Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ xa xưa tục tảo mộ đã trở thành ngày lễ truyền thống, quan trọng, thiêng liêng đi sâu vào tâm thức của người Việt Nam nói chung và người An Bằng nói riêng.
Tảo mộ gắn liền với đạo đức, thể hiện tinh thần biết ơn và báo ơn của những người con người cháu, luôn tưởng nhớ công lao của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây cũng có thể coi là ngày giỗ tổ chung của mỗi dòng họ, để mọi người con cháu trong dòng họ có dịp báo hiếu, đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.
Ở người An Bằng, tục tảo mộ những thập niên gần đây diễn ra những ngày đầu tháng 8 âm lịch. Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày tảo mộ (Chạp) cũng cố gắng trở về với quê hương, dòng họ, gia đình để được đi tảo mộ, dự lễ chánh tế tiên linh, để cùng nhau hội ngộ, tâm sự thăm hỏi nhau bên mâm cơm cùng người thân, bà con dòng họ.
Theo phong tục tảo mộ truyền thống của người An Bằng, thì vào trước ngày chánh tế tiên linh, con cháu trong các dòng họ sẽ tập trung cùng nhau tới những ngôi mộ của tổ tiên dòng họ mình để dọn dẹp sạch sẽ, sửa sang, vun đắp thêm đất mới cho phần mộ được khang trang; sau đó thắp hương (nhan) khấn thỉnh tổ tiên, những người đã khuất về tham dự lễ chánh tế tại nhà thờ họ, phái, chi, nhánh trong ngày hôm sau.
Trong ngày dâng lễ chánh tế lên tổ tiên, những người con cháu trong dòng họ thường quy tụ tại từ đường rất sớm, để chuẩn bị các phẩm lễ như trầu rượu, hoa quả, giấy tiền vàng mã, đầu heo (bộ “thủ qùy”), mâm cơm… để dâng cúng tổ tiên. Trong nghi thức chánh tế của người An Bằng cũng có những nét đặc trưng riêng; mở đầu là ba hồi lệnh phèng la, sau đó vị chủ lễ sẽ hành lễ ở am ông “ngoại” trước. Tiếp theo là nghi thức lễ tiến linh ở bàn thờ tổ tiên, ở lễ này sẽ có 3 vị chủ lễ hầu bái ở 3 căn. Các nghi thức hơn bái, sớ điệp (tùy mỗi họ) lệnh chiêng, trống được điều hành bài bản đúng với nghi lễ truyền thống bởi 2 vị thầy lễ. Và sau cùng là phần dâng hương, lễ bái của tất cả con cháu trong dòng họ; phần thiêu hóa giấy tiền vàng mã, hoàn tất.
Sau các nghi thức dâng lễ báo ân tổ tiên, các người con cháu trong dòng họ quây quần bên mâm cơm hội ngộ, hàn huyên tâm sự sau những ngày tháng bôn ba vì cuộc sống riêng của mỗi người và đặc biệt để những đứa cháu đời sau nhận biết nhau và gắn kết hơn.
Tục tảo mộ (lễ chạp) không những thể hiện đạo lý “nhớ về nguồn cội” mà còn dịp để những người con cháu trong dòng họ được hội ngộ, tâm sự, ôn lại gốc gác tổ tông mình, thể hiện tinh thần yêu thương, đoàn kết, xây dựng, nối tiếp nhau gìn giữ gia phong của họ tộc.
Bởi vậy, dù ai có đi xa hay bận trăm công nghìn việc cũng mong mỏi, cố gắng sắp xếp về tham dự ngày tảo mộ, dâng lễ báo hiếu tổ tiên của dòng họ; Cầu nguyện anh linh tiên tổ thiêng liêng sẽ phù hộ, độ trì cho con cháu được dồi dào sức khỏe, trí lực thông minh, công thành danh toại, trên dưới thuận hòa, gia đạo ấm êm, tình cảm huyết thống ngày càng bền chặt.
Mỗi một người An Bằng luôn khắc sâu bổn phận và trách nhiệm của mình đối với sự kế thừa và phát triển dòng họ mà tiên tổ đã bao đời gầy dựng nên; và được thể hiện rất rõ trong việc vun bồi sửa sang mộ phần và tiến hành dâng lễ cúng bái đầy đủ trong các ngày lễ chính của dòng họ hằng năm, trong đó có ngày tảo mộ (Chạp).
“Tổ tiên xưa xây nền, công cao tựa núi, nghìn thưở ngưỡng tôn
Con cháu nay lớn mạnh, ơn sâu như bể, muôn năm ghi nhớ”.
Tin: Anh Đức
Hình ảnh ghi nhận:
99784 769903There is noticeably a bundle to learn about this. I assume you produced specific nice points in attributes also. 427583