Lớp người sinh ra sau đệ nhị thế chiến từ năm 1946 đến 1954 được gọi là The Baby Boomers. Đây là khoảng thời gian những người lính trở về nhà để rồi lớp trẻ sơ sinh gia tăng bùng nổ khắp nước Mỹ. Họ là những người chứng kiến sự ám sát của tổng thống Kennedy và mục sư Luther Martin King Jr, và góp phần tham gia chống đối chiến tranh Việt Nam. Vì vậy, họ được thừa hưởng những tư tưởng nhân quyền và định nghĩa lại ý thức hệ nhân quyền một cách rõ ràng. Đạo đức của xã hội đã được xác định rõ nghĩa hơn. Họ ghét bạo động và chiến tranh. Họ dùng hành động đi chung với những gì họ tin tưởng. Cho nên, đối với công việc, họ hết mình, siêng năng. Với nền kinh tế đang được đổi mới, họ thừa hưởng nhiều cơ hội trong công việc, làm sáng đẹp xã hội. Đối với gia đình, họ gìn giữ và tạo dựng cái giá trị mà họ tin tưởng. Đây là lớp người lý tưởng nhất về kinh tế lẫn đời sống gia đình. Phần đông những địa vị trong xã hội hiện nay đều được họ nắm giữ.
Lớp người sinh ra thời hậu chiến và sau vụ lật đổ chính quyền Richard Nixon từ năm 1955 đến 1965 được gọi là Thế Hệ Jones, hay là Boomers 2. Cũng như Thế Hệ Baby Boomers trên mọi lãnh vực, nhưng Thế Hệ Jones được chứng kiến sự sụp đổ kinh tế lần thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Về công việc và sáng tạo, họ đã bị Baby Boomers chiếm giữ nên họ kém may mắn hơn. Về tâm lý thì họ có phần tuyệt vọng. Trong khi Baby Boomers tham gia chống đối chiến tranh, dành lại cơm no áo ấm cho dân Mỹ thì Thế Hệ Jones chứng kiến căn bệnh AIDS nổi lên lần đầu tiên. Do vậy, hai thế hệ này ít nhiều đối nghịch lẫn nhau.
Lớp người sinh ra giữa thời giá trị con người bị phai nhòa từ năm 1966 đến 1976 được gọi là Thế Hệ X. Dấu chéo X là vậy, là lạc loài giữa xã hội mới. Thời điểm này thì họ chứng kiến cảnh ly dị, chia ly từ gia đình. Dù chưa phải là thời điểm mà số lượng ly dị cao nhất, nhưng đây là bước đầu con người sử dụng luật ly hôn, ly dị. Lớn lên, họ lại tìm thấy mình trong viện cô nhi hoặc được gởi ở các trường mầm non, không ở bên cha mẹ. Vì vậy, lúc trưởng thành, họ không muốn đối diện với thế giới bên ngoài nhiều như những thế hệ khác. Họ tìm đủ mọi cách để nắm giữ cơ hội cho riêng họ, bởi luôn trong họ đều tồn tại tính khí nghi ngờ. Nghi ngờ đời sống, nghi ngờ sự trung thực của bạn bè, nghi ngờ tương lai. Vì không tham gia vào xã hội, để mặc cho lớp Jones lạm quyền, họ ít khi được nhắc đến. Nhưng nói về học vấn thì thế hệ này có con số cử nhân cao nhất so với những thế hệ khác. Họ tiến thân bằng sự học và nương vào học thức để nuôi sống bản thân và gia đình của họ. Với kiến thức cao và tính nghi ngờ tột độ, họ lập gia đình trễ hơn.
Lớp người sinh ra giữa sự phát triển về công nghệ điện tử từ năm 1977 đến 1994 được gọi là Thế Hệ Y. Những hỗn tạp về công nghệ thông tin đã cho phép họ thừa hưởng cái gia sản sáng tạo từ Thế Hệ X. Ngược với X, họ tỏ ra bạo dạn hơn, tháo vát hơn với xã hội. Nếu đưa họ vào những công việc tiếp thị, quảng cáo, lấy đơn đặt hàng … thì bảo đảm họ sẽ thành công. Lúc Thế Hệ X học hỏi được bài học chia ly thì Thế Hệ Y thừa hưởng được nền kinh tế vững chắc từ cha lẫn mẹ. Cho nên khi lớn lên, họ tự tin hơn và năng động hơn. Họ ít lo về mặt tài chánh và ngược lại dồn hết tâm sức phát triển các kỹ năng công nghệ thông tin. Vì có khả năng liên lạc với thế giới bên ngoài, họ có vẻ trưởng thành và mang đầy tính tự lập sớm hơn.
Lớp người sinh ra giữa thời điểm hỗn tạp về kỹ thuật mạng lưới từ năm 1995 đến năm 2012 được gọi là Thế Hệ Z. Trong khi thế hệ Y sáng chế ra những kỹ thuật tối tân và đang cố làm đẹp xã hội thì thế hệ Z thừa hưởng cái gia sản vĩ đại nhất của loài người. Thế Hệ Z lớn lên và trưởng thành trong khoa học vi tính. Những suy nghĩ của họ đều đơn giản hoá và nương vào kỹ năng điện toán hơn là đầu óc. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa khám phá ra thế hệ này đang suy nghĩ hay sẽ làm việc gì. Cả thế giới đang chờ đợi lớp người này tạo ra những bước nhảy lớn lao để đưa loài người vào máy móc.
Dù cho có chia ra bao nhiêu thế hệ, không có sách vở nào có thể chia từng lớp tuổi ngay từ lúc sơ khởi của loài người đến nay được. Mỗi một triều đại, mỗi một giai đoạn lịch sử đều có sự khác biệt về đời sống, văn hoá do một nền xã hội nào đó tạo nên. Nhưng ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng có thể chia ra ba lớp người: già, lỡ cở, và trẻ. Vậy, bao nhiêu tuổi mới gọi là già? Bao nhiêu tuổi mới gọi là trẻ? Đây là một vấn đề khó nói khác. Người ta có thể cho rằng, dù tuổi đã già nhưng tâm hồn trẻ trung thì vẫn là còn trẻ. Biết nói sao? Chịu thôi. Mà nếu nói vậy thì rốt cuộc ta không bao giờ có tuổi già. Vì mục đích của bài viết này, tôi định nghĩa ba lứa tuổi rõ ràng hơn để khỏi phải vướng mắc với những suy nghĩ ngoại lệ khác.
Tuổi già là những người đang rút ra khỏi cái guồng máy của xã hội. Họ có thể đã về hưu hay không đủ sức làm việc. Về tư tưởng thì họ rất bảo thủ, luôn dè dặt và đắn đo với sự phát triển của xã hội. Họ không mạo hiểm, và cho dù có thì cũng dựa vào kinh nghiệm sống của họ để làm một quyết định gì, bởi kinh nghiệm của họ là cả một kho sách quý. Tôi tạm gọi thế hệ này là thế hệ “ông cha” đi trước, và được ví như một miếng bánh mì nằm ở dưới của bánh sandwich. Bao nhiêu tinh hoa của bánh mì đều rớt xuống đây.
Tuổi trẻ là những người mới lớn đang chập chững bước vào đời. Họ có thể là từ trẻ sơ sinh đến những sinh viên đại học, hay những người chưa thật sự đối diện với một xã hội bên ngoài. Khi chúng ta nói tuổi trẻ thì chúng ta thường nghĩ đến những tiềm năng mà họ có thể giúp xã hội sau này. Bởi vì muốn đào tạo tiềm năng này, tuổi trẻ phải được trải qua một thời kỳ thử thách của học đường, ăn nằm trên chữ nghĩa để được một việc làm ăn ý sau này. Được vậy là nhờ sự khuyến khích của những “ông cha” bằng kinh nghiệm của họ. Tôi tạm gọi thế hệ này là thế hệ “thằng” hoặc “con”. Thằng này đang học đại học, con kia vừa mới ra trường, v.v… Chung chung, tuổi trẻ là lớp bánh mì nằm trên bánh sandwich. Đây là lớp người luôn sống với triết lý sách vở, ngây thơ, nhiều cảm xúc, và chưa đủ kinh nghiệm để quyết định một việc gì lớn lao, nhưng sẵn sàng mạo hiểm, thích thử thời vận. Họ đang nhờ đến thế hệ trước hướng dẫn.
Người ta thường nói chỉ có lớp già và lớp trẻ mà thôi, nhưng tôi thích ngược đời. Tôi cho rằng lớp người “dở thằng dở ông” đang bị xã hội bỏ quên. Lớp người này khi đứng chung với tuổi trẻ thì không được hoà đồng, nên gọi là “ông”, và khi đứng chung với lớp già thì khép nép nên gọi là “thằng”. Thằng cũng không phải thằng, ông cũng chẳng phải ông. Vậy cái nào đây? Cuối cùng, họ không phải là thằng và cũng chẳng phải là ông. Nhưng họ là những miếng thịt, những lát cà chua, những cành xà lách, những lớp mayonnaise, những miếng cheese nằm ở giữa chiếc bánh sandwich. Ở trên thì đòi chu cấp tiền học phí, tiền tiêu vặt, tiền nhà, tiền xe, tiền xăng, v.v… ở dưới thì cần sự săn sóc, thăm viếng, nói lời tôn kính, v.v…. Rốt cuộc, thế hệ này không được nhắc đến, bởi họ không có thời gian để sống cho chính họ. Nhưng họ lại được xã hội giao cho cái trách nhiệm làm tăng vị ngon của bánh sandwich. Họ chiến đấu cuộc đời bằng hai gánh nặng nói trên, để rồi họ luôn luôn nằm ở vị trí ở giữa. Sống bằng sự kiềm kẹp và đè ép của hai lát bánh mì ở trên và ở dưới, họ không cách gì tìm riêng cho họ một vị trí nào. Nhưng họ là chất nhờn, kéo dính lại hai thế hệ già và trẻ. Không có họ, hai lát bánh mì kia rất vô vị, như ăn cơm nể, như uống nước lã. Những nối kéo từ thế hệ này với thế hệ kia đều nhờ họ. Là một phần tử của Thế Hệ Ở Giữa hay “dở thằng dở ông”, tôi vẫn có hai gánh nặng nơi công việc mà tôi muốn làm, đó là nối liền khoảng cách giữa thế hệ người lớn và thế thệ tuổi trẻ. Tôi lại mắc phải nhiều trở ngại khi đứng ở vị trí này, nhất là với thân phận ly hương, gặp nhiều khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, và suy nghĩ.
Về ngôn ngữ thì dễ hiểu lắm. Được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng trưởng thành ở Mỹ nên thế hệ của tôi rất hãnh diện còn biết được hai ngôn ngữ. Tiếc là, tiếng Việt thì chúng tôi không giỏi như thế hệ đi trước và tiếng Anh thì không xuất sắc như thế hệ đi sau. Lắm lúc, chúng tôi phải dùng tiếng Anh để nói chuyện với mấy cụ già, vì vốn liếng tiếng Việt của chúng tôi quá hạn hẹp. Và nhiều khi chúng tôi lại sử dụng tiếng Việt để nói với lớp trẻ vì không đủ từ ngữ để biểu đạt hết ý nghĩ của mình. Bởi thế, cái giới hạn ngôn ngữ này đang làm cho chúng tôi ít nói hơn, trầm lặng hơn. Khi gặp một nhóm người nào đó, chúng tôi phải suy nghĩ nên dùng ngôn ngữ nào để nói chuyện. Cái suy nghĩ này đã làm cho chúng tôi chậm lại và ít hoạt bát hơn. Dù biết hai ngôn ngữ nhưng chúng tôi không giỏi ở một bên nào, từ đó chúng tôi cảm thấy mặc cảm với chính mình. Đối với người thân bạn bè là vậy, nhưng đối với xã hội thì chúng tôi càng rụt rè hơn. Vốn giọng Huế đã khó nghe, lại là giọng An Bằng, nên thành ra lúc chúng tôi nói chuyện vẫn e dè, sợ người nghe không hiểu. Biết làm sao đây? Có nhiều người ở thế hệ của tôi tập đổi giọng để được hoà đồng. Tôi cho đây là một sự uyển chuyển, khéo léo của họ. Riêng tôi, vì không biết mình có nhái được hay không, hay là chuyển sang giọng Mỹ Lợi để người cười thêm, nên cứ khư khư ôm chặt cái giọng nói của mình. Vì thế, dù là cục thịt ở giữa, tôi luôn bị nhiều phía bánh mì đè ép tôi trong vấn đề ngôn ngữ.
Cũng như ngôn ngữ, về phong tục thì chúng tôi vẫn lẫn lộn từ hai nơi. Dù gì, chúng tôi vẫn nghe nhạc Việt Nam, vẫn thích mặc áo dài, vẫn ăn mắm nêm, phở, hay bún bò huế. Mặt khác, chúng tôi luôn đối diện với đời sống bên ngoài, nên không bài bác nhạc hip hop, yêu chuộng quần Jeans, áo T-shirt, và thường ăn hamburger và những thức ăn vội khác. Nhìn vô thì chúng tôi ăn gì cũng được, mặc gì cũng xong, hát gì cũng okay, đi chùa cũng đi mà đi vũ trường cũng không bỏ qua. Chúng tôi hòa đồng hết cỡ. Nhưng thực ra, chúng tôi đang cố gắng chiều lòng hai thế hệ già và trẻ. Ví dụ, không đi chùa vào ngày Tết Việt Nam thì bị coi như là người mất gốc, trong khi chúng tôi vẫn có công việc làm để duy trì. Không đi vũ trường thì không cách gì hiểu được con em chúng tôi đang nghĩ gì. Thành ra, dù biết hai phong tục, chúng tôi vẫn không chuyên hay thuần thục một phong tục nào cả. Chúng tôi chỉ mượn một bên một thứ rồi gom lại, nấu xào tùy ý, thành ra một thức ăn hầm bà lằng rồi đưa vô miệng cho qua ngày. Ngon dở không cần biết. Chúng tôi chỉ biết nếu làm vậy thì sẽ được hòa đồng và không bị mất lòng cả hai bên. Ngay cả khi chúng tôi sống cũng vậy – cái cách sống hầm bà lằng này ít khi hòa nhập vào xã hội mà chúng tôi đang sống. Chúng tôi đang cố tạo ra một hướng đi cho mình chăng? Và nếu không làm vậy thì chúng tôi được xem là dạng người không biết uyển chuyển – khổ tâm lắm chứ bộ.
Về suy nghĩ thì càng phức tạp hơn. Cũng như thế hệ các “ông”, chúng tôi vẫn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của chúng tôi, mặc dù hình ảnh này quá mập mờ, trừu tượng. Chúng tôi hiểu được nguyên nhân của cái hậu quả ngày nay, nên chi chúng tôi đang tập làm gương cho thế hệ “thằng”. Đứng với các “ông”, chúng tôi phải chọn lựa đề tài để nói chuyện, ví dụ như quê hương, chính trị, tiền hưu trí, luật pháp, vân vân. Nhưng đứng với các “thằng”, chúng tôi phải moi ra những đề tài nóng hổi như Samsung sẽ ra cái máy điện thoại đeo tay như chiếc đồng hồ, hay Apple sẽ ra iPhone 6 như thế nào, hoặc các công năng của cặp mắt kiếng Google Glass ra sao, vân vân. Nói chung, chúng tôi biết hoài niệm với tuổi già và biết cập nhật với cái đà phát triển của xã hội với tuổi trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không rành ở lĩnh vực nào cả. Nói cho dễ nghe thì chúng tôi thuộc hạng người đa dạng. Nói cho khó nghe một tí thì chúng tôi chỉ là một lớp người ba phải, mâm nào đặt đít vô ngồi cũng được. Ngồi vào chỉ mong được lắng nghe, vậy thôi.
Tôi chưa bao giờ nghe một người nào dám đứng lên vỗ ngực xưng danh: tôi là thế hệ “dở thằng dở ông” đây. Xã hội chỉ cho ta hai lựa chọn, một già hai trẻ. Vì vậy, đôi lúc thế hệ này được ân huệ để chọn lựa. Mà chọn phía nào cũng đúng cả. Với tuổi trẻ thì chọn là lớp già; với tuổi già thì chọn là lớp trẻ. Chọn và đặt mình vào vị trí của lứa tuổi mình chọn mới hiểu ra rằng chúng tôi không thực sự thuộc về họ. Chúng tôi bị đào thải. Ngồi chung với các “ông” thì bị các “ông” nói rằng: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe.” Ngồi chung với các “thằng” thì bị họ chỉ trích, “Your English accent is so terrible.” Vậy chúng tôi thuộc lớp người nào?
Xã hội đã gán cho chúng tôi thuộc Thế Hệ X, những người sinh vào năm 1966 đến 1976, luôn sống trong sự nghi ngờ do xã hội tạo ra. Thế hệ già và trẻ đang làm cho chúng tôi có những nghi ngờ đó. Tôi chỉ giới hạn những người ở lớp tuổi của tôi sinh vào những năm này và đã có cơ hội đi vượt biển hồi còn bé mà thôi. Mặc dù mập mờ về hình ảnh quê hương, chúng tôi đang tập làm người lớn để hoài niệm về nó. Mặc dù mù tịt về các công năng của cặp mắt kiếng Google Glass, chúng tôi đang tìm tòi học theo tuổi trẻ. Người lớn hô hào góp tiền họ, chúng tôi móc túi ra liền. Người trẻ đòi tiền học phí, chúng tôi cũng phải ký check gởi liền. Người lớn bắt chở đi chùa vào ngày Tết thì chúng tôi không cách gì từ chối. Người trẻ kêu tổ chức picnic ngoài trời vào ngày lễ Độc Lập thì chúng tôi ngoan ngoãn làm theo. Vì sao? Vì chúng tôi là cục thịt ở giữa hai lát bánh mì sandwich. Chúng tôi ở vị thế chiều lòng hai thế hệ trước và sau. Chúng tôi đang cố làm chất mayonnaise dính lại hai lát bánh mì kia. Vì thế, chúng tôi là loại người của Thế Hệ Ở Giữa.
Thế hệ các “ông” đã trải qua thời kỳ như chúng tôi, nên chắc sẵn lòng thương mến, đồng cảm và tội nghiệp. Thế hệ chúng tôi sẽ thay phiên các ông trong nay mai, nên sẽ âm thầm chấp nhận một vị trí nào đó mà các “ông” đặt để cho. Và thế hệ các “thằng” rồi đây cũng trở thành “dở thằng dở ông” như chúng tôi. Rồi đây, họ sẽ hiểu vì sao những người đi trước làm như vậy, và nhường chỗ lại cho thế hệ sau nữa bước lên vị trí tuổi trẻ. Cuộc đời là vậy. Thay đổi liên miên.
Riêng tôi đang nằm kẹt ở Thế Hệ Ở Giữa này và luôn sẵn sàng nằm lại đây làm một lớp mayonnaise dính liền hai lát bánh mì cho đến lúc hai thế hệ già và trẻ hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau trong công việc giữ gìn văn hoá.
Văn Đình Lang Quân