AN BẰNG NƠI ĐỂ QUAY VỀ
Ông cha ta có câu: “Cây có gốc mới sinh chồi nảy lộc
Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu.
Con người có tổ, có tông
Có cha ,có mẹ rồi sinh ra mình.”
Người An Bằng tuy đã ra đi định cư ở nhiều nơi, lấy nơi ở mới làm quê hương thứ hai của mình, nhưng một số không ít bà con cỡ trung và lão niên hiện giờ vẫn nuôi ước ao một ngày nào đó về nằm lại với ông bà trên mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nói là ước ao, bởi không phải ai cũng có điều kiện để “hồi hương” lúc nằm xuống, nhất là những bà con ở tận bên kia bờ đại dương. Mà có lẽ phải nói rằng con người có “số”: sống thì có “điền trạch”, chết thì có “mộ địa”, hay nói theo nhà Phật là “vạn sự tùy duyên” vậy.
Chỉ có điều, với những ai coi chết đi là hết, xương cốt thiêu đi thành tro bụi, gởi chùa hay dứt khoát hơn là rải sông rải biển, thì điều đó khỏi phải bàn. Nhưng nếu coi mồ mả là hệ trọng thì nghĩa trang thiên nhiên An Bằng rất tuyệt vời, là nơi có thể chọn để nằm xuống, hơn bất cứ khu nghĩa trang nào khác ở thành phố hay các làng mạc khác
Nghĩa trang An Bằng nhìn từ trên cao (Ảnh của Phạm Mạnh)
Vậy Chạp là gì? Tại sao hầu hết các họ lại lấy tháng Tám âm lịch làm ngày chạp hằng năm mà không lấy các tháng khác, trong khi tháng 12 âm lịch vẫn được người Việt gọi là tháng Chạp?
Cụ thể, lý do thứ nhất: Ngày xưa, ông bà chúng ta chủ yếu làm nghề nông ngư, tháng 12 là tháng rất nhiều công việc để chuẩn bị cho việc đón Tết nên việc chạp hầu như gặp nhiều khó khăn. Một thời gian sau, ông bà ta lại chuyển sang tháng 9 là tháng “đồng không mông quạnh”, khi công việc ngoài đồng phải dừng lại, sau khi gặt xong vụ Trái (hè thu). Lúc này cánh đồng bắt đầu hứng và ngâm nước lụt từ đợt này tới đợt khác cho tới cuối tháng Mười. Ruộng sâu đã vậy, ruộng cạn (tức đồng Trưa) cũng không khá hơn. Về đi biển thì sóng to, gió lớn không thể đi được. Đó là lúc bà con nông dân rảnh tay nhất để lo việc làng, việc họ. Mặt khác, lý do thứ hai: mùa tháng Chín, sau vài trận mưa lớn từ tháng Tám, đất cát trong Rú đã chuyển từ khô sang ẩm, bắt đầu dễ đi: cuốc, cào để vun mộ, cát sẽ không “trầm lên trụt xuống” khó khăn như lúc còn nắng hè. Cũng cần nhớ lại là, trước đây, mồ mả ở Rú với nấm hình tròn chỉ toàn đắp bằng cát, cao chừng 30 – 40 phân, chứ chưa có điều kiện để làm bằng xi-măng với lăng tẩm đồ sộ, kiên cố như bây giờ. Sở dĩ năm nào cũng phải dẫy, bởi cứ đến mùa hè, cát khô, lại bị gió biển thổi liên tục, nấm mộ cát tròn lắm lúc gần như sang bằng, có khi xê dịch ra khỏi vị trí ban đầu – nhất là các nấm mộ gần “cụp”, trực diện với gió, bên kia Khe làng. Bởi vậy mà dân làng từ xưa đã có tập quán tẩm liệm xác bằng cát vàng – một loại cát có màu đặc trưng để phân biệt với cát trắng xung quanh quan tài, cùng với việc trồng 2 cây “chừng” phía trên đầu và dưới chân, mục đích không gì khác ngoài đề phòng sự cố xê dịch, mất dấu của nấm mộ.
Song, do thời tiết tháng 9 có năm mưa to, bão lớn khiến việc đi chạp của bà con trở nên bất tiện. Ngày nay hầu hết các họ tộc và gia đình nào cũng xây lăng kiên cố nên không còn sợ việc mất mồ nữa. Vì vậy, ông bà ta lại dời ngày chạp sang tháng 7 là tháng mùa hè khô khan tiện cho việc đi chạp mộ với lại một số học sinh, sinh viên đang còn nghỉ hè là cơ hội để nhận biết mộ ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, việc này lại nảy sinh thêm một việc là tháng 7 nhiều người theo nhà Phật nên ăn chay trường ba tháng hạ, cũng là tháng lễ Vu lan báo hiếu, cho nên cuối cùng ông bà ta chọn lại ngày chạp là tháng 8 âm lịch hằng năm.
Hằng năm, cứ trước ngày mồng 01 tháng 8 âm lịch, người dân An Bằng ở khắp nơi trên toàn thế giới lại trở về quê hương để đón mùa lễ chạp hơn là về quê đón Tết. Vì Chạp là nơi để nhận biết mộ của các cụ tổ họ tộc ta, là nơi để hiểu được cách xưng hô ông, bác, chú, anh, em theo phả hệ của họ tộc, đồng thời cũng là nơi để nhận biết bà con nhau qua phần chạp ở các phái, chi.
Chạp thường chia thành ba phần. Phần đầu là vào chiều (sáng) ngày mồng 01 tháng 8 Âm lịch, tất cả con cháu trai từ 18 tuổi trở lên tập trung tại nhà thờ đại tôn để nghe cô bác phổ biến kế hoạch và phân công nhiệm vụ, sau đó tiến hành đi viếng và dẫy mã ở các mộ tổ, phái, chi. Phần hai là vào sáng ngày mồng 02 tháng 8 Âm lịch tất cả cháu trai, dâu tựu trung về nhà thờ đại tôn trước dự lễ dâng hương lên các ngài thủy tổ đã có công khai sáng ra giòng tộc sau dùng bữa tiệc thân mật. Phần cuối là vào ngày mồng 03 đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch, các chi, phái tiến hành chạp tại tư gia, thành phần gồm con cháu nội, ngoại … nhằm để biết bà con nhau. Nếu một người đã lập gia đình thì phải chạp đến 8 họ (họ cha, mẹ; họ mệ nội, mệ ngoại của chồng và vợ). Ngày xưa có phong tục nuôi heo, nhưng ngày nay do có điều kiện nên có chi, phái đặt nhà hàng
Cô bác đại tôn phổ biến kế hoạch và phân công nhiệm vụ trước giờ chạp mã (Ảnh của Phạm Mạnh)
Anh em gặp nhau tâm sự trước giờ chạp mã (Ảnh của Phạm Mạnh)
Bà con tiến hành đi chạp mã (Ảnh của Phạm Mạnh)
Đường bê tông vào nghĩa trang An Bằng (Ảnh của Phạm Mạnh) Lăng mộ các cô quả của một họ tộc ở An Bằng (Ảnh của Phạm Mạnh)
Con cháu dọn vệ sinh xung quanh lăng mộ (Ảnh của Phạm Mạnh) Thắp nhang sau phần hoàn thành chạp mã (Ảnh của Phạm Mạnh)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHẠP HỌ LỚN Ở CÁC HỌ
Cô bác và con cháu sum vầy sau phần lễ cúng cơm ông bà tổ tiên (Ảnh của Lê Khẩn)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHẠP HỌ PHÁI, CHI, NHÁNH Ở CÁC HỌ
Nguyên trước đây chạp theo phái ,chi, nhưng do phần ăn quá đông nên các chi lại chia ra phòng. Song gần đây người An Bằng đi sinh sống nhiều nơi, với lại rơi vào tháng học sinh, sinh viên đi học nên số lượng người ít đi. Vì vậy ngày nay các phòng, chi, phái chạp chung, có thể là ba năm một lần.
Tóm lại, nếu không đi chạp thì sẽ nhận lấy ba không: Một là không đi chạp mã thì không biết mộ của ngài thủy tổ ở đâu. Hai là không đến chạp ở nhà thờ đại tôn thì không phân biệt được vai vế theo phả hệ. Ba là không đến chạp ở các chi, phái thì sẽ không nhận biết bà con dẫn đến loạn luân. Để tránh được ba không đó, thiết nghĩ Ban hương tộc làng văn hóa An Bằng kết hợp với 45 họ tộc nên chuyển đổi từ chạp tháng 8 sang chạp tháng 6 là hợp lý hơn. Vì theo tiền lệ thì Làng chúng ta không có quy định về một tháng chạp nào hết mà nó thay đổi một cách liên tục tùy theo từng hoàn cảnh. Do đó, tháng 6 là tháng nghỉ hè của các em học sinh, các gia đình có điều kiện rảnh rỗi. Một số gia đình ở xa quê hương thay vì đưa con đi tham quan du lịch thì họ dùng tiền đó để đưa gia đình về thăm quê hương và chạp để cho con cái biết bà, biết con. Hơn nữa, phần lớn con dân chúng ta đều đang sinh sống ở nước ngoài, một số bà con ở lại quê hương làm nghề biển thì thỉnh thoảng, nghề nông thì không còn một ai, lăng mộ thì đã xây kiên cố không còn lo sợ như ngày xưa, mọi người cũng thấy rảnh rỗi nên việc chạp tháng 6 ở làng ta là phù hợp nhất. Vì vậy, chỉ mong sao, tập quán Chạp hằng năm vẫn được duy trì một cách đều đặn và nghiêm túc trong các Chi, Tộc, vì đó chính là thể hiện đạo lý làm người mang ý thức “cây có cội, nước có nguồn, người có Tông, chim có tổ”; là một đạo Hiếu, một truyền thống văn hóa nhân bản đặc sắc và khá độc đáo của người An Bằng chúng ta mà không phải nơi nào cũng có được.
Lê Bát.