Mọc giữa những ngôi mộ lộng lẫy, cao to và tráng lệ, một ngôi mộ cổ có niên đại gần 30 năm được xây dựng vào năm 1989, tọa lạc tại khu nghĩa trang giáp ranh giữa An Định và An Mỹ. Ngôi mộ này là nơi an nghỉ của cố ông bà Lê Sinh và Nguyễn Thị Bấp.
Nếu xét về mặt văn hóa-nghệ thuật thì ngôi mộ này vẫn còn giữ được một giá trị nghệ thuật độc đáo của một loại hình kiến trúc cổ vào những năm sau giải phóng. Nhớ lại thời đó, giao thông và các loại phương tiện chưa được phát triển và thuận lợi cho lắm. Mọi vận chuyển vật liệu xi măng phải dùng đến sức lực của con người là khiêng vác, gánh từ Bến Lội ra đến nơi xây dựng, cát biển phải xúc từng rỗ, gánh từng gánh mà công trả chỉ có được năm đồng/ngày. Thợ xây dựng cũng vậy. Riêng thợ kép thì mười lăm nghìn đồng/ngày. Hồi đó thợ nổi tiếng kép đẹp nhất là ông Phạm Hựu (người gốc Vinh Xuân nhưng rễ An Bằng) và Ông Nguyễn Chùy ở Vinh Hà.
Song, so với ngày nay thì nó gấp cả mấy chục lần ,công phụ hay thợ ngang đã tính từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Riêng thợ kép phải từ 400 đến 500 nghìn đồng. Thế nhưng người ta vẫn cứ làm và làm, bởi vì ai cũng có kinh tế ổn định, gia đình khá giả, một phần thể hiện cái đạo hiếu của con cái đối với ông bà tổ tiên.
Nói đến người An Bằng, sau năm 1975 kinh tế vô cùng khó khăn, người dân sống chủ yếu dựa vào nghề đi biển, đã thế nghèo lại nghèo thêm. Đứng trước nghịch cảnh đó, một số không ít người đã chọn cho mình một hướng đi làm ăn kinh tế mới. Cái nguy hiểm nhất là vượt biên sang Hải ngoại, có nhiều người đã mấy lần bị bắt, không thành công nhưng họ vẫn quyết tâm đi cho bằng được và rồi trời không phụ họ, đã đưa họ hơn hai tháng trời lênh đênh trên biển đến nơi một miền đất mới. Ở đó họ đã cố gắng lao động, làm ăn để kiếm sống. Sự nghiệp của họ dần dần phát triển và đi vào ổn định. Chợt một ngày họ lại nghĩ đến quê hương, ông bà tổ tiên. Từ đó phong trào xây dựng lăng mộ cho ông bà, cha mẹ trở nên nhộn nhịp. Người ở Hải ngoại thì góp của, người ở quê thì có công. Cứ như thế nhà nhà đều làm, cả làng đều làm đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho khu nghĩa trang An Bằng và ngày nay được khách phương xa đặt cho một cái tên là “Thành phố lăng”.
Tuy nhiên, không sao tránh khỏi lời vào tiếng ra của khách thập phương. Họ thổi phồng lên từ một cái lăng trị giá 100 triệu lên đến 500 triệu, từ 500 triệu lên đến một tỷ. Cứ như vậy, người này kể cho người kia, người kia kể cho người nọ. Nghĩa trang An Bằng trở nên nổi tiếng. Ngoài ra, xây lăng là một đạo hiếu của mỗi người, không ai có quyền ngăn cấm. Nhưng xây đi rồi đập, đập lại rồi xây đi nhiều lần trong một cái lăng thì quả thật là lãng phí. Quan niệm của chúng ta thường nghĩ rằng: “Mồ yên mã đẹp” khi đó con cháu mới làm ăn ra. Vậy, mã đẹp mà mồ có yên đâu, khác chi chúng ta đang phá yên giấc ngủ nghìn thu của những người quá cố.
Hy vọng, mọi sự suy nghĩ của bà con sẽ giống như con cháu của ngài quá cố ông Lê Sinh. Nếu làm thì quyết định kiên cố một lần, không chạy theo mẫu mã cũng như phô trương, tránh sự lãng phí. Để tiền làm việc thiện hoặc xây dựng các công trình phúc lợi trên quê hương là một việc làm có ý nghĩa. Mong sao, con cháu của quá cố ông Lê Sinh sau này có xây dựng lại lăng mới thì nên chọn một vị trí khác gần cạnh đó và giữ nguyên lại toàn bộ ngôi mộ cổ đó để làm kỷ niệm cũng như sự phát huy bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống của một thời làm nên lịch sử.
Lê Bát.