Truyện ngắn giả sử: dựa vào một vài điểm lịch sử của làng An Bằng và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Nắng chiều đang tắt, Hương và Mạ dẫn cậu em trai ra biển chờ Chú.  Đường ra biển hôm nay vẫn nhộn nhịp như thường lệ.  Cũng như những lần khác, trên đường đi, Hương có thói quen bẻ một cành tràm cầm trên tay mang theo.  Những đôi chân trần trụi lội qua một vũng nước mát dịu và tiếp tục dùng hết sức mình trèo lên độn cát.  Qua bên kia độn cát, lùm cây, một bãi biển thênh thang chạy ngút ngàn dọc eo Nam Hải.  Cứ mỗi buổi chiều, người người tụ tập ở đây, trông về phía bắc như muốn nhắn nhủ một điều gì.  Nỗi nhớ quê hương dồn ép vào cái hộp sâu kín trên ngực trái.

 

Những người đánh cá đang say mê công việc kiếm sống của họ.  Hơn 12 năm nay, làng An Đôi vẫn làm một công việc như mọi ngày: rủ nhau ra biển để hoài vọng về cố hương vào mỗi buổi chiều.  Ông Giàu, ba của Hương, cùng với một nhóm đàn ông sửa soạn thuyền bè cho ngày hôm sau.  Họ trân quý chiếc thuyền buồm như chính bản thân họ.  Nâng niu, lau chùi từng hạt cát trên khoang ghe.  Bà Thơ, mẹ của Hương, tụ nhóm với những phụ nữ chơi trò đối bè, ca hát, và kể chuyện thời còn ở ngoài kia.  Với chất giọng Quảng Bình pha pha một chút dân tộc Chàm, tiếng hát bay bổng lên để rồi phá vỡ theo tiếng sóng vỗ bờ, loãng đi vào hư không.  Lũ trẻ chạy ngang dọc theo từng lớp sóng, đùa cợt với bàn chân non, cát mịn.  Bất chợt, cậu em của Hương té nhào xuống nước bởi một đợt sóng dài.  Mọi người đưa mắt nhìn cậu bé và tặng cho cậu ta một tràng cười hả hê.  Cậu trai cảm thấy quê quê nên tự mình đứng dậy tiếp tục chạy theo chúng bạn.

 

“Chờ tau, chờ tau,” cậu bé hét theo.

 

Đằng trước có tiếng vọng lại:

“Mi cổi tuồng ra mới chạy kịp tau.” 

 

“Khôn, ngu à?  Có mấy đứa con gái côi tê tề, dị lắm mi.  Tao theo kịp mi chừ.”

 

Cả nhóm người ngồi trên bãi cười ngất nga ngất nghểu.

 

Hương còn nhớ rất rõ hồi 12 năm trước Hải đã từng gây ra vài trận cười như vậy.  Hải là con trai thứ 5 của Chúa Tiên, theo ngài vào xứ Quảng Nam để thăm dò tình thế.  Hồi đó Hương theo Chú Mạ hộ tống gia đình Chúa Tiên trên một chiếc thuyền lớn lắm.  Nghe kể rằng, sau khi được chị của Chúa Tiên là bà Ngọc Bảo thỉnh cầu Trịnh Kiểm cho phép vào xứ Thuận Hóa (Quảng Bình, Thanh Hoá), Chúa Tiên đã được lòng dân ở đây.  Thuận Hoá cách xa thành Thăng Long nên Trịnh Kiểm yên tâm.  Nước ta có hai triều đình, thờ hai vua.  Ở Bắc Triều thì có nhà Mạc do Mạc Đăng Dung trị vì, ở Nam Triều thì có nhà hậu Lê, do Lê Trung Hưng nắm giữ.  Vua Lê lại được Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng phò trợ như hai cánh tay phải và trái.  Vì sợ họ Nguyễn công to quyền lớn nên chi họ Trịnh cẩn thận đề phòng và âm mưu thủ tiêu.  Mặt khác, họ Trịnh cũng đang đưa mình lên ngang hàng với vua, hay chỉ mượn vua làm thế bù nhìn để nắm lấy tất cả các quyền uy về quân sự và dân sự, từ thuế má đến bộ hình.  Sau khi giúp nhà Lê đánh nhà Mạc, đuổi lên tận Cao Bằng, chị gái của Chúa Tiên lấy Trịnh Kiểm.  Vì sợ Trịnh Kiểm ám hại như người anh Nguyễn Uông của mình, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chạy được vào Thuận Hoá và khai thác đất đai ở đây.  Trong lúc này, ở Đàng Ngoài thì Trịnh Kiểm đã mất, đưa Trịnh Cối lên thừa kế. Ai dè người em ruột là Trịnh Tùng âm mưu lật đổ, giết người anh của mình.  Thừa lúc anh em họ Trịnh tranh giành quyền chức, Chúa Tiên chú tâm vào sự nghiệp khai thác thêm các vùng đất Quảng Nam và Quy Nhơn.

 

Trong chuyến vào Quảng Nam đó, thuyền của Chúa Tiên đã ghé vào đây nghỉ chân được vài hôm.  Gia đình Hương và hơn 10 gia đình khác đã xin ngài ở lại.  Hương chơi thân với Hải lắm.  Tính của Hải ít nói, nhưng rất biết nghĩ cho người khác.  Hồi đó Hương chỉ mới 8 tuổi và Hải thì đã 12 tuổi rồi.  Vì ít nói nên chi cũng thường bị chúng bạn trêu chọc hoài, không như người em trai của Hải, là Nguyên.  Dù cùng trang lứa với Hương, nhưng Hương không dám nói chuyện với Nguyên nhiều.  Nghe kể rằng, Nguyên là người đầu tiên có chữ lót là Phúc và được nhiều người kính nể.  Người ta thường kêu đúng tên, Nguyễn Phúc Nguyên, ra vẻ vừa chọc phá, vừa tôn kính.  Khác với Nguyên, Hải vui vẻ và hoà đồng với bọn con nít hơn.  Hải thường chạy theo chúng bạn ven bờ sóng, một tay kéo quần, một tay dí trước mặt.

 

“Ê, chờ tau với bê.”

 

Đám bạn làm bộ như không nghe gì.  Một lúc sau, Hải bị sóng lộn nhào, lột hết cái quần đùi.  Bọn con nít ngoái lại cười khoái chí.  Riêng Hương lúc đó đã biết đỏ mặt.  Rồi Hải tự đứng dậy, chạy theo, lờ đi sự dòm ngó của Hương.  Đến lúc mệt lã, họ lăn ra trên mặt cát, phơi nắng cho đến lúc làn da đen láng.  Sở dĩ Hải chạy chậm thế là vì tìm được một ngôi sao biển và muốn khoe với chúng bạn.  Không ai thèm để ý Hải cả.  Vậy là cánh sao biển ấy được vào tay Hương.

 

“Mi lấy đi, tau cho mi đó.”

 

Hương sung sướng lắm.  Hương muốn trao lại Hải cành tràm mà ông An, một trong những người tùy tùng của Chúa Tiên, vừa tìm được hôm kia, nhưng chưa dám.  Hải đưa mắt về phía biển xa như đang trông ngóng một điều gì rất mênh mông, rất rộng lớn.

 

Sau khi Hải và Nguyên theo Chúa Tiên tiếp tục hành trình vào xứ Quảng Nam, gia đình của Hương và một số người khác đã xin ở lại đây.  Vốn giỏi về nghể đánh cá và yêu thích vùng đất cát trắng này, họ dễ dàng ổn định đời sống.  Nhóm người này tự đặt tên cho vùng đất này là An Đôi.  Hình như có sự liên hệ gì đó với làng An Ba, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.  Dù hội nhập rất nhanh, họ vẫn luôn luôn hoài niệm về cố hương.  Lâu lâu, có người ra quê, họ tìm lại để nghe kể những tin tức mà có cần biết.  Nhưng ngôi làng mà họ tự dựng lên ở đây đã là nhà của họ.  Còn gì sung sướng bằng khi được ở xa vùng chiến tranh và kề cận với sóng nước thôn quê!

 

Mười hai năm sau, làng An Đôi đã đông hơn.  Người ta học làm ruộng rồi đem rơm làm nhà.  Dưới sự cai trị của Chúa Tiên, ở Đàng Trong hiện nay đã giảm thuế má, không còn đóng nhiều gạo thóc như xưa.

 

Hôm nay, người ta tụ lại để nghe một người lái buôn thông báo một tin tức động trời.  Thế tử Nguyễn Hải và người con là Nguyễn Phúc Hắc đã bị giam cầm ở Đàng Ngoài.  Tim Hương như nhói lên.  “Vì răng, vì răng rứa?”  Hương ngạc nhiên và thắc mắc nhiều lắm.  Hải lấy vợ khi nào và có con khi nào.  Tại sao Hải ra Đàng Ngoài?  Tại sao Hải bị giam giữ?  Hải hiền lắm mà.  Người lái buôn từ từ kể lại.

 

“Nguyễn Hoàng ra yết kiến vua Lê Anh Tông ngoài nớ, dắt theo toàn bộ gia đình để Trịnh Tùng khỏi nghi kỵ.  Ai dè Chúa Tiên bị giam giữ, không cho về lại Thuận Quảng.  Thế tử Nguyễn Hải tình nguyện làm con tin cho Trịnh Tùng và công chúa Ngọc Tú bị ép gã cho con trai là Trịnh Tráng để gia đình Chúa Tiên được thoát nạn.  Dù chi họ cũng sợ Chúa Tiên bành trướng ở Gia Miêu nên chi họ không cho Chúa Tiên về.  Mà công nhận, thế tử Nguyễn Hải anh hùng qúa.  Thế tử đã hy sinh thân mình và con trai của mình nữa, để cho dòng họ Nguyễn được thả về.  Không biết cuộc đời của thế tử ra răng, nhưng chắc rủi nhiều may ít.  Thế tử  được coi là người kế thừa sự nghiệp của Chúa Tiên, vì 4 người anh đã chết sớm.  Chừ không có thế tử thì chắc Nguyễn Phúc Nguyên sẽ gánh trách nhiệm này thôi.  Người ta còn nói rằng Nguyễn Phúc Nguyên sẽ thay cha cai trị xứ Quảng Nam trong nay mai nữa tề.”

 

Người lái buôn kể thao thao, nhưng không cách gì làm thoả mãn lòng hiếu kỳ của Hương được.  Gia đình Hương đã từng làm tùy tùng cho dòng họ Nguyễn từ đời ông nội, nên chi Hương cảm thấy như rất gần gũi với họ, đặc biệt riêng Hải.  Giờ đây, số mạng của Hải chưa biết sống chết ra sao, Hương lo lắm.  Từ khi Hải theo gia đình vào Quảng Nam thì bặt luôn tin tức.  Một năm sau, nghe nói rằng Chúa Tiên đã được vua Lê Trung Hưng giao cho xứ Quảng Nam để cai trị, với điều kiện là phải nộp thuế hằng năm, nhưng Hương không hay tin gì từ Hải cả.  Vợ của Hải là người như thế nào, có đẹp như Hương không?  Nếu lỡ như giấc mơ tuổi thơ của Hương đã thành sự thật thì liệu Hương có cùng Hải hy sinh ở lại thành Thăng Long hay không?  Sau khi Hải ra đi, mỗi lần Hương ra biển cũng hái theo cành tràm, như một thói quen để mong có dịp tặng lại Hải.  Cái hy vọng nhỏ bé này đã không còn thực hiện được.  Mười hai năm rồi còn gì.

 

“Hì hì, Hương nì, cho tui gởi cái ni được khôn?”  Giọng của Bình kéo Hương về với hiện tại.  Hương phớt nhìn lên, khuôn mặt rám đen với đôi tay mạnh mẽ của Bình đang xoè một sao biển trước mặt Hương.  Bình tiếp:

 

“Cái ni là sao biển, tượng tưng cho làng mền.  Hương nhớ khôn, khi Chúa Tiên ra đi cũng noái rứa.  Đây là mảnh đất phì nhiêu, thích hợp cho làng mền ở.  Chừ tui nghĩ lại thấy đúng đó.  Tui thương vùng đất ni, và thương cả … cả … con người ợ chộ ni.”

 

Bàn tay Bình bỗng run run kỳ lạ.  Bình không dám nhìn thẳng Hương, dõi mắt đưa ra ngoài cồn sóng.  Gió chiều rủ nhau về, mát dịu, làm rối bù mái tóc của người trai làng chân quê.  Đám trẻ đã mệt, không còn đuổi nhau ven bờ nước nữa, để cho những chú dã tràng nổi lên tìm ánh sáng rồi chìm xuống ẩn dật nơi lòng đất.  Chúng bình yên lắm.  Bình với Hương chơi thân với nhau từ nhỏ nhưng hình như Hương ít tâm sự gì nhiều với Bình.  Có lẽ Hương vẫn ôm ấp một hy vọng nhỏ bé nào đó nên đã nhiều lần cố tránh gặp Bình.

 

Có điều gì hối thúc Hương.  Kỳ lạ.  Hương nhận lấy ngôi sao biển một cách e dè rồi tiện tay run rẩy trao Bình cành tràm còn thơm phức.  Tiếng sóng bỗng lặng thầm.  Tiếng người khuất dần sau lùm cây.  Hương tràm thoảng nhẹ qua từng chiếc ghe nhỏ, át đi mùi tanh của cá, rất dễ chịu.  Bọn trẻ con đã tìm ra mồi lửa, nhóm lên, thắp sáng và sưởi ấm một vùng trời bình yên.

 

Một lúc sau, Hương mới lên tiếng để phá đi cái ngột ngạc của trời đêm.

 

“Cám ơn eng Bình.  Sao biển đẹp lắm.  Hương rất thích.”

 

Cánh sao biển sáng trong đêm, nằm trọn trên tay Hương.  Hương chạy ra bờ nước, nhẹ nhàng đặt nó xuống một cách trân trọng.  “Sao biển ơi, mi không thuộc về ta, mi hãy về với đại dương mênh mông của mi.”  Hương nhìn Bình, bằng nụ cười thoả mãn:

 

“Mai eng bắt con khác cho Hương được khôn?”

 

 

Văn Đình Lang Quân

August 2, 2013

Viết cho Cổng Thông Tin An Bằng