TIN TỪ LÀNG AN BẰNG

Thực hiện công văn số 13/CV-TVTH,ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sưu tầm,số hóa tài liệu Hán-Nôm ở các phủ đệ,làng,đền thờ,nhà vườn và các họ tộc.

Sáng ngày 12 tháng 7 năm 2017 ( nhằm ngày 19 tháng 6 năm Đinh Dậu ).Tại đình làng An Bằng ,đúng vào lúc 8 giờ đã diễn ra lễ khai mạc tế thỉnh các sắc phong,địa bạ,hương phả của làng và 45 họ tộc.Đến dự buổi khai mạc hôm nay gồm có:

Về chính quyền địa phương có ông Phạm Hoàng-Bộ phận văn hóa thông tin xã

Trưởng đoàn số hóa của sở văn hóa thông tin và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và thư viện tổng hợp có ông Phạm Xuân Vượng và ông Thiên Lộc.

Về phía làng gồm có : Ông Trương Mốt- Đương kim thủ bộ,Các cựu bô lão,các quan viên chức sắc tân và cựu thành phần của Hội đồng làng.Ông Hồ Thành – Phó Ban hương tộc và đại diện 45 họ tộc.

Đại diện hội đồng hương tộc làng ở Hải ngoại có ông Lê Hưng và Trần Tiếp.

Buổi lễ diễn ra thật tôn nghiêm và trang trọng sau phần ba hồi chiêng,trống.Mở màng đầu tiên cho việc số hóa các văn bản Hán- Nôm là phần đọc dịch các sắc phong của làng do triều đình ban tặng.Tất cả có 12 sắc phong về các vị thần kì.Tuy nhiên do thời gian bị hư hỏng ,nên trong phần kê khai thần kì xin phong của xã trưởng Tường Lê Văn Tầm và trùm trưởng ( tầm theo tiếng địa phương ) ông Văn Công Khoát. Kính theo ân chiếu ngày 1 tháng giêng năm đầu niên hiệu Minh Mạng ( 17/2/1820)nói về việc đề nghị phong tặng các vị thần,nên vào ngày mồng 2 tháng 7 nhuận năm Minh Mạng 5 (13/8/1824 )các ông xã trưởng Lê Văn Tầm và tầm trưởng Văn Công Khoát đã viết đơn kê khai thần kì xin phong.Ngày 21 tháng 7nawm Duy Tân 3 (5/9/1909) thủ bộ Nguyễn Mạnh cùng con là Nguyễn Sinh Sừ viết đơn trình sắc phong bị hỏng.Ngày 7 tháng 8 năm Duy Tân 3( 20/9/1909 )ông lí trưởng Văn Lí và thủ bộ Nguyễn Mạnh lại viết đơn xin đổi cấp sắc thần.Ngày 23 tháng 9 năm Duy Tân 3 (11/11/1909 )hai ông lại viết tờ bẩm nhận lãnh sắc phong mới và nộp bản sắc phong cũ với sự chứng nhận đã tiêu hủy của cửu phẩm ti Tư vụ Bộ lễ: Trần Lợi. Nội dung xin được tóm tắt như sau:

Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thánh nương vương( thượng )đã được tặng thêm Hàm Hoằng Quan Đại Chí Đức thượng đẳng thần;Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung tôn thần ( trung )đã được tặng thêm Hiển Văn Chiêu Tiết trung đẳng thần; Cao Các Quảng Độ đại vương ( thượng )đã được tặng thêm Hồng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu thượng đẳng thần; Tứ Dương Linh Trạc tôn thần ( hạ );Xích Lân Long Mã tôn thần( hạ )đã được tặng thêm Trợ Linh tôn thần;Đông Nam Sát Hải Lang Lại nhị đại tướng quân( hạ ) đẫ được tặng thêm Dũng Cảm chi thần;Tả Khám Lí hữu kí lục tôn thần;Tứ Đầu Dà Khâm tam vị đàn nương;Mai Cương kí phủ tôn thần;Khổng Lộ giác Hải tôn thần;Trà Phi quận phu nhân;Bổn  Cảnh Thành Hoàng Linh Ứng tôn thần ( hạ )đã được tặng thêm Quảng Hậu tôn thần; Chúa Dàng phu nhân chi thần( trung )đã được tặng thêm Hoàng Hậu Phổ Tế trung đẳng thần;Thiên Y A Na Diễn Chúa Ngọc thánh phi chi thần( thượng )đã được tặng thêm Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm thượng đẳng thần;Thổ Đức Thánh phi chi thần( trung )đã được tặng thêm Hoàng Đại Hậu Khánh trung đẳng thần; Hỏa Đức Thánh phi chi thần( trung )đã được tặng thêm Ôn Hậu Quang Ứng trung đẳng thần;Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần( hạ )đã được tặng thêm Từ Tế tôn thần….( có thêm phần bổ sung ).Ông Phạm Xuân Vượng cho biết: “ống đựng sắc phong được làm bằng gỗ mít,bên ngoài chạm khắc hình rồng thật tinh tế và được sơn son thiếp vàng rất đẹp.Sau những năm nghiên cứu thì duy nhất tỉnh Thừa Thiên Huế có được hai cái ống đựng sắc phong như thế này,cái ở Làng An Bằng được xem là cái thứ hai và được liệt vào là loại quý hiếm.”

Ngoài các văn bản sắc phong ra,còn có các địa bạ năm Cảnh Trị 7 ( 22/11/1669 ) do Tướng thần xã trưởng Nguyễn Văn Học,Lê Văn Đâu,Nguyễn Văn Ngạch kính trình về việc kê khai các loại ghe của bổn phường thả lưới vùng biển cạn;Các bản thừa nhận ranh giới ngày 07 tháng giêng năm Gia Long thứ 10 ( 24/1/1811 )giũa các phường Lương Viện,Phụng Chánh,Mỹ Toàn,Hà Úc,Hà Thanh; Địa bạ ngày mồng 08 tháng 6 năm Gia Long thứ 13( 24/7/1814 )nói về đất quan tam bảo ( nhà chùa ) : 3 sào,cát trắng: 1201 mẫu 1 sào,Xứ bãi biển Trường Sa một khoảnh:189 mẫu 4 sào 10 thước,Xứ rặng cây ở bãi biển  cát trắng một khoảnh: 6 mẫu,4 sào,7 thước,Xứ bạch sa một khoảnh:999 mẫu 9 sào 10 thước do Xã trưởng Nguyễn Văn Thảo và Hương mục Nguyễn Văn Dung cùng nhiều người khác soạn thảo;Các bản khai trưng đóng thuế như : Bản khai năm Minh Mạng thứ 20( 14/2/1839 )nói về nộp thuế ghe,chài,cá cảm;Bản khai năm Thiệu Trị 3(20/12/1843)nói về nộp thuế đất đai;Thuế lệ và giấy tờ liên quan là các đơn trình về làm nghề lưới dày,số lượng ghe….thuộc vào các năm Chính Hòa 21 ( 1700 ),Chính Hòa 27(1706),Bảo Thái 5 (1724),  Tờ thông báo năm Bảo Thái 5 (1724), Tờ thông báo năm Vĩnh Khánh 5 (1733)…..nói về nộp các loại thuế và cá cảm.Đặc biệt tờ khoán cấm năm Cảnh Thịnh thứ 8 được viết vào ngày 24 tháng 5 ( 19/7/1800 ) nói về những quy định đánh bắt cá của con dân trong làng.Nội dung như sau:

                         “ Tất cả viên chức,binh ,lính,hương mục phường An Bằng , tổng Diêm Trường,huyện Phú Vang kê khoán cấm như sau: Từ nay trở đi,các thợ làm nghề đánh cá trong phường,nếu bạn nào thấy cá trước ở bến hoặc ở biển mà đang chèo ghe thì bạn ấy được đánh bắt,còn bạn khác không được giành,nếu bạn ấy ít người chèo ghe không kịp thì bạn khác mới được đánh bắt.Nếu bạn nào thấy cá trước mà đánh bắt,nhưng cá dạt lui về đằng sau thì bạn khác được đến đánh bắt để cùng chia nhau một người một lưới đem về còn bạn nào có lòng tham dăng nhiều lưới,không nhường nhau thì phải chịu đền tiền cá ấy đúng giá,tái phạm thì phạt tiền năm quan.

        Lại khoán cấm: Binh lính và nhân dân trong phường,từ nay về sau ,nếu ai cắm cọc lưới vây,mỗi người một phần,không được tham lam chiếm nhiều;nếu ai không tuân theo khoán cấm,bị người nào bắt được thì phải nộp phạt ba quan và bổn phường thưởng cho người bắt được tiền một quan,còn người nào biết mà thương tình dung tha thì cũng phải chịu phạt một quan.Nay khoán.”

Bên cạnh đó còn có các tờ thị xin cấp lại giấy phép đi thuyền,buôn bán các vật phẩm,trao đổi hàng hóa giữa các làng kế cận; Tờ đơn năm Đồng Khánh 3( 1888 ) nói về việc kiện cáo,tranh chấp giữa các xã kế cận của Lí trưởng Hồ Văn Ý,Thủ bạ( bộ ) Nguyễn Văn Vụ;Số dân đinh năm Minh Mạng 18( 1837 );Khai đinh điền năm Khải Định 4( 1819 )….Trong hương phổ có ghi sắc phong cho các ngài khai canh Nguyễn Lĩnh( có miếu và con cháu nối dõi ),Trần ( không có tên,không  miếu và con cháu nối dõi )Huỳnh ( không có tên,không có miếu và con cháu nối dõi ),sau đó chuyển họ Trương từ khai khẩn lên làm khai canh.Vì có miếu và con cháu nối dõi; Các vị khai khẩn Lê Văn Tần,Văn Mô,Đào Văn Chất,còn lại các họ chưa được phong tặng.Tuy nhiên, qua thật tế hôm nay trong các họ khai canh,khai khẩn nói trên ,tất cả đều không một họ tộc nào còn lưu giữ lại bản gốc sắc phong mà vua ban tặng .Duy nhất chỉ có họ tộc Lê văn khai khẩn có được bản sao.

Qua việc số hóa này ,là một người làm nghiên cứu về văn hóa,bảo tồn các di sản.Vậy chúng tôi xin đề nghị quý họ tộc,làng cố gắng phát huy giữ gìn ,trân trọng và bảo vệ những gì vốn có của ông cha và nên vui vẻ,hợp tác với chúng tôi để sớm có nhiều tài liệu mới và quý giá hơn trong những năm tiếp theo.Vì mục đích của số hóa là lưu giữ lại những thông tin trên công nghệ hiện đại mà không cần phải sợ rủi ro thiên tai hay hỏa hoạn hoặc do bị hư hỏng,khi cần thiết có thể tìm lại được.

Buổi thực hiện phần số hóa các loại văn bản Hán –Nôm của làng văn hóa An Băng đã khép lại thành công đầy mỹ mãn.Song phần nghi thức không thể bỏ qua đó là lễ tạ diễn ra ngay sau đó và các văn bản gốc đều trở về lại vị trí cũ.

 Lễ cáo thỉnh sắc phong

      Đại diện các vị bô lão Làng

    Bảng sắc phong các vị thầ  n

   Ống đựng sắc phong

Tin và hình: Lê Bát,Phạm Mạnh