MIAMI, FLORIDA: Gần 4 ngàn người dân An Bằng tham dự ngày hội ngộ lần đầu tiên sau hơn 40 năm sinh sống tại xứ người.

Vào hôm Chủ Nhật, 14 tháng 7 năm 2019, tại thành phố Miami, tiểu bang Florida, đã diễn ra một buổi họp mặt của người An Bằng đến từ các quốc gia và nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.  Đây là một sự kiện đánh dấu trên 40 năm người An Bằng có mặt tại xứ người. Những nụ cười hội ngộ, những giọt nước mắt đầy tình làng nghĩa xóm đã lan tỏa khắp hội trường trong niềm náo nức bấy lâu nay. 

Video:

Tiết mục mở màn dâng hoa thật trang nghiêm nhưng không kém phần cảm động, khiến cả hội trường rưng rưng nước mắt.  Hội trường có sức chứa 7 ngàn người, nhưng nhìn quanh thì hầu như đã chật kín vào lúc dâng hoa này. Theo ban tổ chức cho biết, dự định 2 ngàn tham dự, nhưng người ta đã thật sự đến gấp đôi số lượng đã dự định.  Đây là một khuôn thước đo lường sự thành công của ban tổ chức. Mặt khác, người An Bằng vốn luôn đoàn kết nên họ không thể nào bỏ qua một sự kiện quan trọng được tổ chức trên một năm nay được. Bài nhạc Hội Ngộ Thân Thương đã trỗi lên bởi ban hợp ca qua lời nhạc rất gần gũi với người An Bằng.  “Bà con ơi, răng mà đẹp rứa hè, lâu rồi không gặp có khỏe không, chừ ở mô?” Hầu như người ta đã chép miệng theo làm để hội trường vang lên một đồng điệu, mà nơi đó chỉ có sự kết hợp của bao nhiêu người con An Bằng xa xứ, bất kể họ ra hải ngoại bằng một diện gì.

Trong phần khai mạc, tiến sĩ Lê Đức Long, trưởng ban tổ chức, đã ngỏ lời chào đón các đoàn thể, tôn giáo, chức trách địa phương, và toàn thể con dân An Bằng đến tham dự từ nhiều quốc gia và địa phương Hoa Kỳ.  Ông còn cho biết công việc tổ chức đã khá vất vả; các thành viên trong ban tổ chức đã phải mất nhiều thời gian lo chu toàn mọi công việc trên hơn một năm qua. Ban tổ chức đã đối diện với sự khó khăn về tài chánh, về tư tưởng, và nhiều công việc dàn xếp khác.  Nhưng do mỗi tấm lòng vì hai chữ An Bằng của mỗi người nên đã cố gắng vượt qua mọi trắc trở đó để có được buổi hội ngộ hôm nay. Ông cũng cho ghi nhận những nỗ lực làm đẹp quê hương An Bằng và khuyến khích trào truyền nét văn hóa này cho thế hệ tương lai.  Cuối cùng, ông có lời cảm ơn đất nước Hoa Kỳ và những quốc gia khác đã cưu mang đón nhận người An Bằng với nhiều cơ hội để từ đó người An Bằng mới có khả năng phát huy được tài năng thật sự của mình.

Sau đó, ban tổ chức có vinh danh 7 thanh niên vượt biển đầu tiên tại bãi biển An Bằng vào năm 1978.  Qua những tâm sự, họ đã phải trải qua những gian nan giữa sóng nước mênh mông, khắc phục những tuyệt vọng trong lúc tìm đường tự do.  Vì sự thành công đến bến bờ tự do của họ nên đã mở đường cho bao nhiêu thuyền đánh cá khác mạnh dạng hơn, nối gót vượt biển, để rồi có một ngôi làng An Bằng giàu mạnh như hiện nay.  Có thể nói, dân làng An Bằng có số lượng vượt biển cao nhất so với những làng chài lân cận. Tại hội trường, người ta còn thưởng thức một thước phim ngắn tái hiện cuộc vượt biển đầu tiên này, làm cho mọi người từ ngậm ngùi cảm động đến thương thầm cho số phận ly hương, rồi tự hào về những thành công mà thế hệ trẻ đã đạt được ở xã hội mới. 

Bỗng ca khúc Chung Một Lời Ca đã trỗi lên, để tiếp theo với những tiết mục ca nhạc, được sáng tác bởi người An Bằng cho hội ngộ. Sân khấu đã tỏa sáng những thành quả của người An Bằng. Phần giúp vui sân khấu gồm các ca sĩ An Bằng, ca sĩ Huệ Thy và Don Hồ. Xen kẽ là những cuộc xổ số trúng thưởng, phát biểu của các đoàn thể An Bằng, hay trình bày nét lịch sử và thống kê của người An Bằng qua hai ngôn ngữ.  Trước đó cùng ngày, những trận thể thao đã diễn ra tại Miramar Regional Park với trên 500 thanh niên An Bằng tham dự ở các môn bóng đá và bóng chuyền. Những đội thể thao này đã được trao giải trong mục preshow của hội ngộ. Thể thao đã thực sự nói lên sức mạnh của tuổi trẻ nên chi không khí của hội trường càng náo động với những tiếng hô vang. Ngoài ra, cũng trong phần preshow, ban tổ chức đã trao giải thi viết văn cho 14 thí sinh. Người ta chợt nhận ra, một trong những câu biểu ngữ treo ở hội trường thật ý nghĩa, “chăm sóc tuổi trẻ là gìn giữ nét văn hoá của tiền nhân.”

Theo sau là những tiết mục giới thiệu về thành tích của người An Bằng. Với bản chất đoàn kết, hễ đi đến đâu, người An Bằng đều có xây dựng cộng đồng để gìn giữ nền văn hoá qua các buổi họp mặt tất niên hoặc tân niên. Sự thật thì, buổi hội ngộ này là cuộc liên kết giữa các cộng đồng An Bằng khắp nơi để có được. 

Theo thống kế dân số mà ban Văn Hoá đã trình bày, hiện nay người An Bằng đang sinh sống rải rác khắp nơi với trên 10,000 người. Buổi hội ngộ này đã được đội ngũ Anbangnews trực tiếp đưa lên Facebook để nhiều bà con không tham dự được có thể theo dõi. Về truyền thông, ngoài Anbangnews ra, đài SBTN đã có mặt. 

Buổi hội ngộ đã diễn ra một cách thành công về cả hai mặt: lượng người tham dự và tài chánh. Do số người tham dự gấp đôi dự định, ban tổ chức đã phải đối diện với khó khăn về chỗ ngồi, thức ăn và giải khát. Vì công sức tổ chức rất lâu nên chương trình rất dài, bắt đầu từ 3 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Tuy nhiên, một số người đã thiếu thức ăn và chỗ ngồi nên đã về sớm, không tham gia hết toàn bộ chương trình. Có lẽ số lượng người tham dự là điều bất ngờ nhất của ban tổ chức. Về tài chánh thì dù đã thiếu hụt, nhưng đã có nhiều mạnh thường quân ủng hộ ngay tại hội trường nên đã không còn là gánh nặng cho ban tổ chức.  Sau hội ngộ kết thúc, người ta đặt câu hỏi rằng, bao giờ mới có cuộc hội ngộ lần 2?  Đó là tâm trạng luyến tiếc lúc ra về mà hình như dư âm của hội ngộ vẫn còn mang theo trong mỗi một người An Bằng đến tham dự. Bao giờ hội ngộ lần 2 để tiếp tục khóc và cười với nhau?  Đó là một câu hỏi đang chờ thế hệ trẻ trả lời.

Hình ảnh: Phân Ban Hoạt Động Hội Ngộ An Bằng Hải Ngoại và phóng viên Anbangnews
Bài: Văn Đình Lang Quân

Hà, Thắng, Quang, Yên, Quốc, Linh, Rin

Nina, Trang, Yên

Quang, Quốc, Yên, Long, Trúc