9/6/2014
Làng An Bằng gìn giữ nguồn gốc văn hoá và tập tục Tảo Mộ của ông cha để lại.

Cũng như bao làng khác, tại làng An Bằng, Lễ Tảo Mộ (hay còn gọi là Chạp) là một tập tục được gìn giữ khá lâu, phát xuất từ lòng hiếu nghĩa của tất cả con dân trong làng.  Mỗi một làng đều có quy định ngày tháng khác nhau.  Riêng ở An Bằng, Lễ Tảo Mộ được truyền thống định vào đầu tháng 8 Âm Lịch.  Hễ đến ngày này thì con cháu tụ lại ở từ đường dòng họ của mình để cùng nhau làm sạch mồ mã của ông bà tổ tiên, giúp nhau nhận định vị trí của ông này bà kia trong họ, giúp nhau tô bồi mộ địa để không bị mưa gió cuốn trôi, chuẩn bị cho những trận mưa dài sắp đến của xứ Huế.  Sau phần Tảo Mộ, những bô lão trong họ tộc thỉnh mời tổ tiên về, qua phần nghi lễ, cúng tế truyền thống, với những thức ăn khác lạ hơn những ngày thường.  Họ tin rằng, tổ tiên luôn được ghi nhớ.  Cây có cội thì lá mới được xum xuê, nước có nguồn thì dòng không ngừng, đọng.  Vì thế, trong dịp này, phần cúng tế là hình thức cho con cháu hiểu đâu là nguồn, đâu là cội.  Đặc biệt hơn, con cháu ngồi lại với nhau để biết bà biết con, biết vai biết vế, kèm theo những cách xưng hô cho phù hợp với đời thứ.

Cũng nên nhắc lại, tổ tiên của làng An Bằng bắt nguồn từ thôn An Ba, Xa Cừ, thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay.  Những vị tiên tổ này đã theo Chúa Nguyễn Hoàng nhân một chuyến công du vào nam hạ.  Họ đã lập nghiệp tại đây.  Lúc đầu chỉ có 4 họ khai canh, nhưng hiện nay, với số người từ các nơi khác về đây sinh sống, làng An Bằng đã có 46 họ tộc.  Hễ đến mùa Chạp thì đâu đâu cũng nghe tiếng chiêng trống, cũng nhộn nhịp như một mùa hội lớn.

ABN/ĐN-LT