Tết là lễ hội để mọi người có thể tụ họp, quây quần bên nhau. Điều này rất dễ dàng đối với những người ở Việt Nam. Riêng với những người con xa xứ, lại là một trở ngại lớn về sự khác biệt văn hoá và khó khăn nơi sự thể hiện một cái tết truyền thống. Tuy nhiên, khi đón cái tết đúng nghĩa của nó tại xứ người, ta mới cảm nhận được cái giá trị của một nền văn hoá lâu đời và càng thương cho tấm lòng của người An Bằng xa xứ.

Tôi, một cô gái 20 tuổi, theo gia đình định cư sang Mỹ, mang theo cả một hoài bảo truyền thống ấy. Sau 2 năm xa nhà, với nhiều xót xa khi phải lìa xa ngôi làng thân thương của mình, tôi đã đón được 2 cái tết nơi xứ người hoàn toàn khác biệt. Nhớ những ngày xuân xưa, không khí tết tràn về khắp mọi con đường làng, mọi góc nẻo của đất nước Việt Nam. Hễ ra đường thì ta sẽ nhận ra ngay ngày xuân đang về mà không cần ai nhắc nhở hay thư mời hội họp nào. Không ai bảo ai, người người đều biết mình sẽ làm gì để đón xuân, dù có đơn sơ đến mấy. Hàng xóm thi đua nhau tân trang nhà cửa, đánh bóng các lư trầm, bát hương, dọn lại bàn thờ để đón ôn mệ về ăn tết. Rồi ngày 30, gia đình sum họp, từ bên nội rồi chạy sang bên ngoại. Con cháu ăn uống no nê để chuẩn bị cho cuộc vui của ba ngày tết. Lúc này, cái tết sao mà linh thiêng lạ lùng; sao mà rạo rực vô cùng.

Tôi đã không tìm thấy lại cảm giác này lúc sang đây. Sống ở một đất nước khác nhau về văn hoá, phong tục, tập quán thì ngày lễ của họ không trùng với mình. Đó cũng là lí do. Nhiều lúc thực sự muốn khóc; khóc cho vơi đi nỗi nhớ quê hương và người thân.

Có thể vì kế sinh nhai hay một nguyên nhân gì khác, con dân An Bằng đã phải xa quê hương, xa cái tết truyền thống, để đến vùng đất mới mong có cuộc sống tốt hơn. Do sống rải rác khắp nơi trên khắp nước Mỹ, ngày tết đã chẳng còn mang lại một cảm giác rộn ràng như xưa. Ngày tết ở đây vẫn phải đi làm hay đi học bình thường như những ngày khác. Có khi còn bận rộn hơn những ngày khác nữa, nếu nó rơi vào các ngày “hốt bạc”.

Tuy nhiên, có lẽ người An Bằng hải ngoại nhận ra điều này nên dù có bận rộn đến mấy thì mỗi tiểu bang, mỗi thành phố có đông đảo con dân sinh sống thường tổ chức ngày hội họp cuối năm hay đầu năm. Nói nôm na là tất niên hay tân niên của làng, dù làng ở đây chỉ là một nhóm người trong khu vực họ đang sinh sống. Tôi đã may mắn tham dự một lễ hội như thế. Khi không khí tết của quê hương đã mất đi thì ta lại trân quý những gì có thể tìm lại trong nhau, có thể trong ánh mắt hay Khuôn mặt nhận lại người quen. Huống hồ, nơi đây đã tạo ra cái cảm giác mùa xuân gần gũi với một thời tuổi thơ của tôi.

Năm nay, tôi được đón một cái xuân thật ý nghĩa. Tôi kể cho bạn bè về tết của quê hương mình. Tôi kể bằng sự háo hức như chính mình đang sống trong cái không khí lễ hội ấy. Tôi lại được đi du xuân, được mặc chiếc áo dài truyền thống với bao niềm tự hào, được gặp mặt những người thân và bạn bè, được ăn những món ăn ngon. Hơn thế, tôi còn thấy được những giây phút sum họp quan trọng như thế nào.

Dù ở nơi đâu, tôi luôn tự hào mình là người con đất Việt, con dân An Bằng, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi có cái tết đặc trưng, nơi có những người thân yêu tôi. Một mùa xuân bắt đầu với niềm hy vọng và hy vọng ấy gói ghém qua những câu chúc cho nhau vào dịp năm mới. Có cũ đến đâu, nó vẫn mới toanh khi trao nhau lời chúc lành vào ngày đầu xuân. Vì thế, tôi xin chúc tất cả mọi người, từ người thân đến bạn bè, ở Việt nam hay đang xa xứ, những điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc và dồi dào sức khỏe. Hy vọng lễ hội tết vẫn mãi mãi duy trì, dù chúng ta có sống ở đâu.

Riêng tôi, dù đang trong cơn nhớ nhà, đang thầm mơ ước sẽ trở lại quê nhà đón xuân một ngày không xa nào đó, trong tôi vẫn trân trọng cái tết ở đây. Khi chúng ta tìm lại một món vật quý báu đã bị mất thì cảm giác trân quý món vật đó càng cao. Cũng vậy, tôi tưởng đâu ngày tết ở xứ người đã không còn mang lại cảm giác xưa cũ, vậy mà tôi đã có cơ hội nhận ra cái giá trị của sự mất-tìm này. Nhờ đó, tôi nhận chân sự gắn bó nơi người An Bằng với nhau mới chính là mùa xuân thật sự. Và tết không đến với chúng ta vào ngày mồng một của đầu năm, mà nó đến với chúng ta hằng ngày bởi tình nghĩa con người cùng quê, chung xóm, qua tấm lòng.

Bi Truong