An Bang Trích: Làng Xưa Tích Cũ, Tác giả: Văn Đình Xuân

Vị Trí, Dân Cư Làng An Bằng

Làng An Bằng, trước đây có những tên như: phường An Đôi, ấp An Đôi, ấp An Bằng, phường An Bằng [1] (Phường An Bằng được gọi là khách hộ phường. Do dân làng tự đến khai phá để định cư, không qua sự tổ chức của triều đình hay quan phủ) thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong.  Năm Gia Long thứ 10 (1811) được đổi thành làng An Bằng.  Dưới thời Minh Mạng do xếp đặt lại vị trí xã thôn, nên làng An Bằng thuộc tổng Kế Mĩ.  Trong thời tổ chức hành chánh làng xã của Việt Minh, làng thuộc xã Phú Ngạn, huyện Phú Vang.  Sau năm 1954 vào thời Việt Nam Cộng Hoà, theo tổ chức hành chánh nhập hai thôn Hà Úc và An Bằng thành xã Vinh An thuộc quận Vinh Lộc, tỉnh Thừa Thiên.  Đến năm 1964 giải thể xã Vinh An, lấy thôn An Bằng làm xã An Bằng, và lấy thôn Hà Úc làm xã Hà Úc.  Đến năm 1975 lại nhập lại thành xã Vinh An, thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên như cũ.

Làng nằm ven biển, ở đoạn giữa của một dải cát chạy dài từ cửa Thuận An về đến cửa Tư Hiền, xưa gọi là Tiểu Trường Sa.  Dải cát được tách rời bởi một một cái phá cũng từ cửa Thuận An dọc theo phía Hà Trung về đến cửa Tư Hiền, ăn thông với phá Cầu Hai, Đá Bạc.  Làng có diện tích chừng 12 dặm vuông, chiều dài dọc theo bờ biển là 7 dặm, với chiều ngang 1,7 dặm (dặm Anh, Mỹ dài 1609m).  Tây bắc giáp với xã Vinh Thanh, tây nam giáp thôn Hà Úc, đông nam giáp thôn Một xã Vinh Mỹ (còn gọi là Mỹ Lợi), nay thuộc huyện Phú Lộc, và đông bắc là biển Nam Hải.

Theo các bản địa bạ và trưng khai đóng thuế, về khoảng kê khai ghe thuyền sinh hoạt đánh cá theo bờ biển của năm 1669, và sử tích ghi chép trong tập địa bạ năm 1669, thì ấp An Đôi được kiểm soát suốt một dọc bờ biển Tiểu Trường Sa, từ cửa cũ giữa Thái Dương Hạ và Hòa Duân (Thuận An), đến Cảnh Dương (mũi Chân Mây tây) “xin xem phụ lục II”.  Trên vùng đất làng An Bằng hiện nay, ngày xưa có hai vùng hai cảnh trí khác biệt nhau, vùng có rừng cây sát với bờ biển là nơi dân làng cư ngụ, và vùng cát trắng không cây lá là Nam Triều [2] (Vùng đất nầy, trong địa bạ năm Gia Long thứ 13 có nói đến là “xưa có dân cư”). Nam Triều là một vùng cát trắng nằm về hướng tây nam giáp với thôn Hà Úc, giữa vùng cát trắng là một đồng nước nay là ruộng bàu. Đất Nam Triều ngày xưa rất hoang vắng, dân cư thưa thớt hiếm hoi không có cây cối, chỉ mọc đầy những cây cỏ lá và cỏ ống; lưa thưa những cây man man, trứng cá.  Sau nầy khi dân cư đông đúc, dân làng vào canh-ví dần đất ở Nam Triều để làm nhà ở.  Sau trận bom phá hủy ngôi làng xưa năm Mậu Thân (1968), dân làng phải chạy tránh bom đạn, khi dân làng về ổn định lại đời sống thì đa số định cư ở vùng đất Nam Triều, nên nam triều trở nên đông đúc như ngày nay.

(Cầ​u nố​i giữ​a là​ng Hà​ Ú​c và​ An Bằ​ng)

Dân trong làng sống bằng nghề đánh cá, đất đai cho việc cày cấy trồng trọt hiếm hoi. Sinh hoạt đánh cá lâu đời nhất là nghề đánh lưới vùng biển cạn[3]. (Nghề lưới-cao hay lưới-rồng. Ghe được chở lưới chèo ra ngoài, rồi hể thấy cá thì bủa lưới ra vây, xong những người trong bờ kéo ép lại để bắt cá hoặc kéo vào bờ. Nghề nầy chỉ sinh hoạt gần bờ nhưng rất được thịnh đạt lúc bấy giờ). Trong địa bạ năm 1669 cho biết tổng quát từ cửa Thuận An về tới Cảnh Dương là 14 chiếc ghe, nhưng không biết tại ấp An Đôi có bao nhiêu chiếc?  Cũng trong năm nầy, các tướng thần xã trưởng Nguyễn Văn Học, Lê Văn Dâu, Nguyễn Văn Nghạch, trình đơn lên đội tạo thuyền của phủ xin phát triển nghề biển.  Mãi cho đến năm Chánh Hòa thứ 21 (tức năm 1701), dưới thời vua Lê Hi Tông, mới được quan Tổng đốc Nguyễn phê chuẩn y cho dân làng làm lưới dày và ghe thuyền. Từ đó dân làng phát triển nghề biển cho đến nay.  Năm Gia Long thứ 13 (1814) không thấy khai có bao nhiêu ghe thuyền.  Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) thì khai có 02 chiếc.  Có lẽ kể từ vua Gia Long, những cuộc cải cách xã hội được thực hiện nên ấp An Bằng không còn cai quản vùng bờ biển Tiểu Trường Sa nầy nữa chăng?

Về sau theo điều kiện của thời tiết và nhu cầu kinh tế nên có hai mùa đi biển. Về mùa nước trong thì ra khơi để đặt phao, xong chờ cá đứng theo phao rồi neo ghe để giăng mành mà bắt, gọi là Mành Chốt; còn làm phụ trong những ngày ra khơi là câu và đặt lừ.  Về mùa nước đục thì cào ruốc (đánh giã ruốc) và lưới rồng ở sát bờ.  Sự di chuyển hành nghề trên biển lúc bấy giờ là chèo hay lên buồm mỗi khi có gió, nên mùa đi khơi vào những ngày không có gió thì phải chèo suốt đêm, để rạng sáng ngày mai kịp tới phao mà đánh cá. Mãi đến năm 1964 các ghe đi biển mới bắt đầu gắn động cơ.

Khi nhu cầu của ngư nghiệp cần hiện đại hóa về kỹ thuật và địa bàn đánh bắt, một số dân làng có điều kiện đã đến những nơi có cửa biển như Đà Nẵng và Thuận An để sắm tàu lớn theo nhu cầu đánh bắt. Và sau cùng là cách đánh cá bằng đèn về ban đêm, gọi là Mành Vây.

Đến nay tất cả các phương tiện kỹ thuật đánh bắt tại làng không còn hữu hiệu cho sinh hoạt kinh tế trong làng nữa, bởi điều kiện vị trí của làng không thích hợp để cải tiến theo nhu cầu, nên nghề làm biển của dân làng ở đây đã bị suy tàn.

Làng có tất cả 43 họ tộc, gồm: họ Nguyễn có 13 tộc, họ Lê có 4 tộc, họ Văn có 5 tộc, họ Hồ có 3 tộc, họ Trương có 4 tộc, họ Phạm có 3 tộc, họ Huỳnh có 2 tộc, họ Hoàng có 2 tộc, họ Trần có 2 tộc, họ Đào 1 tộc, họ Đặng 1 tộc, họ Phan 1 tộc, họ Lại 1 tộc.

Trong sinh hoạt họ tộc của dân làng, làng đã xây dựng nhà thờ chung của các họ tộc, ngôi nhà thờ được xây dựng năm 1961 bên cạnh đình làng về hướng tây, gọi là nhà thờ 12 họ[4] (Lúc bấy giờ tại làng chỉ mới có 12 họ tộc). Nhà thờ 12 họ bị phá sập trong chiến tranh vào năm 1967, và đã được tái tạo năm 1973, đến năm 1994 lại được trùng tu. Nhà thờ 12 họ là một biểu tượng sâu sắc trong quan niệm sống của dân  làng,  ý niệm sống gần gũi, mật thiết với nhau từ họ tộc cho đến mỗi người dân, tuy họ tộc có khác nhau nhưng tất cả dân làng là một đại gia đình.  Chưa thấy một làng nào có được hình ảnh ý nghĩa cao đẹp như nhà thờ 12 họ tại làng An Bằng.

Về âm ngữ, dân làng vốn xuất phát từ xứ Quảng Bình, nên có giọng nói gần gũi với cách phát âm của người Quảng Bình, và do qua thời gian tiếp xúc với những âm giọng của những người khác bản xứ, nên đã biến đổi khá nhiều về âm tiết.

Làng An Bằng tuy không xa Kinh đô lắm, nhưng lại bị ngăn cách bởi một cái phá dài và rộng chạy từ Thuận An đến Tư Hiền, do đó mà trở thành một vùng quê hẻo lánh, con em trong làng không tiếp cận được với những phương tiện học hành. Tuy vậy, được kể rằng: Thời vua Tự Đức (1847-1883), trong khoa thi Hương năm Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876) có một Nho sinh từ Nghệ An nổi tiếng hay chữ vào Kinh ứng thi nhưng không may bị hỏng. Uất chí, ông không trở lại quê nhà mà tìm về làng An Bằng để ở ẩn và mở trường dạy học. Ông giấu hết tông tích nên dân làng không ai biết được tên, họ của thầy. Dân làng chỉ biết gọi thầy là thầy Nghệ mà thôi.

Thầy Nghệ về làng An Bằng mở trường dạy học, cưới con gái họ Trương sinh được 5 người con. Tính theo thời gian sinh được 5 người con thì thầy Nghệ đã dạy học tại làng ít nhất trên 10 năm.  Mười năm dạy dỗ, thầy Nghệ đã đào tạo nên lớp người có căn bản Nho học đầu tiên tại làng [5]. (Chuyện tích về Thầy Nghệ được nhiều người trong làng biết đến và được kể lại rằng: Thầy Nghệ về ở tại làng dạy học và lấy vợ sinh được 5 người con, mà 5 người con chỉ lấy họ mẹ là họ Trương.  Khi người con út của thầy mới được 2 tuổi, thì có một người từ xứ Nghệ An được bổ vào làm quan ở Tổng Diêm Trường, nên gia đình của thầy Nghệ đã nhờ tìm tông tích của thầy bằng lời nhắn rằng:” Mai Lan Trúc Cúc. Quế Huệ Đề Thanh. Cây Hải Đường đứng giữa làm anh. Cảnh anh chơi quý ai có lòng thành thì đến chơi”. Sau khi nghe được lời nhắn ấy, thầy đã từ giã làng An Bằng và vợ con để trở về quê quán Nghệ An). Về sau, có cụ Bộ Phò mở lớp dạy học, và cũng có ông thầy Nhỏ (người ở phía Hà Trung) đến dạy. Cho đến khi cụ Cửu giáo Đào Nguyên Phong xuất hiện thì chữ Hán đã phổ cập trong dân làng. Không bao lâu sau, theo trào lưu canh tân xã hội chung, phong trào học chữ Quốc Ngữ nở rộ. Những người làng bỏ chữ Nho theo học chữ Quốc ngữ. Khởi đầu là Việt Minh phát động phong trào “Xóa nạn mù chữ 1945”, sau đó trường Mai Khôi An Bằng được xây dựng (1956), từ đó chương trình giáo dục Việt Ngữ được phổ cập rộng rãi hơn.

Năm 1998, bà con thuộc vùng An Mỹ ở hải ngoại, đã vận động đóng góp xây dựng một ngôi trường Tiểu học cho con em tại vùng. Trước đây con em trong làng theo học với các trường Cấp II, Cấp III ở các xã Vinh Thanh, Vinh Mỹ.  Để đáp ứng nhu cầu và khuyến khích tinh thần học tập của con em tại làng, bà con dân làng ở hải ngoại đã quyên góp xây dựng một ngôi trường trung học Cấp II, trường được mang tên là Trường Trung học Cơ sở An Bằng-Vinh An, đã được hoàn tất năm 2002 và đưa vào giảng dạy niên khoá 2003-2004.

(Trường THCS An Bằng Vinh An)

Dân số trong làng hiện nay (năm 2001) là 900 gia đình. Vào năm 1975 một số ít gia đình ra sống ở hải ngoại, và vào những năm 1978-1990 một số dân làng vượt biển định cư tại các nước: Úc (Australia), Mỹ (USA), Pháp (France), Gia Nã Đại (Canada), Đan Mạch (Denmark), Thụy Sĩ  (Switzerland).  Hiện nay dân làng cư ngụ ở Úc có 16  gia đình, ở Mỹ có  570  gia đình, ở Canada có 47 gia đình, ở Pháp có 03 gia đình, Đan Mạch có  04 gia đình và Thụy Sĩ có 04 gia đình.

Ở hải ngoại, con em của dân làng có điều kiện học hành nên phần lớn được đỗ đạt thành người. Về sinh hoạt kinh tế, do sự cần mẫn nên hầu hết đều tạo dựng được một mức sống khá ổn định.

Sinh hoạt tập thể của dân làng ở hải ngoại, những nơi có điều kiện sống quần tụ với nhau, hằng năm thường tổ chức những buổi Tất Niên theo tập tục, để cúng tế tưởng kính Tiền Nhân đã khai dựng làng quê, đồng thời để tạo dịp gặp gỡ sinh hoạt với nhau trong tình nghĩa đồng hương làng nước.

Đời sống của dân làng trong nước hiện nay đã thay đổi khá nhiều. Có vẻ như bùng lên một cách rộn ngợp, tuy nhiên chưa tạo được một căn bản kinh tế tự túc, phần lớn đều dựa vào đồng tiền của thân nhân từ nước ngoài, nên đời sống kinh tế ở đây không có căn bản bền vững về lâu dài.

Hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của làng sau khi nghề biển truyền thống đã bị suy thoái, thì ngoài những cánh đồng cát trắng ra không thấy có một điều kiện nào khả dĩ cho kinh tế của làng. Tuy nhiên, với chiều hướng phát triển du lịch, văn hoá, sinh thái đang được chú trọng như hiện nay, thì làng An Bằng có những ưu điểm có thể triển khai được ngành du lịch nói trên, để mở ra một hướng sinh hoạt kinh tế cho nhân dân tại địa phương trong tương lai nếu dân làng biết bảo quản và đầu tư để phát triển.

____________________

Trích: Làng Xưa Tích Cũ
Tác giả: Văn Đình Xuân