Vui buồn trong đời
Ai cũng được nằm trong bào thai của người mẹ kính mến chín tháng mười ngày. Và tôi cũng thế, đã được cưu mang bởi người mẹ với bao nhiêu gian khổ vì. Khi tôi chào đời, cha mẹ, các anh chị và nhiều người trong xóm làng vui mừng vì đã nhìn thấy một đứa bé trai dễ thương. Ngày lại ngày, tôi lớn lên trong tuổi thơ, biết ăn, biết nói, đi chơi với bạn bè, đi đến trường học, đi đọc kinh và tham dự thánh lễ ở nhà thờ. Với tuổi thơ như bao nhiêu bạn bè khác, tôi có những chuyện vui nhất tại quê hương yêu dấu. Sau giờ học thì về nhà làm bài tập, ăn cơm chiều với cha mẹ và anh chị em. Trong bữa cơm này tôi thích ăn món canh cá khoai với lá ném nhất. Cá khoai này nấu canh rất ngon. Ăn cơm xong, tôi ra bãi biển để chơi đùa với bạn bè cùng lớp. Mùa Đông thường có những đợt mưa để nước lụt ngập cả đường đi. Trong dịp này, tôi có cơ hội thả chiếc thuyền giấy trên mặt nước chung quanh nhà. Đây là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời tôi. Lúc đêm hè, nơi bãi tắm nhìn ra ngoài biển khơi, tôi thấy những ánh đèn của các ngư phủ đi đánh cá ban đêm, nhìn lên trên bầu trời bao la có những ngôi sao đang lấp lánh với tiếng chim sẻ đang hót vang trên những cành dương liễu làm cho quê hương mình thêm đẹp hơn bao giờ hết. Ôi quê hương mình thật đẹp tuyệt vời.
Trước năm 1975, làng An Bằng chưa có trường trung học các cấp, chỉ ở quận Vinh Lộc và Vinh Thanh mới có. Hầu hết các học sinh ở quê mình, học xong chương trình tiểu học thì đi làm biển. Tuy nhiên, có một số học sinh về quận Vinh Lộc hay lên Huế học. Hồi còn nhỏ tôi muốn lên thành phố học bởi vì ở đây tôi có thể học hỏi đời sống và cách đối xử của các tầng lớp người như bác sĩ, dược sĩ, thầy giáo và giới lao động, v.v. Tôi cũng có dịp biết được nhiều trường trung học có danh tiếng, những ai đến học những trường này có cơ hội thành công trong cuộc sống trên con đường học vấn. Tôi lên Huế và sau đó vào Sài Gòn để tiếp tục con đường học họ. Nhưng tâm hồn tôi luôn nhớ đến quê hương, cha mẹ, anh chị em và bạn bè cũ đang sống nơi quê cha đất tổ. Có nhiều lần tôi muốn xách hành lý về lại quê hương, với tổ ấm gia đình, nhưng tôi cố gắng kiềm chế sự nhung nhớ của bản thân ở nơi phương xa để chú tâm vào chuyện học hành. Một hôm từ Sài Gòn trở về thăm cha mẹ, tổ ấm gia đình được hơn một ngày một đêm, chưa tâm sự gì với cha mẹ thì chợt đâu có người cho biết tối nay sẽ đi vượt biển. Khi nghe tin này lòng tôi thấy buồn vô tận vì phải lìa xa cha già mẹ yếu.
Chiều nay tôi âm thầm đến nhà thờ một mình, với khuôn mặt buồn và trái tim đau nhói trong lòng. Tôi không cho cha mẹ tôi biết chuyến vượt biển vì tôi sợ các ngài không cho tôi đi. Cho nên tôi ra đi mà không có một lời chào cha mẹ. Ôi thật là đứa con bất hiếu. Tôi đến một nơi đã ấn định và ra đến bãi biển để bắt đầu cuộc hành trình. Chiếc thuyền chạy được một thời gian ngắn thì máy ngưng hoạt động. Có nhiều bạn thanh niên cố gắng sửa máy để nó hoạt động lại nhưng vô phương cứu chữa. Trong lúc này, tôi nghe mấy người lớn tuổi bàn thảo với nhau. Có người đòi trở vào bờ, có kẻ khác thì nói cứ kéo buồm lên mà chạy ra tới hải phận quốc tế thì sẽ có tàu ngoại quốc cứu vớt. Thế là chiếc thuyền cứ từ từ lướt đi trên mặt biển từ buổi tối cho đến sáng mai. Thuyền đang chạy thì một số người nhận ra hai chiếc thuyền của làng mình đi làm biển, thế là họ cuốn cánh buồm lại và hạ nó xuống bên cạnh chiếc thuyền. Một vài người cầm cái chèo, chèo tới đến gần hai chiếc thuyền kia để xin giúp đỡ. Khi đến gần hai chiếc thuyền đó, một chiếc bỏ chạy khỏi chúng tôi và còn lại một chiếc thì cứ neo trên mặt biển. Những người trong thuyền bên kia nhìn chúng tôi và tôi cũng nhìn qua chiếc thuyền quen quen đó. Ôi thật là đau thương vô cùng, tôi nhìn thấy cha tôi có mặt trên chiếc thuyền kia. Lòng tôi xúc động và nước mắt tuôn tràn chảy trên đôi gò má. Tôi không nói lên một lời để an ủi cha tôi trong lúc này bởi vì cõi lòng của tôi đang tan nát, ruột đau quằng quặn. Dáng dấp của ba tôi gầy gò cũng đang nghẹn ngào không ít. Miệng tôi tự thốt lên những lời không phát ra tiếng. Cha ơi, xin tha lỗi cho người con bất hiếu này. Đứa con này chưa làm được gì để đền công ơn sinh thành của cha mẹ. Giờ này con ra đi trên biển cả với chiếc thuyền nhỏ bé này, không biết mạng sống của con như thế nào cho những ngày sắp tới. Một lúc sau, anh rể của tôi lội qua sửa giùm máy móc ở thuyền tôi, anh đã làm cho máy trở lại hoạt động. Sau đó anh lội về thuyền anh, còn thuyền tôi tiếp tục cuộc hành trình trên biển cả với lòng ngậm ngùi thương đau của tôi trong lúc này với cha già đang nhìn về người con. Thuyền đi càng xa lòng tôi càng thương nhớ đến người cha đang dần khuất bóng ở đằng sau.
Chiếc thuyền chạy theo làn gió thổi ban chiều và có những đám mây trắng đang bay trên bầu trời bao la. Từ đám mây trắng biến thành những đám mây đen và mưa rơi xuống trên mặt biển, tôi chỉ nghĩ rằng đó là cơn mưa giông mà thôi. Những đám mây đen với cơn mưa bão cọng thêm tiếng sấm sét nổ vang trên bầu trời làm cho lòng tôi thêm run sợ hơn. Chiếc thuyền bị sóng biển đập vào lườn, nước tạt vào máy móc và làm cho máy không hoạt động nữa. Những cơn sóng dâng lên cao làm cho chiếc thuyền bị nhồi nghiêng ngả và muốn lật chìm xuống trong lòng biển cả. Với cơn gió thổi mạnh và mưa rơi xuống làm cho tâm hồn tôi thêm lạnh run, nghĩ đến cái chết đang nằm trong tay tử thần. Tôi cầu nguyện xin Đấng Tạo Hóa cho tai qua nạn khỏi để những người trong thuyền được đến Hồng Kông bình an. Sau một đêm, cơn bão bớt dần, sáng mai bầu trời vẫn đang còn những đám mây che phủ. Mặt biển đang còn lượn sóng lớn, nhưng mọi người trong thuyền rất vui mừng vì chúng tôi đang còn sống. Anh em trong thuyền đã cố gắng tìm cách làm cho máy nổ lại. Mọi người vui mừng rưng rưng nước mắt. Chiếc thuyền nh̉ỏ này chạy được hơn một ngày một đêm và sáng mai thì gặp được một chiếc thuyền khác. Anh em dừng thuyền lại và nói chuyện với ông bằng tiếng Việt, nhưng ông ta không hiểu gì bởi vì ông là người Trung Hoa. Dù không hiểu tiếng Việt, nhưng ông ta linh tính thuyền vượt biển tỵ nan nên chỉ hướng cho chúng tôi tới đảo Hải Nam. Khi đến đảo Hải Nam chúng tôi phải mượn vàng của các em gái để đổi chác lương thực cho những ngày tới. Đi tới vùng nào chúng tôi cũng chia nhau ra từng nhóm đi vào nhà xin đồ ăn vì số anh em trong thuyền chưa chuẩn bị lương thực cho chuyến đi xa này. Ban ngày thuyền chạy và ban đêm ngừng lại, thuyền chạy chung quanh đảo này gần hai tuần. Thuyền cứ chạy theo sự điều khiển của các anh tài công đến Hong Kong. Sau khi thuyền chúng tôi đến hải phận Hồng Kông, cảnh sát biển ở đây chận thuyền lại và kéo nó đến xà lan. Ở xà lan được một tuần, cảnh sát đưa chúng tôi vào trại đen để khai báo làm thủ tục giấy tờ theo hệ thống của chương trình tỵ nạn cho các thuyền nhân. Sau một tháng chúng tôi được đưa ra trại tự do, sống ở trại tỵ nạn tôi cảm thấy nhớ đến cha mẹ, anh chị em và quê hương. Sống ở đây được sáu tháng, tôi được đến đoàn tụ với gia đình người em trai ở Denver, Colorado. Nỗi vui mừng lớn lao của tôi là được gặp lại các em và bà con đồng quê hương An Bằng. Sự vui mừng này làm cho tôi ước mơ có mặt cha mẹ trong lúc này. Nhưng sự ước mơ đó không thành sự thật bởi vì Mỹ và Việt Nam chưa có bang giao với nhau.
Năm 1980 tôi ra đi với những giọt nước mắt đau thương, để lại cha già mẹ yếu một mình. Tuy sống trên xứ người, tôi không quên cha mẹ và quê hương đất tổ, nơi tôi được sinh ra. Sau 16 năm sống trên đất khách quê người, tôi trở về thăm quê hương, cha mẹ, anh chị và các cháu. Khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất Sài Gòn, anh chị và các cháu đến đón tôi về nhà đứa cháu nghỉ ngơi một đêm cho khỏe và ngày mai tiếp tục trên đường về quê hương. Đêm nay tôi không ngủ được, trong lòng tôi nao núng muốn nhìn thấy ngôi nhà xưa và mồ mã cha mẹ. Sáng mai tôi lên máy bay đến phi trường Phú Bài về quê. Trên đường máy bay đến phi trường Phú Bài, tôi nghe người phi công báo cho hành khách biết máy bay đang bay qua đèo Hải Vân. Tôi nhìn xuống thấy những đám mây đang bao phủ núi Hải Vân và thấy những lượn sóng trắng trên biển cả. Hình ảnh biển làm cho tôi nhớ đến quê hương An Bằng nhiều hơn. Nôn nóng kỳ lạ. Khi máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài, lòng tôi nôn nao được gặp anh chị và các cháu. Chỉ một thời gian ngắn tôi gặp lại các anh chị và các cháu, nước mắt tự động chảy ra trên đôi má. Tôi được anh chị và các cháu đưa về căn nhà xưa, căn nhà mà cha mẹ tôi đã sống và nơi này tôi được sinh ra cũng như có nhiều kỷ niệm trong thời tuổi thơ. Khi bước vào căn nhà xưa, tôi tiến vào bàn thờ thắp hương và cầu nguyện cho cha mẹ tôi với lòng tôn kính.
Tôi nói với cha mẹ, con về thăm cha mẹ đây, cha mẹ có thấy con không. Ngày con ra đi cha mẹ còn sống, ngày con trở về thì cha mẹ không còn trong ngôi nhà này nữa. Lòng tôi xúc động trước di ảnh của cha mẹ tôi rồi những giọt nước mắt đã không còn ngăn cản được. Nước mắt chảy tuôn tràn trên đôi má. Ngày cha mẹ tôi từ giã cuộc đời này, tôi không được ở bên cạnh chăm lo cho các ngài trong lúc đau yếu, không tận mắt nhìn các ngài lần cuối trước lúc từ giã thế trần. Ôi thật, lòng đau xót vô hạn.
Tiếp đến tôi đi thăm mồ mã cha mẹ và những người thân thuộc. Tôi cảm thấy có được phần nào an ủi cho thân phận của tôi sống xa quê hương. Tôi sống xa quê hương với lòng thương nhớ đất tổ, mồ mã cha mẹ và bà con. Sự thương nhớ đó luôn có trong trái tim của tôi. Tự hứa sẽ cố gắng về thăm mồ mã của cha mẹ tôi và quê hương yêu dấu thường xuyên. Tôi luôn nhớ đến quê hương, tổ tiên và mồ mã cha mẹ bởi vì nơi này các ngài đã nằm xuống trong lòng đất yêu dấu. Nơi này tôi đã sinh ra và cũng nơi này đã đem lại bình an cho tôi và mọi thế hệ. Tôi tin tưởng Đấng Tạo Hóa đã cho tôi trở về thăm mồ mã cha mẹ, các bậc tiền nhân và những người đang còn sống tại vùng đất quê hương yêu dấu. Ngài đã chúc phúc và ban cho tất cả con dân An Bằng ở hải ngoại và trong nước một cuộc sống bình an, hạnh phúc và thành công trong các ngành nghề.
Tôi rất vui mừng vì thấy con dân An Bằng luôn có lòng hiếu thảo với tổ tiên, cùng nhau gìn giữ bảo vệ truyền thống và phát triển theo tinh thần mà ông cha đã để lại cho mọi thế hệ. Mỗi người con dân An Bằng, luôn ghi nhớ những trang sử đó và sống trong tinh thần nhớ đến công ơn các ngài. Cám ơn Đấng Tạo Hóa cho tôi được sinh ra nơi vùng đất An Bằng kính mến với những người dân hiền hòa và chất phác, luôn sống trong tinh thần hiếu thảo với Tổ Tiên, có tâm hồn đóng góp xây dựng làm đẹp cho quê hương và quảng đại giúp đỡ người khác. Tôi luôn hãnh diện mình là người con gốc An Bằng và sau khi chết tôi muốn được nằm xuống trong lòng đất quê hương dấu yêu với tổ tiên, cha mẹ, bà con thân thuộc và mọi người đồng hương tại nghĩa trang này. Xin cám ơn các vị tiền nhân và những ai đã có công sức xây dựng làm đẹp cho quê hương. Từ xưa cho đến nay quê hương chúng ta vẫn đẹp theo thời gian. Ôi quê hương mình vẫn đẹp trong trái tim của mỗi con dân An Bằng.
Cha Văn Đình Quang