Mùa lễ quan trọng của làng

Chạp là truyền thống đẹp đẽ lâu đời của người Việt Nam. Riêng về làng An Bằng tại xứ Thừa Thiên Huế, chạp được thầm hiểu bao gồm hai ý nghĩa đối với người đã khuất và người còn sống.

Thứ nhất, đối với tổ tiên, làng An Bằng luôn hết lòng bày tỏ lòng hiếu thảo của mình. Công việc hiếu thảo ấy là làm gọn lại các ngôi mộ mà người ta thường gọi là “chạp mã”. Chạp mã là việc làm thiêng liêng của những người đàn ông trong dòng tộc. Họ vác cuốc đi ra nghĩa địa để bồi vun các ngôi mộ cát bị gió vùi lấp. Ngày nay, phần đông các ngôi mộ được xây lên với mục đích ngăn ngừa bị gió cuốn trôi, thì hành động chạp mã này đã thay vào bằng cách làm sạch cỏ dại, hay làm vệ sinh xung quanh khu mộ. Việc làm này là tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Về mặt tâm linh, chạp cũng là dịp để con cháu lễ lạy, hướng về nguồn cội tổ tiên của mình.

Thứ hai, đối với người con sống thì đây là cơ hội mỗi năm một lần để con cháu trong họ tộc gặp gỡ nhau. Những lịch sử trong họ tộc đã có dịp truyền khẩu với nhau, từ đời này sang đời khác. Trong dịp này, con cháu cũng sẽ tự hiểu rằng, ai đến chạp là bà con với nhau, và tránh những trường hợp trai gái trong họ yêu nhau, mà ngược lại, đùm bọc lẫn nhau như trong gia đình.

Vì ý nghĩa của chạp có liên hệ giữa người sống và người chết, người sống và người sống, nên chi nó càng biểu hiện tầm quan trọng của mùa chạp tại làng.

Hằng năm, cứ đến ngày 01/8/Âm lịch, bộ toàn con dân An Bằng ở trong nước cũng như Hải ngoại đều tựu trung về làng để dự lễ chạp. Chiều ngày 01/8/Âm lịch, tất cả con cháu trong các dòng tộc làm vệ sinh phong quang mồ mã, lăng miếu của các ngài Thuỷ Tổ và cô quả. Sáng ngày 02/8/Âm lịch tựu trung về nhà thờ đại tôn, trước thì hàng huyên tâm sự, hỏi thăm, chia sẻ công việc, sau cùng dự lễ dâng hương và cúng cơm lên các ngài Thuỷ Tổ nhằm tưởng nhớ các ngài đã có công khai sáng ra dòng tộc. Theo di chỉ của làng An Bằng để lại, các dòng tộc đến sớm nhất là khai canh: Nguyễn,Trần, Huỳnh,Trương; khai khẩn: Lê, Văn, Đào, tiếp theo là các dòng tộc: Đặng, Hồ, Hoàng, Phạm, Phan; các họ sát nhập sau:Dương, Lương, Lại ,La. Tính đến nay, làng An Bằng cũng đã có trên 45 họ tộc. Hiện nay họ tộc được xem là đông người nhất là họ Lê Văn và Văn Công. Từ ngày 03/8/Âm lịch cho đến ngày 10/8/Âm lịch, tất cả các phái, chi, nhánh của các họ tộc cùng đồng loạt chạp, địa điểm thường là nhà của ông đầu phái, chi, nhánh. Phái, chi, nhánh nào có điều kiện thì xây dựng một nhà thờ riêng và con cháu tựu trung về chạp tại đó. Họ chạp muộn nhất là Văn Tấn (20/8/Âm lịch), nhưng gần đây do hoàn cảnh của một số con cháu ở xa nên đã dời ngày chạp từ 20/8/Âm lịch sang ngày 07 cho đến 10/8/Âm lịch. Mùa lễ chạp cũng đã gần khép lại, nhưng trong tâm của mỗi người con dân An Bằng ở xa xứ không sao quên đi truyền thống đạo hiếu: “Tìm về nguồn cội, công ơn sinh thành dưỡng dục” của những ngài Thuỷ Tổ đã có công khai sáng ra dòng tộc và mong lễ chạp năm tới đầy hứa hẹn.

Lê Bát