Nhạc sĩ Lê Minh Hiền không xa lạ gì với cộng đồng người An Bằng của chúng ta, người đã sáng tác những ca khúc thật dễ thương và đầy tình yêu quê hương cho dịp Hội Ngộ An Bằng Hải Ngoại vừa qua.  Anh là tài năng âm nhạc hiếm quý của người An Bằng.  Nhạc của anh, dù thấm đọng thiền ca, vẫn phảng phất hương liệu tình yêu, tình tự hương quê, hay mang nặng một ý sống tích cực diễn tả về cái đẹp của cuộc đời.  Trong tình yêu không bi ai mà tươi sáng.  Trong quê hương không kiêu hãnh mà dạt dào.  Trong đời sống không oán trách mà hướng về phía trước mặt.

Một video được thực hiện bởi Hội Đồng Hương An Bằng Hải Ngoại do cô Amy Phượng dẫn chương trình, nhằm khai thác tài năng nghệ thuật của An Bằng.  Ngày nay, người An Bằng đã thành công ở nhiều lãnh vực ở xứ người, từ học đường, khoa học kỹ thuật, đến thương gia thành công.  Dù vậy, ít ai chú ý đến lãnh vực nghệ thuật, cho nên video này ra đời để giới thiệu một khía cạnh sáng tác của người An Bằng, đồng thời tìm hiểu thêm về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lê Minh Hiền.

Nhạc sĩ Lê Minh Hiền cho biết, từ nhỏ anh đã có sự đam mê về âm nhạc.  Do có sự đam mê nên khi qua Mỹ, trong lúc trên xe buýt, anh thường ngân nga những âm điệu mà anh yêu thích.  Khi học trung học, anh lại mơ màng về những nốt nhạc trầm bổng ấy, mặc cho cô giáo giảng bài ra sao.  Một cậu bé trung học bị chọc quê là “daydream” (mộng ngày), nhưng anh vẫn giữ vững sở thích của mình.  Rồi từ đó, anh tụ tập cùng một số bạn bè ở Wichita để chơi nhạc.  Chưa dừng tại đó, anh mua thêm tập dạy nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để tự học sáng tác.  Không dừng tại đó, lúc di chuyển sang tiểu bang California, do tính hiếu học về âm nhạc, anh đã tìm đến các thầy dạy nhạc để làm vốn liếng cho sự nghiệp sáng tác của mình.

Dựa theo một câu chuyện có thật do một người bạn kể lại, nhạc sĩ Lê Minh Hiền đã cảm hứng viết bài nhạc đầu tay với tự đề Giọt Buồn Đêm Mưa. Sáng tác xong, nhạc sĩ đã có sự trợ giúp của phu nhân của mình là ca sĩ Võ Thu Nga, người đã trình bày sáng tác đầu đời này. 

Theo chia sẻ của ca sĩ Thu Nga, chị luôn được hân hạnh “thử” trước những ca khúc mà nhạc sĩ phu quân của mình vừa sáng tác xong. 

Khi hỏi sáng tác tâm đắc nhất của nhạc sĩ, anh Lê Minh Hiền cho biết đó là bản Ai Cũng Dễ Thương, được sáng tác như một giai điệu hòa hợp giữa những dị biệt nơi con người.  Anh kể, hiện anh đang sinh hoạt trong nhóm Tuệ Đăng.  Nhóm này có chừng 40 – 50 thành viên, với nhiều lứa tuổi, từ 5 đến 75.  Nhóm này thường đi trình diễn cho các chùa, nhà thờ và cộng đồng để làm từ thiện gây quỹ.  Dĩ nhiên, khi con người có sinh hoạt chung thì va chạm nào cũng có thể xảy ra.  Từ va chạm đến bất đồng thì không thể tránh. Do đó, ca khúc Ai Cũng Dễ Thương, được trình bày bởi rất đông ca sĩ của nhóm, là sáng tác mà anh ăn ý nhất cho đến thời điểm này.  Hãy nhìn nhau bằng sự dễ thương của con người để vươn tới phía trước.  Đó cũng là âm hưởng của người nhạc sĩ được tìm thấy ở nhiều ca khúc khác.  Có lẽ anh lấy những gì gần gũi với mình làm cảm xúc cho sáng tác của mình.

Thật vậy, anh chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những ai đang theo đuổi sự nghiệp sáng tác, là hãy nhìn những gì chung quanh để tìm sự cảm xúc của riêng mình.  Khi có sự cảm xúc ấy thì tự nhiên sáng tác sẽ dễ dàng hơn. Những ai muốn cho ra đời một ca khúc hay hơn nữa thì nên đọc sách, văn, hoặc thơ nhiều để tăng thêm ngữ vận, và dùng ngôn từ cho uyển chuyển hơn. Nhạc có nhiều âm điệu được phân chia rõ ràng ở các dấu sắc huyền hỏi ngã nặng.  Nếu uyển chuyển dùng các ngôn từ thích hợp cho từng âm điệu là một thành công lớn.

Chồng nhạc sĩ, vợ ca sĩ – đó là một hỗ trợ lớn cho nhau.  Nhưng đối với nhạc sĩ Lê Minh Hiền và ca sĩ Võ Thu Nga, sáng tác nhạc hay ca hát không phải là công việc kiếm tiền.  Đó là sở thích.  Con người cần có sở thích lành mạnh để hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, làm khỏa khuây mọi căng thẳng trong đời sống, nếu có.

Video cũng đã giới thiệu thêm những ca khúc tiêu biểu khác của nhạc sĩ Lê Minh Hiền.

Sự giới thiệu tài năng này là một sự khởi xướng của tiến sĩ Lê Đức Long.  Có lẽ sau này, người An Bằng sẽ tìm hiểu thêm những tài năng khác trong lãnh vực nghệ thuật.

Bài:  Văn Đình Lang Quân