Sau chuyến vượt biển đầu tiên thành công vào đầu năm 1978 (Thái, Giai, Xuân, Mỹ, Đẩu, Hề, Khôi), vào giữa năm đó, Văn Nhân Đạo và Lê Đình Bá, v.v… cũng đã thành công lên đường. Đến mùa xuân năm 1979, các ông Lê Minh Dũng, Lê Danh, Lê Bá Sĩ, Trương Hóa, Trương Tha, Hoàng Tuyền cũng nối gót những người đi trước. Sau đó, mùa hè 1979 thì người An Bằng, bằng những chiếc ghe đánh cá vượt biển “như đi chợ”.
Nếu những chuyến trước chỉ bao gồm trai làng đi biển, thì những chuyến sau táo bạo hơn, gồm có trẻ em và phụ nữa. Nếu những chuyến trước chỉ đi liều, giao phó số phận cho thần biển, thì những chuyến sau có tổ chức trước. Họ liều mình vượt đại dương tìm đường thoát mới, tạo ra một phong trào xôn xao nhất trong làng. Phong trào này kéo dài đến cuối thập niên 80, khi trại Hồng Kông tuyên bố đóng cửa, thì ngưng.
Một trong những chuyến cuối cùng, khởi đi từ vùng An Trung là chiếc thuyền mang số 2826, sau khi lênh đênh trên mặt nước suốt 21 ngày với bao nhiêu cơn sóng dữ, 19 người trong ghe này đã an toàn nhập trại Kowloon, Hong Kong vào năm 1988. Mười chín người ấy là: Văn Huy, Văn Hiền, Văn Thị Luân, Văn Thị Lành, Văn Thị Hương, Văn Thị Phượng, Văn Thị Diệu, Hồ Quang, Hồ Bình, Lê Thị Hồng, Nguyễn Thị Trang, Lê Thị Lành, Nguyễn Ngọc Dưỡng, Nguyễn Ngọc Lịch, Nguyễn Ngọc Bạch, Nguyễn Ngọc Bích, Văn Đoán, Nguyễn Lức, Nguyễn Chí Danh. Cuộc đời tỵ nạn, ly hương bắt đầu từ đó.
Nhưng họ luôn gắn bó với nhau, dù cho 26 năm sau. Những người này đều may mắn được đi Mỹ, sau một thời gian bị tạm giam tại trại cấm. Hôm nay, 26 năm sau, họ đã tìm cách gặp mặt nhau tại nhà của Văn Thị Luân và Hồ Quang. Những khuôn mặt thân thương của thuở nào đã hiện về. Những câu chuyện vui buồn đời trại cấm đã được thay nhau nhắc lại. Mỗi khi nhắc về những hãi hùng giữa đại trùng dương vời vợi thì nỗi kinh hoàng ấy vẫn không sao xóa được. Rồi những khó khăn hội nhập vào đời sống ở một quốc gia thứ ba cũng không kém gian truân. Tất cả kỷ niệm ấy đều hiện về như đang sống lại một khúc quanh của lịch sử con người Việt Nam, con người An Bằng. Họ đổi lại những gì?
Giờ đây, những thanh niên ấy đều lập gia đình, thành đạt ở nhiều lãnh vực hệt như dân bản xứ. Sự thành công này cũng nhờ bài học đời tỵ nạn gian nan mà ra. Họ nỗ lực để cuộc mạo hiểm kia trở thành giá trị hơn. Trong thâm tâm, họ thầm mang ơn nước Mỹ đã cho họ vô số cơ hội để tìm về giá trị của cuộc sống. Và cuộc hạnh ngộ này là một nhịp cầu truyền trao lại những giá trị ấy cho thế hệ con em cùa họ.
Cung cấp tin & hình: Tifany Tuyet Van
Bài: anbangnews