“Chắc chắn rằng: trên diễn đàn văn hoá của đất nước nói chung, một ngày nào đó sẽ có người đứng lên nói về thân thế của mình, “Tôi vốn sinh quán ở An Bằng, Vinh An, Phú Vang, Huế.” Đó là phần thưởng của việc làm chúng ta hôm nay …” – Văn Nhân Đạo

 

“Ngồi bấm đốt ngón tay, ta nghĩ đến chuyện cuộc đời

Nằm vắt tay lên trán, ta nghĩ đến chuyện ngày mai”

 

Có những bản nhạc khi hát lên như đưa ta về với vùng kỷ niệm.  Có những bài thơ khi ngâm lên như đánh động tim mình nỗi chua xót bàng hoàng.  Thơ và nhạc đã thật sự đi sâu vào tâm lý đời sống của con người.  Đành rằng sống là chuẩn bị hành trang cho cái chết.  Mỗi chúng ta đều đã ký bản án tử hình khi mới sinh ra.  Sớm hoặc muộn, trước hoặc sau, đều cùng chung một nẻo về.  Biết đơn giản như thế nhưng con người còn hơi thở là còn đeo đẳng trách nhiệm làm đẹp cho đời sống bản thân, gia đình, quê huơng đất nước.  Qua mục đích đó, tôi xin chia sẻ với những tri kỷ đồng hương về cái thao thức nhịp đập của tim mình.

Sự thăng tiến và phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới dĩ nhiên là văn hoá quá cao siêu.  Quay ngược dòng lịch sử, chúng ta thử nhìn lại quê hương mình có thật sự lạc hậu và chậm tiến không?  Bởi điều kiện môi sinh phục vụ cho con người rất ư là khiêm tốn, có mắt mà như không thấy, có tai mà như không nghe, có quyền sống đã bị đặt để ở mức độ thấp nhất.

Cũng đành ngậm đắng nuốt cay

Ước mong rồi sẽ có ngày vinh quang

Trong trục quay hệ lụy nhục vinh, tất nhiên cũng có chu kỳ nhất định của nó, như trăng đến rằm thì trăng tròn.

Sau đất nước đổi đời, hơn hai mưoi lăm năm một số chúng ta người trước kẻ sau bỏ làng ra đi.  Những mất mát chia lìa, những luyến lưu đằm thắm cứ dằn vặc chúng ta trong cuộc sống tha hương.  Nghĩ lại chưa có một làng thôn nào trên đất nước chúng ta đã làm những cuộc mạo hiểm như người làng An Bằng.  Chỉ dùng chiếc ghe nan nhỏ làm chuyến đò ngang vượt trùng dương mà không cần quay về bến đậu.  Từ đó người làng An Bằng đã có mặt rất nhiều trên các quốc gia trên thế giới.  Đôi khi cũng thầm vinh danh với chính mình, “Anh hùng mạo hiểm”.  Đến bây giờ thì có lẽ hầu hết chúng ta đã được an cư lạc nghiệp, những thành tựu khả dĩ trong cuộc sống, phương diện vật chất ít ra chúng ta không còn bị gò bó như những ngày còn sống ở quê nhà.  Nói cách khác, “tiểu phú do cần”.  Sự cần cù của chúng ta đã tích trữ được cuộc sống dư ăn dư để.  Về kiến thức văn hoá, thật sự thế hệ trẻ con em của chúng ta đã làm chao đảo lịch sử, bởi chưa từng có một làng thôn nào trên đất nước chúng ta đang có một số đông đồng loạt bác sĩ, kỹ sư đa hệ như thế, chưa cần thiết phải hình dung tương lai mười năm sau.  Đó là vết son sáng chói của quê hương An Bằng.  Tuy nhiên, cái ranh giới để phục vụ và làm đẹp quê hương vẫn nghìn trùng xa cách.  Vậy trong nhàn rỗi ở xứ người, chúng ta thử suy gẫm, “ngẩng đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương.”

Tình cờ có lần tôi được nghe bái hát, “Quê hương là chùm khế ngọt …” đại ý: “Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người …”  Độc đáo hơn, bài thơ nhớ nhà của Trương Viết Tha có đoạn:

“Con cố gắng về thăm quê một chuyến

Cá thởn roài kho mặn mạ chờ mong …”

Dẫu sao thì hiện tượng tâm lý và vật lý cũng là những gắn bó không rời, nên thường làm chạnh lòng, nhất là những kẻ sống xa quê.

Và rồi quê hương đã lần lượt ưu ái đón những người con đi xa trở về, có gì sung sướng bằng những mất mát qúa lớn sau bao nhiêu năm xa cách nay tìm lại mà tưởng chừng như không bao giờ có được.  Gia đình và quê hương làng thôn còn đó, người thân, bằng hữu cũ còn đó.  Song những thay đổi đã làm tôi sững sờ choáng váng khi kinh tế đời sống của cả nước đang bị trì trệ.  Riêng An Bằng làng ta nhà cao tầng cứ thi nhau mọc lên, thể hiện về nền tảng đạo hiếu, nên lăng mộ được xây đi xây lại, cấu kết theo kiến trúc Đông Tây hỗn hợp trông thật đẹp mắt vô cùng.  Điều làm tôi bỗng chợt thất xót xa khi lục lại những nỗi nhớ trong ký ức đời mình, là làm sao tôi có thể tìm lại những làn khói lam chiều được toát lên từ mái nhà tranh ẩm ướt.  Những giếng nước trong mát thơm ngọt đã bao đời cung ứng cho dân làng nay chỉ còn là những chứng tích đơn độc.  Mội bãi biển ghe thuyền san sát đậu không dưới một trăm hai chục chiếc, một sinh hoạt nghiệp dĩ thừa truyền tiếp nối của cha ông, nay trở thành hoang vắng, ghe thuyền lưa thưa đếm không đủ trên mười đầu ngón tay.  Đứng trước những thay đổi đó, tôi cố gắng đè nén nỗi cảm xúc đang nghèn nghẹn dâng lên, nhưng nước mắt vẫn tuôn thành giòng.

Rồi những ngày rất ngắn của một chuyến trở về, tôi đã đi hết làng trên xóm dưới, tay bắt mặt mừng, chia sẻ cùng bà con bằng nụ cười tình nghĩa.  Ôi quê hương đang thật sự choàng lên mình chiếc áo mới.  Thói thường: “Vinh thân mới phì gia” chưa vinh thân mà sao phì già nhỉ?  Lạ thật!  Cũng chẳng có gì khó hiểu, bởi lẽ mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu về đời sống của thân nhân, gia đình và quê hương.

Có lần trên chiếc thuyền rồng ở giòng Sông Hương, không phải để nghe ca Huế mà chỉ uống mấy lít rượu gạo vào nói chuyện chim trời cá nước mông lung.  Mỗi người đều có đề tài để nói về cái đẹp của quê hương họ.  Tôi như bị lạc loài, bởi xét cho cùng tôi còn đứng qúa xa cái ranh giới văn hoá.  Văn chương không đủ để nói lên cái đẹp của quê hương mình.  Cuối cùng rồi cũng lần lượt đến phiên.  Tôi thầm nghĩ: giá như mà họ nhái tiếng làng tôi thì đỡ biết mấy.  Tôi sẽ dùng ngay cái vũ phu bẩm sinh để đấm ngay vào mặt, hoặc có thể dùng dao, dùng búa, cãi nhau lớn tiếng và hết ….  Thôi đành phải mời mọi người cùng nâng ly đê câu thêm chút thời gian để tìm kiếm đề tài.  Sau một phút im lặng, nhờ sự trợ lực của chút máu lưu linh, tôi lớn tiếng:  “Ừ quê hương của quý vị đẹp thật, nhưng không thể sạch bằng quê hương tôi.  Lý do: Mỗi bãi biển được viền bọc bằng một con khe như giải lụa.  Muốn đến đó, điều trước tiên quý vị phải làm một việc lịch sự là cởi giày để rửa đôi bàn chân ô uế.  Thủ tục thứ hai là: Biển được che bằng tấm “màng nhung cát vàng” cao dốc, mồi hôi của quý vị phải thấm đổ mới có quyền thấy được cái giá trị của gấm vóc giang sơn tôi.”

Người ngồi bên cạnh tên Trần Thức, quê quán Mỹ Lợi, bạn học cùng lớp với anh Văn Lạng, người đang làm trưởng phòng kế hoạch của hãng phim Phương Nam, bỗng ồ lên một tiếng.  Vài tiếng cười hoạ theo để làm lắc lư mạn thuyền.  “Đúng vậy, hay thật, tuổi trẻ tôi đã từng tắm, bơi lội ở đó nhiều lần mà không hề nhận ra điều anh Đạo vừa trình bày, tuyệt vời.”  Người khác, anh Thái Ngọc San, một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc có ngôi vị sáng ngời trong văn đàn Việt Nam, đã có lần ghé An Bằng, hứng viết bài thành phố ma, đăng ở báo tuổi trẻ, số ra ngày 11 tháng 3 năm 1997.  Tôi đã có dịp đọc trước đó mấy ngày và nói với anh ấy: lần sau phóng bút, không cần thiết dùng loại chữ búa lớn dao to, phải thật thà mà nói rằng: Những thành tựu tốt đẹp được mọc lên ở phần đất ấy là do phước đức ông bà đã được tích tụ từ bao đời, và cũng mảnh đất ấy đã sinh ra con người vốn chất phác hiền hoà, cho nên “Hoàng Thiên bất phụ bảo tâm nhơn” đúng không anh?  Theo nhận xét của anh, không biết học sinh cấp 2,3 ở đó liệu đủ cấp số để mà thiết lập một trường trung học không, nếu được thì An Bằng so với Huế sẽ không nơi nào đẹp bằng, và nội dung bài báo của anh thật là một khích lệ lới đối với người An Bằng đang trên đà phát triển xây dựng quê hương.

Từ đó, tôi thầm mang cái ước nguyện, mong hợp nhất người An Bằng đồng hương hải ngoại để bàn định, đóng góp những tốt đẹp cho quê hương mình.  Trong dịp đua lệ thuyền và ngày khánh thành ngôi đình làng vừa qua, đại diện cho Việt Kiều hải ngoại, anh Văn Lạng đã phát biểu trước dân làng rất sâu sắc về tinh thần khuyến học và đó là ước mơ chung.  Nỗi trăn trở của anh Trương Công Hoàng đã năm lần bảy lượt kêu gọi xây dựng ngôi trường văn hoá cho thế hệ trẻ ở quê hương.  Anh Phạm Hưởng rất năng động, dẫu công việc trăm bề nhiêu khê, đã từng tham khảo, trực tiếp hoặc gián tiếp với quý vị cao niên, qúy đồng hương liên tôn, qúy nhân sĩ trí thức, nghe chung thì mọi người đều hưởng ứng tốt đẹp.  Bởi công việc xây dựng trường trung học cộng đồng An Bằng có tích cách lịch sử.  Vậy chúng ta còn chần chờ gì khi điều kiện thuận tiện đang có ở tầm tay.

Mong tất cả chúng ta cùng hâm nóng cái ý nguyện đó, để ngôi trường sớm trở thành hiện thực.  Cho thế hệ con em hiên ngang đi vào đời, mọi đồng áng cố hữu rồi cũng sẽ hoà nhập với lao động tri thức.  Chắc chắn rằng: trên diễn đàn văn hoá của đất nước nói chung, một ngày nào đó sẽ có người đứng lên nói về thân thế của mình, “Tôi vốn sinh quán ở An Bằng, Vinh An, Phú Vang, Huế.”  Đó là phần thưởng của việc làm chúng ta hôm nay, như một lần tôi đã sung sướng đọc tập thơ “Nẻo Về Thênh Thang” phần giới thiệu bìa sau là Tuệ Minh, sinh quán ở An Bằng, Vinh Lộc, Thừa Thiên.

Ở quốc nội, cũng như ở hải ngoại, thỉnh thoảng chúng ta đọc được những bài báo viết về làng An Bằng, đó là thị hiếu của mấy tay cầm viết.  Bởi sự phát triển như một ván bài lật ngửa, ca tụng có, khích lệ có, và chắc chắn có pha trộn sự nồng nặc của ganh tỵ, đôi khi họ quên rằng: ở đời không có một sự thành công nào tự nhiên mà có được, tất nhiên phải trả bằng mọi giá tùy theo mức độ “Đắp chăn mới biết chăn có rận.”  Đời sống thì ai cũng muốn no cơm ấm cật.  Ôi! Thì cũng bình thường qúa, nên tiếng vang đoàn kết của người làng An Bằng đã ảnh hưởng không ít ở những nơi có cộng đồng người Việt.

Mới đây, nghe điện thoại của anh Phạm Hưởng trình bày, anh đã tham khảo với một số nhân sĩ, buổi thảo luận đề án xây dựng Trường Trung Học Cộng Đồng An Bằng sẽ tổ chức vào ngày 25 tháng 12 năm 2000 tại thành phố Memphis.  Không tin ở đôi tai mình, hỏi lại anh.  Ừ đúng như thế, chuẩn bị lấy vé bay là vừa.  Tôi mừng qúa, mặc dù qua điện thoại tôi cũng đã cúi đầu để mà ngưỡng mội cái nghĩa cử cao đẹp của anh.  Như vậy là chúng tôi đã đi được một bước khá dài.

Để kết thúc bài viết này, tôi thân mến tặng qúy vị đồng hương bài thơ: Tình Quê Hương An Bằng, xem như một bông hồng tình nghĩa trao tận tay mọi người.

 

Bao giờ ta được ghé An Bằng

Ta chẳng cùng người biết nói năng

Chắc hẳn tim ta người thấy được

Nhớ thương lâu lắm vết in hằn

 

Cùng người ta sẽ quấn chung chăn

Quên hết từ đây những nhọc nhằn

Tĩnh lặng bên người dù phút chốc

Nên khi xa vắng biết ăn năn

 

Ngồi ôm kỷ niệm thuở xa xăm

Ngày đó ta chưa biết mặc quần

Gót giấy hài in vùng cát nóng

Vuốt ve vết bỏng đỏ chân phồng

 

Người còn hát hội giỗ Ngư Ông

Thầy Bộ nghiêm trang chiếc áo thùng

Chiên trống ba hồi hơn bái mãi

Nhạc trầm rót xuống thật khoan thai

 

Nhớ thương đã suốt tháng năm dài

Nặng trĩu tình người, trĩu nặng vai

Về lại, bao giờ thăm lại nữa

Chôn nhau cắt rốn nghĩa chưa phai

 

Văn Nhân Đạo

Nguồn: ABHN, số 9

2001