Tết Đoan Ngọ – Tết Mồng Năm
“Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”
(Ca dao)
Tết Đoan Ngọ, còn gọi là Đoan Dương, diễn ra vào mồng năm tháng năm âm lịch. Dân gian còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Ở Trung Quốc, đây còn là dịp để người ta nhớ đến Khuất Nguyên-một nhà thơ lớn của họ. Đây cũng là dịp gợi nhớ đến hai anh chàng Lưu, Nguyễn vào núi hái thuốc, gặp tiên rồi kết duyên nơi chốn thiên thai.
Có thể nhiều người không nhớ nhiều đến những tích xưa, nhưng trong lòng mỗi người dân Việt, mỗi dịp Tết mồng năm lại dâng lên bao niềm cảm xúc thương nhớ quê hương, gia đình, khát khao sum họp.Tết mồng năm ở quê, mỗi nơi, mỗi nhà có những kỉ niệm, kí ức riêng. Với những người dân xứ Huế nói chung và người An Bằng nói riêng,mồng năm cũng như ngày Tết là dịp con cháu sum họp bên gia đình, dâng cúng tổ tiên, trời đất những món ăn truyền thống.
Mâm cổ ngày Tết mồng năm có nhiều món nhưng không thể thiếu thịt vịt, chè kê, bánh tráng nướng và những thứ hoa quả sẵn mùa như dưa hấu, trái thơm(dứa), trái roi(đào)… Đặc biệt, nhiều nhà thường mua những thứ lá thơm để nấu nước uống. Cũng có nhiều nhà, đợi lúc chính ngọ (giữa trưa), đi hái lá làm nước uống. Nồi nước lá mồng năm thơm nồng đậm vị quê. Ai đã một lần uống hẳn không quên được.
Tết mồng năm ở nhiều nơi còn có những tập tục như: Tục khảo cây lấy quả, hái thuốc vào giờ ngọ, tắm nước lá mùi, treo ngãi cứu để trừ tà…
Nhắc đến Tết mồng năm, trong lòng mỗi người còn dâng lên bao niềm thao thức về những kí ức đẹp, những tình cảm tha thiết với quê hương, gia đình.
Thực hiện: Lê Bát ; Thanh An .