8/2/2015
Văn Đình Lang Quân: Dù là qua tấm lòng, qua hành động, qua sự đổi chác tiền bạc hay qua chức trách, chúng ta hãy cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và nhiệm vụ ấy, khi hoàn tất, sẽ tạo nên cảm giác an lành, thoả mãn.
Theo trung tâm chăm sóc môi trường cho biết, cứ mỗi năm, Việt Nam sản xuất 44 triệu tấn rác, (nguồn: vietnamnews.vn, February 10, 2015).

Điều báo động này đã thúc đẩy Việt Nam có một kế hoạch rõ ràng về sự quản lý rác thải.  Cuối năm 2014, chính phủ Việt Nam yêu cầu 54 tỉnh toàn quốc phải có biện pháp xử lý rác từng địa phương của họ, qua ba cách thức: giảm, tái sử dụng, hoặc tái chế.  Chính phủ cho rằng, điều này sẽ kiềm chế rác đến mức tốt nhất.

Nhưng đến nay, tại làng An Bằng, Thừa Thiên Huế, vẫn chưa xử lý rác một cách hữu hiệu.  Người dân trả tiền thâu rác với giá 35 ngàn mỗi tháng để được mang đi nơi cần đến.  Vậy mà công ty thâu rác mang đi tập kết ở nhiều nơi ngay tại làng An Bằng, cho rằng xe hư nên chưa đưa đi được, tạm vài hôm.  Nhưng vài hôm sau thì bảo vài hôm sau nữa.  Điều này thiếu sự quản lý, hỗ trợ của chính quyền.  Và có lẽ vậy, nên những đống rác kia vẫn nằm ì ra đó, ngày này qua ngày kia, chưa ai làm tròn nhiệm vụ của họ.  Người dân bắt đầu cảm thấy khó chịu, bất bình.

Những bất bình ghi nhận được như sau:

  • Đống rác sẽ làm ô nhiễm làng.  Một vài hôm sau, rác biến thể, bắt mùi, rồi ảnh hưởng đến các nguồn nước ở đây.
  • Đống rác sẽ làm mất đi vẻ đẹp của làng.  Cứ đi ngang qua, phía trong là nhà cửa mới đẹp, phía ngoài là lăng tẩm của ông cha, và ở giữa là lùm dương che mát nguyên làng.  Vậy mà bãi rác kia vẫn nằm chình ình một cách chướng mắt.
  • · Người dân đã trả tiền, tại sao rác vẫn chưa mang lên huyện, tỉnh để xử lý?
  • ·        Người dân có yêu cầu chính quyền can dự, tại sao vẫn chưa được giải quyết?

(Rác được tìm thấy tại vùng An Mỹ.  Hình Quốc Phạm – Hội Cổ Động Viên An Mỹ)

Sự bất bình còn nhiều.  Có vài anh chị em thanh niên làng đã cho ý kiến tự dọn dẹp rác đi.  Điều này cũng là một thiện chí của các thanh niên trong làng.  Tuy nhiên, nếu làm vậy thì chỉ với tính cách cấp bách tạm thời.  Vài tháng sau, quen bước, công ty rác lại tiếp tục không dọn rác lần nữa thì các thanh niên có tiếp tục giải quyết dài hạn hay không?  Đôi lúc, người ta hoang mang, chính quyền đang ở đâu.

Theo tiến sĩ Lương Quang Huy, ở các nơi thành thị, mỗi người tạo ra 1,1 kg rác một ngày, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.  Trong khi đó, ở nông thôn, mỗi người tạo ra 1 kg rác một ngày (Nguồn: Climatetech.net).  Ông Huy không cho biết mức độ rác tăng trưởng ở nông thôn.  Có lẽ, 15% kia là do sự phát tiển nơi thành thị, còn nông thôn thì lúc nào cũng giống như lúc nào.

An Bằng hiện nay chưa phải là thành thị nên chi rác không thể nào tăng lên 15% mỗi năm được.  Nhưng nếu nói lượng rác vẫn y như 30 năm trước thì cũng không đúng, bởi làng hiện nay đã có chiều hướng vươn lên hệt như một thành phố nhỏ.  Vậy, ta nên xử lý rác như thế nào?

Trước tiên, tôi xin trình bày về những loại rác ghi nhận được.

  • a)      Rác từ thức ăn
  • b)      Rác từ nhà vệ sinh
  • c)      Rác có thể gây độc hại đến sức khoẻ – chất lỏng biến dạng
  • d)      Các bao bị nylon, bao bố gạo, chiếu ra, giấy, áo quần, lon nước ngọt

Ta nên giảm thiểu lượng rác từ mỗi cá nhân con dân người An Bằng như thế nào?  Mỗi một chúng ta nên có trách nhiệm với môi trường.  Điều này đòi hỏi sự quan tâm cân nhắc mỗi khi tạo ra hoặc chuyển sang vị trí của rác.  Hãy nấu ăn vừa đủ, đừng nên cho thừa.  Vào quán ăn, sức ta chỉ ăn một tô bún nhỏ mà đi kêu tô lớn thì sẽ tạo ra rác vì thức ăn thừa này.  Những bao bị có thể xử dụng lại thì nên giữ để cho lần sau dùng.  Chiếu có bị hương đốt một lỗ nhỏ thì cũng không sao, có thể dùng lại được thì nên dùng.  Không tin, bạn đem chiếc chiếu kia ra biển thì không biết bao nhiêu người thích nằm lăn lên đó.  Những vỏ lon nước ngọt hay bị nylon thì có thể giữ lại để cho người đi thâu mua.

Thứ hai, chính phủ Việt Nam có mục tiêu gì trong cuộc tái tạo các rác thải để biến chúng sang những món thực dụng khác?  Tôi tin tưởng rằng, giấy và các hộp carton có thể biến dạng thành một thứ gì khác hữu dụng.  Và tôi cũng tin, nếu có thiết bị đầy đủ, thì công việc recycle không khó khăn gì lắm.  Nếu chính phủ có thiện ý làm sạch môi trường, biến Việt Nam thành một quốc gia sạch đẹp thì không thể nào để quên đống rác chướng mắt kia được.  Hãy giúp chúng tôi và giúp Việt Nam chúng ta tạo nên một đất nước văn minh.  Trong số 91 bãi rác toàn quốc, theo nhận định của tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, vào năm 2007, chỉ có 17 bãi rác được công nhận hợp tiêu chuẩn vệ sinh, còn lại 74 bãi kia chưa phù hợp (Nguồn: vncold.vn).  Chính phủ sẽ làm điều gì tiếp theo để nâng các thiết bị tiêu thụ rác một cách an toàn và vệ sinh?

Thứ ba, những công ty rác tạm thời đổ ở đây với mục đích gì?  Tôi không bao giờ tin tưởng lý do là xe bị hư.  Tôi cũng không bao giờ tin nơi đây là nơi tập kết.  Không có loại công ty rác nào đổ rác tạm thời ở một nơi lộ giữa mặt đất để ảnh hưởng đến sức khỏe của dân làng, và sau đó đến tiếp thu đi.  Nếu làm điều này, thì phải có một container để chứa rác rồi đậy lại, tránh mùi hôi bay vào làng và nước thải thấm xuống lòng đất mới đúng chứ.  Có lẽ xứ Nam ta chưa có những thùng đựng rác lớn này.   Đưa rác vào thùng lớn, và khi xe đến thì chỉ cứ việc kéo đi, là xong, không cần phải để ngổn ngang như thế.  Nếu đã là công ty xử lý rác thì tôi nghĩ các anh nên tìm cách tạo ra điều có thể.  Chính quyền đã cho phép các anh làm đẹp quê hương thì các anh nên lấy đó làm niềm tự hào trong công việc, đừng nên tạo sự phiền toái cho người dân hiền ở đây.

Thứ tư, chính quyền địa phương nên năng nổ trợ giúp công việc xử lý rác một cách chuyên nghiệp.  Các ông được dân tín nhiệm để làm việc cho dân.  Nếu không làm được việc này, xem như các ông đã thất bại trong nhiệm vụ của mình.  Trong hiệp hội Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương gần đây, một trong những điều kiện mà Hoa Kỳ nêu ra cho những tiềm năng đối tác đó là làm sạch môi trường – không cho ô nhiễm trái đất.  Trong khi chính phủ Việt Nam đang lo âu hay đang tìm cách làm tốt điều này thì các ông cũng nên chia sẻ qua hành động ngay.  Các ông ăn lương chính phủ thì cần phải nên làm điều này.  Hãy lập tức phạt những ai xã rác bừa bãi.  Hãy lập tức phạt công ty rác về sự thiếu trách nhiệm kia.  Hãy kêu gọi người dân ủng hộ sự giảm thiểu rác.  Đây là việc làm chính đáng mà các ông nên bắt đầu từ hôm nay.

Thứ năm, cá nhân tôi cho rằng các quán ăn gây ra nhiều rác nhất.  Thay vì dùng giấy để lau miệng, các chủ tiệm nên tìm cách thay vào đó những chiếc khăn.  Khăn có thể giặt tẩy và dùng lại.  Giấy tạo thành rác.  Làm được điều này thì cũng sẽ vô tình dạy cho khách ăn không xả rác bừa bãi xuống các bàn ăn.  Lúc về lại Việt Nam, tôi nhận thấy điều này mà thầm thương cho văn hoá Việt Nam của chúng ta.  Khách ăn thoải mái thả những mảnh giấy lau miệng xuống đất mà không cần biết thương tiếc mặt đất nghĩ gì.  Hành động này phản ảnh tính chất khách-là-vua ở Việt Nam chăng?  Dù thế nào, tôi khuyên các chủ quán nên vừa làm kinh doanh, vừa làm văn hoá, nhé.

Thứ sáu, một số thanh niên thiện chí đưa ý niệm cách thức xử lý rác thực hiện ngay tại làng An Bằng.  Họ cho rằng, nếu năm điều trên không thực hiện được thì làng ta nên tạo ra một bãi rác nhỏ, chỉ dùng trong phạm vi làng An Bằng.  Đó là đào một bãi rác thật sâu, tìm nơi thấp nhất trong làng để tránh hoá chất từ rác ô nhiễm mạch nước.  Đây cũng là một ý kiến hay, nhưng không phải là ý kiến dài hạn, vì chưa đủ phương tiện thiết bị để xây bãi rác tiêu chuẩn.  Vô tình, ta lại tạo thêm bãi rác thiếu vệ sinh thứ 75.  Nói cho cùng thì chính quyền Việt Nam phải có phương pháp hữu hiệu dài hạn mới mong điều này xảy ra.

Hồi 30 trước, lúc còn là đứa bé 12, 13 tuổi ở làng, tôi chưa bao giờ chứng kiến rác nhiều như thế.  Mỗi người, mỗi nhà đều có cách xử lý rác riêng của họ.  Ý thức của hàng xóm cộng với sự năng nổ của toàn dân làng đã thúc đẩy nhau làm sạch môi trường.  Người ta không nấu cơm bằng điện mà là bằng rác.  Cứ mỗi chiều, khói lên từ những mái nhà.  Có thể nói, khói sẽ làm ô nhiễm môi trường, nhưng loại khói từ rác không đáng kể, vì nó không có chất hoá học hay từ các dầu máy.  Ở thôn quê, dường như người ta hiếm thấy rác.  Ngày nay, An Bằng đang bước vào giai đoạn thành thị hoá.  Chúng ta đang đối diện với một điều cấp bách đáng lưu tâm.  Nếu chúng ta có thể làm lăng mộ cho người qúa cố để trả hiếu và để tránh nước rỉ từ xác chết vào nguồn nước thì cũng cùng lúc, chúng ta có thể gìn giữ môi trường An Bằng sạch đẹp qua ý thức về xử lý rác.

Tất cả chúng ta, từ người dân, dù xa xứ hay đang sống ngay tại làng, những người chăm lo xử lý rác từ công ty, hay những vị có thẩm quyền địa phương, những bô lão trong ban hương tộc đều có ít nhiều trách nhiệm bảo vệ quê hương này.  Dù là qua tấm lòng, qua hành động, qua sự đổi chác tiền bạc hay qua chức trách, chúng ta hãy cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ của mình.  Và nhiệm vụ ấy, khi hoàn tất, sẽ tạo nên cảm giác an lành, thoả mãn.  Bộ không phải cái tên gọi An Bằng đã cho ta cái cảm giác đó rồi sao?  Hãy vì trách nhiệm của mỗi người, làm ra điều có thể.

Văn Đình Lang Quân