Bản tính của người dân chất phác, hiền hòa, không tranh giành đố kỵ, nên đã tạo nếp sống thật êm đềm và bình dị.
Tác giả: Quảng Tịnh
An Bằng, cái tên thân thương đã khắc sâu vào trong huyết quản của người dân làng sống vùng ven biển nằm giữa Thuận An và Vinh Hiền, thuộc huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Địa thế Làng An Bằng nằm trên một dãi đất nhỏ chung với những Làng Xã khác, chung quanh bao bọc bởi sông biển. Phía Đông là biển Thái Bình Dương, phía Bắc có cửa Thuận An, phía Nam có cửa Tư Hiền, và phía Tây thì có đầm Hà Trung nối liền với đầm phá Tam Giang–Cầu Hai. Chung quanh bao bọc bởi sông biển nên có thể gọi dãi đất nầy là một cồn đảo.
Vùng đất nầy được khai thác bởi một số lái thuyền thuộc Thôn An Ba, Xã Cừ Hà, Huyện Khang Lộc, Phủ Tân Bình (nay là Tỉnh Quảng Bình), trong chuyến đưa Chúa Nguyễn Hoàng đi quan sát địa hình sông núi ở xứ Thuận Quảng (năm 1571). Lúc đoàn thuyền ghé nghỉ chân tại nơi nầy, các lái thuyền thấy cảnh trí và địa thế thích hợp cho việc giao thông buôn bán, chài lưới, họ bèn xin Chúa Nguyễn Hoàng cho lập nghiệp ở đây. Sau khi đoàn thuyền đến tham quan xứ Quảng trở về, các lái thuyền thôn An Ba đưa thân thuộc và bạn bè vào đây để lập nghiệp, dựng lên phường xóm. Những lái thuyền nầy là những vị Khai Canh của Làng, được xem như Tổ Tiên của người dân An Bằng. Trong số những vị đầu tiên đó có Nguyễn Quý Công (hiệu Lĩnh), Trần Quý Công, Hoàng Quý Công, và Trương Đại Lang.
Lúc mới vào lập nghiệp, quý Ngài đặt tên cho vùng đất nầy là Phường An Đôi. Cái tên đã nói lên sự liên hệ mật thiết với Thôn An Ba tại Quảng Bình. Quý Ngài thật khéo chọn.
Sau đó, “Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trăn, vì kỵ tên húy của mẹ ngài là Tống Thị Đôi, nên Phường An Đôi được đổi thành Phường An Bằng, bấy giờ thuộc tổng Diêm Trường, Huyện Phú Vang.” Đổi từ An Đôi thành An Bằng nghe cũng rất hợp tình, hợp lý và rất ý nghĩa. Các bậc Tiền Bối của Làng có lẽ đã đắn đo và bàn luận kỹ lưỡng. Ở đây, người viết xin mạo muội phân tích đơn giản về ý nghĩa An Đôi và An Bằng như thế nầy: Đôi tức là hai, là một cặp; như đôi đũa, đôi giày có hai chiếc giống nhau, bằng nhau. Vậy An Bằng được thay thế cho An Đôi từ ý nghĩa đó xem cũng sâu sắc lắm.
Đến năm Gia Long thứ 10 (1811), Phường đổi thành Làng An Bằng. Sau năm 1945, thôn Hà Úc và thôn An Bằng nhập lại thành Xã Vinh An, thuộc quận Vinh Lộc, Tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1964, Xã Vinh An được tách ra hai: Thôn An Bằng thành xã An Bằng và Thôn Hà Úc thành Xã Hà Úc.
Sau năm 1975, Xã An Bằng đổi thành Thôn An Bằng, nhập với Thôn Hà Úc thành Xã Vinh An trở lại. Bấy giờ thuộc Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên.
Kể từ thời Khai Canh, dân làng An Bằng đã tiếp nối nhiều đời bằng nghề đánh cá để sinh sống. Bên cạnh đó phái nữ ở nhà cũng phụ thêm nghề nông như trồng khoai lang, khoai mì, đậu, ngô, và lúa gạo. Ngoài ra, một số phụ nữ cũng hành nghề buôn bán, gánh các sản phẩm đồ biển đi bán các tại làng xã lân cận để kiếm sống.
Bản tính của người dân chất phác, hiền hòa, không tranh giành đố kỵ, nên đã tạo nếp sống thật êm đềm và bình dị. Và vốn được thấm nhuần giáo lý đạo Phật nên người người tin tưởng nhau, thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trên mọi phương diện. Bà con anh em láng giềng thấy người túng thiếu họ tự động đem tiền của cho vay cho mượn; lúc đau ốm họ ân cần đến thăm nom và an ủi; lúc hữu sự họ tận tình góp sức và san sẻ…
Vốn là người dân quê mộc mạc, suốt ngày lam lũ với sóng biển cá tôm nên không có cơ hội đến trường lớp như những người dân ở thành thị. Trải qua nhiều thế hệ và với văn minh xã hội ngày mỗi tân tiến mà đa số người dân làng cũng không biết chữ. Đến cả thế hệ sinh vào thập niên 1960 hoặc 1970 vẫn còn một số người mù chữ. Mặc dù không có cơ hội để mở mang kiến thức, trau dồi sự hiểu biết, nhưng người dân sống với nhau rất thật lòng, biết làm lợi mình và lợi người, có ích cho cộng đồng. Đặc biệt là ai cũng biết quy tắc sống chung, biết tôn trọng quyền sở hữu của người khác. Những quy tắc nầy có lẽ không do ai đặt ra nhưng nhờ tính tự trọng và bản chất thật thà của dân làng nên nó đã trở thành những quy luật tự nhiên trong lòng của mọi người. Chẳng hạn như ai đó có ví một mảnh đất để làm của riêng bằng cách trồng chung quanh vài hàng dứa gai hoặc cây xương rồng, hoặc thậm chí chỉ lát vài viên gạch viên sỏi hay chỉ đóng vài cây cọc thô sơ, người khác đã coi như mảnh đất đó đã có chủ. Nếu xét trên mặt pháp lý thì mảnh đất đã được ví đó chẳng có giá trị gì về quyền sở hữu của ai hết, nhưng xét trên mặt tình cảm và bản chất hiền hòa của người dân làng thì nó đã trở thành những quy luật mà mỗi cá nhân tự nguyện tuân thủ. Đó là một trong những đặc điểm mà người dân An Bằng lấy làm phương châm sống để xây dựng môi trường lành mạnh, an vui và đầm ấm trong tập thể. Điểm nầy cũng nói lên tính không phân bì, không tranh chấp hơn thua của người dân làng An Bằng. Điều nầy ít thấy ở những cộng đồng được cho là tân tiến văn minh.
Nhờ vào nếp sống bình yên và tình cảm dạt dào mà người dân đã ấp ủ cho nhau từ thế hệ nầy sang thế hệ khác nên người dân làng luôn có tinh thần gắn bó với quê hương làng nước. Lớp thanh niên An Bằng theo phong trào vượt biển (bắt đầu từ năm 1978) rời bỏ đất nước trốn ra tỵ nạn ở hải ngoại vẫn ấp ủ tình đồng hương ấy mà tìm đến sống gần gũi bên nhau hầu giúp đỡ nhau trên bước đường xây dựng cuộc sống mới tại xứ người. Hội nhập vào một xã hội mới tại một quốc gia xa lạ, lại thêm ngôn ngữ bất đồng, quả là một thử thách lớn đối với mọi người. Nhưng nhờ vào sự cần cù chăm chỉ, chịu khó, và chấp nhận làm các việc nặng nhọc thấp hèn từ khuân vác, quét dọn, lau chùi cho đến vật lộn với sóng to gió lớn ngoài biển khơi, nên mọi người cũng kiếm được cơm ngày hai bữa nuôi sống bản thân và gia đình.
Song song với chuyện tìm kế sinh nhai, việc trau dồi đạo đức và nuôi dưỡng tâm linh cũng không kém quan trọng trong đời sống. Do đó, dù thời gian đầu còn đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống mới, nhưng ở những nơi quy tụ đông đảo người đồng hương thì cùng nhau dành dụm đóng góp người ít kẻ nhiều, chung sức kiến tạo ngôi Chùa, thành lập Gia Đình Phật Tử hầu làm tổ ấm cho người lớn và trẻ em đến sinh hoạt hàng tuần. Mái nhà tâm linh nầy đã giúp cho người Việt tha hương nói chung và người dân làng An Bằng nói riêng vơi bớt bao nỗi nhớ nhung về quê nhà, nơi mà người thân và bạn bè đang quằn quại sống qua ngày. Tình đồng hương và đồng đạo nhờ đó cũng được khắng khít thêm.
Qua một thời gian khá dài, người dân làng di chuyển từ thành phố nầy sang thị trấn khác, từ tiểu bang nầy sang tiểu bang khác để mong tìm được việc làm khá hơn, nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn chưa thấy gì khả quan cho lắm. May thay vào đầu thập niên 1990, phong trào làm móng tay (nails) bắt đầu phát triển và thịnh hành, người dân làng bèn khuyến khích và giúp đỡ nhau học và hành nghề. Nhờ đó mà cuộc sống của đa số người dân An Bằng dần dần được ổn định. Tuy không sung túc lắm nhưng cũng đủ để trang trải các chi tiêu hàng ngày, lo cho con cái ăn học và giúp đỡ thân nhân ở trong nước.
Đến thời điểm nầy, hầu hết mọi người bớt lo việc cơm gạo nên dành thêm thì giờ cho việc trau dồi nếp sống tâm linh, lo cho thân nhân ở bên nhà qua việc giúp đỡ tiền bạc và tìm cách bảo lãnh họ sang định cư nước ngoài; các vị lớn bắt đầu tìm cách nối kết vòng tay người dân làng qua việc vận động thành lập một tổ chức chung để cùng nhau trau dồi nếp sống tâm linh, trao đổi, giúp đỡ và chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Hội Phật Tử An Bằng Hải Ngoại được ra đời từ đó (1999), các Chi Hội cũng được hình thành tại các tiểu bang, nơi có đông dân làng cư ngụ. Vài năm sau, Đoàn Thanh Thiếu Niên Phật Tử An Bằng cũng được thành lập nằm trong lòng của Hội. Mọi người đều vui mừng, phấn khởi và cùng góp công góp của xây dựng Hội. Các kỳ Trại Tu Học được tổ chức hàng năm, các bản tin cũng được phát hành đều đặn. Nhờ vậy mà mọi người cảm thấy được gần gũi, tình quê hương làng nước cũng thắt chặt thêm; dân làng trong nước cũng nối kết được sự liên lạc rất chặt chẽ với người thân ở hải ngoại. Việc tương tế xã hội cũng được Hội phát động quyên góp giúp đỡ những cô nhi, trẻ em tật bệnh và đồng bào nghèo ở Việt Nam cũng như việc cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai bão lụt, sóng thần, động đất ở Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước khác. Việc góp tiền gửi về trùng tu các Chùa ở Huế như Chùa Từ Đàm cũng được Hội phát động. Đặc biệt tại quê hương An Bằng, ngôi Chùa được xây lại rộng lớn hơn, cảnh trí khang trang, đẹp đẽ và thanh thoát hơn; ngôi trường Trung Học Đệ Nhị Cấp cũng được kiến tạo; và tôn tượng Đức Quán Thế Âm cũng được tôn trí tại bãi biển trong thời gian gần đây. Chi phí cho các công trình nầy đều do dân làng trong và ngoài nước đóng góp. Bên cạnh đó, các ngôi Đình, Nhà Thờ 12 Họ, Bàu Tràm, và các di tích lịch sử của Làng cũng được xây dựng và chỉnh trang lại do sự đóng góp của dân làng ở trong và ngoài nước. Tóm lại, ngoài việc lo cho cuộc sống gia đình riêng tư, người dân làng An Bằng cũng đã đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng các cơ sở tâm linh, văn hóa, giáo dục ở trong nước cũng như ở hải ngoại.
Ngày nay, lớp con em dân làng An Bằng, thế hệ thứ hai sinh trưởng ở hải ngoại, đa số đã thành đạt trong các ngành nghề chuyên môn như Bác sĩ, Kỹ sư, Nha sĩ, Dược sĩ v.v. Lớp con em nầy, ngoài việc trau dồi kiến thức ở học đường, cũng tham gia sinh hoạt trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, sinh hoạt cộng đồng, tham dự những buổi sinh hoạt truyền thống của quê hương làng nước và những khóa tu học do Hội tổ chức. Qua đó, họ cũng nhìn thấy bản chất hiền hòa và tình cảm đậm đà của người dân An Bằng nên họ rất quý mến và muốn gìn giữ. Họ liên lạc trao đổi và san sẻ cùng nhau, kết bạn đời với nhau. Đây không phải bởi mang tính cục bộ, mà là vì lớp trẻ cũng cảm nhận được sự gắn bó mật thiết, tình cảm chân thật của người dân làng ở giữa một xã hội đầy sa hoa cám dỗ, với nhiều tranh chấp hơn thua, nên họ rất yêu chuộng tấm thịnh tình ấy của người dân làng. Ngoài ra, có không ít thanh thiếu niên cũng đã xa lìa những cám dỗ của vật chất ở đời, gạt bỏ danh lợi thế trần để xuất gia học đạo, bước theo con đường hướng thượng và thanh cao hơn.
Trên đây chỉ là một vài nét chấm phá về sinh hoạt của người dân làng An Bằng tại hải ngoại nói chung, tại Hoa Kỳ nói riêng. Có được những thành quả khích lệ như thế là nhờ phước đức của Tổ Tiên Ông Bà để lại. Gieo nhân lành sẽ gặp quả lành, đó là định luật tự nhiên. Bởi thế nhớ ơn và đền ơn là việc của người được thi ân, là bổn phận của người con người cháu đối với Cha Ông. Đó là đạo nghĩa làm người, là đạo Hiếu mà người Việt Nam chúng ta luôn đề cao trong đời sống. Thế nên, việc xây lăng đắp mộ để thờ phượng Tổ Tiên Ông Bà đã khuất là việc làm nên được khuyến khích hơn là dèm pha. Xây lớn hoặc nhỏ, đẹp hay xấu cũng tùy vào hoàn cảnh và sở thích của mỗi người. Quan trọng là ở tấm lòng thành. Chúng ta quan niệm rằng chiếc áo là để che thân, nhưng nhiều khi chúng ta ưa chọn những chiếc áo đẹp, loại vải tốt, kiểu cách hợp ý, dù phải trả thêm tiền. Có lẽ đó là bản tính tự nhiên mà người bình thường ai cũng bị lôi cuốn theo. Cho nên, việc xây lăng mộ đồ sộ để thờ phượng Ông Bà cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả.
Gần đây, trên mạng internet, một số nhà báo bàn tán xôn xao về việc xây lăng mộ tại Làng An Bằng trong nước. Họ phê bình và lên án, cho đó là việc làm phung phí. Người viết nghĩ đó cũng chỉ là lời phê phán của một thành phần nhỏ chưa am hiểu tường tận về nếp sống, sự chơn chất và tình cảm của một tập thể họ bàn tán đến.
Nhưng dù ai có nói gió nói trăng, nói hươu nói vượn, người dân làng An Bằng từ xưa đến nay vẫn luôn cố gắng sống có đạo nghĩa, hướng thiện, làm việc lợi mình và lợi người, có tinh thần tương trợ không những chỉ đối với người dân làng mà còn đối với người dưng nước lã nữa. Đó là bản chất cố hữu của người dân làng An Bằng vậy.
Quảng Tịnh
(Nguon: DSAB)