9/4/2014
Tùy Bút
Văn Đình Lang Quân: Trò chơi con nít Oắn Tù Tì này phát xuất từ đâu? Nó được xử dụng nhiều nhất vào trường hợp nào? Dù là trò chơi đơn giản, nhưng nó đã có tầm ảnh hưởng thế giới.  Ngoài con nít ra, đây cũng là trò chơi quyết định thắng thua được tìm thấy ở người lớn.

Hôm qua, trong lúc gia đình tôi ăn tối, thằng con trai út 5 tuổi của tôi không chịu ăn, mà chỉ “ngâm” cơm trong miệng, như cố tình chờ đợi một câu cổ vũ nào đó của mẹ hắn. Dù nhỏ nhẹ nhắc nhở, hắn vẫn cứ ngoan cố. Rồi hắn thách thức tôi chơi trò “rock-paper-scissors” với hắn. Nếu thua thì hắn sẽ ăn hết. Chỉ có gia đình ở Mỹ mới có trường hợp này, chứ nếu ở Việt Nam thì “mi không ăn cho mi đói chết luôn, tao ăn,” cho mà coi. Sau ba keo đối đầu, tôi đã hạ gục hắn một cách thảm thiết, không thương tiếc. Hắn ra ba cái kéo, tôi ra ba cái búa liên tục, đập gãy tan tành không còn một manh giáp. Lúc đó hắn ngoan ngoãn tiếp tục ăn, đúng như lời hứa của hắn.

Tôi thầm cám ơn cái trò Oắn Tù Tì của ai đó đã đặt ra. Ba chữ “Oắn Tù Tì”, được phát xuất từ “One-Two-Three” (Một-Hai-Ba). Trò chơi này rất thông dụng của đám con nít mà không cần một món vật nào cả. Chỉ một bàn tay là đủ. Đây là trò chơi quyết định hơn thua nhanh nhất. Hồi tôi còn nhỏ cũng đam mê trò này lắm. Vậy ai đã phát minh ra? Tôi lên mạng tò mò tìm kiếm. Thằng Nhật tự cho là hắn sáng tạo ra vào khoảng năm 200 trước công nguyên, có tên là Jap-Ken (quả đấm của người Nhật). Thằng Tàu nhảy vô nói rằng thằng Nhật ăn cắp của hắn. Thằng Nam Mỹ cũng không chịu thiệt thòi, cho là tổ tiên của hắn đẻ ra. Rồi đến lượt thằng Đông Phi cũng không chịu nhượng bộ – nói rằng trò chơi này phát xuất trên 6.3 triệu năm trước khi con người còn là loài vượn, chưa được tiến hoá như lời của ông Darwin đã dạy. Nhưng gần đây, thằng Mỹ và thằng Pháp tranh cãi nhau dữ dội về ai đã làm cho trò chơi này nổi bậc hơn. Tên của trò chơi này có tên chính là Rochambeau (Ro-Sham-Bo). Rõ ràng là một chữ Pháp, phát xuất từ chữ “roche” (đá).

Nhưng tìm hiểu thêm là tên của một vị tướng Mỹ có tên của nước Pháp, hợp với đại tướng George Washington (sau này là tổng thống đầu tiên của Mỹ) đánh bại đế quốc Anh bằng cái trò Oắn Tù Tì này. Sau ba keo ác chiến bằng trò chơi này, tướng Rochambeau đã hạ gục thủ lãnh Anh Quốc và bắt phải ký hiệp định Paris, buộc lính Anh phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ. Vì để nhớ đến người sử dụng trò chơi con nít vào sự an nguy của đất nước, cái tên Rochambeau đã được dính liền trong nhiều thế kỷ qua. Đâu đó, ta vẫn nghe người ta gọi là, “Rock-Paper-Scissors” (Đá-Giấy-Kéo) ở đám con nít. Trong một phiên toà của Mỹ, thẩm phán đã có tuyên bố luật sư hai bên, nếu cần thiết, sẽ dùng trò chơi này để quyết định nơi chốn phiên toà sẽ kéo rời qua nơi khác.

Rồi Oắn Tù Tì vẫn thường xuyên xuất hiện trong các trận thể thao với tầm quốc tế. Rõ ràng, sự ảnh hưởng của trò chơi này thật rộng rãi ở mọi sinh hoạt của con người. Không hiểu trò chơi này tràn vào Việt Nam lúc nào. Nước ta đã bị Tàu đô hộ một ngàn năm. Nếu trò chơi này phát xuất từ Tàu thì thế nào cũng chạy qua Việt Nam lâu lắm. Vào thế kỷ 18, 19 thì ta cũng đã bị Pháp đô hộ một trăm năm. Nếu Pháp đã làm cho trò chơi này thịnh hành hơn thì chắc chắn Việt Nam ta cũng không bỏ sót. Nhưng sao ta lại kêu là “Oắn Tù Tì”? Đây không phải là từ ngữ của Mỹ sao? Hay trong 20 năm quân Mỹ đổ vào Việt Nam, ta mới học được?

Vốn là dân học lóm rất giỏi, người Việt ta rất lanh lợi để áp dụng, không chừng còn đứng lên dành trò này lại cho Lạc Long Quân và Âu Cơ lắm chứ. Điển hình là ta dùng “búa, bao, kéo” trong khi Mỹ dùng “đá, giấy, kéo”. Đổi sang một biểu tượng khác sẽ không bị người ta xem là ăn cắp, mà còn vẻ vang với điều sáng chế của mình nữa. Nếu tôi là đạo diễn làm phim về lịch sử Việt Nam thì tôi sẽ cho thêm chi tiết khi Lạc Long Quân và Âu Cơ quyết định ai sẽ lên núi, ai sẽ xuống biển bằng trò chơi này. Ai sẽ chọn 50 người này, ai sẽ chọn 50 người kia … cũng dùng phương thức này để giải quyết. Như vậy Oắn Tù Tì sẽ đi vào lịch sử của nước ta lâu đời hơn. Đố thằng Nhật, thằng Tàu dám qua mặt!

Tuy là một trò chơi con nít, nhưng hiện nay trên mạng lưới đã có một hội chuyên về đề tài này. Chưa thấy người Việt Nam tham gia. Ai đọc bài viết này xong, nhớ dành danh dự cho đất nước của mình nhé. Tìm vào hội American-Rock-Paper-Scissors League để tìm hiểu thêm sự say mê tìm hiểu lịch sử của trò chơi con nít. Đây là trò chơi hoàn toàn dựa vào tâm lý và cơ hội. Nhìn ánh mắt của đối phương, ta sẽ một phần nào đoán được búa, kéo, hay bao sẽ đưa ra. Cái làm cho người ta khó đoán là tất cả biểu tượng đều phát xuất từ cái búa. Đưa ra cái búa trước, nếu muốn chuyển sang kéo hay bao thì sẽ biến hoá trong chớp nhoáng. Đoán chưa chắc đã chính xác. Hơn nữa, theo toán học, thì cơ hội thua chỉ có 33%, cơ hội hoà 33%, và cơ hội thắng cũng 33%. Nó không dựa vào luật tài xỉu của Tàu. Cái đáng chú ý ở đây là ta vẫn có 33% hoà với đối phương. Nhưng cái độc đáo là ba thứ này kiềm chế lẫn nhau, không một biểu tượng nào cao hơn hai biểu tượng kia. Búa mạnh thì đập bể kéo, kéo bén thì cắt được bao, bao nhu thì gói được búa (theo luật nhu chế cương của các thế võ Thiếu Lâm chăng?).

Có thể nói, đây là quy luật của vũ trụ: cái này kỵ với cái kia. Bộ không phải nước Mỹ dựng quốc trên công thức kiềm chế lẫn nhau này sao? Này nhé, căn bản của hiến pháp nước Mỹ dựa trên ba cơ quan chính: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Lập pháp là những người dân biểu, nghị sĩ, được dân bầu lên làm người lãnh đạo. Họ có quyền lập ra các luật lệ cho toàn dân và họ tuân theo sự chỉ huy của hành pháp. Hành pháp là tổng thống, phó tổng thống, những bộ trưởng, và những thành viên trong ban nội các của họ. Tổng thống có quyền bác bỏ những dự luật do lập pháp đưa ra, nhưng đa phần thì họ tuân thủ pháp luật và quyết định số phận của quốc gia, như tuyên bố chiến tranh và điều khiển quân đội. Nhưng lỡ họ không tuân theo luật pháp thì sẽ bị tư pháp nhảy vô xử liền. Như vậy, ba guồng máy cá biệt này kiềm chế lẫn nhau. Lập pháp sợ hành pháp; hành pháp sợ tư pháp, và tư pháp sợ lập pháp (vì tất cả các luật đều do dân lập ra). Nếu ta thay thế vào lập pháp là cái kéo, hành pháp là cái búa, và tư pháp là cái bao thì cũng hợp lý lắm. Thằng này đối kỳ với thằng kia, nhưng vẫn đè đầu thằng khác.

Trong bất cứ một xã hội nào, ta cũng thấy hình ảnh “búa, kéo, bao” tiềm ẩn trong mỗi một gia đình như thường. Người cha là hình ảnh cương trực, chắc chắn như cái búa. Người con sợ người cha lắm, nên chi có thể ví là cái kéo. Tại sao là kéo? Khi con lớn lên, có thể bị hư hỏng, không chịu nghe lời cha mẹ. Điều này làm người mẹ đau lòng vô cùng. Mẹ sợ con là vậy. Nhưng dù là cột trụ của gia đình, người cha cũng phải sợ người mẹ. Có lẽ cái câu “vợ là trời” đã được áp dụng rất lâu trong dân gian, là thế. Không những người Việt, mà ngay chính người Mỹ cũng áp dụng phương thức “vợ là trời” này.

Cách đây mấy tháng, tôi đã bay qua tiểu bang Idaho để phỏng vấn việc làm. Hai vợ chồng chủ của công ty tiếp đón nồng hậu trong hai ngày mà tôi ở lại đây. Sau khi phỏng vấn xong, họ đưa tôi đi tham quan các cảnh di tích của tiểu bang này. Trong lúc này, họ khoe cái đẹp của họ để chiêu dụ tôi dọn qua đó ở. Cuối cùng, chúng tôi đi ăn. Những thức ăn bày dọn ra thực hấp dẫn. Nhưng có lẽ loại rượu đặc sắc của tiểu bang này mới làm cho con người ta say mê. Mọi người ai cũng thưởng thức món rượu được chế ngay tại tiệm ăn này. Trong lúc đó, bà chủ tâm sự với tôi rằng, “Mi biết không, muốn giữ cho gia đình êm đẹp, trước tiên mi phải làm cho người đàn bà trong gia đình vui vẻ. Khi họ vui vẻ rồi thì mọi chuyện đều dễ dàng.” Tôi bậc ngữa người ra, ngạc nhiên. Té ra, người Mỹ cũng có cách suy nghĩ này. Mới biết đây là cái nhìn của con người, chứ không một quốc gia nào chiếm chủ quyền với lối sống này cả.

Với hình ảnh này, ta lại thấy trò Oắn Tù Tì đang ẩn núp trong một gia đình: con sợ cha, cha sợ mẹ, mẹ sợ con, hay cha kiềm con, con làm nũng với mẹ, mẹ thì thích cằn nhằn với cha. Ở một công sở, ta vẫn thấy ông chủ đè đầu viên quản lý, viên quản lý đè đầu nhân viên, nhưng ông chủ lại sợ nhân viên không đồng lòng, nghỉ việc. Ở một cơ cấu quốc gia, vua hay nhà lãnh tụ quốc gia đè đầu quan chức, quan chức thừa lệnh đè đầu dân chúng, nhưng lãnh tụ phải sợ dư luận của dân chúng. Rõ ràng, các biểu tượng này ẩn náu trong mọi sinh hoạt của con người như búa kéo bao vậy thôi.

Chúng ta không thể nào chối bỏ cái thâm thúy của vị tổ đã sáng tạo ra trò chơi này được. Ai ra tay trước, chưa chắc đã thắng. Muốn thắng thì phải đúng lúc, đúng thời điểm, đúng cơ may. Vậy, ai là người phát minh? Không cần biết ai đã sáng tạo ra cả. Cái nhận thức và hiểu biết của con người đã bị trò chơi này ảnh hưởng từ xưa cho đến nay rồi. Luật chơi dễ hiểu, lại mang nhiều ý nghĩa, nên đã được hạ tầng cơ sở như đám con nít tham gia. Đây là cách thức giải quyết cấp thời mà những người xưa đã dùng trong chính trị, tư pháp, và ngay cả thể thao.

Điều quan trọng hơn hết là trò chơi này đã giúp cho thằng con trai của tôi phục tòng, tiếp tục ăn cơm. Xin cám ơn người đã nghĩ ra trò chơi Oắn Tù Tì này.

Văn Đình Lang Quân