Tin An Bằng Hải Ngoại
Vào dịp xuân về, Người An Bằng khắp nơi đang tổ chức ngày tất niên hoặc tân niên ở địa phương của họ nhằm hướng vọng về quê cha đất tổ, phát huy, gìn giữ văn hoá lâu đời của Việt Nam, và cùng lúc, gặp gỡ nhau trong tình đồng hương, xóm làng.
Vào ngày 28 tháng 1 năm 2018 vừa qua, tại thành phố Miami, tiểu bang Florida, nơi có rất đông người An Bằng sinh sống, đã diễn ra một buổi tất niên và tân niên với mục đích trên. Như Ban Tổ Chức đã thông báo rộng rãi trước đó, buổi họp mặt này đã kéo dài từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối, với trên 700 người đồng hương tham dự tại hội trường Milanda Center. Theo ban tổ chức cho biết, lý do chọn địa điểm này là do nhu cầu đáp ứng cho đông đúc người An Bằng tại đây.
Vừa bước vào, người ta có thể nhìn bàn thờ được dàn dựng thật trang nghiêm, với hai câu đối tết bằng nét chữ sắc xảo đã nói lên hết ý nghĩa của sự kiện này:
“An vui mừng tết tình viễn xứ
Bằng hữu chúc xuân nhớ quê nhà”
Theo ông trưởng ban tổ chức Văn Công Hùng, từ lúc xa quê, thế hệ lớn tuổi vẫn luôn mang trong mình một sứ mệnh cao cả, đó là trao truyền lại những gì mình đang có cho thế hệ mai sau, để từ đó, người An Bằng làm nền tảng cho sự tiếp nối.
Nhận thấy, trong số người tham dự gồm có nhiều thế hệ. Việc bão tồn văn hoá mà ban tổ chức đã âm thầm gởi gắm đã có cơ hội trưng bày với thế hệ tương lai. Văn hoá ấy đang khéo léo ẩn vào các tiết mục của buổi lễ này, mà người An Bằng thường gọi nôm na là “việc làng”.
Mở đầu, phần cúng tế giang sơn, hướng vọng về quê cha đất tổ đã được ban nghi lễ thực hiện nghiêm túc. Tiếng trống, tiếng chiêng đều đặn theo nhịp hưng bái của ngài thủ bộ. Sau đó, những tiết mục truyền thống đã lần lượt xen kẽ lẫn nhau, như múa lân, lì xì cho các em nhỏ, văn nghệ, ca múa, ca hát do các ca sĩ An Bằng trình bày, xổ số trúng thưởng, vân vân. Ngoài ra, tại đây có những món ăn ngon truyền thống, hợp khẩu vị với người An Bằng. Tất cả những tiết mục văn hoá này đã được mọi người đón nhận một cách niềm nở.
Quan trọng hơn, đây là cơ hội cho người An Bằng gặp gỡ nhau, trò chuyện, ôn lại kỷ niệm xưa, trong hình thức của ngày tết. Những chiếc áo dài của các cô đã làm nổi bật cho sự biểu lộ văn hoá lâu đời. Những giọng nói, với chất giọng hiền hoà của miền quê chơn chất, đã vô tình làm kéo lại khoảng cách giữa con người với nhau. Tất cả đều bởi hai chữ An Bằng.
Người An Bằng có những tự hào mà họ xứng đáng tự hào. Bởi sự keo sơn gắn bó phát xuất từ tổ tiên ông bà, người An Bằng luôn gìn giữ sự kết chặt tình thân, sự đoàn kết mà họ được thừa hưởng. Họ đang trải tấm lòng ra để chia sẻ lối sống ấy với con cháu của họ.
Chưa cần nói đến tấm lòng ấy được trân trọng tiếp nhận, chắc rằng sự kiện văn hoá này đã để lại một ấn tượng khó quên nơi tuổi thơ của thế hệ tương lai. Và rồi, sự gắn bó ấy sẽ tiếp tục mang theo như là hành trang qúy báu của người An Bằng, dù đang sinh sống tại xứ người.
Xin mời xem chi tiết của buổi lễ tất niên và tân niên sau đây qua phóng sự của chúng tôi: