Âm hồn là những người chết ở trên biển với nhiều nguyên do khác nhau: Một là do sóng to, gió lớn làm chìm thuyền của những ngư dân đánh bắt trên biển hoặc là các tử nạn khác làm trôi dạt vào bờ biển và được những ngư dân trong làng cứu vớt mang lên mai táng, cũng có lúc được người nhà đến nhận và mang về làm đám. Hai là do tắm biển mà không biết bơi hoặc gặp một sự cố nào đó khiến người ta tử nạn.
Ở biển An Bằng chúng ta, vào mùa hè, nhất là tháng tư và năm, trời yên, biển lặng, nước trong xanh, không khí mát mẻ đã thu hút người dân ở địa phương khác cũng như người dân trong làng đến vui chơi và tắm. Chính điều này mà nó dẫn đến nhiều cái chết rất thương tâm. Những năm trước đây biển chúng ta chết ít nhất cũng từ một đến hai người trong một năm. Mãi cho đến khi tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát xây dựng năm 2008 đến năm 2011 thì tổ chức khánh thành. Trong lễ khánh thành làng và khuôn giáo hội phật giáo chùa An Bằng đã quyết tâm làm lễ trai đàn chẩn tế, cầu siêu bạt độ, giải hóa chúng sanh dưới sự chủ sám và chứng minh của chư vị hoà thượng chân tu. Kể từ đó cho đến nay biển ta trở nên ít người chết đi, nếu có thì do từ những địa phương khác trôi về. Đó cũng chính là nguyên do cúng Âm hồn vào tháng 5 Âm lịch hàng năm.
NGHI LỄ CÚNG ÂM HỒN NHƯ THẾ NÀO?
Vào hạ tuần tháng tư Âm lịch, làng mời các chủ ghe của mọi ngành nghề và Quan viên chức sắc trong làng nhóm họp tại lăng Ông ngư, bàn về ngày lễ âm hồn. Lễ này được cúng vào sáng sớm ngày mồng một tháng năm. Mọi phẩm vật cúng bằng thực phẩm chay, không có mặn. Chủ tế là ông đương kim bộ làng cùng các quan chấp lệnh và bồi bái. Ngoài ra còn có các cựu thủ bộ, trưởng làng, đại diện các phường và họ tộc.
Năm nay, vào lúc 3 giờ 30 phút ngày 01 tháng 5 năm Bính Thân (05/6/2016) làng An Bằng đã tổ chức lễ cúng Âm hồn. Chủ lễ là đương kim thủ bộ Trương Mốt và các thành phần: Trưởng làng Nguyễn Cẩn, quan chấp lệnh cựu thủ bộ Trương Khuyến, Hồ Hê cùng các bồi bái, đại diện các họ tộc, các phường.
Phần lễ đầu tiên: cúng cô hồn: Chuẩn bị nghi lễ
Hai quan chấp lệnh đánh ba hồi chiêng, trống
Các bồi bái đọc công văn và bộ làng quỳ xuống khấn và cúng
Trong cúng cô hồn ngoài lễ phẩm chay ra người ta còn làm 7 người nộm bằng rơm tượng trưng cho các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông bắc, Tây nam và Trung ương. Trên hình nộm có một bọc lá chuối để đựng cháo thánh cúng. Bàn thờ cúng hướng về Đông nam. Sau một hồi lễ cúng, tiếp theo mang cháo phát vào 7 hình nộm và người chủ lễ (Bộ làng) cầm cây mác (rựa) đi về phía bên trái ba vòng. Vòng thứ nhất chặt hình nộm Đông và Tây; vòng thứ hai chặt hình nộm Nam và Bắc; vòng thứ ba chặt hình nộm Đông Bắc, Tây Nam và cuối cùng là Trung ương. Phần cuối là thiêu hóa vàng mã, đánh ba hồi phèng la, hai người xâu và biện làng gánh một nồi cháo thánh đi về hướng Nam lên hướng Bắc, vừa đi vừa phát cho các âm linh cô hồn.
7 hình nộm
Phát cháo vào 7 hình nộm
Phát cháo vào 7 hình nộm
5 Vị chủ lễ đi ba vòng chặt 7 hình nộm
Vị chủ lễ đi ba vòng chặt 7 hình nộm
Thiêu hóa vàng mã
Gánh cháo thánh đi phát.
Phần lễ thứ hai: cúng Hà bá
Người chủ lễ vẫn là đương kim thủ bộ. Vật lễ cũng là chay, bàn thờ cúng hướng trở về chánh Đông, nhưng nghi lễ cúng đơn giản không giống như cúng cô hồn. Đầu tiên vị chủ lễ quỳ xuống và khấn vái, một người đại diện rót rượu và thắp nhang từ bàn cúng xuống tới bãi biển với 16 đoạn là 16 bó nhang. Vì trong khi chết nước có người là đàn ông, có người là phụ nữ bởi theo dân gian là đàn ông 7 vía, đàn bà 9 vía. Vì vậy mới thắp 16 bó nhang và cầu mong cho những linh hồn này được thần hà bá che chở, giúp đỡ. Đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu.
Lễ khấn vái Hà Bá
Thắp nhan từ bàn cúng đến bãi biển
Phần lễ thứ ba: Lễ tạ
Thời gian diễn ra lễ tạ từ 5 giờ đến 6 giờ. Lễ tạ gồm có ba căn. Căn giữa là thiên, đia; căn phải (từ ngoài nhìn vào) là các thánh, hiền; căn trái (từ ngoài nhìn vào) là các vị anh hùng có công với làng, xã. Thành phần tham dự lễ tạ ngoài các ban ngành trong làng còn có đại diện hai tôn giáo, các họ tộc, chính quyền xã và các anh, chị tiểu thương. Theo tục kể ngày xưa, sau phần lễ tạ này, gia đình ai có con khó nuôi thì xin một ít vật cúng về ăn là hết.
ABN – Lê Bát