Cảm Xúc Ngày Hội Đua Thuyền.
Tiếc Cho Một Truyền Thống

Ngày ấy đua bơi đã hết rồi
Còn chăng tai tiếng để đời thôi
Vết thương năm cũ tuy lành sẹo
Nhưng vết thương lòng vẫn nhói tôi

Các bạn thân mến!

Tôi rất bùi ngùi và bức xúc khi viết lên mấy dòng cảm nghĩ của mình về ngày lễ hội cầu ngư truyền thống của quê hương chúng ta vừa qua.

Cho dù cuộc sống bận rộn nơi đất khách nhưng tôi luôn dành thời gian hướng về ngày này, cái ngày mà tất cả con dân của làng cho dù làm ăn ở tận nơi đâu cũng luôn nhớ đến. Có người thu xếp công việc và kinh phí cả năm trời để về tham dự. Riêng tôi, cũng rất muốn về, nhưng vì điều kiện không cho phép nên chỉ theo dõi mọi tin tức, diễn biến của lễ hội qua những trang Facebook và những tin nhắn mà các bạn ở quê nhà cung cấp.

Thưa các bạn! Lễ hội này, theo tôi được biết, được bắt nguồn gần 500 năm trước, do tổ tiên chúng ta để lại. Cứ 3 năm đáo lệ 1 lần, dân làng trông đợi ngày hội lớn này. Mục đích là để cầu cho quốc thái dân an và để tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng. Với tinh thần đoàn kết, tổ tiên ta chọn đua thuyền làm môn thể thao để tăng thêm phần nhộn nhịp, tạo niềm vui cho mọi người dân. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau xây dựng và gìn giữ nét đẹp này cho đúng nghĩa của nó? Các bạn tranh đua thắng bại rồi gây ẩu đả, dẫn đến sứt mẻ tình cảm làng xóm và làm cho kẻ bể đầu người vỡ trán. Điều này chẳng giúp gì cho truyền thống lâu đời của chúng ta, ngược lại còn gây ra oán ghét giữa anh em và anh em.

Trong thời gian này, tim tôi đau nhói mỗi lần đọc báo online nói về bọn Trung Quốc đang chiếm biển đông của chúng ta. Giờ đây, càng nhói thêm khi biết được các bạn lại dùng bạo lực để giải quyết việc đua bơi, ngay trên làng xóm của mình. Dù biết, trong cuộc chơi nào cũng có kẻ thắng người thua. Nhưng mình thắng ra sao để thiên hạ và người thua nể phục. Đó mới là chiến thắng vinh quang nhất. Hay là bạo lực là một môn không thể thiếu trong ngày hội mà thế hệ sau mới bổ sung thêm? Các bạn làm tôi nhớ lại những gì xảy ra 9 năm về trước. Chắc từ đây mỗi thôn mỗi ghe và biển ai nấy chèo, xong rồi lên lạy làng cho có lệ? Bây giờ thanh niên trai chèo cũng sợ bạo lực hay mất hoà khí nên không dám đem hết sức mình để cống hiến cho thôn nhà. Vì có thắng thì cũng không yên với các bạn. Thậm chí, chấp nhận bỏ cuộc rồi mà cũng không yên.

Bấy nhiêu đó cảm nghĩ của riêng tôi, xin chia sẻ cùng các bạn. Vì lời văn của tôi vốn nghèo nàn nên không bóng bẩy, cầu kỳ, nhưng tôi nghĩ ít nhiều các bạn cũng hiểu được nỗi lòng mà hãy cho nhau những tình làng nghĩa xóm. Hãy đoàn kết, tạo nên một sức mạnh để xua đuổi giặc ngoại xâm đang đến rất gần bờ cõi của chúng ta.

Thân mến!

Thôi Kệ
Florida Jun-10-14