■ Tác Giả: Văn Đình Lang Quân

Khảo luận về ngôi làng, con người, và tính tình của An Bằng.  Hãy cùng nhau đi về phía trước mặt để ghi mãi tình quê trong tim bạn.

Dẫn Nhập:

Quảng Tịnh, một người dân An Bằng hiện sống ở hải ngoại, qua bài viết “Vài Nét Về Dân Làng An Bằng Ở Hải Ngoại” đã âm thầm nhắn gởi tâm tư của mình cho thế hệ con em để nhìn lại chính bản thân của họ như sau:

Gần đây, trên mạng internet, một số nhà báo bàn tán xôn xao về việc xây lăng mộ tại Làng An Bằng trong nước.  Họ phê bình và lên án, cho đó là việc làm phung phí.  Người viết nghĩ đó cũng chỉ là lời phê phán của một thành phần nhỏ chưa am hiểu tường tận về nếp sống, sự chơn chất và tình cảm của một tập thể họ bàn tán đến. (Quảng Tịnh, 2013, p. 24)

Rõ ràng ông phủ nhận những phê phán từ những người chưa am hiểu về người An Bằng khi vội vã chỉ trích không căn cứ ấy.  Đây là một thúc đẩy cho người viết mạnh dạn hơn trong công việc tìm tòi về những bài viết liên hệ và tìm hiểu hư thực để viết lên bài khảo luận này.  Mục đích của bài viết này là để làm sáng tỏ cái việc đã và đang làm của người dân An Bằng nhằm để chia sẻ với lớp thanh niên An Bằng và bạn bè của họ, không phải để phản bác lại nhóm chủ trương đối nghịch đã có nhiều bài viết đăng trên mạng về quê hương An Bằng một cách thiếu chính xác.  Và, hy vọng, với tinh thần thanh niên, họ sẽ biết nhận rõ giá trị đích thực của cuộc sống và tìm một hướng đi mới phù hợp với đà tiến văn minh xã hội, với sự biến đổi không ngừng của vạn vật.

Nguồn Gốc Của Những Bài Viết:

Vẫn biết cái thế giới mạng lưới này rất rộng nhưng cũng rất gần; ai cũng có thể viết những gì họ thích, cộng thêm một vài hình ảnh đưa lên thì gọi đó là báo.  Nội dung của một bài viết không chân chính đôi khi sẽ làm loảng đi sự thật, phá hoại lịch sử.  Một nhà báo thật sự không bao giờ có một hành động cá nhân hay có cái nhìn ở một góc độ nhỏ bé.  Dù rằng lời văn là của họ, con chữ là của họ, nhưng một bài báo chính thức phải được đăng trên một diễn đàn có người chủ bút, có kẻ chủ trương.  Thiếu đi hai điều kiện này, bài viết chỉ nằm trong phạm vi riêng tư, lệch lạc với suy nghĩ một chiều mà họ cho là đúng.  Và cái riêng tư đó chưa được gọi là một bài viết có giá trị.  Đôi lúc bạn đọc một bài viết thật hay, thật lạ, thật hấp dẫn, nhưng bạn vẫn không tìm ra được tác giả là ai.  Chẳng có gì lạ cả, bởi chữ nghĩa thời nay, với sự lạm dụng của internet, người ta có thể sao chép và chỉnh sửa một vài chữ rồi đưa lên mạng lưới của họ mà không cần biết xuất xứ từ đâu hay tác giả là ai.  Trong làng chữ nghĩa, đạo văn là một tội đáng sợ nhất.  Có lẽ vì vậy mà người An Bằng chính tông ít khi đả động đến những bài viết không được giới trí thức thừa nhận ấy.  Có khi, vì quảng cáo cho một địa điểm du lịch, những công ty du lịch đã không ngần ngại viết (hay “mượn”) những bài viết về làng An Bằng như một cách gây tính hiếu kỳ đến du khách.  Nhiều khi, khách sẽ tin tưởng vào những gì công ty du lịch phổ biến nên không cần phải tìm hiểu thêm.  Đó chỉ là công cụ tất yếu, nên bài viết đó có giá trị bao nhiêu thì chỉ khi người đọc thật sự sống với An Bằng mới có thể cảm nhận ra được.  Rồi lại có những bài viết nhắm vào thị hiếu của đọc giả, viết cái mà người đọc muốn đọc bởi xã hội đã công nhận như thế.  Đó chẳng phải đi lạc với sự nghiêm túc viết lách hay sao!  Tuy nhiên, người viết rất biết ơn những tác giả có lòng viết về ngôi làng thân thương An Bằng, dù tốt hay xấu.  Người viết sẽ cố gắng trích nơi xuất xứ để bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về bài viết của họ.  Dù gì, An Bằng là nơi có một nghĩa trang nề nếp tầm cỡ nên đã làm cho những tay viết bị “choáng ngộp” khi viết về “thành phố ma” này.

 

Chung chung, những bài viết khác viết về lăng mộ An Bằng được gom lại gồm ba thành phần như sau:

  1. Trầm trồ với cái vĩ đại của các ngôi lăng mộ ở An Bằng nhưng không hiểu về đằng sau con người ở đây.
  2. Viết thì ít nhưng hình ảnh thì nhiều, như nhắm vào mục tiêu quảng cáo cho ngành du lịch hay muốn khoe khoan với bạn bè là họ đã có một lần ghé qua An Bằng.
  3. Khen ngợi và chỉ trích người An Bằng về việc xây lăng mộ.

Dù thành phần nào đi chăng nữa, việc mà làng An Bằng làm đã gây sự chú ý đến những tay viết từ xứ khác giữa giây phút không dằn được cơn cảm xúc trước những hình ảnh mà họ đã chứng kiến hay nghe kể.  Ở thành phần 1 và 2, người ta dựa vào những hình ảnh trước mắt để chia sẻ những gì họ chứng kiến và để phơi bày hay thu hút đọc giả và du khách.  Có khi, ta nhận thấy có bài viết nói rằng các ngôi lăng mộ có thắp điện đèn và có luôn cả nhà vệ sinh, mà chưa chụp được những hình ảnh này.  Có nói thái qúa không?  Chắc chắn người đọc khó lòng tin tưởng điều này, vì khi muốn làm một hệ thống nhà cầu thì phải có hệ thống cầu cống, hệ thống nước, vân vân.  Rồi có bài báo cho rằng làng An Bằng bỏ ra cả bạc tỷ để xây lăng.  Họ có biết đâu trong số đó là những ngôi lăng hay nhà thờ của những vị tổ trong dòng tộc do trăm con ngàn cháu chung nhau góp công của chứ không do một cá nhân nào.  Người ta đã không phân biệt được đâu là lăng mộ và đâu là nhà thờ thì cây viết của họ đáng tin cậy bao nhiêu? Tuy nhiên, họ đã thành công nhiệm vụ của họ: quảng cáo khu du lịch và làm phóng đại những gì họ chứng kiến.

Ở thành phần 3, người ta cố tình đào bới ra những nguyên nhân gây nên hiện tượng lạ ấy.  Người An Bằng vốn ít chú tâm vào những khen chê nên không lưu tâm gì mấy về điểm thứ 3 này.  Tuy nhiên, đây là cơ hội cho những tay viết đào sâu vào các nguyên do để rồi có khi gây xôn xao cho xã hội.  Họ lồng vào những câu ca dao tục ngữ nhằm làm hấp dẫn đọc giả như “phú quý sinh lễ nghĩa” (Nguyên Linh, 2010), hay “xây lăng để trả hiếu”.  Nhưng đôi khi họ đã cố tình nghiêng lệch cây bút làm cho bài viết của họ đứng về một góc độ nhỏ bé khác.  Ví dụ, họ gán cho làng An Bằng là làng “ăn xin” (Duy Tuấn, Đua nhau xây lăng tiền tỷ ở ‘làng ăn xin’, 2011), hay mạnh hơn, “trả thù dĩ vãng” (Huy Phương, 2013) bởi cái nghèo khó trước kia.  Rồi rộng ra hơn nữa, “người chết nuôi người sống” (Kim Long & Loan Nguyễn, 2013).  Những câu hỏi tính cách trách nhiệm của nhà nước, của những người có chức quyền đã không ngần ngại đặt ra.  “Tại sao xây lăng trong khi dân Việt Nam vẫn còn nghèo?”  hay “tại sao không dùng số tiền đó để đưa nguồn kinh tế đi lên mà đầu tư vào việc xây lăng?”, hay “uổng phí qúa, dân ta còn nghèo mà đi làm chuyện này qủa là uổng phí.”  Đại loại như thế.  Những cây viết này đã dành cho dân làng An Bằng một vị trí rất cao, hơn cả những người có thẩm quyền làm đẹp, làm giàu đất nước chăng?

Cũng có những lập luận đã mắc phải một số lỗi lầm căn bản: không ăn khớp (fallacies of non sequiturs, bandwagon appeal, hasty genearalization) và dùng cái kết qủa để làm luận điểm (fallacies of ad hominem, false cause).  Ví dụ:

  • a)      An Bằng đi Mỹ rất đông
  • b)      Nhờ đi Mỹ, họ có nhiều tiền
  • c)      Nhờ có nhiều tiền, họ xây lăng để trả hiếu
  • d)     Xây lăng để trả hiếu là hành động đáng khen, nhưng xây to qúa thì hóa ra phung phí
  • e)      Vì vậy, người An Bằng phung phí tiền bạc bởi họ đi Mỹ rất đông

Tuy mới nhìn vô, người đọc có thể chấp nhận các luận điểm này, nhưng thật ra chúng không ăn khớp với nhau và đây là cơ hội cho những đào sâu hơn, nếu như thật sự muốn hiểu thêm về người An Bằng.  Câu a) được chứng minh qua những hộ gia đình có người thân ở nước ngoài – rất dễ nắm rõ.  Lương Bích Ngọc đã dám ước đoán rằng “An Bằng có 6000 dân nhưng có gần 4000 Việt Kiều.” (Lương, 2005).   Cho dù con số có sai lệch, nhưng ta có thể hiểu rằng An Bằng ở ngoại quốc rất đông, và điều này cho thấy phần đông người An Bằng nhờ vào Việt Kiều để được như ngày hôm nay.  Từ câu a) dẫn đến câu b) là một trải dài chông gai, gian nan mà người ở hải ngoại chinh phục được.  Rồi có bao giờ người ta tưởng tượng đến cái gan dạ và liều lĩnh của người đánh cá vượt đại dương tìm lối thoát cho tương lai không?  Nếu thành công thì coi như cái giá trị ấy đã được đền bù, nhưng thất bại thì sao?  “Vượt biển là cái tội mà công an nếu bắt được thì bỏ tù dù là trẻ con còn đang bú mẹ.” (Lê, 2012).  “Cũng có những người ‘thành công’, nhưng cũng có nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển cả khi thuyền gặp bão.” (Duy Tuấn, Bất lực ở ‘thành phố lăng mộ’ tiền tỷ, 2011).  Trong khi họ đã trải nghiệm những chông gai ấy, họ mới cảm nhận mỗi một phút giây mà họ sống đều có giá trị.  Vì vậy, họ không đầu hàng trước mọi khó khăn mà chỉ biết phục chế cuộc đời bằng cách chăm chỉ làm việc để thăng tiến bản thân và gia đình.  Không phải ai đi Mỹ cũng có tiền nhiều.  Đó là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng hội nhập vào đời sống để vươn lên.  Họ vươn lên trong xã hội mới của họ, và sẵn sàng hy sinh cho thế hệ con em dành được niềm vinh dự thành công trong xã hội.  Sau đó, họ mới nghĩ đến công việc trả hiếu, câu c).  Họ xây lăng không phải để nhận được một lời khen ngợi nào, mà công việc này phát xuất từ sự trung thực từ tấm lòng đến với tổ tiên của họ.  Việt Nam ta có rất nhiều người đi nước ngoài.  Có kẻ thành công, có kẻ không.  Trong số thành công ấy, người ta mới nghĩ ra làm ăn và thu lợi về riêng họ.  Nói vậy không có nghĩa là người An Bằng không biết làm ăn, nhưng có lẽ họ chú trọng về chữ hiếu nhiều hơn.  Có khi, vì không thể giải thích được điều này nên chi các tay viết mới vạch ra một ấn tượng mới về tâm linh: tổ tiên của họ phù hộ cho họ làm ăn khấm khá nên chi họ xây lăng.  Nếu không có nỗ lực thì sao?  Điều này chỉ là niềm tin, chứ không thể nào chứng minh được.  Cần gì phải chứng minh?  Niềm tin là niềm tin, và nó chỉ có thật khi thật sự tin vào nó.  Tại sao họ không đặt ngược vấn đề lại là vì biết ơn đền hiếu nên người An Bằng mới làm ăn khấm khá lên?  Vì vậy, trong câu d) đã mâu thuẩn lẫn nhau.  Nhưng từ d) qua e) là một sai lầm lớn.  Một cậu bé nhận được một tờ bạc 1 đô của Mỹ có hình tổng thống Washington và cậu ấy kết luận rằng tất cả những tiền bạc ở Mỹ đều có hình tổng thống Washington.  Cũng như vậy, vế câu “người An Bằng phung phí tiền bạc vào công việc xây lăng vì họ có tiền từ nước ngoài gởi về” là một câu kết luận sai lầm như một cậu bé so sánh tờ bạc 1 đô la với những tờ bạc khác.  Họ lấy cái kết quả (tiền nhiều) để làm luận điểm cho công việc xây lăng là một lỗi lầm lớn trong triết luận.  Người ta có thể đi chơi, mua đất đầu tư, mua nhà ở thành phố, mở một công ty lớn, hay chỉ đơn giản hơn – đưa tiền vô nhà băng để kiếm lời, chứ người ta không nhất thiết phải xây lăng khi có tiền.  Cho nên, cái nhìn của cậu bé đó không sai, mà chỉ nằm ở một góc độ nhỏ bé mà thôi.

Nhưng ta đã nhận thấy có một vài trường hợp vì muốn xây lăng to lớn nên người An Bằng đã xây đi xây lại nhiều lần.  Sự chỉ trích này rất chính xác với tiêu chuẩn “phung phí” mà những tay viết đã nêu ra.  Và sự chỉ trích này không thể nào áp dụng cho cái nhìn toàn diện của dân làng An Bằng.  Đây chỉ là tờ giấy 1 đô mà cậu bé nhìn thấy được.

Làng An Bằng – Thành Phố Ma

Người ta mô tả làng An Bằng qua đường đi xe từ thành phố Huế hướng về.  Có người nói cách thành phố 60 km, có bài viết 40 km (Nguyễn, 2012), 30 km (Phạm, 2011), (Kênh Du Lịch Huế, 2013), vân vân.  Có người còn miêu tả, “Từ trung tâm Huế, chạy dọc theo QL 49 ghé thăm bất kỳ ngôi nhà nào hỏi về ‘thành phố’ đặc biệt này, hầu hết ai cũng biết.” (Kim Long & Loan Nguyễn, 2013).  Có người nói Tỉnh Lộ, có người gọi là Quốc Lộ.  Cái đáng ghi chú ở đây không phải là khoảng cách khác biệt giữa những người viết, mà là cái nổi danh của làng An Bằng đã gây xôn xao cho nhiều người có lòng tò mò.  Nếu không có khu phố lăng mộ thì An Bằng chỉ là một làng nhỏ, ít ai biết đến.  Có khi người ta nhầm lẫn An Bằng và Thuận An là một (Lương, 2005), hay cố tình nhắc đến Thuận An để người đọc liên tưởng có một ngôi làng cát trắng nào đó ở vùng ven biển tại huyện Phú Vang.  Có người còn cho An Bằng thuộc Huyện Phú Lộc (Hồ Sĩ Bình).  Những hiểu biết về ngôi làng này qủa thật vẫn còn mập mờ từ giới báo chí.

Có người vội vã cho rằng, trước kia An Bằng là một làng “ăn xin” (Duy Tuấn, Đua nhau xây lăng tiền tỷ ở ‘làng ăn xin’, 2011) (Duy Tuấn, Sửng sốt ở nghĩa địa xa hoa nhất VN, 2011) (Huy Phương, 2013).  Nhưng họ đã không nói rõ vào thời điểm nào người dân ở đây đi ăn xin.  Có lẽ đã có một vài gia đình đi ăn xin để tìm ra lối thoát tạm thời trong thời kỳ “khó khăn” vì hoàn cảnh đất nước, nhưng nó không thể nào đại diện cho nguyên cả một vùng.  (Cậu bé kia lại cầm tờ đô la lên).  Nếu nó có thể đại diện cho nguyên cả vùng thì tại sao không là một điển hình cho cả đất nước?  Những vị niên trưởng trong làng đã công nhận điều này.  Ông Trương Minh Khôi nói, “Tôi còn nhớ sau năm 75, thời gian năm 1978-1979 cả Miền Trung gặp nạn đói.  Lúc đó người An Bằng cũng có một số đi xin ăn để giải quyết cơn khủng hoảng.  Nhưng không chỉ riêng số người An Bằng mà người từ Quảng Bình, Quảng Trị và cả Thừa Thiên, đi xin khắp thành thị đến thôn quê.” (Trương Minh Khôi, 2013). Bởi sau khi cuộc chiến tàn, người chiến binh đã bị làm khó dễ cộng thêm sự ngặt nghèo của mùa biển nên chi họ đã dọn đi xa vào những vùng kinh tế mới để mong được sống còn.  Người An Bằng được giáo dục dùng khả năng của mình để kiếm sống, và chính điều này đã làm họ cố vươn lên.  Câu tục ngữ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” đã trở thành sự thật giữa ngay đời sống của họ.  Và rồi họ đã trải qua được cái “khó” bởi định luật trên.  Nhưng đằng sau tiến trình “vượt qua cái khó” đó đã trả đi rất nhiều hy sinh.  Những người khách quan đứng ngoài nhìn vào chẳng thể nào hiểu được.

 

Trước tiên, ta nên tìm hiểu thêm về lịch sử của ngôi làng này.  Theo tài liệu của Văn Đình Xuân, làng An Bằng có nguồn gốc từ thôn An Ba, Xã Cừ Hà, Huyện Khang Lộc, Phủ Tân Bình, nay tỉnh Quảng Bình (Văn Đình Xuân, 2004, p. 7).  Những vị tổ tiên của họ là thân thích của Chúa Nguyễn Hoàng theo hầu vào phía nam.  Lúc đầu, làng còn gọi là làng An Đôi cũng vì lẽ đó (Văn Đình Xuân, 2004, p. 29).  Có lẽ vì chữ “Đôi” đối với chữ “Ba”, nên tổ tiên ở đây vì nhớ nguồn gốc của mình nên chi đã khéo léo dùng chữ để đặt cho tên làng. (Quảng Tịnh, 2013).  Ông Quảng Tịnh còn nói rằng, cũng từ sự khéo léo đó nên trải qua bao nhiêu năm, chữ “đôi” đã trở thành chữ “bằng”.  Nhưng có đôi, ba, bằng đi chăng nữa, chữ “An” vẫn còn tồn tại đến hôm nay.  Có người cho đây là dân làng “an bình”, luôn luôn tìm sự bình an nên chẳng màng đến những thị phi vô nghĩa không mang lợi ích và an bình cho cuộc sống.  Ai nói gì thì nói, mặc cho bao thị phi, việc ta làm – ta cứ làm.  Theo tài liệu trên, chúng ta nên công nhận những vị tiền nhân ở làng này rất khéo léo khi đặt tên làng và chứng tỏ rằng thời bấy giờ đã có nhiều vị có kiến thức cao rộng.  Và cũng theo tài liệu trên, chúng ta có thể hiểu rằng người An Bằng luôn luôn tìm đến sự bình an và rất tự hào với cái tên của ngôi làng này.

Chính vì một lòng muốn đền đáp phần nào công ơn của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ để lòng được thanh thản, khỏi bị giày vò nên đã dựng nên những ngôi lăng mộ mà không cần quan tâm đến những sự bàn tán xôn xao của dư luận chăng?  Ông Quảng Tịnh nói, “nhờ vào nếp sống bình yên và tình cảm dạt dào mà người dân đã ấp ủ cho nhau từ thế hệ nầy sang thế hệ khác nên người dân làng luôn có tinh thần gắn bó với quê hương làng nước.” (Quảng Tịnh, 2013, p. 23).  Cái tình gắn bó đó đã mang theo suốt cuộc đời của họ nên chi họ đồng lòng, đồng tâm tích cực xây dựng xứ sở của mình bằng lòng nhiệt huyết.  Trước tiên, khi nghĩ đến nguồn gốc tổ tiên của mình, họ liền nghĩ đến công việc xây lăng.  Một người làm, hai người cùng làm, ba người tiếp tay làm, cả dòng họ làm, rồi cả làng cùng nhau làm.  Xây lăng mộ cho người qúa cố là một trong những việc làm của người dân trong làng nhằm thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên. Và cứ thế, qua sự gắn bó, làng An Bằng đã đi vào một trang lịch sử khác của thế hệ với những ngôi lăng mộ nổi bật tại miền Trung Việt Nam.  Ngày nay, bởi số lượng lăng miếu trùng trùng điệp điệp ấy, làng An Bằng đã ngang nhiên trở thành “Thành Phố Ma” hay “Thành Phố Lăng” do những người xứ khác gán đặt cho.  Dù vậy, trong mỗi con người An Bằng, quê hương của họ luôn luôn là một nơi chốn bình an, không tranh đua với xã hội.  Nếu có tranh đua chăng nữa thì cũng trong phạm vi trả hiếu của mỗi gia đình hay dòng tộc.

Tại Sao Xây Lăng?

Ta nên đặt ra một câu hỏi căn bản nhất: tại sao xây lăng?  Về sự thông hiểu bình thường thì thi thể người chết cần phải được chôn cất để tránh tình trạng thối nát, làm ô nhiễm môi trường.  Có nhiều cách an táng người qúa cố nhưng hiện nay vẫn thịnh hành hai cách thông dụng: địa táng và hỏa táng.  Địa táng là chôn thi thể người chết xuống lòng đất để được tan biến từ từ theo thời gian.  Hỏa táng là thiêu đốt thi thể ra thành tro bụi rồi có thể giữ lại hay đưa vào không gian hay rải vào biển khơi.  Ở Việt Nam và những xứ Á Đông, địa táng vẫn thông dụng nhất.  Những nơi có đất bùn, thì mộ địa của họ sẽ được gìn giữ lâu hơn.  Điều này là một sự khó khăn cho những nơi có đất cát khi gặp gió bão, đặc biệt là những vùng ven biển.  Một bài báo viết rằng, ngày xưa người ta “ở vùng này chôn người chết trên các độn cát và sau vài mùa mưa lụt làm đất cát xói mòn bày ra quan tài. Người ta cho cảnh tượng đó là tang thương.” (Phóng Viên UCANews, 2012).  An Bằng là một làng mà người ta gọi là “ốc đảo” (Lê, 2012), “cồn đảo” (Quảng Tịnh, 2013) nên chi công việc xây lăng rất cần thiết để gìn giữ thi thể tránh bị gió cuốn mưa trôi.  Không những riêng làng An Bằng mới xây lăng, những làng khác có địa thế tương tự cũng thực hiện điều này.  Trong số tiêu biểu đó, làng Tân Mỹ (ANTĐ, 2012), làng Hải Nhuận (Từ, 2009), làng Thuận An (Lê, 2012), vân vân, cũng thi đua nhau xây lăng với mục đích gìn giữ thi thể khỏi bị biến động.  Muốn được điều này thì lăng mộ cần phải được sâu và rộng.  Những người kỹ sư (thợ xây lăng) cũng đã nhìn nhận điều này.  Nhưng sâu và rộng chưa phải là yếu tố chính để xây lăng cho đẹp, cho cao.  Có lẽ cái “cao và đẹp” đã vô tình làm loảng đi ý nghĩa trả hiếu nên đã bị chỉ trích khá nhiều.

 

Về tình cảm, phong tục của loài người là chôn cất người qúa cố cho thật tôn kính, để đền ơn trả hiếu.  Khi chết đi, người ta chẳng để lại cái gì cả, ngoài mớ tình cảm giữa người thân và người thân.  Tình cảm không dễ gì bị phá vỡ, bởi nó là vô hình.  Nhưng cũng chính vì điều vô hình này nên người sống muốn cụ thể hơn.  Và công việc chôn cất tử tể khỏi bị mai một là điều cụ thể nhất mà họ có thể làm được.  Vì vậy, lăng mộ An Bằng đã được mọc lên với nhiều cỡ kích khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và khả năng.  Tình cảm của con người không làm sao lấy một thứ vật chất để đền bù được, dù bao nhiêu cố gắng.  Cũng thế, sự hiếu thảo từ con cháu không thể nào lấy lăng to tẩm lớn ra để trả cho được.  Điều đáng nói là sự an tâm ở người sống.

 

Dù sao, đây chỉ là tấm lòng để tưởng nhớ đến người đã qúa vãng.  Ngoài công việc này, người An Bằng còn cố tình để lại tấm gương hiếu hạnh cho thế hệ con em sau này.  Họ không cần phải giảng dạy nhiều bằng ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ sẽ hạn hẹp đi.  Họ chọn hành động để diễn đạt tâm tư của họ.  Muốn trở thành một người thầy giỏi, một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, trước tiên ta cần phải làm một người học trò ngoan hay một kẻ hạ cấp trung thành.  Và muốn làm cho con cái thương kính cha mẹ thì trước tiên, bậc cha mẹ phải biết tỏ lòng kính hiếu với tổ tiên của mình.  Người An Bằng đã vô tình làm được câu nói trên mà không qua một trường lớp nào cả.  Có chăng là những lời vàng ngọc mà tổ tiên của họ để lại.  Xây lăng là một hành động dạy cho thế hệ trẻ hiểu rằng: dân làng ta quan trọng chữ hiếu và luôn luôn đặt chữ hiếu ở vị trị cao nhất.  Tuy nhiên, đây cũng là một quan niệm, một tư duy mà người An Bằng đang bám víu hiện nay.  Ở một xã hội mà vật chất chiếm toàn bộ mọi ảnh hưởng, con người ta bắt đầu tìm lại đời sống gia đình, tìm ra cái giá trị gia đình để khéo léo chuyển đổi cái suy tư, làm phù hợp cho đời sống trong khi giữ lại gia phong.   Có thể một vài trường hợp, người An Bằng đã có quan niệm, “sống gởi thác về” (cuộc đời là cõi tạm, chết về bên kia mới lâu dài), nhưng gán cái quan niệm này cho tất cả người An Bằng thì có lẽ chưa chính xác.  Ngược lại, người An Bằng quan niệm sự hiếu thảo ở hằng đầu.  Đúng, xây lăng để giữ hiếu, lưu tồn cái tình nghĩa quan hệ tổ tiên đến lâu dài.

Sự thi đua trả hiếu của làng An Bằng đã vô tình mang lại những lợi ích khác cho những người khác.  Bác Sĩ Lê Văn Lân tóm tắc những lợi ích ấy như sau:

  1. Làm đẹp quê hương làng nước, tạo ra một khu du lịch trong tương lai
  2. Trong tiến trình xây lăng đã tạo ra công ăn việc làm cho những khu làng bên cạnh
  3. Tạo cơ hội cho những người thợ điêu khắc thời vua chúa trổ tài để khỏi bị chôn vùi tài năng
  4. Không phân biệt tôn giáo và ranh giới giữa người sống và người chết.

Kênh Du Lịch Huế cũng phải nhìn nhận: “Nhờ  ‘thành phố lăng’ mà những thợ xây nơi đây chẳng bao giờ thất nghiệp. Những thợ xây giỏi về điêu khắc trên đá, khảm sành sứ, vẽ tranh mà người Huế gọi là ‘thợ kép’ đều được trọng dụng.” (Kênh Du Lịch Huế, 2013).  Ông Lân nhận xét thêm: “Tôi nghĩ nơi đây cơ hồ là một cứ điểm cuối cùng ở Việt Nam đã tạo cơ hội phục chế lại đa số những tàn tích nghệ thuật triều Nguyễn do những tay thợ – hậu duệ còn sống sót của những nghệ nhân Nê Ngõa tượng cục trong triều đình Huế ngày xưa.” (Lê, 2012).  Những tay thư pháp có thể trổ tài văn hoa của họ qua công việc viết vế đối, viết khấn văn khắc trên bia mộ.  Như vậy, nhìn về khía cạnh đóng góp cho xã hội, công việc xây lăng đã vô tình tạo ra một vài việc nhỏ để cho người dân có thêm tiền nuôi sống gia đình.  Nguồn tài chánh phụ trội này, mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, đã giúp nguy cho họ trước sự khó khăn kinh tế.  Mặt trái của công việc xây lăng này là người sống vẫn làm việc cho người chết chăng?  Hay là người ta chỉ trích rằng những cảnh nghèo khó vẫn đông đúc mà lăng mộ sa hoa cứ mọc lên một cách vô nghĩa?  Với giả thuyết này, Hồ Sĩ Bình đặt câu hỏi rất chí lý: “Tại sao người đầu tư không biết nhường cơm sẻ áo, chia sớt bớt nguồn đầu tư vào những dự án nhằm cải thiện đời sống dân sinh ở địa phương?” (Hồ S. B., 2008).  Nhưng Hồ Sĩ Bình đã quên rằng dân An Bằng không phải là người đầu tư.  Họ xây lăng không đem lại nguồn lợi kinh tế nào cho chính bản thân họ.  Xây lăng là công việc trả hiếu, làm nhẹ đi sự nhớ thương về tổ tông, dòng tộc, nơi đã cưu mang ra họ.  Dù thế nào, xây lăng đã không làm hại một ai khác.  Ngược lại, còn làm lợi cho một số người chuyên môn trong công việc xây dựng.  “Nhưng họ đã cư xử đầy nghĩa tình đôn hậu: có mới nhưng không quên cũ, uống nước nhớ nguồn.”  (Lê, 2012).  Đúng.  Người An Bằng đã và vẫn mãi thực hiện câu ca dao “uống nước nhớ nguồn” một cách ghi tâm.  Cái nguồn gốc tổ tiên ấy, nếu bị phá vỡ, mờ đi, thì con người sẽ không bao giờ hiện hữu.  Nói cách khác, nếu không có nguồn thì làm gì có dòng nước?  Vì thế, ông Hồ Sĩ Bình đã âm thầm chấp nhận rằng:  “Thực tế trong quá trình hình thành khu vực lăng mộ to lớn có một không hai của An Bằng cũng có một ý nghĩa dân sinh: Giải quyết công ăn việc làm cho thợ thầy (thợ kép, thợ chính, phụ, lao động phổ thông, người thiết kế, trông coi, người dân địa phương kể cả những dịch vụ mua bán và tiêu thụ vật liệu xây dựng…) của gần 17 xã thuộc huyện Phú Lộc.” (Hồ S. B., 2008).  Ông Bình có tâng bốc qúa không?  Có giúp được 17 xã lận cận hay không thì không biết, nhưng chắc chắn những người thợ cũng đã có công việc của họ để nuôi gia đình của họ.

 

Ông Lân công nhận rằng: “Nhìn công trình xây lăng mộ ở vùng Thuận An và làng An Bằng, nếu không nói quá đáng là một kỳ quan, thì người ta phải khen người dân ở đây đã tự động xuất công, xuất của để phục chế lại nghệ thuật cổ truyền, trong khi nhà nước Việt Nam đang vận động, năn nỉ cơ quan UNESCO tài trợ để phục chế lại cung điện và lăng tẩm cho nhu cầu du lịch.” (Lê, 2012).  Điều này cho ta thấy người An Bằng chỉ biết hành động, chứ không dùng lời lẽ để đi tuyên dương việc làm của họ.  Họ âm thầm làm đẹp cho quê hương với mục đích cá nhân là để trả hiếu, thế thôi.  Nếu đây thật sự là một kỳ quan của Việt Nam do người An Bằng dựng lên, thì chính dân tộc Việt Nam đã tạo ra được một An Bằng gần 450 năm về trước vậy.  Họ phải nên tuyên dương Chúa Nguyễn Hoàng mới đúng.

 

Nghĩa trang An Bằng, như những bài viết tự thú rằng: nơi đây không phân biệt tôn giáo – Phật Chúa đều chung sống với nhau hoà bình.  Chẳng phải người ta nói ngoa, nhưng có lẽ đây là sự diễn đạt đúng đắn.  Về hình thức thì lăng mộ được xây lên có hình Chúa hay Phật chen nhau, không phân biệt giới hạn đất đai hay phân chia vùng này vùng kia.  Về ý nghĩ, tôn giáo ở đây không hề xảy ra chuyện va chạm nào, ngược lại còn đùm bọc lẫn nhau trong tình nghĩa An Bằng, hay bình an.  Bởi ý thức như vậy nên chi nghĩa trang An Bằng đã tạo ra cái cảm xúc từ nơi người thưởng ngoạn một ý nghĩ tuyệt vời: không phân biệt tôn giáo, hay Chúa Phật ôm nhau ngủ thật bình yên.

Làm Đẹp Cuộc Đời và Xã Hội

Sự thật, người An Bằng không muốn được biết đến bởi những ngôi lăng mộ mà họ xây nên để trả hiếu.  Nói chính xác hơn, công việc trả hiểu là một hình thức để con cháu ngồi lại với nhau, đoàn kết lẫn nhau.  Mục đích của họ là làm đẹp cuộc đời và xã hội bằng những năng lực mà họ có được.  Về đời sống: họ đã thành công trong công việc khuyến khích con cái tiến thân trên sự học.  Ông Quảng Tịnh viết rằng: “Ngày nay, lớp con em dân làng An Bằng, thế hệ thứ hai sinh trưởng ở hải ngoại, đa số đã thành đạt trong các ngành nghề chuyên môn như Bác sĩ, Kỹ sư, Nha sĩ, Dược sĩ v.v.”  (Quảng Tịnh, 2013).  Không biết được con số chính xác của những người con An Bằng này, nhưng ước đoán của Ông Nguyễn Lương ở Atlanta thì ta có thể nhận thấy rằng con số này khá đông, nhưng chưa đề cập đến có cuộc thống kê vào năm nào nên không thể trở thành tài liệu cho bài viết này.  Một tài liệu sơ xài khác ở năm 2005 cho biết con số này đã hơn 200 (Lương, 2005).  Đây là cơ hội khác cho những ai tìm hiểu về làng An Bằng tại Hải Ngoại để tra cứu hoặc làm thống kê.  Về kết qủa của sự thành đạt, ông Quảng Tịnh phân tích rằng: “… lớp trẻ cũng cảm nhận được sự gắn bó mật thiết, tình cảm chân thật của người dân làng ở giữa một xã hội đầy sa hoa cám dỗ, với nhiều tranh chấp hơn thua, nên họ rất yêu chuộng tấm thịnh tình ấy của người dân làng.” (Quảng Tịnh, 2013).  Người An Bằng ở hải ngoại vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau như là chiếc cầu tạo điều kiện cho thế hệ này đi qua thế thế khác.  Trong một cuộc hạnh ngộ, HT Nguyên Hạnh, một vị cao tăng của Phật Giáo nhận xét rằng: “Người An Bằng đang đi trước những nhóm người khác trong công việc gìn giữ nguồn gốc.  Người An Bằng tạo ra những điều kiện, sẵn sàng hy sinh đời sống của mình cho tổ tiên, cho thế hệ con em.” (Văn Đình Lang Quân, 2013, p. 31).  Đúng, gìn giữ nguồn gốc là một đường hướng mà những người xa quê hương đang cố làm đẹp.  Và thanh niên ở quốc nội cũng đang có những hành động tương tự để gìn giữ cái đặc điểm “đồng tâm” của người An Bằng.

Có người nói rằng, “Thay vì trả thù quá khứ bằng cách đầu tư vào các thế hệ tiếp nối để xây dựng một tương lai sáng sủa hơn cho xóm làng, thì những vị trưởng giả này muốn được một tiếng khen ngợi, hay trầm trồ cho những công trình tốn kém, vô bổ cho hư danh.” (Huy Phương, 2013).  Ông Huy Phương đã dễ dàng chấp nhận cái mục đích xây lăng mộ là để cầu danh, và vội vàng so sánh người An Bằng với những tên “đại gia” trong nước khi bỏ ra cả hàng tỷ đồng để xây lăng cho cha mẹ, sau những vụ hối lộ khủng lồ.  Ông chẳng bao giờ biết nguồn gốc của đồng tiền mồ hôi nước mắt mà dân An Bằng làm ra bằng nghề nghiệp lương thiện và cố gắng tích lũy.  Họ có thể chọn phung phí đem số tiền họ làm được vào những ăn chơi trụy lạc khác.  Nhưng họ đã không làm vậy.  Chẳng hiểu bằng cách nào mà Huy Phương nhẹ dạ so sánh người An Bằng với những đại gia có quyền chức hối lội tiền bạc của dân lành như thế.  Ông Huy Phương cố tình che giấu những công việc từ thiện xã hội hay công việc đào tạo tuổi trẻ mà người An Bằng vẫn thường tham gia?  Dù sao, đây cũng chỉ là một bài viết do một người có trình độ, nhưng lại thiếu kiên nhẫn để tìm hiểu về sự việc và thích kết luận dựa theo cảm giác của mình.  Trong trường hợp này, ông Huy Phương không chịu cầm tờ bạc 1 đô la nữa, mà chỉ cầm tờ giấy 10 ngàn đồng của Việt Nam để kết luận cho những tờ đô la xanh của Mỹ đều có hình cụ Hồ?  Những bài viết như vậy thật khá nhiều.  Nhưng vốn dĩ hiền lành, yêu chuộng sự bình an, dân làng An Bằng không bao giờ lên tiếng để bào chữa.  Người An Bằng đắn đo với mọi hành động và chọn điều có thể mang lại sự bình an cho mình, cho người.

 

Ông Lân khuyên ông Huy Phương hãy nhìn về một khía cạnh trong sáng để được bình an hơn: “Những lăng mộ mà họ bỏ tiền mồ hôi nước mắt cho ông bà cha mẹ – không những là một hình thức để báo đền ân nghĩa – mà còn là một cơ hội để họ thực thi lại cái đẹp khuôn sáo ước lệ cổ kính của dân tộc mà bấy lâu bị cấm đoán hay mơ ước mà không thể thực hiện được vì thiếu tài chánh” (Lê, 2012).  Mặt khác, ông Lân khôn ngoan nhắn nhủ với người An Bằng rằng xây lăng chỉ là hình thức trả hiếu, chứ trả hiếu thực sự đòi hỏi cái tâm làm đẹp cho cá nhân, gia đình, và xã hội. Và về phương diện cá nhân và gia đình, thì An Bằng đã tạo ra những đứa con thành đạt để làm đẹp cho xã hội vậy.

Nhưng người An Bằng không dừng lại ở đó.  Xây lăng hay đào tạo nhân tài cho xã hội chưa phải là điều duy nhất mà dân ở đây đã làm.  Khi nghĩ đến hoàn cảnh thiếu thốn trước kia đã làm họ không có cơ hội tiến thân vào sự học như những làng ở gần thành phố, người An Bằng đã đồng tâm mở ra trường trung học cơ sở An Bằng và giao lại cho nhà nước điều hành (Báo Lao Động, 2013).  Trong bài “Cổ Tích Về Một Ngôi Trường Làng” do báo Lao Động đăng năm 2013 đã có nhắc đến lịch sử của ngôi trường này.  Cái ước muốn chung của người An Bằng là tạo điều kiện cho con em của họ tiến thân để rồi tìm ra hướng đi mới cho tương lai của họ.  Vì vậy, câu nói của HT Nguyên Hạnh rất chí lý: họ sẵn sàng hy sinh cho tổ tiên và con em của họ.  Như vậy chính bản thân của họ được gì?  Niềm vui, sự bình an, thế thôi.  Qua lời của thầy hiệu trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, những thành qủa mà học sinh ở ngôi trường này tạo ra thật đáng khích lệ.  Bài báo viết rằng:

Năm học 2011-2012, trường có 19 lớp với 566 học sinh và tỉ lệ học sinh giỏi đạt hơn 16% (tăng 12% so với năm đầu tiên) và không có học sinh kém. Đặc biệt trong 10 năm qua, học sinh của trường An Bằng – Vinh An đạt 224 giải học sinh giỏi cấp huyện, 89 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và 3 giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Có 31 em thi đỗ vào Trường chuyên Quốc học và lớp chuyên của Trường ĐH Khoa học Huế. Gần đây nhất, trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện, trường đã xuất sắc giành được 12 giải… (Báo Lao Động, 2013)

Với thành quả trên, chắc chắn dân An Bằng và những thân hữu của họ sẽ vui lây.  Họ vui không phải vì tiền bạc họ gom góp để xây ngôi trường này.  Họ vui vì biết rằng thế hệ con em của họ đã và đang tiến thân vào sự học, một điều mà họ đã gặp khó khăn ngày xưa.  Để giúp đỡ con em tiếp tục đường hướng tiến thân này, những qũy khuyến học vẫn thường xuyên xảy ra để tạo điều kiện thiết thực.  “Việt kiều còn cấp học bổng cho 400 học sinh nghèo của các làng nghèo lân cận, phát lương thực cho người nghèo, khuyết tật, đóng góp xây dựng trường học.” (Phóng Viên UCANews, 2012).

Về những xây dựng khác, người An Bằng đã đồng tâm xây chùa An Bằng và tượng đài Quán Thế Âm ở bãi biển.  Họ hiểu rằng, ngoài ông bà tổ tiên, cũng đã có sự che chở của Trời Phật trong những chuyến vượt biển đến nơi an toàn.  Cái suy nghĩ đơn giản này đã phơi bày tính chất mộc mạc của dân làng.  Nếu theo quan niệm “trồng hạt cam, gặt qủa cam” thì họ đang gieo những hạt giống tốt lành đó để tìm thấy sự bình an ở tâm hồn.  Hiện nay, quê hương An Bằng đã trở thành một nơi chốn có tầm vóc du lịch cũng nhờ vào chính bàn tay người dân ở đây tạo dựng lên, không nương nhờ một cơ quan nào giúp đỡ.  Đúng với câu, “bàn tay ta làm nên tất cả”.  Những thành qủa chưa chắc đã là sự kiêu hãnh mà chính sự tranh đấu bản mới là niềm hãnh diện của họ.

Ngoài ra, họ cũng đã góp công đức vào công việc trùng tu chùa Từ Đàm, như lời kêu gọi.  Nói chung, những ai gặp khó khăn kêu gọi thì họ sẵn sàng giúp đỡ.  Với lòng sẵn sàng giúp đỡ cảnh “khó khăn”, mùa lũ lụt 1999 ở Huế, người An Bằng đã kêu gọi nhau í a í ới, tìm cách giúp đỡ các nạn nhân gặp phải thiên tai.  Theo ông Lê Minh Tựu ở Canada cho biết, người An Bằng ở hải ngoại đã gom được trên 40 ngàn đô la để cứu trợ vụ lũ lụt này.  Đó là con số chưa kể những cá nhân gởi về cho thân nhân của họ để tận tay mang đến những kẻ bất hạnh.  Họ không dừng chân ở phương diện “trong làng”, mà là những ai gặp phải trường hợp khó khăn thì họ đều giúp.  Những nơi như trại mồ côi ở Huế, Chùa Đức Sơn, hay xa tận Sóc Trăng đều được sự giúp đỡ của người An Bằng ở hải ngoại.  Bởi giàu lòng hảo tâm nên chi những ai muốn đi quyên góp tiền bạc cho những tổ chức vô vụ lợi thì họ nghĩ đến ngay người An Bằng.  Ông Trương Minh Khôi ở Florida cho đây là hiện tượng “tiếng tốt đồn xa”.  Người An Bằng đã tạo cho mình cái tiếng tốt đầy lòng hảo tâm đó.  Những nơi có người An Bằng sinh sống đều có những ngôi chùa do chính họ cùng nhau tạo dựng lên. Ông Trương Minh Khôi cũng cho biết rằng dân An Bằng ở Hoa Kỳ đã có công xây được 6 ngôi chùa tại hoa kỳ.  Họ nghĩ rằng họ có thể ăn nên làm ra là nhờ vào phước đức ông cha để lại nên chi họ vẫn tiếp tục gieo hạt phước ấy cho thế hệ tương lai.  Người Việt Nam có câu, “giúp kẻ khó chứ khó giúp kẻ nghèo”.  Có nghĩa là, cảnh nghèo rất nhiều, không thể nào giúp hết được.  Có chăng là từ một guồng máy quốc gia nào đó tạo ra những công ăn việc làm vững chắc.  Còn cái khó thì có thể giúp được, ví dụ như lũ lụt nói trên.  Tuy nhiên, người An Bằng rất hiếm khi phân biệt được cái khó và cái nghèo.  Họ giúp thì cứ giúp, không đòi hỏi một điều kiện gì.  Hiện nay, ở hải ngoại lẫn trong nước đã có nhiều hoạt động xã hội từ thiện, với mục đích giúp người, không cần biết ở làng nào, xã nào, hay tỉnh nào do thanh niên An Bằng điều hành.  Có lẽ vì vậy mà An Bằng hiện nay vẫn còn một số gia đình được liệt kê vào danh sách “nghèo”.  Tài liệu cho biết vào năm 2010 vẫn còn 79 hộ gia đình thuộc diện nghèo. (Nguyên Linh, 2010) (Huế Thương, 2010).  Chẳng hiểu “nghèo” được định nghĩa như thế nào.  Không có người thân đi nước ngoài, không có công việc làm ăn, hay mất khả năng lao động?  Nếu mất khả năng lao động thì có lẽ họ đã được vào tiêu chuẩn của “khó khăn” chứ không còn nghèo túng nữa.  Nhà nước có giải quyết được gì chăng?

Theo lời của em Nguyễn Lai, trong nước có gởi cho em một danh sách mới, trong đó có 100 hộ nghèo.  Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, 50 hộ chính thức được rơi vào tiêu chuẩn “nghèo cần sự giúp đỡ”.  Trong số 50 hộ này, chưa có nhắc đến có bao nhiêu hộ rơi vào định nghĩa “khó khăn”.  Như vậy, từ con số 79 giảm xuống 50 trong vòng 3 năm đã cho ta thấy dân ở đây đã cải hoá đời sống của mình ngày một tốt hơn.  Nguyễn Lai hiện nay đang vận động anh em trẻ tìm ra phương cách giúp đỡ những hộ này mà không cần đắn đo những hộ ấy thuộc nghèo túng hay khó khăn.  Dù con số “hộ nghèo” này có tăng hay giảm, với tính thích giúp người của dân An Bằng thì họ sẽ sẵn sàng không ngần ngại. Tuy nhiên, như theo “khó giúp kẻ nghèo” của Việt Nam thì tình trạng này không thể nào giúp hoài được nếu không có sự cố gắng của bản thân hay sự giúp đỡ của một chính quyền.

Vẫn quan niệm người Việt chúng ta, con người tự chiến đấu cuộc sống để tự giúp mình, giúp người thân, rồi sau đó mới nghĩ đến xã hội.  Mục đích của công việc này là tìm lại thứ bình an ở trong lòng.  Nói như BS Lân, tất cả đều nằm trong định luật “tạo hoá xoay vần” đó thôi.  Mặc dù sinh vào một gia đình nghèo khó là một điều không thể chọn lựa, nhưng người ta vẫn có thể chọn lựa cách sống để vươn lên.  Làm việc thiện cũng là một trong những cách sống đó.  Những người đã bị hạn chết quyền năng làm người vào thời điểm sau chiến tranh, họ đã vượt bao nguy hiểm để thoát thân, vượt biên, vượt biển nên bây giờ đổi lại được sự dư giả.  Những người có ân huệ sống, không bị ức chế ở một chính quyền nọ thì họ dại gì chọn sự nguy hiểm?  Dù gì, cuộc sống đổi thay tùy theo sự cố gắng và nỗ lực của mỗi cá nhân.  Những người giàu có hôm nay đem tiền của dùng vào việc hại người, hại mình thì khó có thể được giàu sang lâu dài.  Người An Bằng hiểu được điều này nên bao giờ cũng sẵn lòng giúp đỡ những kẻ kém may mắn hơn mình trong phạm vi cứu cấp.

Đi Về Phía Trước Mặt

Trong công việc xây lăng mộ, làng An Bằng đã được sự ca ngợi không ít và chỉ trích cũng khá nhiều.  Một trong sự chỉ trích đó là từ phía công an Việt Nam như sau: “Không biết cái gọi là niềm hãnh diện, lòng báo hiếu của người dân như thế này đã đem lại cho người dân nơi đây những gì, nhưng hiện rõ trước mắt là sự nghèo đói đang đeo bám những người dân nơi đây.” (Ngàn Trươi, 2011).  Rõ ràng, người ta đang đưa người An Bằng lên vị trí có chức năng làm giảm sự nghèo đói hay có tiềm năng đưa ra những giải pháp cứu dân nghèo.  Trên phương diện của chính quyền, đây không phải là trách nhiệm của họ sao?  Người An Bằng từ chối gom hết của cải của mình để rồi chia đồng đều cho mọi người.  Vì làm như vậy thì không có sự nỗ lực cá nhân.  Những kết qủa giữa đời sống đều do sự phấn đấu của mỗi người mà có được, bên cạnh những phước đức đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại.  Họ có thể tạo ra phước đức khác, nhưng xoá đi nạn nghèo đói chắc chắn nằm ngoài tầm tay của họ.  Mà nếu có thì cũng chỉ nằm trong phạm vi tình nguyện cứu nguy cho những gia đình đang gặp hoàn cảnh khốn khó.  Một bài báo đã nhận ra cái tư duy của người An Bằng rằng: “Nhưng sâu thẳm trong tinh thần, mọi người vẫn hướng về tổ tiên với niềm tin những người đã khuất vẫn luôn theo dõi và chở che cho mình nơi đất khách quê người.” (Kênh Du Lịch Huế, 2013).  Ở đời sống qúa vật chất này, người An Bằng vẫn tin tưởng vào tổ tiên của mình, vào nguồn cội của mình, vào luật nhân quả.  Họ đáng nhận được những lời chỉ trích không?

Dù gì, với tinh thần luôn luôn nhớ nguồn nhớ cội, người An Bằng đã không sống về qúa khứ.  Họ đang nhìn về phía trước mặt bằng cách sống vào hiện tại mà không cần một lời khen chê nào để động viên.  Họ vẫn xây lăng trong khả năng tài chánh của họ.  Họ vẫn xây dựng chùa chiền, nhà thờ nơi họ đang sống.  Họ vẫn giúp người tùy theo túi tiền của họ.  Quan trọng nhất, họ dồn hết sức lực để lo cho thế hệ con em của họ trở thành những người hữu dụng trong xã hội.  Về qúa khứ, họ tôn thờ tổ tiên.  Về tương lai, họ coi trọng sự trưởng thành của con em và khuyến khích giúp đời, giúp người qua nỗ lực cá nhân.  Đây là con đường phía trước mặt mà mỗi một con người Việt Nam đang cố gắng bước đi.  Và người An Bằng – rất hãnh diện là người Việt Nam – đang đi trên con đường đó.  Nếu có sự khác biệt thì dân ở đây gọi là dân An Bằng, hay bình an.  Bởi vì muốn đầu tư tất cả tâm lực, trí lực và sức lực vào con đường phía trước mặt này nên chi họ đã không tốn mất thời gian bào chữa với cậu bé khi cầm tờ bạc 1 đô la để kết luận tất cả tiền xanh đều có hình tổng thống Washington rằng: tiền đô la có hình của nhiều tổng thống khác nhau.  Thanh niên An Bằng hiện nay đang nhận ra cái giá trị bình an này để lưu gìn nó và để tự hào về nó, trong khi phát huy con đường xây dựng cuộc đời lành mạnh này.  Đó là nhờ vào tấm gương sáng của những người đi trước đã dạy cho họ bài học đồng tâm và đoàn kết.

 

Văn Đình Lang Quân

May 5, 2013

(Trích: TuanBaoSong.com)

 

Vài Nét Về Tác Giả:

Tên thật Văn Đình Cường, sinh năm 1973 tại làng An Bằng, Huế.  Theo gia đình vượt biển vào năm 1986 trong khi vừa học xong tiểu học.  Sở thích đọc sách, tự học thêm tiếng Việt, ngoài ngôn ngữ chính là Anh Văn.  Đã đoạt giải ba viết văn năm 1994 do nhật báo Người Việt tại California tổ chức.  Thường lấy chữ nghĩa làm thú tiêu khiển giữa đời sống khô cằn của vật chất.  Hiện làm chủ bút cho tờ báo của Hội Phật Tử An Bằng Hải Ngoại.  Thỉnh thoảng làm thơ với bút hiệu Lê Trúc, Đông Phong và viết văn với bút hiệu Văn Đình Lang Quân.  Đã xuất bản tập thơ “Những Bài Thơ Con Cóc”, năm 1995 và  “Sông và Trăng”, năm 2008 trong phạm vi chia sẻ với thân hữu.  Đã có bài thơ “Mai Ta Về” ca ngợi quê hương An Bằng, kêu gọi ngưng hoạt động xây lăng mộ và kêu gọi mở ra lối thoát mới để gìn giữ nguồn gốc nơi con em ở Hải Ngoại, do nhạc sĩ Lê Minh Hiền phổ nhạc. 

 

Tài Liệu Tham Khảo:

  • ANTĐ. (2012, April 16). Những ngôi mộ bạc tỷ ở thôn biển nghèo. Retrieved from VNExpress – Xã Hội: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/04/nhung-ngoi-mo-bac-ty-o-thon-bien-ngheo-1
  • Báo Lao Động, .. (2013, March 04). Cổ tích về một ngôi “trường làng”. Retrieved from Báo Lao Động, Số 46: http://laodong.com.vn/Phong-su/Co-tich-ve-mot-ngoi-truong-lang/104469.bld
  • Duy Tuấn, .. (2011, May 13). Bất lực ở ‘thành phố lăng mộ’ tiền tỷ. Retrieved from VietNamNet: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/19482/bat-luc-o–thanh-pho-lang-mo–tien-ty.html
  • Duy Tuấn, .. (2011, May 12). Đua nhau xây lăng tiền tỷ ở ‘làng ăn xin’. Retrieved from VietNam_Net: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/19472/dua-nhau-xay-lang-tien-ty-o–lang-an-xin-.html
  • Duy Tuấn, .. (2011, May 11). Sửng sốt ở nghĩa địa xa hoa nhất VN. Retrieved from VietNam_Net: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/19443/sung-sot-o-nghia-dia-xa-hoa-nhat-vn.html
  • Hồ, S. B. (2008, April 17). KHU LĂNG MỘ AN BẰNG ( Thừa Thiên Huế ) có thể trở nên một địa chỉ du lịch? Retrieved from HoSiBinh Blog: http://binhhosi.vnweblogs.com/post/7055/89478
  • Hồ, V. (2010, February 24). Xa Rồi “Thành Phố Lăng”. Retrieved from Tạp Chí Sông Hương: http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p2/c14/n4956/Xa-roi-thanh-pho-lang.html
  • Huế Thương, .. (2010, May 11). Thăm “thành phố ma” xa hoa bậc nhất Việt Nam. Retrieved from Báo Mới Website: http://www.baomoi.com/Tham-thanh-pho-ma-xa-hoa-bac-nhat-Viet-Nam/150/4249764.epi
  • Huy Phương, .. (2013, March 23). Trả Thù Dĩ Vãng. Retrieved from Người Việt Online: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146290&zoneid=97#.UXjO_7XvvLd
  • Kênh Du Lịch Huế. (2013, April 12). Thăm thành phố của “người âm” ở Huế. Retrieved from Kênh Du Lịch Huế Website Sưu Tầm: http://kenhdulichhue.com/tham-thanh-pho-cua-nguoi-am-o-hue/
  • Kim Long, .., & Loan Nguyễn, .. (2013, April 11). Về ‘thành phố ma’ xem người chết ‘nuôi’ người sống. Retrieved from Người Đưa Tin Website: http://www.nguoiduatin.vn/ve-thanh-pho-ma-xem-nguoi-chet-nuoi-nguoi-song-a75812.html
  • Lam Linh, .. (2013, January 11). Thành phố của những người cõi âm. Retrieved from Huế 24H Website (Văn Hóa Huế): http://www.hue24h.com/van-hoa-hue/Thanh-pho-cua-nhung-nguoi-coi-am.html
  • Lê, L. V. (2012, March 17). Thành phố ma ở Huế: VÙNG ĐẤT TƯƠNG PHẢN THIÊN THU. Được truy lục từ Blog Sầu Đông: http://nguyenchan.wordpress.com/2012/03/17/thanh-ph%E1%BB%91-ma-%E1%BB%9F-hu%E1%BA%BF/
  • Lương, T. B. (2005, February 05). Làng Việt Kiều Bên Biển Thuận An. Retrieved from Việt Báo VN, trích VietNam_Net: http://vietbao.vn/Phong-su/Lang-Viet-Kieu-ben-bien-Thuan-An/20373625/263/
  • Ngàn Trươi, H. P. (2011, August 15). Chuyện bi hài ở khu lăng mộ tiền tỷ. Retrieved from CAND Online: http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2011/8/154437.cand
  • Nguyên Linh, V. L. (2010, April 10). “Thành phố lăng mộ”. Retrieved from Pháp Luật Website: http://phapluattp.vn/20100411104415273p1112c1113/thanh-pho-lang-mo.htm
  • Nguyễn, H. T. (2012, September 06). Trở lại “thành phố ma”. Retrieved from Khám Phá Huế Website: http://khamphahue.com.vn/vanhoa-dulich-Hue/l-3/136C365B-C86B-44E6-AF59-BE5BB3C3F56E/10359-tro-lai-thanh-pho-ma.aspx
  • Phạm, B. (2011, January 04). ” Thành phố ma ” ở Huế _ Nơi nổi tiếng về Lăng mộ người chết đẹp nhất. Retrieved from Zing Blog: http://me.zing.vn/apps/blog?params=/pidu_93/blog/detail/id/809580537
  • Phóng Viên UCANews, .. (2012, November 16). Dân làng An Bằng xây mộ to lớn cho tổ tiên vì đạo hiếu. Retrieved from UCAN Việt Nam: http://vietnam.ucanews.com/2012/11/16/dan-lang-an-b%E1%BA%B1ng-xay-m%E1%BB%99-to-l%E1%BB%9Bn-cho-t%E1%BB%95-tien-vi-d%E1%BA%A1o-hi%E1%BA%BFu/
  • Quảng Tịnh, .. (2013). Vài Nét Về Dân Làng An Bằng Ở Hải Ngoại. Xuân-Mẹ-Quê Hương, Hội PT An Bằng Hải Ngoại, 21-25. doi:https://drive.google.com/?tab=mo&authuser=0#activity
  • ToiYeuVietNam, Z. (2011, June 07). Đến Huế thăm thành phố ma. Retrieved from Tin180: http://tin180.com/thegioiblog/anh-video/20110607/den-hue-tham-thanh-pho-ma.html
  • Trương Minh Khôi, .. (2013). Trả Lời Duy Tuấn.
  • Từ, T. N. (2009, June 24). Thêm một “thành phố ma” ở Huế. Retrieved from Báo Mới: http://www.baomoi.com/Them-mot-thanh-pho-ma-o-Hue/150/2866238.epi
  • Văn Đình Lang Quân, .. (2013). Cảm Xúc Trại Hạnh Ngộ 2012. Xuân-Mẹ-Quê Hương, 31. doi:https://drive.google.com/?tab=mo&authuser=0#activity
  • Văn Đình Xuân, .. (2004). Làng Xưa Tích Cũ. Honolulu, HI: Thân Hữu Phát Hành. doi:https://docs.google.com/file/d/0BxwKZe_–V3RcGRLTERhS2R4ZFE/edit?usp=sharing