Sự Hình Thành của Làng An Bằng Tài Liệu: Văn Đình Xuân
SỰ HÌNH THÀNH LÀNG AN BẰNG

NGƯỜI VIỆT VÀ NHỮNG LẦN NAM TIẾN
“An Bằng là một làng nằm ven biển, hiện nay thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sử liệu cho thấy làng nằm trên phần lãnh thổ của vương quốc Chiêm Thành xưa. Để dẫn đến sự kiện có mặt của người Việt và sự hình thành của làng An Bằng hiện nay, chúng tôi xin lướt sơ qua một số biến cố của lịch sử dân tộc như sau.
Từ những bộ tộc cư ngụ ở phía nam sông Dương Tử và hồ Động Đình, [1] người Việt bị sức ép của các bộ tộc phía Bắc nên lùi dần về phương Nam, và đã từng biết kết hợp với các bộ tộc liên hệ để bảo toàn sắc tộc[2]. Vả lại, cũng như các dân tộc trên lục địa thế giới, sự sinh tồn của con người luôn có chiều hướng đi dần về phương Nam vì điều kiện hay hoàn cảnh. Với địa thế, người Việt còn lại của các bộ tộc trong gia đình Bách Việt về được phương Nam, đã trụ lại trên phần đất Bắc-Việt ngày nay[3] để cố thủ và lập nghiệp. Sau khi có được nền tảng để bảo vệ giống nòi, họ lại nhìn về phương Nam mà phát triển, để giảm bớt áp lực của phía Bắc.
Ở về phía cực Nam lãnh thổ của người Việt lúc bấy giờ có dân tộc Chiêm Thành. Trong lịch sử Việt-Chiêm đã có những cuộc chiến tranh kể từ thời nhà Đinh, do Ngô Nhật Khánh trốn về Chiêm Thành[4] rồi xúi giục quân Chiêm tiến đánh Đại Cồ Việt[5]. Nhưng quân Chiêm không thực hiện được cuộc chiến do trận bão làm thiệt hại binh thuyền (năm 979). Rồi sau khi vua Lê Đại Hành lên ngôi, gởi sứ sang thông hiếu nhưng bị vua Chiêm giữ lại, nên năm Thiên Phúc thứ 3 (982) Lê Đại Hành đánh vào Kinh đô nước Chiêm. Năm 1044[6] vua Lý Thái Tông lại đánh chiếm thành Phật Thệ[7] – kinh đô của nước Chiêm. Nhưng việc làm chủ đất đai của người Chiêm thì mới bắt đầu từ hậu bán thế kỷ XI thuộc triều đại nhà Lý, bằng các cuộc chinh phạt gây rối của người Chiêm Thành ở biên giới. Trong trận chiến năm 1068 nhà Lý cũng lại đánh chiếm thành Phật Thệ[8] và bắt được vua Chiêm là Chế Củ đem về. Do trận chiến nầy, vua Chế Củ xin dâng 3 châu để chuộc tội là: Bố Chính, Địa Lý (hai châu nầy tức Quảng Bình ngày nay) và Ma Linh (tức vùng Bắc Quảng Trị tới Cửa Việt).
Và năm 1103 người Việt cũng đã chinh phạt Chiêm Thành vào tới cực Nam nước Chiêm, khiến một dân tộc ở phía nam là Chân Lạp khiếp sợ mà phải xin triều cống Đại Việt.
Nhà Trần thay nhà Lý (1225), nối tiếp sự nghiệp xây dựng và mở mang đất nước. Năm 1306, qua cuộc cưới gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, nước ta lại có thêm hai châu Ô, Lý, gồm một phần phía nam tỉnh Quảng Trị từ Cửa Việt, nguyên tỉnh Thừa Thiên, qua đèo Hải Vân đến Bắc Quảng Nam (thuộc Thành phố Đà Nẵng ngày nay). Sau khi vua Chế Mân mất, Công chúa Huyền Trân được cứu thoát. (Theo tục lệ của người Chiêm, khi nhà vua chết đi thì các cung phi phải thiêu sống theo vua). Kể từ đó người Chiêm ấm ức về những phần đất đã mất vào tay người Việt, nên chiến tranh biên giới Việt-Chiêm càng ngày nặng nề hơn. Do vậy mà người Việt cũng chiếm dần những vùng đất ở phía Nam đèo Hải Vân; như: năm 1402 Hồ Quý Ly đưa quân vào đánh Chiêm Thành, khiến người Chiêm phải dâng vùng đất thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, lập ra trấn Quảng Nam. Năm 1470 vua Lê Thánh Tông chiếm Bình Định. Sau khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng được trấn giữ luôn xứ Quảng Nam năm 1570, đến năm 1611 thì đánh chiếm Phú Yên. Năm 1652 Chúa Nguyễn Phúc Tần mở rộng bờ cõi đến tận Phan Rang, và năm 1693 chúa Nguyễn phúc Chu bắt dân Chàm thay đổi y phục để đồng hóa với người Việt. Cho đến năm 1697 đất nước Chiêm Thành hoàn toàn mất hẳn vào tay của các chúa Nguyễn, và sau đó 1781 Nguyễn Ánh [9] cũng kiểm soát luôn phần đất của Chân Lạp (tức Nam Việt ngày nay).
CÁC CUỘC DI DÂN VÀO NAM CỦA NGƯỜI VIỆT.
Việc di dân của người Việt về phía Nam kể từ sau thế kỷ thứ 10, được bắt đầu sau khi vua Chế Củ dâng 3 Châu để chuộc tội vào năm 1069, thì triều đình nhà Lý đã cho dân chúng đến để khai khẩn ruộng đất. Rồi nhà Trần sau khi thu nhận hai châu Ô, Lý vào năm 1307, thì đổi thành Thuận Châu, Hoá Châu và khuyến khích dân chúng vào khai hoang lập nghiệp. Hành Khiển Đoàn Nhữ Hài được đưa vào để vỗ về dân bản địa và tổ chức Phủ, Huyện nhằm bảo vệ dân chúng lập nghiệp lúc bấy giờ. Trong những cuộc di dân trên, dĩ nhiên người Việt chỉ vào tới những vùng lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị với những cánh đồng như Phong Điền, Quảng Điền. Ngoài những thành phần sống về nông nghiệp, thành phần dân chúng sống về ngư nghiệp hẳn phải tiến xa hơn, bởi do địa thế của bờ biển và nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vả lại phương tiện di chuyển đường xa thuận tiện nhất lúc bấy giờ là ghe thuyền, nên dân cư ở gần bờ biển và sinh sống bằng nghề biển có phương tiện để đi xa hơn.
Đến năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào Trấn thủ Thuận Hóa đã mang theo gia đình, bà con thân thuộc, và binh sĩ cùng gia đình của họ. Đến 1569 (11 năm sau), Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng ra bái kiến vua Lê (lúc này đang ở Thanh Hóa), khi trên đường trở về cũng có một số người theo đoàn quân của Nguyễn Hoàng vào Nam. Và khi Nguyễn Hoàng trở ra Bắc giúp vua Lê vào năm 1593, đến năm 1600 thì trở về lại Thuận Hóa, dân chúng cũng lại theo về vì hâm mộ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, cũng như muốn tìm đất mới. Bối cảnh xã hội và làng An Bằng được hình thành
Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ chiến tranh loạn lạc, một nước có hai triều đình. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê và giữ lấy Đông Đô (Thăng Long), chẳng bao lâu thì tướng thần của nhà Lê là Hữu vệ Điện tiền Tướng Quân, An Thành Hầu Nguyễn Kim giúp vua Lê Trang Tông lập lên lại triều đình ở Thanh Hóa để chống lại nhà Mạc, nên mới có Bắc Triều và Nam Triều. Bắc Triều có nhà Mạc, Nam Triều có nhà Lê.
Sau khi Nguyễn Kim bị tướng hàng của nhà Mạc hại chết, quyền hành giao lại cho con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Vì sợ Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng giành lại quyền hành nên Trịnh Kiểm tìm cách giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng thấy vậy cũng rất lo sợ bởi quyền hành nằm cả trong tay Trịnh Kiểm[10]. Trong tình huống bất an ấy, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị là Bảo Ngọc (vợ Trịnh Kiểm) vận động để cho vào trấn thủ ở phương Nam vào năm 1558. Khi vào được Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng lo mở mang xã hội và xây dựng kinh tế, nên trong một thời gian ngắn xứ Thuận Hóa thịnh đạt hẳn lên. Nguyễn Hoàng rất được dân chúng mến mộ, nên tôn xưng là chúa Tiên. Rồi năm 1570, sau lần ra bái kiến vua Lê ở Thanh Hóa, chúa Tiên Nguyễn Hoàng được trấn giữ luôn đất Quảng Nam. Chính trong lần trở về từ Thanh Hóa của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào năm 1570, tổ tiên của người An Bằng, bắt đầu có sự quan hệ với chúa Tiên-Nguyễn Hoàng trong việc đánh dẹp cũng như khai dựng, mở mang xứ Thuận-Quảng.
Tổng lược lại những tư liệu lịch sử của làng hiện có, và đối chiếu với lịch sử dân tộc, thì nguồn gốc và những diễn tiến về sự hình thành của Làng An Bằng như sau:
Nguyên tổ tiên của người làng An Bằng có nguồn gốc từ thôn An Ba, xã Cừ Hà, huyện Khang Lộc, phủ Tân Bình[12]. Nhân đi thuyền ra buôn bán ở xứ Thanh Hóa và gặp được Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng đòi các lái tới để hỏi tình hình về xứ Quảng Bình, và hẹn tháng 8 năm sau ra đón Ngài vào[13]. Năm sau, các lái Nguyễn Quý công, Trần Quý công, Hoàng Quý công, huy động được 10 chiếc ghe trường đà[14] ra đón Đoan Quận Công và bản bộ binh sĩ vào. Một cuộc đón tiếp Đoan Quận công đã diễn ra tại đình Động Hải, và chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã chủ trì một buổi lễ kỳ an tại đình làng ở thôn An Ba xã Cừ Hà [15].
Rồi theo yêu cầu của Đoan Quận công, do thông thuộc đường xá, địa hình ở bản huyện (huyện Khang Lộc) nên các Ngài làm hướng đạo trong việc đánh Mĩ Lương của Nguyễn Hoàng. Sau khi trừ được Mĩ Lương [16] năm 1570, Nguyễn Hoàng lại kéo quân về ấp An Ba làm lễ kỳ an và mừng thắng trận. Nhân đó Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tưởng thưởng cho dân xã Cừ Hà. Lệnh cho nội phủ là dân xã Cừ Hà được miễn trừ thuế má chợ đò, sưu dịch. Sau đó các lái thôn An Ba lại đưa chúa Tiên Nguyễn Hoàng và bản bộ vào sông Ái Tử, ở Dinh Cát.
Cuộc hội ngộ của Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm khi Nguyễn Hoàng ra chầu vua Lê được diễn ra rất thân tình. Do đó Trịnh Kiểm đã tâu với vua Lê kêu Trấn thủ Quảng Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Bá Quýnh về trấn thủ Nghệ An, và giao cho Nguyễn Hoàng trấn giữ luôn xứ Quảng Nam. Nên sau đó khi trở về lại Thuận Hóa, thì Đoan Quận công Nguyễn Hoàng giữ chức Tổng Trấn Thuận-Quảng. Từ Dinh Cát, vào năm 1571, Nguyễn Hoàng đi quan sát địa hình sông núi của hai xứ Thuận Quảng để hoạch định công cuộc mở mang tiếp đất Thuận-Quảng.
Trong đoàn tùy tùng của Nguyễn Hoàng vào Nam có các lái của thôn An Ba gồm các vị Nguyễn Quý công, Trần Quý công và Trương Quý công. Thuyền đi men theo bờ biển và ghé vào những nơi có cửa biển để thị sát địa hình sông núi. Khi đến vùng bờ biển thuộc dải Tiểu Trường Sa ở địa hạt huyện Phú Vinh, (tức Phú Vang ngày nay) có cửa biển với cánh rừng xanh tốt, Tổng trấn Nguyễn Hoàng liền cho thuyền ghé vào để quan sát, nên các lái thôn An Ba thấy được đây là vùng đất có cửa biển, có rừng, thuận lợi cho việc giao thông buôn bán, chài lưới, (tức vùng bờ biển của làng An Bằng ngày nay)[17], nên các ngài liền trình xin với Đoan Quận công Nguyễn Hoàng cho các ngài lập nghiệp tại đây và được Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đồng ý[18].
Sau khi đoàn thuyền đến xứ Quảng Nam rồi trở về lại sông Ái Tử, các ngài mới trở về thôn An Ba đưa bạn bè thân thuộc vào đây để lập nghiệp, và lập nên phường xóm. Bấy giờ các ngài đặt tên phường là Phường An Đôi, có lẽ để nhớ chốn xưa là thôn An Ba.
Nhớ công lao của các ngài phò tá đánh dẹp Mĩ Lương và quan sát địa hình hai xứ Thuận-Quảng, chúa Nguyễn Hoàng cũng cho phường An Đôi tại đây được miễn trừ mọi thứ thuế má chợ đò, sai dịch. Chỉ mỗi năm đến mùa cá thì dâng lên chúa Tiên loại cá cảm (cá cơm) gọi là phẩm vật của phường. Đồng thời phường An Đôi được chúa giao cho kiểm soát vùng bờ biển từ cửa Eo (cửa cũ Thuận An, giữa hai làng Thái Dương hạ và Hòa Duân) đến Cảnh Dương (mũi Chân Mây Tây), để thu thuế nộp lên. Tuy nhiên, vùng đất nầy bấy giờ còn hoang vắng, chưa được yên ổn, nên các ngài chỉ tới lui, chứ chưa ở hẳn tại đây.

Ở Nam Triều, trước tình trạng xáo trộn triều chính của nhà Lê do Trịnh Tùng tranh giành quyền lực với anh. Sau khi giết anh để chiếm lấy quyền hành, Trịnh Tùng lại thao túng triều đình, nên Nguyễn Lập Bạo đem quân của mình về hàng với họ Mạc. Đến tháng 7 năm 1572, y đem quân vượt biển vào đánh cướp xứ Thuận Hóa. Lập Bạo đóng quân ở hai làng Hồ Xá và Lãng Uyễn. Lúc bấy giờ Nguyễn Hoàng chỉ mới tổ chức ổn định được xứ nầy, về mặt binh lương và phòng thủ thì chưa có gì đáng kể, nên Lập Bạo coi thường lực lượng của Nguyễn Hoàng. Nhưng nhờ vào mưu trí, Nguyễn Hoàng đã đánh bại được Lập Bạo ở sông Ái Tử vào mùa đông năm 1572.
Sau khi trừ được Lập Bạo, nhà Mạc không có phản ứng gì, nhà Trịnh cũng lo ổn định triều chính và phải lo đối phó mặt Bắc với nhà Mạc. Xứ Thuận-Quảng nhờ thế mà được yên ổn. Chính sách ái dân của chúa Tiên được dân chúng hết sức mến mộ. Phò tá cho chúa Tiên lúc bấy giờ có: Mạc Cảnh Huống (là em Mạc Kính Điển, anh em rể với Nguyễn Hoàng, đã đem gia quyến theo Nguyễn Hoàng vào Nam), Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột của Nguyễn Hoàng), và Trấn vũ Thuận Hóa Luân Quận công Tống Phước Trị (trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ); nên khắp nơi Thuận Quảng đều được thanh bình, an lạc. Chính trong thời gian yên ổn nầy, các ngài mới đưa vợ con vào ở hẳn tại đây.
Phường An Đôi được lập danh bộ lần đầu tiên vào năm 1669 dưới thời vua Lê Huyền Tông và Dũng Quận công Nguyễn Phúc Tần ở Đàng trong. Theo bản địa bạ, các xã thần phường An Đôi tổng kê ghe chài từ cửa Eo đến Cảnh Dương gồm cả thảy là 14 chiếc, do các tướng thần xã trưởng Nguyễn Văn Học, Lê Văn Dâu đứng tên khai địa bạ. Đồng thời cũng trong năm nầy, các xã thần Nguyễn Văn Học, Lê Văn Dâu, Nguyễn Văn Ngạch, trình đơn lên đội tạo thuyền của phủ để xin phát triển nghề biển[19]. Mãi đến năm Chánh Hòa thứ 21, dưới triều vua Lê Hi Tông (tức năm 1701) và Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), mới được ông Tổng đốc Nguyễn Phê chuẩn y cho ghe chài và làm lưới dày. Từ đó nghề lưới dày được phát triển và dân làng có được đời sống sung túc hơn.
Dưới thời Ngãi Vương Nguyễn Phúc Trăn (tức Nguyễn Phúc Thái 1687- 1691) vì kỵ tên húy của mẹ là bà Tống Thị Đôi, nên phường An Đôi được đổi thành An Bằng. Cái tên phường An Bằng thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang ra đời từ đó.
Năm Cảnh Hưng thứ 2 dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) và Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), phường được xây dựng một ngôi chùa ở Động Bồ. Hiện nay ngôi chùa không còn, nhưng vẫn còn giữ được hai khí mảnh của chùa là bức Hoành phi “An Đức Tự” và bộ tượng 3 vị Quan Thánh.
Năm Gia Long thứ 10 (1811), phường được đổi thành làng An Bằng, đồng thời lập danh bộ xác định vị trí địa giới của làng và các phường, xã lân cận.
Năm Gia Long thứ 13 (1814) lại lập địa bạ của làng. Lần nầy có xã trưởng Nguyễn Văn Thảo cùng các hương mục của làng cùng ký tên hoặc in dấu tay. Cũng trong năm nầy, lần đầu tiên ngôi đình làng An Bằng được kiến tạo trên một đồi cát, bằng những vật liệu tranh, tre, mặt về hướng đông nam (ở phía Tây của nhà thờ giáo xứ hiện nay). Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) dân phát triển đông hơn, nên làng đã huy động đóng góp xây dựng đình làng lần thứ 2. Lần nầy làng dời đình về trên mảnh đất đình làng hiện nay, hướng mặt về tây nam, được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố: tường gạch vữa vôi.
Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), theo cuộc cải cách làng xã, làng An Bằng thuộc về tổng Kế Mĩ và bắt đầu tổng kê dân số, đất đai, ghe thuyền để thu thuế. Làng An Bằng kể từ đó bắt đầu chịu mọi sưu thuế như những làng xã khác.
Năm Thành Thái thứ 5 (1893), do lâu năm nên đình làng bị hư hỏng, dân làng lại đóng góp để xây dựng lại. Đây là lần thứ 3 xây dựng đình làng. Lần nầy các ngài Văn Công Nghị, Lê Văn Cúc, Nguyễn Văn Vụ và Lê Văn Đính ra tận các xứ Quảng Bình, Quảng Trị để tìm mua một bộ sườn cột bằng gỗ quí, để dựng lại một ngôi đình kiên cố lâu bền hơn. Tuy nhiên qua thời gian lâu dài mái ngói bị quằn và tường cũng bị rạn nứt. Sau đó ngôi đình lại bị hư hỏng một lần nữa bởi trận bom năm Mậu Thân (1968). Năm 1971 làng lại phải trùng tu. Đến năm 1998, nhờ những bà con ra sống ở hải ngoại, dân làng có được cuộc sống sung túc, đình làng được tái thiết hoàn công vào năm 1999.
Đến nay, làng đã được Sở văn hóa Thông tin Thừa Thiên-Huế công nhận là Làng Văn hóa. Một buổi lễ tiếp nhận văn bằng “Làng Văn hóa”, đã được diễn ra tại đình làng vào ngày 2 tháng 9 năm 2003 vô cùng trọng thể. Thật là một niềm vui và vinh dự cho toàn thể bà con nhân dân làng An Bằng.
Các họ khai canh, khai khẩn của làng
Theo tờ khai các hiệu thần và các ngài khai canh của làng xã vào năm Duy Tân thứ 7 (1913), thì làng An Bằng không có hiệu thần, nhưng dân làng đã lập miếu thờ 3 vị thủy tổ khai canh làm thần làng, và được các ngài bấy giờ khai như sau:
– Vị thứ nhất: Nguyễn Quý công, húy là Lĩnh. (Có mộ phần và con, cháu tại làng).
– Vị thứ hai: Trần Quý công. (Không rõ tên húy và không có mộ phần, con cháu tại làng).
– Vị Thứ ba: Hoàng Quý công. (Không rõ tên húy và không có mộ phần, con cháu tại làng).
3 vị cùng thờ chung một miếu. (am Thành Hoàng).
Theo Mục lục Hương Phổ ấp An Bằng, sau khi lập tờ khai năm Duy Tân thứ 7 (1913), các ngài được phong tặng như sau:
– Khai canh Nguyễn Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
– Khai canh Trần Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
(Nguyên mộ phần và con, cháu đều không lưu truyền).
– Khai canh Hoàng Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
(Nguyên mộ phần và con, cháu đều không lưu truyền).
Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), làng được phong tặng thêm một vị khai canh, vì một trong những người xin chúa Tiên cho lập nghiệp ở vùng đất này có Trương Quý công, nhưng đã không khai trong lần khai năm Duy Tân thứ 7 (1913).
Vị khai canh thứ tư và 3 vị khai khẩn là:
– Khai canh Trương Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
– Khai khẩn Lê Văn Tần Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
– Khai khẩn Văn Mô Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
– Khai khẩn Đào Văn Chất Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
(Được biết, trong hồ sơ còn thấy một số đơn xin cấp sắc bằng đề năm Duy Tân thứ 3 (1909), vì sắc bằng cũ bị mưa bão làm hư-nát.)
Kể từ những năm cuối của tiền bán thế kỷ 20 trở đi, làng An Bằng cũng gánh chịu nhiều mất mát do chiến tranh. Năm 1947, Pháp trở lại tái lập thuộc địa Đông Dương, đã đem quân lính tới đóng đồn và giết hại, hà hiếp dân làng, tàn phá những rừng cây còn sót lại trong làng, biến những ngôi làng xanh tươi trở lại thuở hoang sơ đồng không cát trắng. Vào tháng 6 năm 1968, một trận bom đã san bằng gần hết những gì còn lại trên đất làng xưa An Bằng.
Cuối tháng 4-1975, do tình hình chính trị chung, một số dân làng An Bằng theo dòng người di tản ra hải ngoại. Đến năm 1978 trở đi, vì cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, một số lớn dân làng tìm đường vượt biển ra làm ăn ở nước ngoài. Từ sau năm 1985, nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập, dân An Bằng ở hải ngoại có dịp tài trợ cho bà con ở quê nhà. Từ đó đời sống của dân làng thay đổi một cách rõ rệt, vật chất đầy đủ, đời sống tâm linh được chú trọng. Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một điển hình về việc dân làng đã tự đóng góp để hạ thế điện lực, cũng như xây dựng trường học và đường sá trong làng.
Để lo việc tâm linh, làng An Bằng hiện nay có Ban Cúng tế và Ban Hương Tộc. Hai ban cộng tác với nhau giữ gìn nghi thức lễ lược theo truyền thống, cũng như bảo quản các di sản của làng.
Như vậy, từ cuộc gặp gỡ Đoan Quận công Nguyễn Hoàng ở Thanh Hóa năm 1569, đã đưa đẩy tiền nhân của làng An Bằng tham gia vào việc đánh dẹp Mĩ Quận công, rồi lại tham gia trong chuyến quan sát địa hình sông núi của Tổng Trấn Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào năm 1571, các ngài đã xin được vùng đất này để lập nghiệp. Tính đến nay (2007) đã trải qua 436 năm, với biết bao đổi thay, dâu bể. Có được một vùng đất với cảnh quang non sông thơ mộng như thế để lập làng, hẳn các ngài đã mơ đến một ngày sẽ trở thành phồn hoa đô hội.
Nhưng rồi, thời cuộc đẩy đưa, cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn kéo dài gần 50 năm, và tiếp theo là những cuộc chiến tranh cùng với sự đô hộ của ngoại bang, đã làm cho cảnh quang của làng tan nát, tiêu điều. Thế nhưng, với chiều dài lịch sử và những tập quán sinh hoạt của dân làng đã tạo nên một mối tương quan mật thiết trong tinh thần làng nước. Do đó, hiện nay dù người dân làng An Bằng sống ở nơi đâu cũng luôn hướng về quê hương, làng xóm và luôn giữ lấy cội nguồn, làng nước làm gốc.” (*1 Trích Làng Xưa Tich Cũ của Văn Đình Xuân)
____________________________________________________________________________________
(Xin gởi tin tức, bài viết, hoặc ý kiến xây dựng vềanbangeditor@gmail.com: anbangeditor@gmail.com)

_____________________________________________________________________________________

[1] Những vùng đất trên ngày nay đã thuộc về Trung Quốc, với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Giống dân nầy gọi là Bách Việt, gồm: Ngô Việt, Mân Việt, Bách Việt, Âu Lạc (tức Lạc Việt) và Việt Thường. Tuy từng bộ tộc khác nhau nhưng đều lấy tên “Việt” làm gốc.

[2] Trong kế hoạch chinh phục Bách Việt của nhà Tần và sau đó.

[3] Vốn là phần đất của Âu Lạc hay Lạc Việt xưa.

[4] Ngô nhật Khánh là một trong 12 xứ quân.

[5] Đại Cồ Việt, là tên nước Việt Nam vào thời nhà Đinh.

[6] Theo Hoàng Việt Giáp tý Niên biểu, trang 185.

[7] Thành Phật Thệ của Chiêm Thành, theo Địa bạ triều Nguyễn cũng như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, thì ở làng “Nguyệt Biều” huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Nơi có dấu tích của một thành quách xưa, thường được gọi là Thành Lồi. Đại Việt sử ký tiền Biên cũng nói đến trận chiến Việt Chiêm năm 1044 rằng: “…Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ bên nam sông Ngũ Bồ (sông Ngũ Bồ bắt nguồn từ…) , muốn chống lại quan quân, vua cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ đến bờ sông bên bắc, thấy quân địch đã dàn ở bên sông. Vua bèn cắt đặt quân sĩ, dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông để đánh, binh khí chưa chạm nhau, quân Chiêm đã tan vỡ, … Mùa thu, tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ.

[8] Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn trong trận chiến Việt-Chiêm năm1069, thì Thành Phật Thệ còn gọi là Chà-Bàn hay Trà Bàn, thuộc Tỉnh Bình Định ngày nay. Trên đường tiến quân, đoàn thủy quân của Lý Thường Kiệt đã từng ghé nghỉ chân ở cửa Tư Dung, tức cửa Tư Hiền ngày nay. Theo hai nguồn sử liệu trên, thì có thể Kinh đô Phật Thệ của Chiêm Thành ở làng Nguyệt Biều, qua nhiều lần tàn phá do vua Lê Đại Hành năm 982, vua Lý Thái Tông năm 1044 và vua Lý Thánh Tông 1068 nên người Chiêm đã dời kinh đô vào tỉnh Bình Định ngày nay? Bởi cũng theo sử liệu của Phạm Văn Sơn, thì khi đoàn thủy quân của Lý Thường Kiệt vào đánh Chiêm Thành năm 1069, có ghé nghỉ chân ở cửa Tư Hiền và còn phải đi 3 ngày nữa, mới đến cửa Thị Nại thuộc Bình Định.

[9] Tức Vua Gia Long sau khi đánh bại nhà Nguyễn Tây Sơn.

[10] Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng là con trai của Nguyễn Kim, em vợ của Trịnh Kiểm.

[12] Phủ Tân Bình nay là tỉnh Quảng Bình.

[13] Trong tư liệu của làng không ghi niên biểu về sử kiện này. Nhưng xét theo tình hình xã hội, và những sử kiện trong lịch sử dân tộc, thì đây là năm 1569, khi Nguyễn Hoàng ra bái kiến vua Lê bấy giờ còn ở Thanh Hóa.

[14] Loại ghe có sức vận tải lúc bấy giờ.

[15] Đây là khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng ra yết kiến vua Lê trở về năm 1570).

[16] Mĩ Quận công vốn cũng là người cùng huyện Khang Lộc, đã dâng thóc cho vua Lê để được phẩm hàm, nên Mĩ Lương được phong làm Cai-Tri-Lệnh, và Thái sư Trịnh Kiểm giao cho thu tô thuế ở Thuận Hóa để nạp lên. Rồi do Mĩ Lương trưng thu thuế có công, nên Thái sư Trịnh Kiểm phong cho Mĩ Lương là Tham đốc Mĩ Quận công. Đến khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đã làm cho Mĩ Lương tị hiềm. Lại sau khi Thái sư Trịnh Kiểm mất, Trịnh Tùng lại giết anh là Trịnh Cối để chiếm lấy quyền hành, rồi Trịnh Tùng mật sai Mĩ Lương đánh Nguyễn Hoàng để trừ lực lượng ở xứ Thuận Hóa, vốn đã có sự ngấm ngầm không tuân phục nhà Trịnh, là một trở lực đối với họ Trịnh.

[17] Theo lời chú của Đại việt sử ký tiền biên trang 225 Đại Tiểu Trường Sa: Bãi cát từ cửa Nhật Lệ đến cửa Tùng là Đại Trường Sa. Bãi cát từ cửa Việt đến cửa Tư Hiền là Tiểu Trường Sa).

[18] Vùng đất bấy giờ ngoài cửa biển và rừng cây, có sông ven biển và hai bên bờ là triềng ruộng tốt, với đồng nước lớn. (Cửa biển hiện nay đã bị lấp đi chỉ mùa nước lớn mới có nước chảy ra biển, mà chúng ta thường gọi là Miệng Trọt. Rừng cây đã bị phá hủy, khi quân Pháp tái ổn định vùng thuộc địa Đông Dương đến đóng giữ. Ngày xưa trước mặt làng là một con sông và dãy ruộng song song với bờ biển cũng đã bị lấp (nay thường gọi là Khe Ngang). Đồng ruộng bàu ngày nay, vốn xưa là đồng nước kéo dài từ Bàu Tràm về đến Bàu Dưới (nay thường gọi Bàu Ông Bộ Truyện)

[19] Theo bản địa bạ lập năm 1669