C8185662-75BA-49CB-AC75-FDC87DB0664A
(xem video ở dòng chữ màu xanh bên trên )
Nghe chim kêu ríu rít
Như sao động sớm mai
Nghe bàn chân đỡ mõi
Nghe gọi về tuổi thơ
Có lẽ một hình ảnh rất quen thuộc mà mỗi người dân An Bằng ở độ tuổi 40 trở đi ai cũng biết. Xưa nó là một nơi rất nhộn nhịp vào mỗi sáng sớm, tiếng hò, tiếng hát của những người mệ, người mẹ, tiếng trò chuyện của những đôi nam thanh nữ tú trong những lúc đi lấy nước giếng chùa về phục vụ cho việc sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Giờ đây, nó đã trở thành nơi hoang vắng, đến với nó chỉ có những bụi cây xung quanh đường và tiếng chim ca làm người bạn mà thôi.
Được biết, ngôi chùa đầu tiên của An Bằng này được xây dựng vào khoảng năm 1752 (theo bức hoành phi mà ông Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo tín cúng. Như vậy, căn cứ vào các chữ đề trên hoành phi và chiếu theo các dòng kệ của các dòng thiền Phật giáo xứ Thuận Hóa, như dòng thiền của ngài Thiệt Diệu Liễu Quán (khai sơn chùa Thiền Tôn- Huế), trong thời gian trị vì Đàng Trong của ba vị chúa Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thụ thì dòng kệ của Tổ sư Liễu Quán có chữ Hải nằm ngay sau chữ Tánh, tức cách ngài Liễu Quán 5 đời (đời thứ 40 dòng thiền Lâm Tế truyền từ Trung Quốc sang). Nhưng nếu cách ngài Liễu Quán 5 đời thì chữ Hải không thể nằm trong thời gian có niên hiệu Cảnh Hưng, mà phải vào đời vua Tự Đức (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX). Còn nếu chữ Hải của ông Lê Đức Trí pháp danh Hải Bảo rơi vào dòng kệ của ngài Trí Bảng Đột Không thì theo truyền thừa của dòng kệ trên có đệ tử là Minh Châu Hương Hải (một vị quan dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu các quan xuất gia, lập ra Thiền Tịnh viện tại núi Linh Thái). Chiếu theo dòng kệ này, nếu chữ Hải mà ông Lê Đức Trí thọ nhận là pháp danh Hải Bảo thì sẽ cách ngài Minh Châu Hương Hải 3 đời, có nghĩa là vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XVIII, theo lạc khoản bên phải bức hoành phi: Cảnh Hưng tuế thứ Quý Dậu… tức vào đời vua Lê Hiển Tôn, và năm Quý Dậu là năm 1753, tức dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong) và có tên gọi là An Đức Tự do các bô lão, quan viên chức sắc trong làng xây dựng với mục đích là thờ phụng những người có công với làng xã, đất nước. Chùa được nằm ở Độn Bồ, nơi đầu tiên ngôi làng An Đôi được hình thành kể từ khi ông Nguyễn Văn Lĩnh đặt chân lên đây khai canh vào năm 1558. Trải qua rất nhiều thời gian, năm 1968, ngôi chùa bị bom Mỹ đánh sập, quý bà con đem bức hoành phi và bộ tượng Tam Vị Quan Thánh về thờ tại ngôi chùa mới ở cạnh bên dưới của đình làng. Sau giải phóng, ngôi chùa được dời vào tại vị trí cạnh chợ An Bằng và có tên gọi là Chùa An Bằng cho đến ngày nay. Kể từ đó mọi sinh hoạt, tu học hay lễ lược của quý tăng ny Phật tử đều tại đây, không mấy ai quan tâm đến ngôi chùa An Đức nữa.
Đến năm 2004, sau khi một vài người dân đào lấy đất để phục vụ cho việc xây dựng hoặc tín ngưỡng thì phát hiện một hệ thống nền móng cũ cùng các bức tường đỗ nát nằm sâu dưới lòng đất khoảng 7m, với chiều dài là 6m, chiều rộng là 4m. Quý đạo hữu, Phật tử và bà con trong làng quyết định vận động, quyên góp tài chính để cho xây dựng mới lại theo trên nền móng cũ.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong thì cũng ít ai đến viếng thăm hay nhang khói vào các ngày rằm, mồng một mà nó luôn đóng cửa và trở thành nơi hoang vắng. Lý do là đường xá không được thuận tiện, cây cối xung quanh đường lên ngôi chùa mọc um tùm vì thế người ta đến đó cũng ngại.
Thiết nghĩ, mọi người chỉ cần nhớ về quê hương, nguồn cội, kỷ niệm trong ta của một thời thì sẽ cùng đồng lòng xây dựng một con đường đầy ý nghĩa từ đường ra biển Bắc Thượng đến ngôi chùa khoảng 300m. Hy vọng qua đợt An Bằng hội ngộ ở Hải ngoại được đông đảo bà con quan tâm.
Lê Bát