Mắt Trái, Mắt Phải

Có ai đó từng nói, “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, nhưng đó chỉ là câu nói văn vẻ.  Loài người đang lạm dụng đôi mắt tối đa để nhìn thấy những hình sắc bên ngoài để rồi tạo ra tất cả các cảm giác vốn có của loài người, như thích thú, thoải mái, khó chịu, hay thậm chí tò mò, vân vân. Nhờ đôi mắt, con người nhìn thấy con đường để lái xe.  Nhờ con mắt, con người biết phân biệt cái đẹp và xấu.  Nhờ con mắt, con người mới đọc được những con chữ của người viết.  Hay nhờ con mắt, con người mới nhận dạng ra nhau. 

Còn đôi mắt là còn được sống.  Bộ không phải lúc người ta lìa đời thì lại có vế câu “nhắm mắt” đó sao?  Cho nên, đôi mắt rất quan trọng, nhưng hiếm ai biết nhận ra sự quan trọng này nếu chưa thật sự thiếu chúng. Loài người có con mắt phải và con mắt trái là để nhận ra sự phải trái trên đời, dù sự phải trái đó chưa chắc đã định hướng theo một khuôn thước cố định nào, mà theo nguyên tắc nhận biết của mỗi cá nhân hay theo đạo đức của một xã hội nào đó.  Nhưng nếu còn đôi mắt, con người ít ai nhận ra được điều này, mà cứ cho đó là một việc hiển nhiên có được.

Một ngày nọ, bỗng dưng đôi mắt biết nói chuyện.  Chúng dùng ngôn ngữ của loài mắt để trao đổi những cảm nghĩ của chúng mà loài người không thể nào hiểu được.  Họ là một cặp vợ chồng đáng yêu.  Mắt phải là vợ, mắt trái là chồng.  Họ là vợ chồng mắt.

Mắt vợ: “Anh ơi, chúng ta lúc nào cũng sống bên nhau, tại sao chúng ta không thể nhìn nhau được?”

Mắt chồng: “Vì em chính là anh và anh chính là em.”

Mắt vợ: “Là sao, em không hiểu.”

Mắt chồng: “Em là mắt phải đúng không?”

Mắt vợ: “Đúng rồi, còn anh là mắt trái. Nhưng có liên quan gì?”

Mắt chồng: “Này nhé, lúc chủ nhân chúng ta đứng soi gương thì em nằm ở đâu?

Mắt vợ: “Thì em ở phía phải của chủ nhân.”

Mắt chồng: “Đúng rồi, lúc chủ nhân soi gương thì anh trở thành em và em trở thành anh.  Chúng ta có thể nhìn thấy nhau.  Chúng ta không thể nào tách lìa nhau được.”

Mắt vợ: “Anh nói đúng, nhưng sao em cảm thấy có gì đó khác biệt giữa chúng ta.  Giữa chúng ta có cái gì đó rất khó chịu”

Mắt chồng: “Ở giữa chúng ta có mùi thối từ lỗ mũi.”

Mắt vợ: “Anh cũng thấy được hả?  Hèn gì.  Em cứ tưởng mùi thối từ anh nên anh cảm thấy khó chịu.”

Mắt chồng: “Là tại vì em không tin anh nên có cảm giác đó.  Vợ chồng phải tin tưởng nhau chứ.  Đừng vì kẻ khác khuấy động lên mà mất lòng tin với nhau.”

Mắt vợ: “Nếu loài người suy nghĩ như anh thì hay biết mấy ….”

Mắt chồng: “Đừng nói về loài người nữa.  Họ chỉ biết lạm dụng chúng ta thôi.  Họ có quan tâm gì đến chúng ta đâu.  Một ngày có 24 tiếng đồng hồ, họ chỉ cho chúng ta nghỉ ngơi được 6 tiếng, còn lại là xử dụng vào việc coi phim, nhìn đường, đọc chữ, rồi lại tìm tòi trên Facebook tùm lum nữa đó chơ.  Họ đúng là ác nhân.”

Mắt vợ: Thì đôi lúc họ cũng quan tâm chúng ta mà anh. Anh thấy đó, có loài ngũ quan nào mà có bác sĩ riêng không?  Họ có bác sĩ răng chứ không có riêng bác sĩ miệng nè.  Họ có bác sĩ tai mũi họng, chứ không có riêng cho bác sĩ lỗ tai, bác sĩ cái lỗ mũi, hay bác sĩ cái miệng nè.  Bởi vậy các giác quan đó thối là phải rồi, đúng không anh?  Chúng ta được loài người chú tâm nên có bác sĩ riêng cho chúng ta đó.”

Mắt chồng: “Em nói làm anh nhớ cái hôm đi gặp bác sĩ Lý. Wow, bác sĩ Lý đẹp gái quá trời.  Dễ thương và giỏi nữa.”

Mắt vợ: “Cái gì đó?  Bộ anh cũng bắt chước loài người dòm gái đẹp hả?  Anh muốn nhà tan cửa nát phải không?”

Mắt chồng: “Em bớt giận, thượng đế tạo ra con người có chúng ta là để mà nhìn.  Mà nhìn gái đẹp là một trong những nhiệm vụ đặc biệt của anh.”

Mắt vợ: “À, hèn gì đôi khi em cũng thấy bác sĩ Hậu đẹp trai, y như tài tử Hàn Quốc.”

Mắt chồng: “Anh thấy bác sĩ Lý đẹp gái hơn tài tử điện ảnh Hồng Kông đó nghe. Còn bác sĩ Mực nữa, chao ôi là đẹp.”

Mắt vợ: “Anh cứ dòm gái đẹp không.  Hãy nhìn cái tài của họ chơ anh. Hôm kia em nghe vợ chồng lỗ tai kể lại, ba bác sĩ đó là người An Bằng đó anh.  Họ qua Mỹ từ nhỏ bằng con đường vượt biển và do nền tảng gia đình của An Bằng, cộng thêm nỗ lực cá nhân nên họ mới thành tài như vậy đó.  Người làng An Bằng ai ai cũng hãnh diện về họ cả.  Gần đây họ được tờ báo gì đó vinh danh là những bác sĩ giỏi của năm 2021 đó anh.  Lần trước chủ nhân cho chúng ta đọc ở trên Anbangnews đó.  Cả ba đều tài giỏi.”

Làng An Bằng là một làng chài nhỏ bé ở miền trung, Việt Nam. Tổ tiên của họ hộ tống Chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong và lập nghiệp tại đây, một vùng duyên hải.  Trước đó, làng có tên gọi là phường An Đôi, do tổ tiên của họ có nguồn gốc từ làng An Ba.  Sau đó tổ tiên ở đây đã đổi tên làng sang An Bằng, vì húy kỵ tên với một vương phi nào đó.  Người dân An Bằng tính tình chất phác, hiền hòa.  Họ luôn luôn yêu chuộng sự bình an, như chính cái tên làng “An Bằng” hay “an bình”.  Sau thời cuộc đổi thay đất nước, một số đông người An Bằng đã vượt biển bằng những chiếc thuyền đánh cá của họ vào những năm 1977 đến 1990.  Qua bao nhiêu gian khó giữa biển khơi gió bão, phần đông đã thành công đến các trại tỵ nạn và sau đó định cư ở các quốc gia tự do như Hoa Kỳ, Canada, Úc, vân vân.  Do tính cần cù, họ đã chăm chỉ làm việc bằng những công việc lương thấp và dành dụm số tiền mà họ chắt chiu để xây lăng mộ cho ông bà như là việc trả hiếu trong phạm vi khả năng của họ. Ngày nay, làng An Bằng được biết đến là một làng có khu lăng mộ đồ sộ.  Tiếng khen cũng có, mà tiếng chê thì cũng không thiếu.  Cái nhìn của con người, xuyên qua đôi mắt, tìm thấy được sự phải trái, chưa chắc đã đúng hoặc sai. Nhưng, lời khen chê đã không làm người dân An Bằng quan tâm.  Họ chỉ sống cho chính họ và đôi khi rộng ra hơn, là giúp đỡ xã hội.

Cho chính họ, người An Bằng bắt đầu bảo lãnh những cha mẹ, anh em từ Việt Nam theo sang.  Từ đó, những anh em được bảo lãnh lại bảo lãnh thêm gia đình con cháu và người thân khác.  Cứ tiếp nối như vậy, làng An Bằng có một số lượng người sinh sống ở hải ngoại đông hơn so với tỷ lệ của những địa phương khác.  Đó là nhờ vào việc nghĩ đến cha mẹ, anh em … như là tấm lòng hiếu thuận của họ.  Về phần gia đình, họ tiếp tục nuôi dạy và cổ vũ con cái thành tài ở xứ người.  Ngày nay, lượng bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư, kỹ sư, hay những chuyên gia của các ngành đều có mặt của con cháu người An Bằng.  Điển hình là ba bác sĩ mà vợ chồng mắt đã nêu danh.  Cái thành đạt này có thể liên quan đến việc họ xây lăng trả hiếu, nhưng chưa ai có thể chứng minh được.

Về xã hội, những hoạt động từ thiện do người An Bằng điều hành hay dốc tâm kêu gọi đã nổi bật và thật sự đã giúp đỡ được những người đang cần sự giúp đỡ. Điển hình gần đây nhất, các hội từ thiện (trên 10 hội) đã kêu gọi người dân An Bằng ở hải ngoại giúp đỡ những nạn nhân lũ lụt miền trung.  Ngoài từ thiện ra, người An Bằng đang tích cực xây dựng xã hội từ các chuyên ngành của họ.  Giáo sư đại học đang truyền lại những kiến thức của họ cho một thế hệ.  Tiến sĩ đang làm công việc cho xã hội thăng tiến.  Kỹ sư đang thiết lập các hệ thống xây dựng cho đời.  Bác sĩ đang chăm lo sức khỏe cho các bệnh nhân.  Các quản lý đang điều hành các công ty thật tốt để cho người dân có công việc làm.  Doanh nhân của các ngành phục vụ, mua bán, hay du lịch đang tận tình mang đến những dịch vụ cần thiết đến cho người dân.  Những tài năng sáng tác về thơ văn, âm nhạc, mỹ thuật hội họa, vân vân, đều không thiếu ở người An Bằng. Tất cả, người An Bằng đang đóng góp bàn tay thật lớn vào xã hội mà họ đang sinh sống.

Quan trọng hơn, người An Bằng đang sống đùm bọc lẫn nhau ở mọi hoàn cảnh.  Có thể nói, đây là niềm tự hào duy nhất mà họ đang ôm chặt.  Những thành công cá nhân đều chỉ là việc tất yếu qua nỗ lực và môi trường mà họ đang sống.  Nhưng sự đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau đã là nền tảng lâu đời của người An Bằng, và đó là niềm tự hào của họ.  Những cố gắng nơi người An Bằng về việc gìn giữ và trao truyền lại nét đặc trưng này cho thế hệ kế tiếp đang được các hội đoàn, tập thể hay cá nhân của người An Bằng hướng tới.

Cái nhìn thấy qua đôi mắt, dù đó là mắt phải hay mắt trái, chưa chắc đã đúng với sự thật.  Đôi mắt chỉ có nhiệm vụ thu thập dữ liệu để khối óc hoạt động.  Và khi khối óc hoạt động qua nền tảng cá biệt nào đó thì lối suy nghĩ của con người sẽ đi theo chiều hướng của cá biệt đó.  Cái đúng và cái sai cùng khởi điểm từ một cái nhìn thấy.  Cho nên, đôi mắt thật quan trọng trong công việc chứng kiến sự việc đang xảy ra. Nghiệt một điều là, đôi lúc con người không biết trân quý đôi mắt của mình, lạm dụng chúng để đưa đến tình trạng gặp bác sĩ mắt.  Nhận ra điều này, mắt chồng lên tiếng.

Mắt chồng: “Đừng nghe em.  Họ giỏi thiệt, nhưng chúng ta đừng nên đến gần họ.”

Mắt vợ: “Tại sao?”

Mắt chồng: “Em thấy đó, tới bác sĩ Mực thì chẳng liên quan gì đến chúng ta.  Bác sĩ Mực là bác sĩ gia đình tổng quát mà, đâu có hiểu gì nhiều về chúng ta đâu.  Còn bác sĩ Hậu thì mỗi lần tới thì chỉ thấy bác sĩ cầm dao mổ.  Làm anh liên tưởng tới anh em giang hồ trong kiếm hiệp truyện Kim Dung. Riêng bác sĩ Lý thì còn coi được, vì bác sĩ Lý nóng bỏng, đẹp gái, hoạt bác.  Mà mỗi lần chủ nhân chúng ta gặp bác sĩ Lý thì cả anh với em đều thầm run sợ.  Bộ không phải lần trước bác sĩ Lý đòi mổ chúng ta đó à?  Gặp họ là xui tận mạng luôn.  Thà đừng gặp hay hơn.”

Mắt vợ: “Lần trước bác sĩ Lý cho vợ chồng mình bộ áo quần, đẹp lắm mà.  Sau khi mặc vào thì anh với em yêu đời hơn, vì nhìn thấy rõ hơn.”

Mắt chồng: “Đừng nhắc nữa em.  Lần đó bác sĩ Lý nói anh bị loạn thị còn em bị cận thị.  Anh không hiểu nổi lý do là gì luôn.”

Mắt vợ: “Thì anh thường nhìn gái nên bị loạn.  Còn em mỗi lần coi hình trên Facebook thì phải beng ra để xem từng cọng tóc, từng vết nhăn của người ta nên bị cận thị.  Đời là vậy mà.  Sinh nghề tử nghiệp đó anh ơi.  Tốt nhất anh đừng nhìn gái nữa để hết loạn.”

Mắt chồng: “Em cũng đừng zoom hình của người ta ra quá cỡ mà coi nữa.  Cận thị không tốt đâu.”

Mắt vợ: “Không sao.  Từ nay chúng ta thoải mái nhìn, vì đã có bác sĩ Lý giúp chúng ta nhìn rõ hơn.”

Mắt chồng: “Em nói đó nghe.  Anh tiếp tục nhìn gái đẹp đó nha.”

Mắt vợ: “Anh dám không?  Mà anh nhìn ai cũng được nhưng tại sao không nhìn em?”

Đúng vậy, con người tự nhìn chính mình rất khó.  Ngay cả mắt phải và mắt trái cũng không thể nào nhìn nhau được, huống hồ con người.  Người ta có thể nhìn và phê phán kẻ khác, nhưng tuyệt đối họ không thể nào nhìn và tự phê phán chính bản thân của họ.  Tố cáo nhau, cấu xé nhau, hay đôi lúc mạ lỵ nhau cũng vào một nguyên nhân này.  Tự nhìn chính mình là một việc ít khi, hay không thể nào, diễn ra.

Về đôi mắt, con người vẫn thường xuyên xử dụng nó để phục vụ cho cái mong muốn của mình, ngoài việc phục vụ cho cái cần thiết.  Cái cần thiết là lúc lái xe, lúc đọc email trong công sở, lúc nhìn người đối diện để nhận dạng và đối thoại, lúc nhìn vợ hoặc chồng, con cái để trao ra sự yêu thương, lúc đọc sách, hay đơn giản hơn là lúc nhìn thấy chướng ngại vật trước mắt để tránh bị vấp té.  Ngoài những thứ đó ra, tất cả đều thuộc về phục vụ cho cái mong muốn.  Con người cần nhìn những thứ tốt đẹp để có cái nhìn tốt đẹp.  Là cửa sổ của tâm hồn, ngoại cảnh cần được lành mạnh, tươi đẹp để đôi mắt có thể tiếp thu không khí lành mạnh và tươi đẹp. Có lẽ Mắt Vợ sẽ đồng ý điều này.

Mắt vợ: “Nhớ nghe anh, nếu anh không muốn gặp bác sĩ Lý cầm dao mổ thì đừng nhìn tầm bậy nữa.  Gái đẹp là tạm thời.  Vợ anh mới theo anh suốt cuộc đời này.  Anh nên nhớ, ở giữa chúng ta là cái mũi biết sự thơm và thối.  Đừng để cái thơm và thối đó làm giảm thị lực của chúng ta.”

Mắt chồng có vẻ đồng ý, dù trong lòng cũng muốn nhìn bác sĩ Lý, nhưng mắt vợ nói đúng.  Cái nhìn bên ngoài chỉ là tạm thời.  Luôn đi theo mình chính là những gì đang ở chung quanh mình.  Cái đúng và cái sai đều do con mắt thu thập vào, tùy thuộc vào hoàn cảnh ở ngoài kia cửa sổ.  Đúng hôm nay chưa chắc đã đúng hôm sau.  Sai với người này cũng có thể đúng với người kia.  Cho nên, tự cấu xé lẫn nhau chỉ là điều thừa thãi, vì tất cả đều giả tạo. Cảm xúc do chính bên ngoài mang lại chỉ làm cản trở tiềm năng sức mạnh của mỗi cá nhân.  Những gì người ta phê phán về người An Bằng chưa chắc đã sai, hay ngược lại, việc làm của người An Bằng chưa chắc đã không đúng.  Có lẽ nhận ra điều này nên người An Bằng đã đi trước xã hội bằng cách làm thinh để phát huy thế mạnh của mình. Đó là thế mạnh nơi sự đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau.

Văn Đình Lang Quân
4/11/2021