Bài Dự Thi – Tác giả: BT

“…Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay…”

Tôi chưa xuất ngoại lần nào nên cũng chưa hề biết khái niệm Quê Hương “to lớn” – Việt Nam của những người con xa xứ là gì, nhưng tôi cũng có một Quê Hương, và với tôi, nó to lớn hơn cả – An Bằng!

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Bằng, tính đến nay cũng đã 24 năm.  Hai mươi bốn năm mặn mòi với mùi của biển; 24 năm gắn bó với cá, mắm An Bằng; 24 năm của những buồn, vui, hờn, giận trên mảnh đất đậm màu của biển, của những con người chất phát, đôn hậu.  Chưa bao giờ, tôi thấy yêu Quê Hương mình hơn thế. Có lẽ, không ai biết được trước đây tôi đã nghĩ những gì về nơi mình đang sống.  Có thể nghe những điều tôi sắp viết ra đây, nhiều người sẽ nghĩ tôi là một đứa “tồi tệ”, vì chưa bao giờ tôi nghĩ An Bằng là một Quê Hương tốt, là nơi tôi đáng tự hào vì đã được sinh ra.  Tôi không dám khoe với một ai, vì tôi sợ, sợ người khác sẽ cười và chế nhạo rằng tôi sinh ra ở một nơi như thế.  Tôi mặc cảm và sinh ra những ý nghĩ xấu về cái nơi tôi được dưỡng dục cho tới bây giờ.

Cuộc sống của tôi từ những năm cấp 2, cấp 3 – lúc đã biết và nhận thức được nhiều điều, tôi không hề nghĩ là mình có những suy nghĩ tốt về làng An Bằng – quê hương mình.  Nhìn những cô cậu mới lớn, nhỏ hơn mình đến 6,7 tuổi đã tập tành ăn chơi, diện hết áo này đến quần khác, mua sắm những thứ đắt tiền, học đòi mua xe đẹp chỉ để khoe với bạn bè.  Những đứa giàu chưa nói đến, cả những đứa gia cảnh không khá giả gì cũng học theo chúng bạn mà không hề biết rằng, ba mẹ chúng ngày đêm trăn trở nghĩ kiếm sống, làm ra tiền để có miếng ăn, cái mặc cho cả nhà ngày mai.  Khi tiêu những đồng tiền hoang phí như thế, liệu chúng có biết đó là mồ hôi xương máu của ba mẹ, của người thân mình?  Rồi cả những cô cậu khác, ăn chơi, quậy phá, đánh chém nhau, rồi vào tù ra tội.  Những người đó có biết rằng, ba mẹ chúng phải còng lưng chạy vạy, xin xỏ người ta chỉ để chúng được giảm nhẹ hình phạt của mình?

Người nhỏ đã thế, người lớn cũng không kém gì. Sống ở làng, cứ nghe người này đánh vợ đánh con, mai lại nghe người khác đánh bài đánh bạc nợ nần chồng chất làm khổ vợ con mình.  Nhiều người lại còn không chịu làm việc, phó mặc gia đình cho cuộc sống, cứ tới đâu lại tính tới đó.  Ngay cả nhà tôi, chứng kiến trong nhà như thế nữa, tôi càng bi quan hơn.  Rồi những lần trong làng tổ chức lễ hội, những phong trào thể thao, tôi tự hỏi, đã bao giờ mà tất cả được yên bình? Lúc nào cũng xảy ra đánh nhau, rồi thù oán, rồi mắng nhiếc nhau thậm tệ, chẳng phải là con dân trong làng hết sao?  Sao người ta lại có những hành động của những kẻ vô văn hóa, của một làng vô văn hóa như thế chứ?  Lúc đó, cứ để ý trong làng, người ta gây sự với nhau chỉ vì đồng tiền, đôi khi lại chứng kiến một vài người miệt thị kẻ khác, khinh thường người nghèo.  Tôi chỉ tự hỏi là “thực ra, tình thương người của họ để ở đâu?”

Ba năm cấp ba, học ở trường khác Huyện, tôi chẳng dám tự hào gì về cái nơi tôi lớn, cái nơi tôi đã sinh ra, chẳng dám khoe với bè bạn về nơi tôi đang sống.  Đi đâu cũng nghe chúng bạn nói về làng mình bằng những lời thậm tệ “làng bay ăn bám”, làng bay giàu nhờ đi Mỹ”, “làng bay phí tiền xây lăng mộ cho to”, “mấy đứa làng mi ỷ giàu mà coi người khác không ra gì”.  Và còn có thể, nhiều lời thậm tệ hơn thế, nhưng tôi chẳng dám đứng ra bênh vực, chẳng dám biện minh, vì chẳng phải người ta nói đúng sự thật hay sao?  Với tôi lúc đấy, An Bằng chẳng có gì đáng tự hào.  Đấy, những suy nghĩ ấy đã theo tôi trong suốt 7 năm – quãng thời gian mà một đứa trẻ đã biết nhận thức và suy nghĩ về những thứ quanh mình.

Tôi đã lớn lên ở Làng mình như thế, luôn mang trong mình mặc cảm và căm ghét cái nơi tôi sinh ra và lớn lên như thế.  Có thể nói ra lúc này những suy nghĩ đó, tôi biết, nhiều người sẽ nghĩ không tốt về tôi, xấu hơn có thể cho tôi là “một đứa không ra gì” trong mắt của họ.  Nhưng đó điều là những suy nghĩ thật, cảm xúc thật của một thời non trẻ, và chỉ là những gì hiểu được qua con mắt của một đứa trẻ mới lớn, của một đứa trẻ nhận thức còn non kém.

Nếu như thời gian cho ta nhiều kinh nghiệm, thì cuộc sống cho ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ … và tôi biết, điều đó đúng.  Bốn năm xa làng lên thành phố học, tôi đã trưởng thành nhiều hơn trong suy nghĩ của mình. Tiếp xúc với bao người, tiếp xúc với một môi trường mới – hoàn toàn xa lạ.  Những ngày đầu là những ngày đầy hứng khởi.  Tôi tò mò và muốn khám phá cuộc sống mới của mình.  Tôi đã quên béng đi nơi mà tôi đến, nơi mà tôi đã “chôn vùi” tuổi thơ của mình với bao suy nghĩ không mấy tốt đẹp.  Tôi cứ thế, hăng say với những cuộc vui, với một cuộc sống mới đầy thú vị.  Và bỗng chợt một ngày, tôi nhận ra “mình đang lạc lõng, bơ vơ” nơi phố đông thành thị, nơi cả trăm người, nghìn người đang sống. Thành phố lớn và tôi…quá nhỏ bé! Cuộc sống ở đây, người ta bon chen ngày ngày với miếng cơm manh áo, chẳng ai buồn rãnh rỗi mà đi để ý người xung quanh. Nhà hàng xóm, cứ tối đến lại tắt đèn, đóng cửa, chẳng ai nói với ai một lời, rồi biết bao người tôi đã gặp, cứ tưởng người ta cũng như mình, nhưng cuối cùng, cũng chỉ là lừa gạt nhau mà sống, chơi với nhau đôi lúc cũng vì danh lợi…tất nhiên không phải tất cả đều thế, nhưng chỉ là…lần đầu tôi thất vọng với cuộc sống xa lạ này…tôi thấy mình bơ vơ quá! Tôi đã tự hỏi bản thân mình “rốt cuộc tôi đang nghĩ gì?”. Đúng, tôi thấy nhớ nhà, mà nói xa hơn là tôi thấy nhớ cuộc sống của mình trước kia.  Tôi nhớ nhà, nhớ làng, nhớ những khi tối lửa tắt đèn, hôm sớm có nhau, nhớ những ngày bão cả xóm giúp nhau chằng chống nhà cửa, nhớ những tiếng ú ới gọi nhau ngoài biển những lần cá về.  Ở thành phố bao lâu, thế mà tôi không hề nhận ra là tôi nhớ An Bằng nhiều đến thế! Mỗi lần ra đường, nghe một giọng nói An Bằng thôi, cũng đủ thấy lòng ấm áp, rồi ngoái đầu nhìn xem đó là ai, và tự nói trong lòng “À, ông (bà) nớ làng mình”.  Lúc đó, trong lòng thấy vui lạ.  Rồi đi học, lại cứ trông đến cuối tuần, được về nhà.  Cảm giác đó thật là hạnh phúc.  Về nhà sẽ thấy thân thuộc hơn là cứ sống ở cái thành phố chẳng ai biết mình.  Về nhà, tức là về làng, sẽ được gặp nhiều người làng, sẽ không cần phải sàng lọc ra giữa hàng trăm tiếng nói để được nghe một giọng nói An Bằng đặc sệt đậm chất biển nữa.  Rồi sẽ được đi ăn những món mà chỉ riêng làng mới có, sẽ được gặp những con bạn thân một thời “trần truồng” tắm mưa, chơi “đồ đoàn” lúc trước.

Rồi những suy nghĩ trong tôi lớn dần kể từ khi tôi “để ý” đến nơi tôi sinh ra. Cuộc sống và những gì tôi thấy, đã giúp tôi có những cảm nhận khác về ngôi làng của mình.  Có lẽ, những suy nghĩ trong tôi lúc trước là không sai, nhưng nó không hoàn toàn đúng.  Những cô bé, cậu bé tôi đã thấy trước kia và bây giờ, vẫn vậy, tôi vẫn không thay đổi cách nghĩ của mình … nhưng …tôi thấy một mặt khác nữa.  Tôi biết, số đông trong chúng đều đang nuôi trong mình một khát vọng đi Mỹ, hoặc có thể là một nơi nào đó.  Chúng biết rằng, khi rời xa nơi này, tất cả chúng sẽ phải bươn chải hơn với cuộc sống, sẽ không còn những tháng ngày “được ăn chơi” nữa.  Và rồi chúng chấp nhận, chấp nhận một tương lai nhàm chán như thế.  Chỉ có những ngày tháng đi – về, không có tụ tập, không ăn chơi, chỉ có những tháng ngày chỉ vùi đầu vào công việc để kiếm tiền.  Tất cả chúng chỉ mới đáng tuổi em tôi, cháu tôi, thế mà không ít đứa đã một mình bươn chải nơi đất khách, vất vả để lo cho gia đình.  Đôi lúc nghĩ mà thấy thương.  Đôi lúc nghĩ mà ứa nước mắt.  Điển hình là anh chị tôi cũng như chúng.  Liệu chúng có được sướng như tôi không?  Liệu anh –  chị tôi có được như tôi không, có được một tuổi thơ bên gia đình, những lúc khó khăn đều tìm về gia đình, rồi chỉ mải mê học và làm điều mình thích?  Tôi thấy mình còn thua xa chúng, đôi khi tôi còn chẳng thể lo cho bản thân mình, chỉ vì ỷ lại.  Còn chúng, vừa phải tự lo cho bản thân, vừa phải lo cho gia đình!  Còn mấy đứa ăn chơi, đánh nhau, những người chỉ biết đến bản thân, không lo cho gia đình mà tôi đã nói, có thể đó chỉ là “một chấm đen trên nền giấy trắng”.  Lúc trước, có lẽ tôi chỉ chăm chăm nhìn vào chấm đen đó mà không biết rằng, nó chỉ là một chấm nhỏ, thu hút hết sự chú ý của mình.

Tôi đã thấy nhiều, rất nhiều những người khác, ngày đêm vất vả, lo làm để kiếm tiền nuôi con. Tôi đã thấy nhiều, rất nhiều người mặc sóng to gió lớn, kiếm từng con cá con tôm chỉ để ngày mai con cái có một giấc no bụng. Tôi đã thấy biết bao thanh niên, bao người con An Bằng, đi xa lập nghiệp, gửi tiền về lo cho gia đình và đóng góp xây dựng Làng ngày càng giàu đẹp. Tôi đã thấy bao người trong Làng, hàng xóm đùm bọc lấy nhau, sẻ chia nhau miếng cơm manh áo. Tôi đã thấy bao người con mỗi lần đi xa về, đóng góp nhau chỉ để giúp đỡ bao người còn khó khăn. Tôi đã thấy, những người trong chợ, nói chuyện mười phần chua chát, thế mà gặp cậu bé nghèo với hoàn cảnh khó khăn lại rưng rưng nước mắt mà kêu gọi giúp đỡ.  Những điều đó, trước đây sao tôi không hề thấy?  Có lẽ là lúc trước trẻ con thường nhìn cuộc sống qua những điều tiêu cực và tôi … đã từng thế.

Những năm học đại học xa nhà đã cho tôi khôn lớn rất nhiều trong suy nghĩ.  Nhớ lại thời gian đó, có nhiều đứa bạn nhận ra giọng nói của tôi là của An Bằng, rồi hỏi tôi về cái danh tiếng “thành phố ma” mà bao người đã đồn thổi.  Rồi chúng xuýt xoa, bảo Làng có nhiều người “phí tiền”.  Tôi không giận họ.  Tôi kể cho họ nghe cuộc sống trước đây ở Làng, rồi “sự tích” của những cái lăng, của những người mà họ nói là “phí tiền“ kia.  Rồi có dịp, tôi lại dẫn mấy đứa kia về nhà, về Làng chơi.  Và tôi biết, trong suy nghĩ của chúng cũng khác hơn cái nhận định ban đầu.  Đã có lần, tôi thấy mình xấu hổ, xấu hổ chỉ là vì tôi là con dân An Bằng nhưng lại không biết gì về nơi mình sống.  Lần đó, dẫn đứa bạn về Làng, thế mà ngay cả đường ra tượng Phật tôi còn chẳng biết.  Lại xấu hổ hơn khi phải nhờ đứa bạn hỏi đường, vì không thể là người An Bằng mà hỏi người ta đường ra tượng Phật.  Cảm giác đó chẳng khác gì mình là người xa lạ trong mắt họ.  Thằng bạn lúc đó cười nhạo, tôi cũng chỉ biết nhoẻn miệng mà cười cho qua chuyện.  Nhớ lại, đôi lúc thấy mình quá tệ!

Quãng thời gian Đại học đã cho tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi không còn mặc cảm như trước nữa, cứ mặc cho mọi người nghĩ gì, tôi luôn tự hào khoe về làng của mình, về nơi tôi sinh sống, tôi kể ra với một niềm hạnh phúc, mà trước đây, tôi chưa hề nghĩ là mình lại có những xúc cảm như thế.

Giờ đây đi xa Huế, đi xa làng An Bằng, vào sinh sống lập nghiệp ở mảnh đất Sài Gòn này, có lẽ nỗi nhớ nhà là nhiều hơn cả, nhớ làng cũng có.  Ở đây, tìm người làng khó hơn ở Huế.  Cứ hễ nghe thấy giọng người làng là lại theo phản xạ mà nhìn về phía giọng nói đó, rồi cảm thấy vui, vui giữa lòng một thành phố xa lạ được gặp đồng hương.  Đi xa rồi mới thấy nhớ, nhớ món ăn mẹ nấu, nhớ đặc sản bánh ép, mắm dưa, nước mắm của làng, nhớ những người làng chân chất mùi của biển, nhớ giọng nói thân quen của bao người thân, bạn bè.  Tất cả lại làm tôi thêm khắc khoải một hình bóng quê nhà.  Bỗng thấy nhớ một câu thơ của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”

Ừ, đúng là thế thật.  An Bằng trong tôi, giờ đã là tâm hồn.  Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hiền hòa như thế.  Cảm ơn vì đã cho tôi sống giữa cái chân chất của những người con miền biển.  Cảm ơn vì đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi được yên bình đến bây giờ.

Bây giờ “thèm” cảm giác yên bình khi ngồi trên bãi biển, “thèm” mùi muối mặn Quê Hương, “thèm” ăn một miếng mắm quê nhà và “thèm” nghe một giọng nói An Bằng..  Giá như lúc này được nghe một giọng nói An Bằng thôi thì hạnh phúc biết mấy!

BT