Phát xuất từ trái tim và do sống trong một môi trường đầy lòng thương người, các bạn trẻ An Bằng đang dấn thân vào từ thiện.

Từ thiện được miêu tả như là hành động giúp người trong cơn hoạn nạn, phát xuất từ trái tim yêu thương.  Hẳn trái tim ấy đã được hình thành trong một môi trường hay một cộng đồng tràn đầy tính vị tha, luôn nghĩ về hoàn cảnh xấu số, bất hạnh của người khác.  Giữa cuộc sống tranh giành, mưu lợi cá nhân, và kiếm sống trong muôn vàn vất vả, người An Bằng đang hướng về công việc từ thiện như là sự biểu hiện trái tim của họ.  Trong cộng đồng người làng An Bằng hiện nay, việc làm từ thiện đang lây lan ở những người trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ.  Nơi họ, ta sẽ tìm lại định nghĩa của cuộc sống mà có lẽ bạn và tôi sẽ đồng tình.

Người An Bằng vốn có nền tảng giáo dục và giá trị gia đình vững chắc, luôn đặt nặng sự hiếu thuận lên hàng đầu.  Họ biết kính trên nhường dưới.  Họ biết làm cha mẹ hài lòng.  Và họ cũng biết tích của góp công xây lăng mộ cho người quá cố.  Tất cả chỉ để tỏ lòng hiếu thảo với các bậc sinh thành.  Người ta nói, ‘gieo nhân nào gặt quả ấy,’ quả không sai.  Từ một làng chài nghèo khó, sau chiến tranh chấm dứt, do tổ tiên ăn ở hiền lương, đa số những người đánh cá đã an toàn vượt mọi hiểm nguy, đến bờ đất đầy hứa hẹn.  Sau nỗ lực vươn lên từ cá nhân, do nặng tình với làng xưa xóm cũ, với tổ tiên ông bà, họ đã chung tay làm việc hiếu nghĩa, một công việc mà họ tin tưởng sẽ dẫn đến hạnh phúc ở nội tâm.  Họ không màng gánh chịu những bàn tán xôn xao về việc làm này, vì họ nghĩ rằng, cái hạnh phúc ở nội tâm trội hơn những lời nói không mang lại kết quả thật tế.  Đồng tiền ấy, do mồ hôi nước mắt tạo nên, do bàn tay cực nhọc làm đến sần sùi để có được.  Đem tiền đi làm việc có ý nghĩa cho riêng họ thì họ cảm thấy vui, chẳng cần chờ đợi lời khen chê nào để được điều đó.  Có người chọn bài bạc để tìm nguồn vui; có người tìm đến nơi xa hoa để đốt tiền; có người khôn lanh hơn – đem đi đầu tư để kiếm thêm tiền.  Nhưng người An Bằng dùng đồng tiền do chính họ tạo ra ấy để làm đẹp cho quê hương, để tạo thêm công việc cho các thợ hồ và các làng lân cận, và quan trọng hơn – tỏ bày lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà.  Họ không dừng lại ở đây, những gì giúp họ định nghĩa ý nghĩa cuộc đời, họ đều làm trong khả năng có thể.

(Đồng Hương An Bằng tại Đà Nẵng)

(Đồng Hương An Bằng tại Úc Châu)

(Đồng Hương An Bằng tại Canada.)

(Đồng Hương An Bằng tại TP Huế)

(Đồng Hương An Bằng tại miền Tây Nam Florida)

(Đồng Hương An Bằng tại Colorado)

(Đồng Hương An Bằng tại Florida)

(Đồng Hương An Bằng tại Mississippi)

(Đồng Hương An Bằng tại Chicago)

Vì tấm lòng yêu thương người được tẩm từ tấm bé, việc làm tình thương đã sẵn có trong cộng đồng người An Bằng.  Những năm tháng vật lộn cùng khó khăn trùng trùng đã để lại cho họ bài học biết đùm bọc lẫn nhau, biết cảm thông với những hoàn cảnh tương tự.  Do đó, việc làm từ thiện không xa lạ gì với người dân An Bằng.  Trước đây, làm việc trong âm thầm, những nơi khó khăn hay bão lụt đều có bàn tay của người An Bằng giúp đỡ.  Có lẽ họ không muốn tuyên dương việc làm của họ, nhưng theo tôi được biết thì ở hải ngoại, từ Hoa Kỳ đến Canada, hay Úc Châu, đã có những người đi quyên góp và nhờ đại diện ở Việt Nam, như chùa, nhà thờ, hoặc cá nhân, đến tận nơi để trao qùa.  Có người quyên góp dưới hình thức cá nhân, cộng đồng, hay tôn giáo để trải lòng với đồng bào xấu số.  Vì âm thầm nên chẳng cần ai biết đến.  Đó là việc làm từ thiện chuẩn mực, hoặc có lẽ ở thập niên 90 chưa có tổ chức từ thiện như ngày nay.  Mỗi lúc người An Bằng từ nước ngoài về thì lại có một vài chuyến từ thiện nho nhỏ, đi từ các viện trẻ mồ côi cho đến các hoàn cảnh khó khăn ở các vùng núi xa hẻo lánh.

Ngày nay, lớp người An Bằng, có lẽ do gặt được qủa lành, đã lần lượt qua các nước tự do dưới nhiều hình thức khác nhau.  Mang theo họ là một tấm lòng yêu thương người.  Vì lẽ đó, công việc từ thiện đã có phần quy mô hơn.  Hợp cùng với các bạn bè, người thân đang ở Việt Nam, các hội, nhóm từ thiện đã dần tạo lập lên để biểu đạt trái tim của người An Bằng.  Trong phạm vi hiểu biết giới hạn của người viết, sau đây là những hội và nhóm có tổ chức ấy:

Hội Thiện Tâm

Hội Thiện Tâm:  Hình thành và hoạt động vào năm 2009 do các bạn ở Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi anh Lê Bình.  Tại Hoa Kỳ, các anh chị này tự quyên góp tiền hay kêu gọi các bạn bè, người thân, hoặc các cơ sở thương mại của người An Bằng.  Tại Việt Nam, một số bạn trẻ tích cực tham gia, dẫn đầu bởi Thầy Thích Nhật Hoá, anh Văn Mỹ, và những người con của An Bằng.  Về đối tượng từ thiện thì hội này không giới hạn ở các tỉnh miền trung.  Từ An Bằng, sang những làng lân cận, qua  Đông Sơn, A Lưới, hay ra tận Quảng Trị, vân vân.  Được biết, hội đã có giấy phép hành thiện nên ở đâu có hoàn cảnh khó, thì những anh chị em trong chiếc áo trắng viền xanh lục sẽ có mặt.  Hiện nay, số thành viên và cộng tác viên đã tăng lên, ban điều hành có thể thay đổi, nhưng nó được hình thành và điều hành bởi người An Bằng.  Xem thêm ở đây: www.hoithientam.com và Fan Page củaHội Thiện Tâm.

Tâm Duy Thiện

Tâm Duy Thiện: Bắt đầu hoạt động vào năm 2013, do anh Cư Đoàn và Evans Trương khởi xướng.  Lúc đầu chỉ là một kết nối nho nhỏ, nhắm đến các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng sau này đã lan rộng ra và thường xuyên đem niềm vui đến các nơi như Huế, Đà Nẵng, hoặc Sài Gòn.  Thỉnh thoảng, có chương trình trung thu cho các em thiếu nhi.  Xem thêm ở đây:www.tamduythien.com và Facebook của Tâm Duy Thiện.

Nhóm Đồng Lòng

Nhóm Đồng Lòng:  Thầm kín hoạt động từ năm 2014, nhóm này do các anh chị em trẻ An Bằng ở Hải Ngoại, thuộc tiểu bang Michigan và Florida chung lòng góp của.  Những công việc của nhóm đều hướng về những hoàn cảnh khó khăn mất khả năng lao động, đang mang các chứng bệnh hiểm nghèo, hay các trường hợp thương tâm như mồ côi, học sinh nghèo.  Do không muốn phô trương, nhóm này không có website và chỉ báo cáo hình ảnh qua trang facebook của Nhóm Đồng Lòng.

(Từ Thiện An Bằng)

Nhóm Từ Thiện An Bằng:  Ra đời vào năm 2016 để kết nối với các nhà hảo tâm, các hội từ thiện, hay cộng đồng An Bằng ở hải ngoại.  Đa số các hội viên của nhóm từ Anbangnews, nhưng không liên quan với website này.  Hằng tháng, nhóm có tổ chức bán thức ăn chay để gây qũy cho mục đích giúp người.  Từ Thiện An Bằng Facebook Group.

Xóm An Mỹ

(Hội Từ Thiện Lily đồng hành cùng nhóm anbangnews)

(Hội Từ Thiện Chicago)

(Cộng Đồng An Bằng Denver, đồng hành cùng anh chị em anbangnews)

(Anh Vinh Lê tham gia nhóm Quán Cơm Từ Thiện – HFB)

Ngoài ra, có các nhóm khác như Thanh Niên Xóm An MỹHội Từ Thiện Lily ở Úc Châu, Giáo Xứ An Bằng, Chùa An Bằng, Nhóm Từ Thiện An Bằng Chicago, các Cộng Đồng Làng An Bằng ở Canada, Denver, Florida, hay Vùng An Mỹ, vân vân.  Có vài bạn trẻ An Bằng cũng tham gia Quán Cơm Từ Thiện,  HFB.  Có thể nói, phong trào từ thiện nơi người An Bằng đang nở hoa giữa cuộc sống.  Vì vậy, gần đây, một bài báo đã nhìn nhận người làng An Bằng, “Cả làng có tâm làm từ thiện”.  Dù có phần phô trương, nhưng đúng ở một góc độ nào đó.  Người An Bằng ở đâu cũng có thể làm từ thiện.  Ví dụ, hội đồng hương An Bằng tại thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức phát cơm chay miễn phí hàng tháng cho những người nghèo.  Dù chỉ là một việc nhỏ nhoi, nhưng cũng đủ diễn đạt được tấm lòng quan tâm đến xã hội và con người.  Hội đồng hương An Bằng ở Denver đã góp công của, hợp cùng với nhóm Anbangnews tại An Bằng, cho có chương trình từ thiện ở những làng xung quanh An Bằng.  Ở Chicago, một nhóm từ thiện An Bằng cũng thường kết nối với các bạn trẻ ở Việt Nam để cùng san sẻ với những mảnh đời bất hạnh.  Thỉnh thoảng, hộitừ thiện Lily ở Úc Châu cũng làm những việc tương tự.  Rõ ràng, hành động từ thiện đã ăn sâu vào đời sống của người An Bằng ở khắp nơi.

Do ảnh hưởng phong tục của các vị niên trưởng, tuổi trẻ An Bằng ngày nay đang nhận ra giá trị của việc làm giúp người này.  Ý nghĩa của cuộc đời tùy mỗi người định hướng.  Dĩ nhiên, việc làm lợi ích cho con người là một định hướng luôn được ca ngợi ở bất cứ một tôn giáo, đảng phái, hay xã hội nào.  Dù rằng, sự ca ngợi ấy không cần thiết phải diễn ra, cái ấm áp của người nhận chính là sự ấm áp của người cho.  Khi cho ra, người nhận lẫn người cho đều cảm nhận được niềm vui như nhau.  Nếu nói rằng người cho tìm niềm vui cho chính họ qua việc làm này, thì đây là niềm vui tốt, không tác hại, ngược lại còn giúp người.

Qua một cuộc thăm dò trên mạng Facebook (An Bằng Hội Tụ), đa số các bạn trẻ cho rằng, làm từ thiện phải bắt nguồn từ trái tim.  Không có trái tim thì ý nghĩa của nó sẽ khác đi, và đôi khi ngược lại là mong cầu cái hư danh.  Điều này đòi hỏi sự thật tâm thương người.  Bạn Linh Lại cho rằng, “Nó không chỉ xuất phát từ lòng thương con người, mà nó cũng là một sự cảm thông, sự rung động, biết sẻ chia … khi mình chứng kiến cuộc sống họ trái ngược với cuộc sống mình.”  Qua lời nhận định này, ta có thể hiểu được rằng, đời sống của người An Bằng đã dư dả, và mỗi khi biết hoàn cảnh khó khăn thì trái tim của họ nhói lên để rồi công việc từ thiện phát xuất từ đó.  Họ nhói lên vì họ đã trải qua hoàn cảnh tương tự.

“Sự rung động” kia chắc chắn phát xuất từ trái tim, chứ không thể nào vì điều gì đó khác hơn.  Vì thế, bạn Kim Phượng nghĩ, “giữa con người và con người cần có sự yêu thương nhau.”  Hoá ra, làm việc thiện là một môn học nhân văn.  Trong khi thế giới hận thù nhau, quốc gia này đối kỵ với quốc gia kia, chủng tộc kia thù hằn chủng tục nọ, thì lòng yêu thương người còn sót lại ở nơi một cộng đồng nhỏ này.  Bạn Đức Nguyễn nghĩ rằng, ý nghĩa của cuộc đời là “lá lành đùm lá rách.”

(Hình: Nhóm Phóng Viên Anbangnews tại An Bằng.  Nhiều anh em trong nhóm này thành lập Từ Thiện An Bằng, nhưng không trực thuộc của website này.)

Dù đó là ý nghĩa của cuộc đời của các bạn trẻ đang theo đuổi, nhưng làm từ thiện cũng gặp nhiều khó khăn.  Bạn Nghĩa cho rằng việc làm này như “làm dâu trăm họ.”  Trước tiên phải có kế hoạch, giúp đỡ hoàn cảnh nào đáng giúp đỡ, đòi hỏi sự năng nổ và tính chịu khó, biết hoà đồng với các bạn, và có tinh thần học hỏi.  Bạn Mạnh cũng đồng ý là đi làm từ thiện để học hỏ thêm và hiểu rõ về bản thân của mình.  Đi xa hơn, bạn Bi cho rằng, “nó cũng giúp chính bản thân mình hiểu được cuộc sống nó khó khăn đến chừng nào và chứng kiến những cuộc đời bất hạnh [để] giúp cho ta trân trọng, biết ơn những gì mình đang có và sắp có .. và [cảm thấy] may mắn hơn rất nhiều [so] với những người khác.”

Trong cuộc thăm dò với các bạn trẻ này, tôi hiểu ra hai nguyên nhân dẫn đến công việc từ thiện mà các bạn ấy đang theo đuổi.  Thứ nhất, nó phát xuất từ lòng thương người.  Thiếu đi nguyên tố này sẽ làm các bạn dễ nản lòng, hay đôi lúc còn có hiệu quả ngược lại.  Thứ hai, lòng thương người ấy được nuôi dưỡng từ môi trường ở An Bằng.  Cha mẹ, anh em, bạn bè đều có tính giúp người nên đã truyền lại cho tuổi trẻ ngày nay.  Đây là bài học thương người không cần lời nói, mà chỉ nhìn vào hành động.

Anh Lê Bát, một trong những sáng lập viên của Hội Từ Thiện An Bằng cho rằng, “từ thiện không phải là của cho, mà là cách cho.”  Đúng vậy, có của cho mà không có tâm yêu thương người thì sẽ tạo ra cái “tôi” to tổ chảng.  Người làm từ thiện cần học hỏi được sự khiêm cung, rằng nhờ có người nhận nên ước nguyện của mình mới thành sự thật; rằng nhờ có họ mà mình hiểu ra ý nghĩa cuộc đời; rằng nhờ có họ nên tình thương được biểu hiện.  Sự cảm kích nơi người cho đối với người nhận sẽ tương đương hoặc cao hơn sự ghi ân của người nhận.  Đó là việc làm từ thiện chính nghĩa.  Từ thiện còn là một hành động để an ủi hay truyền trao ý nghĩ yêu đời đến người nhận.  Đôi lúc, chỉ một lần thăm viếng trong cơn bệnh nặng cũng đã tạo ra cảm giác này.  Một lời quan tâm vẫn đủ để chia sẻ với kẻ kém may mắn hơn.  Do vậy, người làm từ thiện là một nhà nhân văn, thông hiểu về tâm lý lẫn sự hạn hẹp vật chất.  Có nghĩa là, người An Bằng đang có một gia tài tâm lý và kiến thức về con người, những đối tượng mà họ đang chia sẻ vật chất và tinh thần đến.  Giá trị này được ôm ấp như là thứ gia sản riêng biệt của người làng An Bằng.  Bạn Hiền đồng ý là, gia sản này đang được gìn giữ nơi những thanh niên An Bằng, những người đang bận rộn với cuộc sống, như đi học, đi làm cũng như mọi người khác.

Dù việc làm từ thiện có ý nghĩa gì đi chăng nữa, khi nhìn những bạn trẻ An Bằng ngày nay dấn thân vào công tác này thì nghĩa là, họ sẽ không có thời gian khác để làm việc không tốt với xã hội.  Nhiêu đó thôi cũng đủ góp sức cho sự lành mạnh của quốc gia rồi, huống hồ họ mang luôn cả trái tim yêu thương con người.  Và trái tim từ thiện này đang lan toả khắp làng An Bằng, nhờ vào gốc rễ của họ.

 

Văn Đình Lang Quân