Bàu Đình An Bằng
Trên đường cái quan chạy ra phía biển, vừa qua khỏi bàu tràm thì du khách có thể tìm thấy cổng Bàu Đình được nằm bên trái. Trước cổng có ghi hai câu đối bằng chữ Nho như sau:
安水池清涟開賞夏香浮動
憑山沙白埋到逢春節資培
Việt Âm:
An thủy trì thanh liên khai thưởng hạ hương phù động
Bằng sơn sa bạch mai đáo phùng xuân tiết tư bồi
(Hình: Văn Khuyến)
Tạm Dịch:
Nước mát bàu xanh động nổi mở đua khen hương hạ
Độn bằng cát trắng nơi chôn vùi bỗng gặp tiết xuân
Dịch Suông:
Bàu nước an lành trong xanh như cánh động nổi phù lên để cùng đua nhau róc rách chảy như đang trao tặng mùa hè một sự mát mẻ mỗi khi cửa mở. Độn cát trắng của làng dù có chôn lấp đi những cánh cỏ mọc xanh um kia, nhưng mỗi lẫn như thế thì ta biết mùa xuân đang về.
(Hình Lê Bát)
Đại Ý (đoán mò):
Cửa của Bàu Đình mở vào mùa hè. Hơi nước mát trong kia sẽ làm dịu đi những gay gắt trong cuộc sống. Đến khi cây lá mọc xum xuê báo hiệu cho mùa xuân về thì cửa lại đóng.
Sự Thật (hiện nay):
Trong Bàu Đình có một cái ao hình vuông. Từ bờ, có một cây cầu cong hình bán cung bắt ra giữa ao nước. Tràm được trồng xung quanh khuôn viên. Dưới ao, sen nở vui tươi. Những lăng mộ cao vi vút đang đứng phía sau lưng Bàu Đình phản chiếu xuống mặt nước trong veo, tạo nên cảnh thần tiên hiếm có. Tiếc thay, sự thật thì nước ở đây không trong, lại khô dần, nhường chỗ cho loài cỏ dại chen chân vào lập nghiệp. Hiện nay, Bàu Đình được đóng cửa quanh năm, trái ngược với hai câu đối trên. Mỗi khi có việc thì lại mở ra. Lý do là, nếu cửa mở thì đoàn trâu sẽ vào, tắm nước hồ (vốn đã cạn khô) và phá cảnh quan của Bàu Đình.
Hình trích từ Làng Xưa Tích Cũ – Văn Đình Xuân)
“Mới Lạ”:
Vào năm 2015, những bô lão trong làng có đưa vào vài tảng đá to nhỏ đủ kiểu để trang trí thêm cho cảnh Bàu Đình. Những tảng đá lớn có khắc chữ Nho, chữ Việt, và chữ Anh cho đây là biểu tượng của học vấn. Điều nay cho thấy làng rất coi trọng sự học, và khuyến khích con dân hãy theo đuổi giấc mơ chữ nghĩa của mình. Nhưng, mặt khác, có lẽ ngụ ý của làng là khiến nơi đây trở thành một di tích đặc biệt có tiềm năng thu hút khách du lịch chăng? Có hai suy nghĩ khác nhau, tùy theo sức cảm nhận mỹ thuật của từng người. Một,Bàu Đình trông đẹp hơn, phù hợp với cảnh trí du lịch hơn. Hai, với nhiều tảng đá có hình dáng lộn xộn ấy đã làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của làng.
(Hình: Lê Bát)
Thiếu Người Chăm Sóc:
Nước trong ao của Bàu Đình đã không được như hai câu đối diễn tả. Hiện nay, nước cạn khô, bởi nó chưa chắc đã nguồn nước tự nhiên. Hơn nữa, những cây cỏ mọc quanh hồ lộn xộn, không người chăm sóc. Điều này đã nói lên sự thiếu tích cực phát triển ngôi làng trở thành một nơi đáng thưởng ngoạn từ du khách. Ta nên hiểu rõ, là chốn công cộng thì cần phải được bảo trì quanh năm. Nếu xây thêm vài băng ghế, du khách sẽ vào đây nghỉ chân và chụp hình kỷ niệm.
(Hình: Lê Bát)
Ý Cuối:
Vì Bàu Đình không phải là một di tích tự nhiên nên cần được bảo quản thường xuyên. Làng có thể chia phiên nhau, hoặc những người dân có thể đóng góp tiền của để mướn người chăm sóc. Có vậy thì mới đúng với hai câu đối mà những người đi trước đã nhọc tâm nghĩ ra. Và có vậy, làng An Bằng mới có thể bước vào một công cuộc phát triển về mỹ quan hầu thu hút khách vãng lai, mang lại nguồn kinh tế cho làng. Mong lắm thay.
Văn Đình Lang Quân
(Ghi Chú: Cám ơn Lê Bát đã cung cấp hình ảnh và giải phụ một số chữ Nho mà tác giả đọc không được. Xin qúy Ôn cao niên lượng thứ cho, và bổ sung thêm nếu sự dịch thuộc sai sót.)
___________________________________________________________________________
Liên Lạc: anbangeditor@gmail.com để bổ sung ý kiến xây dựng.Vào Facebook tại: https://www.facebook.com/Anbangnews-1495606114025325/