng về.  Sự háo hức nơi hai sự kiện này vẫn có sẵn, chỉ chờ đợi đúng thời khắc thì nó hiển lộ một cách đồng lòng.  Đồng lòng cùng về.  Cái đặc biệt hơn ở sự kiện đua thuyền là ba năm mới có một lần, chứ không phải hằng năm, nên càng làm nổi bật thêm phần giá trị.  Như vậy, đua thuyền càng háo hức hơn cả ngày tết.  Lấy ví dụ, môn bóng rổ (basketball) ở Mỹ hầu như ngày nào cũng có.  Người ta có thể không coi một trận bóng rổ, nhưng khó có thể bỏ qua một trận bóng cà na (football), nhất là đội mà mình ủng hộ.  Sở dĩ như vậy là football có sự độc đáo của nó, vì nó chỉ diễn ra mỗi tuần một lần.  Thời gian càng lâu hơn thì người ta càng trông đợi lâu hơn, tạo ra một sự háo hức khá hứng thú. Không tin, chúng ta có thể nhìn lại những hình ảnh đua thuyền ở những năm trước đi.  Không có một sự kiện nào có thể trội hơn ở phần rộn ràng nơi việc đua thuyền.  Càng ý nghĩa hơn khi chúng ta biết truyền thống đua thuyền đã được ông cha ta trao truyền lại từ hằng trăm năm trước.

Xuân về là một báo hiệu cho sự hồi sinh của vạn vật.  Nhìn xem, cây cỏ bắt đầu xanh tươi; hoa lá bắt đầu trổ rực rỡ muôn màu, sau những ngày tháng tàn tạ nơi mùa đông.  Mùa xuân là một khởi đầu cho bốn mùa, được ví như một người chị cả trong nguyên năm.  Nó là khởi nguồn cho mọi thời khắc, của tuổi thơ, của sự bắt đầu.  Không những thiên nhiên biểu lộ sự hồi sinh ấy, mà chính con người cũng không thể bỏ qua một cơ hội giao thoa với vạn vật.  Những chợ đò đông người mua sắm.  Những chùa chiền, giáo đường, hay đường phố tấp nập người viếng cảnh.  Đây là dịp cho các chị biểu dương nét truyền thống qua chiếc áo dài một cách tự hào.  Các trẻ em được các lì xì từ quý vị cao niên, tăng thêm niềm vui mà chúng đã chờ đợi một năm qua.  Các anh thì có dịp đi thăm người này, người kia, chúc mừng nhau những câu tốt đẹp.  Sự hồi sinh nơi mùa xuân đã quá rõ nét.  

Tuy nhiên, khi nhắc đến đua thuyền thì chúng ta lại dấy lên một hồi sinh khác, đó là sự hớn hở, tràn đầy sinh lực, tràn đầy hăng say.  Người An Bằng không thể bỏ qua một đề tài về đua thuyền.  Chúng ta có thể nói về kinh nghiệm mà chúng ta có được, hay nói về ghe nào về nhất, ghe nào chèo đẹp, vào năm nào. Sự sôi nổi ấy chỉ có thể tồn tại nơi một dân làng mà sự kiện văn hóa đua thuyền quá ăn sâu vào gốc rể.  Rõ ràng, đua thuyền cũng có khả năng hồi sinh tâm tưởng sau những ngày tháng khô cằn nơi đời sống.  Nó mang lại niềm vui, hay ít ra, hướng tới một niềm vui nào đó trong tâm khảm của người An Bằng.   

Sắp tới đây, tại thành phố Miami, tiểu bang Florida, sẽ diễn ra một cuộc đua thuyền lần đầu tiên ở hải ngoại.  Một Ban Tổ Chức đã được hình thành và đang ráo riết dồn hết thời gian và tâm lực để tạo dựng một sự kiện có tầm vóc.  Vì là lần đầu nên chắc chắn sẽ có những thiếu sót, vụng về. Tuy nhiên, ban tổ chức sẽ mang hết khả năng để hoàn thành sứ mệnh mà Hội Đồng Hương An Bằng Hải Ngoại đã tin tưởng giao phó.  Được sự tín nhiệm của bà con, tôi được may mắn nằm ở cương vị trưởng ban tổ chức.  Tôi chần chừ lắm trước khi nhận lời.  Cá nhân tôi, hình ảnh đua thuyền ở An Bằng rất trừu tượng, nên chi tôi muốn vừa làm vừa học.  Quả thực, trong lúc tổ chức thì tôi cũng đã học hỏi rất nhiều từ các anh chị trong ban tổ chức.  Quan trong hơn, cái mơ ước mang truyền thống An Bằng trồng lên ở một xã hội mới vẫn luôn tiềm ẩn trong tôi, mà tôi tin rằng, cũng ở trong mỗi một người An Bằng đang sinh sống tại hải ngoại.  Cuộc đua thuyền lần này hướng tới sự kết chặt tình nghĩa An Bằng hay hợp với luật lệ của bản xứ hơn là đi theo khuôn khổ của quá khứ.  Ở đây, chúng ta có thể tạo dựng một cơ hội vui chơi cho mọi lứa tuổi.  Các vị cao niên là những bài học sống giá trị mà thế hệ trẻ hay lưng chừng như tôi học hỏi.  Các anh chị thanh niên có thể góp sức vào việc đua thuyền, mang một trách nhiệm gìn giữ truyền thống.  Các em nhỏ cũng sẽ có những trò chơi riêng, và sẽ được chứng kiến sự sôi nổi nơi sự kiện đua thuyền để làm hành trang cho một thế hệ An Bằng sau này.  Nói chung, đây là một sự kiện dành riêng cho người An Bằng ở mọi lứa tuổi.  Chắc chắn chúng ta đang mang một cảm giác hào hứng về việc này và sẽ xếp thời gian về tham dự cuộc hội ngộ lần thứ hai trong danh nghĩa đua thuyền lần thứ nhất này.

Mùa xuân là sự trở về, đua thuyền cũng thế.  Người ta sẽ không ngần ngại bỏ hết các công việc làm ăn để về quê ăn tết, về với gia đình, về với tổ tiên, về với xóm làng.  Hay nói một cách văn vẻ hơn, thì người ta sẵn sàng trở về với chính văn hóa của mình.  Đúng vậy, văn hóa của người An Bằng không thể nào thiếu vắng người An Bằng cả.  Chính chúng ta mới định nghĩa chúng ta là ai.  Ngày nay, phần đông người An Bằng đã ra sinh sống ở hải ngoại.  Sự việc đua thuyền ở hải ngoại cũng sẽ diễn ra không sớm thì muộn thôi, vì đó là công việc phải làm nơi nhóm người giàu lòng văn hóa như chúng ta.  Vậy chúng ta là ai?  Có nhiều người cho rằng người An Bằng là một tập thể đoàn kết.  Để được hai chữ “đoàn kết” là một chuỗi dài miệt mài xây dựng, chứ không phải một hai năm mới có được.  Đó là thành quả của bản tính sẵn có nơi con người chúng ta, dẫn dắt bởi thế hệ trước.  Tuy nhiên, hướng tới tương lai, liệu chúng ta vẫn tiếp tục định nghĩa người An Bằng “đoàn kết” nữa không?  Điều này tùy thuộc vào mỗi người chúng ta qua việc làm của hiện tại.  Mà công việc hiện tại trước mắt đó chính là sự kiện đua thuyền hải ngoại.  Trở về với đua thuyền là trở về với bản sắc văn hóa của chúng ta, như chính chúng ta thường trở về quê ăn tết.  Về.  Rủ nhau về.  Gọi điện thoại thúc đẩy nhau cùng về.  Đồng lòng cùng về.  Đó mới chính là bản chất An Bằng trong mỗi chúng ta.

Đua thuyền là một cuộc trở về, không hơn không kém.  Trở về với chính bản thân ta, trở về với nguồn gốc An Bằng ta, trở về với sự thao thức gìn giữ văn hóa nơi con người giàu lòng văn hóa.  Chúng ta sẽ cùng nhau trở về với sự đoàn kết mà chúng ta đã và đang tự hào bấy lâu nay.  Hãy làm đẹp hai chữ tự hào này bằng cách trở về.  Trở về nguồn cội An Bằng qua hình thức của một sự kiện đua thuyền.  Hẹn gặp quý vị vào một ngày nắng cát vui đùa của tháng bảy năm nay tại Miami, Florida.  Chúng ta sẽ tìm lại nhau bằng một lời thăm hỏi, một nụ cười trao đổi, hay một cú bắt tay thật chặt, làm tăng thêm tình An Bằng vốn đã luôn đoàn kết.

Về.
Rủ nhau về.
Gọi điện thoại thúc đẩy nhau cùng về.
Đồng lòng cùng về.

Văn Đình Cường
Trưởng Ban Tổ Chức
Ban Tổ Chức Đua Thuyền Hải Ngoại 2022