Các Di Tích Công Trình Xây Dựng (Tài Liệu: Văn Tiến Nhị)
Di Tích và cảnh quan hiện có ở trong làng gồm: Chùa Làng, Đình Làng, Am cạnh đình làng, Am Thành Hoàng, Am Quan Cát, Am Đôi, Am Bà Thủy, Am Bà Chúa, Am Phường Trên, Am Phường Giữa, Am Phường Dưới. Lăng Ông Ngư, Nền xóm Trên, Nền xóm Dưới, Nền xóm Giữa, Nền An Mỹ, Cột cờ xóm Trên, Giếng Tau, Giếng Chùa, Giếng Bộn (hiện nay đã trùng tu lại vẫn còn xử dụng được). Nhà thờ Đạo Thiên Chúa Giáo, Chùa Khuôn Hội Phật Giáo An Bằng, nhưng có sau các di tích lịch sử đã nêu trên. Các long, địa mạch trong làng là: Bàu Tràm, Khe Bàu, Khe Chùa, Khe Toon (Trong), Miệng Trọt, Bàu An Mỹ (hay gọi là Bàu ông Truyện). Ngoài ra còn một số di tích khác ở trong phạm vi của làng. Cho đến bây giờ dân làng tản ra ở bao bọc chung quanh làng cho nên mỗi cụm dân cư đều có Am Thổ địa để hương khói hàng năm cầu dân an vật thụ.
Ngày trước các Ngài đi với các vua, chúa, (Chúa Nguyễn Hoàng), để mở mang bờ cõi, xây dựng chùa chiền, miếu vũ, hễ đến nơi nào đất đai có long mạch, màu mỡ, thì quí Ngài chọn và Ấn pháp ở đó để xây dựng chùa và các thắng tích.
Ngôi chùa An Đức được xây dụng từ hồi đó, ngôi chùa cách đình làng hiện nay 150m về hướng Bắc, cây cối um tùm, sầm uất. Ngày xưa quí tiền bối đã trồng các loại cây cổ thụ, đa số là cây mù u, sanh, cừa v.v… Cách chùa 10m về hướng nam có một cái giếng vuông gọi là Giếng Chùa, nước rất trong, trước chùa có con khe nước chảy róc rách từ lầm Bùi về không bao giờ khô cạn, con khe nầy cũng bắt nguồn từ long mạnh của làng. Ngôi chùa làng xưa ấy, hôm nay không còn nữa vì quá lâu đời do phù sa bồi lấp toàn bộ ngôi chùa, chỉ còn lại cái giếng mà thôi.
Mãi đến năm 1954 đất đã lấp hết chùa các dụng cụ và vật thờ cúng còn lại như đá tán, một số cột kèo, 3 vị Quan Thánh, chuông, mõ và một bức hoành phi có 3 chữ “AN ĐỨC TỰ”, năm Quí dậu do ngài Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo tín cúng.
Làng giao lại cho Khuôn hội đem về thờ tại chùa Khuôn, đây là ngôi chùa thứ 2 trong làng do phật tử An Bằng tạo dựng lên vào năm 1954 cạnh đình làng cách 10m nằm về phía Đông Nam, trong hồ sơ bàn giao cho Khuôn Hội An Bằng có 3 sào đất Tam Bảo quan thổ trước mặt chùa làng xưa, trong Phủ Biên Tạp Lục có ghi 3 sào đất Tam Bảo nầy, Phật, Ba vị Quan Thánh và pháp khí thờ ở đâu thì lấy 3 sào đất Tam Bảo quan thổ đó để hương khói phụng tự. Từ khi ngôi chùa làng bị vùi lấp thì ngôi chùa thứ 2 và các ngôi chùa kế tiếp lần lượt xây dựng lên.
Sau năm 1954 có Trường học Mai Khôi, năm 1970 có Trường Bồ Đề và Ký Nhi Viện An Bằng. Trường Bồ Đề, Ký Nhi Viện Phật giáo và Trường Mai Khôi, sau năm 1975 thì các cơ sở nầy không dạy học và sinh hoạt nữa. Tuy nhiên đại đa số ngưòi dân trong làng theo học ở hai ngôi trường nầy hiện nay vẫn là người có học thức ở thế hệ nầy, đã và đang chăm lo xây dựng quê hương và phục vụ xã hội.
Ai đã một lần đến An Bằng cũng phải lưu luyến, khâm phục giang sơn gấm vóc và phong thủy, địa mạch của làng bởi vì: Phía đằng sau làng là phá Tam giang, phía trước là biển nhìn ra cả đại dương xanh ngát, cứ buổi sáng và chiều thuyền tàu đi làm về cá đầy ắp, cả dân làng tấp nập rộn ràng mua bán, không ngừng nghỉ, tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp của quê hương. Đặc biệt bãi biển làng An Bằng rất sạch, không có ô nhiễm môi trường như các nơi khác, khách du lịch đến tham quan cũng cảm nhận như thế.
Làng xưa tập trung dân cư ở trên cồn cát như ở trên lưng con Rùa cảnh làng rất sầm uất, cây cối um tùm, chung quanh làng có một dãy đất bao bọc mà cổ xưa ta thường gọi là con Rồng uốn lượng quanh làng cũng gọi Động Bồ (Động Bồ Đề) là con Rồng, đây là Long mạch. Địa mạch của làng. Dân làng chuyên sống về nghề biển và trồng khoai, sắn, hoa màu cũng là nguồn lương thực chính, cho những năm mất mùa biển (cá).
Làng có một con khe bao bọc, xuất phát từ mạch nước đầu tiên gọi là long mạch của làng, khi trời mưa bảo con khe chạy bọc bao quanh làng đưa nguồn nước đầu tiên và mang theo những bùn nhơ ô uế, chảy thẳng qua miệng Trọt rồi ra biển đông, làm tiêu tan màn u ám sau mỗi một năm dân làng sinh sống có ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.
Phần nước trong sạch mát lành còn lại để cho dân làng sinh hoạt và cung cấp cho cây cối xanh tươi, ruộng đồng được mùa lúa, khoai tạo thêm nguồn lương thực để dân làng sinh sống, nước vẫn trôi chảy theo hướng chùa làng tiếp nối con khe chùa ở Bùi róc rách chảy về dưới chân Độn Bồ không có khi nào khô cạn. Nước khe chùa dừng lại ở đây để chờ mùa mưa bão tới, kết hợp nhau chảy qua miệng Trọt thẳng ra biển đông và cứ như thế cả bao đời nay.
Ở chân Động Bồ thì Ngôi chùa đã dựng lên, theo sử sách ngôi chùa nầy đã có từ thời Hậu Lê, nay bị cát vùi lấp và hư hỏng, đến năm 2004 làng đã đứng ra phục chế lại, nhưng không so sánh với ngôi Chùa làng xưa được. Như vậy ngôi Chùa làng này, được xây dựng lên từ thời nào thì dân làng An Bằng tiếp nối căn cơ của đạo Phật bắt nguồn từ thời đó.
Cảnh làng cây cối, lầm rú sầm uất, hùng vĩ, trù phú, linh thiêng nhờ các di tích lịch sử đã xây dựng từ ngàn xưa để lại rất nhiều, Am, Miếu vũ, rải rác trong thôn, xóm của làng, mãi cho đến ngày nay các di tích ấy vẫn còn làm nơi thờ cúng của dân làng và hiện nay đều được trùng tu lại. Ngôi đình làng đã qua các thời kỳ tu sửa, đến năm 1999 là xây dựng làm mới toàn bộ nhưng vẫn giữ hướng, phong thủy của ngôi đình cũ và đường nét cổ xưa.
Ngoài đình làng ra trong mỗi xóm, (phường) đều có Am thổ địa từ xa xưa lắm rồi, ngày nay vẫn còn để dân trong Xóm (Phường) chiêm bái thờ cúng hằng năm theo tục lệ của từng đơn vị.
Một lễ hội lớn nhất của dân làng là Lễ Hội đua thuyền truyền thống trên biển, gọi là Tam Niên Đáo Lệ Cầu Ngư đã tổ chức đến lần thứ 150 không có năm nào bỏ lệ, và nhiều lễ hội truyền thống trong làng hàng năm đều tổ chức như lễ Cầu an đầu năm, lễ Hạ vọng để thuyền đi biển, lễ Xuống mùa, lễ Khai khe, lễ Âm hồn vào đầu tháng 5 Âm lịch, lễ đua, lễ Đông chí, lễ kỵ Ông ngư gọi là lễ kỵ Ngài, lễ Tảo mộ, lễ Tam tiết nhật v.v… Dù khó khăn, cơ cực mấy đi nữa cũng tổ chức cho bằng được.
Cho đến nay năm 2007- 2011 dân làng đã phát triển mạnh về đời sống, văn hóa, kinh tế, quê hương được khởi sắc, giàu đẹp, đình, chùa, miếu vũ, nhà thờ đạo, nhà thờ các họ tộc được xây dựng mới, nhà cửa của dân làng 2,3,4 tầng lầu mọc lên như nấm, đường xá được mở mang, mạng thông tin truyền thông đại chúng đều rộng khắp trong làng.
Khách du lịch trong nước và ngoài nước đang để ý đến, đã nhiều đoàn du lịch từ trong nước và Hải ngoại đến tham quan, nhất là quần thể lăng mộ của những người con, người cháu hiếu thảo thế hệ sau nầy xây dựng lên cho tổ tiên, ông bà cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị em, là một quần thể lăng mộ kỳ bí, biến thành nơi du lịch tâm linh từ nay và sau này.
Tài Liệu: Văn Tiến Nhị