Bài Dự Thi: Gấm Trương

Ký Ức Quê Ngoại

Khi cầm bút viết lên những dòng tâm tư nầy, tuổi đời tôi đã 65, nhưng vẫn ấp ủ trong lòng có cơ hội nào đó để một lần được nói lên tiếng nói tự đáy lòng TRI ÂN QUÊ NGOẠI làng AN  BẰNG.  Địa linh ấy đã cho tôi hưởng trọn vẹn tuổi thơ trên cả tuyệt vời.

AN BẰNG trong ký ức tôi là một bức tranh hoàn hảo với hình ảnh mái chùa, đình làng, khe dọc, khe ngang, bãi biển, bờ dương, giếng trau, giếng bộn  v.v….  Dĩ vãng đã qua, ký ức còn mãi, kể cả trong mơ tôi cũng thấy về quê ngoại.  Cho nên, nếu viết theo cảm xúc chắc không biết mở đầu từ đâu, kết thúc nơi nào, nên tôi chia ra từng phân đoạn để người đọc đễ hình dung.

1: Ra ngoại:
Mẹ tôi con đầu, kết duyên với cha tôi miệt ruộng, xóm chùa, Phường Giáp Đông   Thôn Hà Úc.

Ngoài không biết bao nhiêu lần đem đồ ăn ra ngoại, mỗi năm tôi cũng có rất nhiều lần ra ngoại nhưng ấn tượng sâu sắc nhất:

  • Chạp.
  • Tết
  • Coi đua ghe, đám cá ông

Chạp:Thường đầu tháng tám bắt đầu chạp: họ lớn trước, họ nhánh sau.  Tôi được theo cha mẹ ra làng chạp ba lần: hai lần chạp họ mạ, một lần chạp họ cha.  Mệ nội tôi cũng họ văn bên phía bác bộ (G), bác của Văn tiến Nhị.  Phía mẹ tôi cũng họ Văn, nhưng Văn bên  phía ôn bộ (X), tôi chỉ nhớ lờ mờ vậy.

Ngày mai đi chạp thì tối mẹ đã chuẩn bị một gánh: gạo, chuối chát, bắp chuối, trái cây, rau sống, …, đi thật sớm. Tới địa điểm chạp, cô bác, người lớn lo chuẩn bị để gần trưa có mấy mâm cúng ông bà, tổ tiên. Trong thời gan đó bọn con nít chúng tôi không được lớ xớ vướng tay người lớn nên rủ nhau đi chơi, đứa thì bẻ duối, kẻ trèo lên cây bẻ kén, rồi trái xương rồng.  Nhưng nào dám đi xa, vì đi ăn chạp con nít đi ăn (chực), tiếng địa phương nhưng cũng phải đóng nửa lon gạo à nghe.  Chờ khi có tiếng ôn mệ, “tụi bay vô ăn”, là phóng vô ngay, đói quá rồi mà.  Ăn chạp ngồi theo thứ lớp, mấy đứa con nít ăn sau cùng, còn chi ăn nấy.  Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn còn nhớ nước mă1m nhỉ chắm thịt phay, xáo bò ăn với cơm, ngon tuyệt.

Tết:
“Mồng một tết cha
Mồng hai tết mẹ
Mồng ba tết thầy”

Tục lệ của nửa thập niên trước là vậy.  Cho nên bằng giá nào cũng  đòi đi cho bằng được.  Mẹ không cho đi thì khóc, dậm chân. Cuối cùng mẹ sợ mất hên đầu năm nên cho đi. Tiếng lên mừng tuổi ôn mệ nhưng qua loa thôi, theo mẹ đê3 coi đánh bài CHÒI là chính.  Hồi đó chợ Lương Viện, chợ Phường Tây cũng có bài chòi nhưng tôi thích nhất bài chòi ĐÌNH LÀNG AN BẰNG.  Nhất là anh Bính hò bài chòi hết ý.  Cũng thích ba tiếng mõ cóc cóc cóc mỗi khi chòi có ai tới bài.  Tôi nhớ chùa chỉ cách làng một hàng cây duối và cây dứa.  Quê ngoại hồi đó vui, thanh bình là vậy.  Làm sao quên được.

Đua ghe, đám cá Ông: tôi không dám múa rìu qua mắt thợ mà chỉ nói rằng đây là nét văn hoá đặc thù của người dân sông nước Việt Nam nói chung và của làng AN BẰNG nói riêng.  Đi coi đua ghe, đám cá Ông là dịp cho lũ trẻ chúng tôi được ăn hàng.

2: Đổi Cá

Tôi cho đây là nét văn hoá giao lưu thương mại gữa các vùng miền rất có ý nghĩa.  Không cần tiền vẫn sống được như thường.  Địa danh An Bằng liên cư liên đìa với Hà Úc, Phường Tây, xóm Kiều Lương viên, nên việc trao đổi hai chiều không riêng gì Hà Úc mà các địa phương nêu trên cũng ra biển An Bằng đổi cá. Hồi đó xóm tôi chỉ nói ra làng là hiểu. Còn phường Tây không biết kỵ huý gì mà gọi (làng An Bường).  Tôi có hai bà cô ruột lấy chồng ở đó nên biết.

Khoảng 11-12 giờ trưa, xóm tôi ai đi ra làng đổi cá thì rủ nhau đi một lượt.  Trong vườn ai có thứ gì ăn được cũng gánh đi.  Thượng vàng hạ cám: khế, ổi, chuối,  thơm, mía v.v….  Đi đường vừa xa lại gánh nặng, đất cát nữa chứ.   Tôi sợ nhất là cái đoạn ra gần nhà ngoại, đất mun trời nắng, cứ vừa chạy, vừa nhảy chứ không thì phỏng chân.  Đi ra tới biển rồi hồn ai nấy giữ, phận ai nấy lo.

Đi dọc bờ biển, hễ thấy ghe nào vô là xúm tới, ai mua thì bán.  Ai đổi thì đổi.  Tiếng vậy chứ cũng thuận mua vừa đổi, cá ngon đổi trái ngon.  Mấy đứa con nít xin được một nắm cá nục vụn cũng đổi được vài ba trái khế ngọt ăn đở thèm.

Phải nói chợ chiều bãi biển An Bằng mới đúng, người mua kẻ bán tấp nập.  Giành giật nhau, chửi bới nhau không ít.  Trong xóm chùa ra đổi cá nhà, tôi bao giờ cũng mau hết hàng nhất bởi có bà ngoại, các dì, và nhất là chị đầu tôi lấy chồng ngoài làng, nên dù đổi được hay không cũng có cá đem về.  Trong các loại cá tôi thích nhất là cá khoai.  Chỉ vài lát thơm một nắm lá ném đã có tô canh ngon tuyệt.  Mùa nào đổi thức nấy.  Ngoài cá, tôm, mực có cả sứa, ốc gạo nữa.

Bao nhiêu năm qua, nay nghiệm lại thấy ông bà ta ngày xưa quá thông minh, đã nghĩ ra cách đổi chát để hai vùng ruộng biển bổ sung cho nhau có cái để ăn mà không cần phải so đo tính toán, thật đáng trân quí.

3: Chăn trâu:
Câu tục ngữ “trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy”.  Thực ra để minh hoạ cho câu “lấy chồng ở làng bằng vàng treo cửa ngõ”.  Đàn trâu xóm chùa cho ăn nhiều nơi: Mỹ Lợi, Lương Viện, đồng Kiều, Phường Tây, nhưng thích nhất cho trâu ra làng ăn vì được tắm biển, bắt còng.

Xin cảm ơn quê ngoại đã cho đàn trâu xóm chùa những đồng cỏ xanh, từ bàu trên đến bàu dưới, từ An Mỹ đến Mỹ Hà, không nơi nào thiếu vết chân trâu.  Giếng Chùa đã cho chúng tôi những ngụm nước mát lạnh.  Giếng Bộn là nơi chúng tôi được ngâm mình sau những trò chơi đùa nghịch ngợm, và cho tôi biết từng đường ngang ngõ tắt, biết những gì tôi đã biết về An Bằng để hôm nay viết lên được ký ức của mình.
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ”

Và nếu có ai đó hỏi thời ấu tuổi thơ kỷ niệm nào đáng nhớ nhất thì vẫn là: đi giữ trâu.

4: Đi học
Thời đó ngoài trường chị ra, chỉ có Hà Úc có trường tiểu học.  Cho nên An Bằng,   Phường Tây, Lương Viện đều học trường tiểu học Hà  Úc.  Bạn học tiếu học tôi vẫn còn năm ba người.  “Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”, quả đúng vậy.  Học trò cũng nghịch, giữ trâu cũng nghịch, cho nên cá tính tôi không giống ai hết.  Mang tiếng gái Huế nhưng tôi nào có yễu điệu, nết na.  Tôi cũng nghịch không thua chi bọn con trai. Hồi xưa chúng tôi hay chơi trò đánh giặc giả, phe nào thua cũng bị rượt chí tử.  Học trò xóm Bàu, học trò xóm chùa hai phe.   Khi nào phe xóm chùa thua thì:
“Ngoài làng ăn cá lù đù
Vô khe uống nước
Chỏng…….lên trời”

5: Gia Đình Phật Tử
Lúc tôi còn oanh vũ, các anh chị hay cho chúng tôi đi sinh hoạt giao lưu cùng GĐPT Vinh Hưng, An Bằng.   Kỷ niệm khắc sâu trong tâm tôi đó là hình ảnh các anh chị lớn phải cõng oanh vũ qua khe.  Hết đứa nầy đến đứa khác.  Khi đã qua hết bên khe rồi mới điểm danh, tiếp tục ra làng sinh hoạt chung với GĐPT An Bằng.  Trong đoạn đường từ khe ra làng ai có bới chi cũng đem ra ăn,  vừa đi vừa hát vui lắm.  Cũng nhờ những hình ảnh dễ thương như vậy, mà tôi đã kế thừa các anh chi đi trước và theo đuổi mục đích, lý tưởng Màu Lam cho đến hôm nay.  Chính trong mái nhà lam thân thương giữa hai gia đình, tôi cũng có mối tình lam đầu đời.

Người ấy là thần tượng của tôi trong tuổi mộng mơ.  Anh ta là một huynh trưởng giỏi  năng động, tháo vát, lại biết làm thơ, được lên Huế học nên luôn có những bài hát mới hay tập cho hai gia đình khi giao lưu, hỏi làm sao không yêu?

Ngó lên trên trời trời cao lồng lộng,
Ngó xuống dưới đất, đất rộng mênh mông

Tôi thương anh không phải vì tình, mà thương huynh trưởng tài năng vẹn toàn.  Rồi thời gian sau đó, tôi vẫn  tiếp tục sứ mệnh người huynh trưởng “dù bao nhiêu gian khó Lý tưởng chúng ta vẫn không sờn.”  Còn người ấy theo đường công danh, hỏi ra tôi, buồn nhưng phải nói lời chia tay vì thần tượng trong tôi sụp đổ.  Chuyện tình của 45 năm trước của tôi là thế, xin đừng hỏi tại sao.

Như trên tôi đã nói quê ngoại đã cho tôi nhiều hỷ nộ ái ố, tuổi càng lớn những thước phim đó sống lại trong tôi mãnh liệt.  Cho nên tôi xin một lần được viết để thoả lòng, dù có cố gắng mấy chăng nữa thì cũng “lực bất tòng tâm.”

Cho đến một ngày cuối Đông, tôi nhớ rất rõ ngày 28 tháng Chạp,  mẹ sai tôi đạp xe đem vật phẩm lên biếu ôn mệ ăn Tết.  Trời đông giá lạnh, khi xe tôi qua khỏi cầu Hà Úc một đoạn, chợt có hai người giọng An Bằng mặc quân phục lạ tôi chưa một lần được thấy, hiệu lệnh chắc nịch của hai người đội nón tai bèo mang dép râu: “Ê, con tê đứng lại. Mi đi mô?”  Tôi dừng xe lại run như con thằn lằn đứt đuôi, mặc không cắt ra giọt máu vừa run vừa trả lời:
“Dạ tui đem nếp, trái cây ra cho ôn mệ tui ăn Tết.”
“Ôn mi tên chi?”
“Tên (Q).”
“Mệ mi tên chi?”
Mệ tui tên (R).”
“Mi con ai?”
“Cha tuit tên (P), mạ tui tên (T).”
Sau đó họ lục soát và cho tôi đi, về lại thì sợ mẹ mắng, nên đành đi tiếp sợ quá run nên xe cứ bị trật sên hoài.   Bây giờ viết đến đây tôi vẫn còn cảm giác đó.

Có ai ngờ đâu đó là lần cuối cùng tôi còn có nhà ngoại để ra.  Tết Mậu Thâm năm  1968,  quê ngoại tôi thành bình địa tan tác thê lương. Một mảnh khăn xô cho Huế, một mảnh khăn xô cho làng  An Bằng.  Ký ức quê ngoại tôi cũng được khép lại.

Ngày 18 tháng 11 năm 2014
Nguyên Toàn
Gấm Trương