Vừa qua, anbangnews có thu lượm những tin rải rác trên Facebook về sự thành công trên đường học vấn của con em An Bằng và đăng một bài tổng hộp bao gồm 12 bác sĩ mới ra trường vào năm 2018. Có lẽ đó là một thành tích đáng kể của những gia đình An Bằng đang nỗ lực khuyến khích con cái của mình theo đuổi ước mơ Mỹ, song song với sự miệt mài cố gắng của các vị tân bác sĩ ấy, trong một môi trường thuận tiện ở Hoa Kỳ. Dù bài tổng hợp không nhắn nhủ một điều gì, ngoài trưng bày nét thành công của người An Bằng để chúng ta cùng tự hào, nhận xét riêng cho thấy nó hàm chứa một thúc giục quá đáng từ những bậc phụ huynh và học sinh ở giai đoạn tương lai. Vì vậy, qua bài viết này, tôi xin nhận định lại mục đích của bài tổng hợp ấy và chia sẻ những ưu tư từ phía con em An Bằng.
Danh Sách Bác Sĩ An Bằng Ra Trường 2018 chỉ để ghi lại niềm vui chung của người An Bằng chứ không phải khuyến khích con em An Bằng theo học các ngành bác sĩ. Nếu một ca sĩ nào hát hay thì chắc chắn rằng Anbangnews cũng sẽ đăng để lấy niềm tự hào chung. Nếu một em nào đoạt giải hoa hậu thì chắc chắn rằng Anbangnews cũng sẽ đăng để lấy niềm tự hào chung. Nếu một thi sĩ nào làm thơ hay thì chắc chắn rằng Anbangnews cũng sẽ đăng để lấy niềm tự hào chung. Vì vậy, bài tổng hợp ấy chỉ có nhiệm vụ ghi lại những nỗ lực cá nhân nơi con em An Bằng chứ không bao giờ có ý khuyến khích thế hệ con em chúng ta theo đuổi ngành nghề ấy.
Trở thành bác sĩ là một địa vị danh vọng của xã hội, nhưng chưa chắc họ đã có nhiều thời gian để làm những việc khác. Ví dụ, nếu tôi là bác sĩ thì cơ hội tôi ngồi viết bài cho anbangnews cũng khá thấp. Làm bác sĩ sẽ có mức lương khá cao trong công việc, nhưng chưa chắc họ đã vui vẻ, ngược lại còn căng thẳng nữa là khác. Tôi thích viết văn mà ba mạ tôi cứ hối thúc tôi học bác sĩ thì tôi chẳng vui vẻ gì, và bạn lại chẳng bao giờ đọc được dòng chữ này của tôi. Thằng con trai út của tôi say mê với computer và ước mơ của nó là muốn trở thành kỹ sư phần mềm, nhưng tôi lại bắt nó viết văn như tôi thì chưa chắc gì nó đã vui vẻ. Thằng cháu tôi thích đi làm nails để không vướng bận với những ràng buộc của luật lệ khác nhưng ông bạn tôi cứ bắt nó đi kỹ sư computer như ông ấy thì nó cũng chẳng vui vẻ gì.
Cho nên, không cần biết con cái của các bạn muốn làm gì, miễn sao chúng vui vẻ là được. Đừng nên ép buộc chúng trở thành ông này bà kia để rồi có sự tách rời nhau, phân rõ thế hệ và tư tưởng lẫn nhau. Điều mà các bậc phụ huynh cần làm là tiếp tục khuyến khích con em của quý vị theo đuổi những ước mơ của chúng, để chúng có tự tin vào sở trường của mình. Ước mơ là nguồn sống mạnh liệt nhất. Thằng con đầu của tôi thích học lái máy bay quân sự ngay từ lúc 4 tuổi, và tôi luôn luôn ủng hộ nó, dù tôi chẳng thích điều này. Tôi nghĩ nó có tài luật sư hơn, vì nó nói chuyện ngon lành, bù lại những khuyết điểm của tôi đang có. Dù không thích, nhưng tôi cảm thấy rất vui khi nhìn thấy nó tươi cười ở những lần đi lính tập sự trong đội ngũ thiếu sinh quân. Mỗi lần vào quân đoàn thì nó thức dậy thật sớm hay chuẩn bị sẵn sàng trước cửa chờ tôi. Khi có sở thích riêng thì nó mãnh liệt vô cùng.
Nếu con của bạn muốn đi làm nails và cảm thấy vui vẻ, thì bạn cần nên ủng hộ chúng, vì biết đâu sau này nó sẽ trở thành một đại lý nails lớn của An Bằng. Không có trở thành đại lý đi nữa thì chúng cũng có ăn có mặc, và bạn không cần phải lo lắng sau này. Nếu con của bạn muốn sống tà tà, làm hãng một ngày 8 tiếng để được vui vẻ, thì biết đâu sau này chúng sẽ chia sẻ sự vui vẻ ấy cho người khác, làm quản lý của một công ty hay xây dựng một xã hội vui vẻ hơn. Và nếu con của bạn có ước mơ trở thành bác sĩ thì bạn cần khuyến khích chúng như bao bậc phụ huynh khác đã và đang làm.
Sự thành công ở bất cứ một lãnh vực nào đều mang lại niềm hạnh phúc nơi người tạo dựng ra nó, và điều này không nhất thiết phải trở thành một địa vị cao quý nào trong xã hội. Về học vấn, con em của bạn có đi học là được, còn ngành nghề gì thì để chúng tự chọn. Về nghề nghiệp, con em của chúng ta có làm gì cũng được miễn sao chúng tự nuôi sống bản thân và vui vẻ thì chúng ta cần ủng hộ. Đừng nên ép buộc chúng vì những định kiến xã hội nào đó, mà hãy mở ra một con đường tốt đẹp để hai thế hệ có thể ngồi lại nói chuyện với nhau, dù có sự khác biệt.
Bộ không phải sự khác biệt là điều tối quan trọng để xây dựng một xã hội đa dạng, phong phú đó sao? Chúng ta hãy cùng nhau trân quý sự khác biệt ấy để nhận lấy những gì tốt đẹp khác hơn. Bạn và tôi hãy cùng thử làm nhé.
Văn Đình Lang Quân