Thơ Lê Trúc, Nhạc Lê Minh Hiền.

Mai Ta Về

Vào khoảng giữa năm 2005, với sự xôn xao của báo chí trong và ngoài nước, An Bằng đã đi vào giai đoạn tiến thối lưỡng nan.  Tin đồn rằng chính phủ sẽ quy hoạch lại nghĩa địa An Bằng, ngăn ngừa sự phát triển về lăng mộ.  An Bằng, thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, nằm giữa hai cửa biển Thuận An và Vinh Hiền.  Nơi đây đã mọc lên nhiều lăng mộ hùng vĩ, theo kiến trúc của đông tây hỗn hợp.  Bởi lượng lăng mộ mọc lên nhiều như thế, An Bằng đã hiển nhiên được gán cho cái tên “Thành Phố Ma”.  Nhưng hôm nay họ phải tạm ngừng lại mọi kế hoạch xây lăng bởi cái tin đồn ấy.

 

Với vai trò thanh niên của làng, lúc bấy giờ dược sĩ Trương Minh Cường đã có cái nhìn khác.  Cái nhìn của anh có thể nói vẫn còn hữu hiệu ngay ở thời điểm này.  Anh cho rằng, chính phủ nên làm việc của họ, làm những điều gì có thể tạo sự công bình cho người dân.  Để sẵn sàng cho sự đổi mới này, và với tầm nhìn của một dược sĩ, bài viết của anh đã thức dậy cái lòng yêu quê hương nơi người An Bằng.  Anh đề nghị những người qúa cố không nên dùng địa táng nữa, mà nên dùng hoả táng.  Cách thức này vừa hợp lệ với chính phủ, vừa giữ được truyền thống lăng mộ của An Bằng.  Lý do là, khi hoả táng xong, chúng ta chỉ cần một mảnh đất thật nhỏ để xây lăng và đưa tro cốt vào đó.  Nếu có thể được thì quy hoạch lại những vị tổ trong họ tộc vào một nơi để dễ nhận tìm.  Hơn nữa, những người xa quê vẫn còn đất để dành cho họ.  Khi chết, con người muốn trở về quê hương của họ là điều đương nhiên.  Nếu ở Mỹ muốn đưa về Việt Nam thì nên thiêu trước.  Điều này tránh ô nhiễm mạch nước và môi trường khi không còn thây người thối nát ở lòng đất.  Cách của anh Cường cũng có ngầm ý khuyên người An Bằng ngưng lại hoạt động xây lăng mộ và hướng về những việc thiện, giúp người, giúp làng, giúp những kẻ khốn khó hơn, để chú tâm về hiện trạng vệ sinh, cầu cống, và y tế.  Song, anh không ngại bày tỏ sự lo sợ vì đất của An Bằng sẽ bị xâm chiếm nếu lăng tiếp tục mọc lên, không còn chỗ cho thế hệ cao niên ở nước ngoài trở về nữa.

 

Đồng tình với ý nghĩ của anh dược sĩ có tấm lòng với quê hương theo đường hướng lâu dài, tôi cảm tác bài thơ như sau:

 

Mai Ta Về

 

giữ giùm ta mảnh đất ở làng quê

mai ta về chôn thân nơi mộ địa

trái tim ta vùi sâu vào đất mẹ

cho muôn đời ta sống với Việt Nam

 

mai ta về, thằng cháu quấn khăn tang

đội bát nhang, hồn nhiên cười kháu khỉnh

người mất gốc đánh rơi lòng cung kính

lệ cha ông quê giữ lại xứ người

 

mai ta về thời gian vẫn cứ trôi

hàng dương reo theo gió chiều man mát

đêm hiện hồn cất lên vài điệu hát

hỡi phố ma rực sáng xuống bàu tràm!

 

mai ta về dù chỉ đống tro tàn

vẫn ước mơ nằm lăn trên cát biển

chờ sóng lên để hồn mình tan biến

vào mênh mông với mạch sống An Bằng

 

Một hình ảnh của người chết tại hải ngoại, thiêu đốt, mang về Việt Nam để chôn cất đã hiện rõ ra.  Người ta bắt đầu bùi ngùi giữa cái sống và cái chết.  Nhưng có lẽ, người ta cảm thấy đau xót hơn nơi hình ảnh của một thằng cháu chưa bao giờ biết phong tục của Việt Nam, hay ngôn ngữ Việt.  Tôi muốn nhấn mạnh điều này để diễn đạt cái thôi thúc của người Việt Nam muốn nuôi dạy con cháu mình trong tinh thần gìn giữ văn hoá, không bị mất gốc.  Bài thơ của tôi, cũng như bài viết của dược sĩ Trương Minh Cường đã gây nhiều bàn tán nơi người An Bằng.

 

Có lẽ đồng cảm với tâm trạng này, nhạc sĩ Lê Minh Hiền phổ nhạc từ bài thơ trên và đã được nhiều người An Bằng cảm nhận.  Nhạc sĩ hiểu được tâm sự ấy nên đã nhấn mạnh cái câu điệp khúc “mai ta về thằng cháu quấn khăn tang”, làm tôi cao hứng hết sức.  Bởi vậy mới nói, thơ mà không có nhạc thì ít người cảm thông lắm.  Cũng một chủ đề ấy, anh Cường có cái nhìn của một dược sĩ, tôi có cái nhìn của người tích cực nơi đời sống hiện tại mà ít người ủng hộ, nhưng anh Hiền lại là người kéo lại sự cảm nhận nơi người An Bằng, một cách rõ ràng trên nốt nhạc tài ba của anh.

 

Xin giới thiệu bài hát Mai Ta Về của nhạc sĩ Lê Minh Hiền, phổ từ thơ Lê Trúc, do ca sĩ Huy Sinh trình bày, với kỹ thuật ráp karaoke bởi Văn Đình Sơn.

 

Lê Trúc

Mai Ta Về