9/5/2014 (Photo: Lai Nguyễn – anh chị em nhóm anbangnews chụp vào dịp đua thuyền 2014 tại bãi biển An Bằng)
Văn Đình Lang Quân: tâm sự về Thành Phố Ma.
Được một số chú bác anh chị đã quan tâm đóng góp nhiều ý kiến về cái tên “Thành Phố Ma” mà anbangnews đang dùng như là một danh từ thông thường làm người ta dễ dàng truy cập trên hệ Google, nên tôi xin trình bày như sau:
- Thành Phố Ma được xuất hiện trên báo chí gần 20 năm nay.
- Cái tên này do nhiều lăng mộ mọc lên, với nhiều thiết kế khác nhau, tạo nên ấn tượng của khu lăng mộ đồ sộ, chứ không phải có ý nghĩa khác.
- Sau này, người ta suy luận ra, Thành Phố Ma (Ghost Town) là một nơi ít còn người sống ở.
Xin trình bày thêm. Thiết nghĩ, theo ba điều trên thì cái tên Thành Phố Ma không có gì đáng hỗ thẹn cả. Có thể nói đây là những gì chúng ta đã tạo ra và mong muốn như vậy. Thứ nhất, trong gần 20 năm nay, chúng ta đã tạo ra không biết bao nhiêu công việc làm cho những người dân ở các làng lân cận. Thứ hai, trong gần 20 năm nay, chúng ta đã tiết kiệm, dành dụm, không dám tiêu xài hoang phí để góp nhau xây dựng những ngôi lăng mộ, trả hiếu cho những bậc sinh thành. Những cái mộ đồ sộ kia là do sự biết đoàn kết của những con cháu trong gia đình, trong họ hàng mà có được. Thứ ba, người dân An Bằng đa phần đã đi nước ngoài, đang trong chờ đợi đi nước ngoài, hoặc đang mong chờ cơ hội đi nước ngoài. Lớp người đi vượt biển đã thành công lập nghiệp tại xứ người. Họ bắt đầu bảo lãnh thân nhân của họ qua Mỹ bằng nhiều diện khác nhau. Sở dĩ có phong trào này là vì xã hội hiện nay không tạo ra công việc cho họ tiếp tục sống qua ngày tại làng. Một guồng máy kinh tế tương đương với đời sống của thành thị, người ta bắt đầu cảm thấy nặng nề cho những khoản chi tiêu hàng ngày. Có người được cha mẹ bảo lãnh. Có người được anh em làm giấy tờ. Lại có người đi theo diện kết hôn. Còn số người kia thì lên thành phố, vào Đà Nẵng hay Sài Gòn để lập nghiệp. Vì thế, lượng người sống ở An Bằng càng ngày càng thưa. Đây là một báo động cho sự cố gắng gìn giữ bản sắc quê hương, khi không còn người để gìn giữ. Cho nên, Thành Phố Ma cũng có nghĩa là nơi nhiều người chết hơn người sống, là vậy.

Ta không thể nào ngăn ngừa lăng mộ tiếp tục mọc lên. Ta không thể nào cản trở người ta xây lăng cho bóng loáng. Và ta không cách gì khuyên người khác đừng bỏ làng ra đi. Đây là số phận của An Bằng của chúng ta.
Điều ta có thể làm là khuyên mọi người hãy giữ hạnh phúc ngay tại đời sống hằng ngày, với phương châm, “bây giờ và ở đây”. Đừng nên đánh đổi tất cả để được rời khỏi làng, nếu không có sự bức xúc nào đó. Ở một làng quê nào cũng vậy, cái mong ước đi nước ngoài là hy vọng duy nhất của họ. Điều này càng gần gũi hơn với người An Bằng vì số lượng thân nhân ở nước ngoài nhiều hơn so với những nơi khác. Cái đau lòng là, chúng ta đã bỏ tiền ra, xây nhà lớn ở quê hương để có nơi thờ tự, những mong con cháu sau này gìn giữ. Nhưng ta đã tự mâu thuẫn với công việc này bằng cách tiếp tục bảo lãnh người qua Mỹ để họ được sung túc hơn. Vì thế, nhà xây thì to, nhưng chẳng còn người ở nữa. Tiếp tục như thế này, 20 năm sau, liệu chúng ta có còn An Bằng chính tông nữa không, hay là dọn cả làng qua bên này? Có một bạn trên Facebook tâm sự rằng, nếu như cột điện biết đi thì nó sẽ đi, chứ đừng nói chi con người. Vậy làng An Bằng không phải là làng Ma, còn gì?
Làm sao ta có thể thay đổi được? Gìn giữ tình nghĩa con người An Bằng ở đâu? Phong tục tập quán kia sẽ đi về đâu? Thay vì nói những lời tốt đẹp mà người ta thích nghe, tại sao không nhìn thẳng vào thực trạng của hôm nay để biết được tương lai của An Bằng ra sao? Cái trách nhiệm luôn nói tốt cho làng lại giao cho một nhóm người nào đó, quả thực quá nặng nề. Chúng ta cần một lòng nhìn thẳng sự việc để tìm ra phương pháp cho tương lai. Khen ngợi An Bằng không có nghĩa là dùng những từ ngữ bênh vực về một phía. Khen ngợi An Bằng là nhìn thẳng vấn đề để sửa đổi, tự mình tạo ra một phong cách riêng, phơi bày cái bản chất đoàn kết của chúng ta. Đừng nên kẹt vào từ ngữ để trách chấp lớp trẻ đang có thiện chí bảo vệ danh dự của quê hương. Đừng vì một danh từ “Thành Phố Ma” mà buồn lòng, vì chính nó là sự thực của hôm nay. Đừng nghĩ rằng đây là lời chế giễu của các nhà báo, vì đây chính là sự thực.
Tuy nhiên, những ý kiến của các chú bác, anh chị đã được ghi nhận. Một mặt, ban điều hành anbangnews mong muốn mọi người đều đồng lòng vì quê hương (qua hành động thiết thực), làm điều gì đó để nổi bật người An Bằng thay vì phải kẹt vào lời nói qua lại. Mặt khác, chúng tôi biết rằng giữ cái tên Thành Phố Ma này để cho những người muốn tìm hiểu về làng mình có cơ hội hiểu thêm về công việc thiết thực mà chúng ta (các chú bác, anh chị) đang làm. Chúng tôi không đồng ý sửa lại thành “Nghĩa Địa An Bằng” hay “Thành Phố Tâm Linh”, vì nó cũng chẳng khác gì diễn tả cái ý thứ ba (ở trên). Làng An Bằng thành Nghĩa Địa An Bằng hay Thành Phố Tâm Linh – đều mang tính cách chết chóc như nhau. Một em trong nhóm điều hành hứa rằng, sẽ đổi tên này nếu như có một bài viết về thành phố ma, diễn tả những cái đẹp của làng ta. Riêng tôi, tên chi cũng được, không quan trọng, miễn sao người ta biết từ ngữ thông thường để truy cập vào mạng lưới là được. Tôi chú tâm vào nội dung hơn là văn tự. Mạng lưới đang cần bàn tay đóng góp của tất cả qúy vị để làm công việc của người An Bằng, với bài viết, tin tức nói lên tính chất văn hóa hằng ngày của con người chúng ta. Nhưng nếu có đổi, thì tôi sẽ chọn “Làng Có Hiếu” để không mang tính chất chết chóc vào đó, mà nói lên bản chất của người An Bằng mình. Tội nghiệp cho các em vì phải hủy đi cái ý tốt dùng “Thành Phố Ma” để đưa ra thông điệp rằng, “người An Bằng của chúng tôi vẫn còn đây trên khắp thế giới, chứ không còn là thành phố ma nữa.” Nếu như phải đổi tên truy cập, sự thay đổi này sẽ tạo ra sự bối rối nơi thiện chí của các em.
Văn Đình Lang Quân
Thanks a bunch for sharing this with all people you really
understand what you’re talking about! Bookmarked. Kindly also
talk over with my site =). We can have a hyperlink
change agreement between us