Cúm coronavirus (COVID-19) đang được toàn thế giới quan tâm. Nó là một hiện tượng đáng sợ và đang lây lan ở nhiều nơi. Ở Hoa Kỳ đang có hiện tượng bùng phát, lây nhiễm cộng đồng. Loại cúm này có nguy cơ gây tử vong nơi những người lớn tuổi hoặc đã có các bệnh khác như tiểu đường hay bệnh tim. Đa số những người trẻ tuổi bị nhiễm sẽ tự lành lại sau một thời gian điều trị, nếu hệ thống miễn nhiễm của họ cao. Vì vậy, chúng ta cũng đừng quá hoang mang về việc này. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh để hiểu thêm về nó qua các thông tin xác thực để phòng ngừa.
Xem cập nhật trực tiếp về coronavirus đang bùng phát khắp thế giới ở đây:
Tại sao coronavirus (COVID-19) đáng sợ hơn cúm bình thường (FLU)?
- Covid-19: Toàn thế giới, tính đến nay, chừng 100,000 ca nhiễm và chừng 3,400 ca tử vong (nếu bị lây lan như flu thì số tử vong thật khó lường.)
- Flu: Mỗi năm, có đến 1 tỷ ca nhiễm trên thế giới. Số tử vong toàn cầu từ 291,000 to 646,000 người.
- Covid-19: Lượng tử vong lên đến 3.4% ở những người nhiễm bệnh.
- Flu: Lương tử vong chỉ ở 0.1% ở những người bị cảm cúm.
- Covid-19: Chưa có vaccine.
- Flu: đã có vaccine.
- Covid-19: Chưa có thuốc chữa.
- Flu: Đã thuốc chữa, và đôi khi có bán ở over the counter (otc) mà không cần toa bác sĩ.
- Covid-19: Thời gian ủ bệnh kéo đến 14 ngày hoặc hơn.
- Flu: Thời gian ủ bệnh chừng 3-4 ngày.
- Covid-19: Các bác sĩ đang tìm hiểu về nó, chưa biết nhiều về nó.
- Flu: Bác sĩ nào cũng biết flu ra sao, nên có thể đối phó được. Người dân thường cũng hiểu về nó.
- Covid-19: Ở nhiều quốc gia, hạn chế việc đi lại, bao gồm từ nước này sang nước kia.
- Flu: Bạn có thể bị flu nhưng vẫn đi lại được.
Triệu chứng
Những triệu chứng của coronavirus là: sốt, ho khô, và hơi thở ngắn hoặc khó thở. Nếu bạn gặp những trường hợp này, hãy gọi cho bác sĩ gia đình của mình gấp. Bạn cũng cần nên mang vào khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác.
Phòng ngừa
Hãy phòng ngừa để tránh nhiễm bệnh, mang gánh nặng cho người thân và gia đình. Tránh gần người bệnh, giảm thiểu đụng tay vào mắt, mũi, miệng, mỗi khi hắt xì hoặc ho thì đưa khủyu tay vào che mũi miệng lại (đừng dùng bàn tay), hoặc ho vào giấy lau mũi sau đó liệng vào thùng rác. Thường xuyên lau và tẩy trùng những vật chung quanh nhà mà bàn tay bạn có thể đụng vào. Nếu có thể được, tránh hội họp nơi chốn đông người.
Sau đây là một vài cách căn bản chi tiết về việc rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập nơi chốn đông người, sửa đổi cách ăn uống, thường xuyên theo dõi thông tin chính xác, và chuẩn bị tinh thần đối phó trong trường hợp xấu nhất.
Rửa tay:
Khi nào rửa tay?
Bàn tay chứa rất nhiều vi trùng, do chúng ta dùng nó để làm việc hay thói quen. Bạn cần nên rửa tay:
- Trước khi, trong khi, và sau khi chuẩn bị thức ăn
- Trước khi ăn
- Trước khi và sau khi chăm sóc người bệnh do ói mửa hoặc tiêu chảy ở nhà
- Sau khi đi nhà vệ sinh
- Sau khi thay tã cho con hoặc dọn dẹp nhà vệ sinh
- Sau khi xì mũi, ho, hoặc hắt hơi
- Sau khi chạm tay vào những con gia cầm
- Sau khi đụng vào thức ăn của các con gia cầm
- Sau khi đụng vào rác
- Sau khi lượm một vật gì ở dưới đất
- Sau khi đưa tay chạm vào một vật gì không vệ sinh
Tại sao rửa tay?
Một nghiên cứu khác, cứ mỗi tiếng, người ta đụng tay vào những vật bẩn đến 3 lần. Dùng tay mở cửa, tay đụng vào thùng rác, tay đụng vào bàn ghế, tay cầm chổi quét nhà, tay xả bồn cầu, ho vào tay, sổ mũi vào tay, tay cầm thức ăn, tay đụng vào thang máy, tay vịn cầu thang, tay cầm điện thoại, cầm tiền mặt, đẩy xe ở chợ, vân vân. Những vật đó đều có khả năng con vi khuẩn dính vào. Một nghiên cứu cho biết, cứ mỗi giờ, người ta đụng vào mặt, bao gồm mắt, mũi, miệng gần 16 lần. Nếu bàn bẩn hay đã dính khuẩn, thì đây là việc truyền nhiễm nhanh nhất vào thân thể. Vì vậy, việc rửa tay rất quan trọng. Theo Bộ Kiểm Tra và Phòng Chống Dịch Bệnh của Hoa Kỳ (CDC), rửa tay đúng cách sẽ giảm mắc bệnh tiêu chảy xuống 23-40%, giảm bệnh tiêu chảy ở những người có miễn dịch yếu đến 58%, giảm các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh xuống 16-21%, và tránh bệnh do đường tiêu hoá ở các em học sinh xuống 29-57%.
Thế nào là rửa tay đúng cách?
- Làm ướt tay bằng nước sạch, ấm (ấm hoặc lạnh), miễn sao cảm thấy thoải mái là được.
- Dùng tay lấy xà phòng và chà xát toàn bàn tay, giữa các ngón tay, và dưới móng tay.
- Chà tay trong ít nhất 20 giây. Nếu bạn không có để ý thời gian thì có thể hát bài “Happy Birthday to You” hoặc “The Alphabet” hai lần.
- Rửa sạch tay dưới vòi nước sạch.
- Lau khô tay bằng giấy sạch hoặc phơi khô.
Lưu ý: sau khi rửa tay xong, nếu bạn chạm vào vòi nước hoặc đưa tay mở cửa thì việc rửa tay vừa rồi đều vô tác dụng. Vì vậy, bạn nên dùng giấy đã lau tay để tắt vòi nước và mở cửa, sau đó vứt giấy vào thùng rác.. Tránh đưa tay chạm vào những vật dụng xung quanh sau khi đã rửa tay xong. Nếu vô tình bạn chạm vào chúng thì bạn cần nên rửa tay lại. Vào mùa đông, rửa tay nhiều thì tay của một số bạn sẽ bị khô (nếu không khô thì có nghĩa là bạn không rửa tay đúng cách hay rửa tay chưa đủ). Để da tay khỏi khô và nứt nẻ, bạn nên thoa lotion hoặc vaseline trước khi đi ngủ.
Sau khi rửa tay, nếu nhà có Hand Sanitizer (60% Alcohol) hoặc Isopropanol (IPA 70% Alcohol) thì thoa vào tay. Lưu ý, hand sanitizer không thể nào tẩy trùng vào bàn tay dơ. Vì vậy, bạn cần rửa tay trước rồi sau đó mới dùng hand sanitizer.
Video cách rửa tay:
Tránh tụ tập ở chốn đông người
Cúm coronavirus được biết đến có khả năng truyền nhiễm từ người sang người. Hiện nay, Hoa Kỳ đã được liệt kê vào tình trạng lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, nếu có thể được, bạn cần tránh những nơi có tụ tập đông người. Tránh đi máy bay, nếu không cần thiết. Vi khuẩn này không truyền sang không khí, nhưng có thể từ va chạm vào người khác hay thậm chí từ nước miếng của người khác văng qua trong lúc nói chuyện. Các chuyên gia khuyên rằng, chúng ta nên giữ một khoảng cách xa – chừng 6 feet – với người đối diện. Giảm thiếu bắt tay với người khác, nếu không cần thiết. Và có lỡ bắt tay thì cũng nên nhớ rửa tay.
Ở nhà, ở tiệm, bạn nên thường xuyên lau chùi các vật dụng mà bàn tay dễ chạm vào bằng giấy có tẩm alcohol 60-72 phần trăm cồn. Loại giấy tẩm alcohol hiệu Lysol hay Clorox cũng có thể dùng cho công việc này. Còn không thì lấy xịt IPA rồi để tự động nó khô hay dùng giấy sạch để lau khô sau khi IPA được xịt vào.
Sửa đổi cách ăn uống
Xin nhắc lại, coronavirus chưa có vaccine và cũng chưa có thuốc chữa. Một điều không kém quan trọng mà chúng ta có thể làm trong lúc này là tăng sức kháng thể từ thức ăn thanh đạm, như rau cải, trái cây, hoặc những thứ có chất như vitamin C, B, D, hoặc Zinc. Nhớ uống nước thường xuyên để tránh tình trạng khô cổ họng. Đừng uống nhiều, mà hãy uống nhiều lần. Nước ấm thì càng tốt. Một khi vi khuẩn vào mình thì chất đề kháng của chúng ta là một nguồn lực đối phó với nó. Nếu kháng thể mạnh thì chúng ta sẽ chiến thắng vượt qua.
Tuy nhiên, do tập tục của người Việt chúng ta ăn đũa, gắp chung một món rau, chấm chung một chén nước mắm, thì cơ hội lây lan từ người sang người rất cao. Năm, bảy người ăn chung một nồi lẩu là phong tục ăn uống thường tình của người Việt chúng ta. Bạn nên có một đôi đũa riêng để gắp thức ăn, hoặc dùng riêng chén nước mắm cho mỗi người. Cuối tuần, chúng ta thường tổ chức cuộc họp mặt vui chơi. Có khi ở một bàn nhậu, chúng ta lại dùng chung một ly rượu rồi đi quanh để uống chung (mặc dù rượu có chất cồn, vi khuẩn hiếm khi vào, nhưng loại cồn này chỉ dưới 40% và quanh miệng ly có nước miếng của người khác, nên có thể rất tác hại). Mỗi người một ly là chắc ăn nhất. Càng chắc ăn hơn nữa là không nên nhậu chung với những người lạ mặt, nhất là những người vừa trở về các nước khác mà chúng ta không biết lai lịch của họ. Hoặc, những người chúng ta đã quen biết nhưng họ đã từng nhậu chung với một người đã bị nhiễm.
Theo dõi thông tin chính xác
Có người cho rằng uống nước tẩy (bleach) hay ăn tỏi sẽ diệt coronavirus. Điều này hoàn toàn sai. Thời buổi thông tin tự do này, những giả thuyết về cúm corona rất nhiều. Có khi bạn sẽ thấy rất phân vân. Khi đọc một tin nào, bạn cần hoài nghi về tính chất sự thật của bài viết đó. Điều đáng buồn là, sau khi đọc một tin không rõ nguồn gốc thì bạn tin ngay và liền. Xin đừng làm vậy. Những tin tức với tựa đề giật gân luôn được đại đa số dân chúng tò mò thích đọc. Bạn hãy đề phòng về những tin này. Hãy tìm đến những thông tin có tính xác thực như từ WHO, CDC, sở y tế địa phương của bạn, hoặc từ các báo chí uy tín và chuyên nghiệp. Nếu theo dõi trên mạng xã hội, bạn cũng nên chọn lựa người nào có uy tín trong lãnh vực thông tin này. Nguồn tin từ những tờ báo bị kìm kẹp bởi một chính phủ nào đó, vì lợi ích kinh tế của họ, cho dù có nổi tiếng hay chính thống đến đâu, cũng sẽ không đưa ra những tin tức xác thực. Xin hãy chọn nguồn kỹ lưỡng.
Chuẩn bị tinh thần nếu bị nhiễm bệnh

Photo credit: Seattle Times
Cho dù bạn cẩn thận đến đâu thì bạn cũng nên suy nghĩ mình cần làm gì nếu như không may bạn bị nhiễm virus này. Bạn cần gọi bác sĩ gia đình ngay, nói về tình trạng và triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Bạn không nên đến phòng cấp cứu, vì làm như vậy thì sẽ lây lan cho kẻ khác. Bác sĩ gia đình của bạn sẽ có cách khám nghiệm hữu hiệu và liên lạc những chức năng y tế khác cho bạn. Gặp trường hợp bạn đến phòng cấp cứu thì nhớ mang mặt nạ để tránh lây nhiễm cho người chung quanh. Khi vào phòng cấp cứu, bạn nên nói rõ bạn đang có triệu chứng của loại cúm coronavirus để họ chuẩn bị.
Bạn cần suy nghĩ về gia đình, như ai sẽ giữ con cho bạn nếu bạn bị cách ly, thức ăn cho gia đình trong thời gian bạn bị cách ly, tài chánh sinh hoạt gia đình, thuốc uống cho người bệnh trong nhà, hay đơn giản nhất là vật dụng trong nhà mà nếu không có bạn thì gia đình sẽ bị bỡ ngỡ.
Nếu ở trường học của con bạn có người bị nhiễm thì buộc trường phải đóng cửa. Bạn cũng nên suy nghĩ cần làm gì, ở nhà để giữ con hay tìm người giữ con.
Nếu thành phố tuyên bố hạn chế đi lại trong vòng hai tuần thì bạn không thể đi làm việc được, vậy bạn cần làm gì trong hai tuần đó.
Lời Cuối:
Virus này đang lây lan ở cộng đồng và lớp người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người lớn tuổi hoặc đã có tiền lệ bệnh lý lâu năm khác. Hãy bảo vệ chính bạn và bảo vệ gia đình của mình. Đến đây, bạn có đủ thông tin cũng như sự nhạy bén của riêng mình để sẵn sàng đối phó. Tự giúp mình, cũng đồng nghĩa như giúp gia đình, người thân, và rộng ra, là giúp luôn cả cộng động nơi bạn đang sống. Chúng ta cần biết rằng, số người được chữa trị thành công rất cao, so với lượng tử vong. Cho nên, chỉ cần chúng ta phòng ngừa thì không có gì đáng sợ cả.
Tổng hợp bởi:
Cuong Van
Cuong Van is the Director of Quality, Food Safety, and Regulatory Affairs for a food and dietary supplement processing company (Giám đốc bộ phận Chất Lượng, An Toàn Thực Phẩm và Pháp Lý cho một công ty bào chế thực phẩm và dược phẩm).
Sources:
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/coronavirus/coronavirus-disease-2019-vs-the-flu
- https://www.cbsnews.com/feature/coronavirus/
- https://www.facebook.com/WHO/videos/214175736368721/
- https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public
- https://www.cdc.gov/media/dpk/diseases-and-conditions/coronavirus/coronavirus-2020.html
- https://www.cdc.gov/handwashing/index.html
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18357546-a-study-quantifying-the-hand-to-face-contact-rate-and-its-potential-application-to-predicting-respiratory-tract-infection/
- https://www.livescience.com/25086-stop-touching-yourself-flu-researchers-say.html
- https://www.usatoday.com/in-depth/money/2020/03/04/coronavirus-what-stock-up-and-how-prepare-your-emergency-kit/4937518002/
- https://www.psychologytoday.com/us/blog/click-here-happiness/202003/6-ways-arm-your-immune-system-fight-coronavirus